Bonnie Glaser, Cố vấn cao cấp, Chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), 14/1/2014

Kính thưa Ngài Chủ tọa và thành viên của các tiểu ban, cảm ơn quý vị đã cho tôi cơ hội trình bày suy nghĩ của mình về các tranh chấp biển của Trung Quốc.

Tranh chấp về vùng biển và không gian ở phía đông bờ biển của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng trong những năm gần đây giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, cũng như giữa Trung Quốc và Mỹ. Chủ nghĩa dân tộc va cạnh tranh quyền lực là những động lực chính dẫn đến các tranh chấp này, trong đó cạnh tranh tài nguyên tuy là một yếu tố quan trọng nhưng chỉ là thứ yếu. Cách Trung Quốc xử lý các tranh chấp này được xem là một phép thử đối với các ý đồ chiến lược của Trung Quốc. Trong khi đó, cách Mỹ phản ứng đối với xu hướng ép buộc, dọa nạt và chiến thuật “tằm ăn rỗi” (salami-slicing) ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm bảo vệ các lợi ích biển của nước này được xem là thước đo chính đánh giá sự thành công của chính sách tái cân bằng của Mỹ đối với Châu Á.

Tranh chấp biển của Trung Quốc có thể xếp thành ba loại riêng biệt. Tranh chấp thứ nhất tập trung vào vấn đề chủ quyền lãnh thổ và tài nguyên ở các vùng nước kế cận và dưới đáy biển. Tranh chấp này bao gồm các thực thể đất liền ở Biển Đông (được yêu sách bởi Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan) và các vùng biển được hưởng theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Nó bao gồm cả tranh chấp ở Biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư và việc phân định biên giới biển giữa hai nước.

Loại tranh chấp thứ hai liên quan đến hoạt động của tàu hải quân nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Trung Quốc, bao gồm các hoạt động tình báo, theo dõi và trinh sát (ISR) của hải quân Mỹ dọc bờ biển Trung Quốc, chủ yếu xuất phát từ cách diễn giải khác nhau về các hoạt động được phép trong vùng EEZ, theo quy định của UNCLOS.

Loại tranh chấp thứ ba – có lẽ nói chính xác hơn là một cuộc cạnh tranh – cũng là giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng nó diễn ra trên một phạm vi rộng hơn và mang tầm chiến lược hơn, phủ rộng trên toàn bộ không gian từ chuỗi đảo thứ nhất từ các đảo của Nhật Bản ở phía đông bắc đến quần đảo Ryukyu xuống Đài Loan và Philippines ở phía đông nam. Điểm tranh cãi ở đây là việc Mỹ muốn duy trì quyền tiếp cận không bị cản trở và khả năng tự do hoạt động ở phía Tây Thái Bình Dương, trong khi Trung Quốc đang tìm cách thách thức điều này thông qua việc triển khai hệ thống vũ khí chống tiếp cận/ phong tỏa khu vực (A2/AD) dọc biên giới biển của mình.

Tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán biển là nguyên nhân chính làm căng thẳng và bất ổn gia tăng khi các quốc gia khu vực áp dụng các biện pháp ăn miếng trả miếng để khẳng định yêu sách của mình. Nguy cơ của một cuộc va chạm, với khả năng leo thang, cao nhất là giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. Mỹ có thể bị cuốn vào một cuộc xung đột Trung-Nhật do nghĩa vụ bảo vệ các lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát hành chính của Nhật trong Hiệp ước An ninh Tương hỗ Mỹ-Nhật. Tuyên bố gần đây của Trung Quốc về vùng nhận dạng phòng thủ hàng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông chồng lấn khá lớn với vùng ADIZ của Nhật và bao phủ cả các đảo tranh chấp đã làm gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra các tai nạn và tính toán sai lầm.

Trong vùng EEZ của Trung Quốc, có một nguy cơ rất rõ ràng về khả năng xảy ra va chạm ngoài ý muốn giữa lực lượng quân đội của Mỹ và Trung Quốc. Vụ đụng độ giữa máy bay chiến đấu Trung Quốc và máy bay do thám Mỹ năm 2001 gây ra cái chết của phi công Trung Quốc và tạo ra khủng hoảng chính trị Mỹ-Trung hoàn toàn có thể tái diễn. Việc Trung Quốc quấy rối tàu hải quân Mỹ như vụ USS Impeccable năm 2009 và vụ USS Cowpens năm 2013 cho thấy nguy cơ của một cuộc va chạm vũ trang. Ngay cả khi được tháo ngòi nhanh chóng, một vụ việc quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đe dọa cả khu vực và đẩy lùi những nỗ lực của cả hai nước trong việc thiết lập một mối quan hệ nước lớn kiểu mới dựa trên việc xây dựng lòng tin và khả năng dự đoán trước về quan hệ này.

Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung trong chuỗi đảo thứ nhất, dù khó có thể dẫn đến va chạm bất ngờ trong thời điểm hiện tại, nhưng nó vẫn rất đáng lo ngại bởi nó biểu trưng cho sự dịch chuyển quyền lực đang diễn ra ở khu vực. Khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc tăng lên và thách thức vị trí ưu việt của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, nhiều nước khu vực đã bắt đầu cảm thấy rất lo lắng và dễ bị tấn công hơn trước. Ngày càng xuất hiện nhiều nghi ngờ về khả năng của Mỹ trong việc tiếp tục duy trì, đảm bảo hòa bình, ổn định cho khu vực. Lo ngại về những hành động phá vỡ trật tự dựa trên luật lệ hiện hành của Trung Quốc cũng theo đó tăng nhanh.

Bài điều trần hôm nay sẽ tập trung vào các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông và tranh chấp của Trung Quốc với Mỹ về những hoạt động được phép trong vùng EEZ của một quốc gia ven biển. Để có cách đối phó hiệu quả với các tranh chấp biển liên quan đến Trung Quốc, chúng ta cần phải hiểu rõ chiến lược và quan niệm an ninh của Trung Quốc, cũng như phản ứng của khu vực đối với sự cứng rắn trên biển của Trung Quốc. Những vấn đề này sẽ được thảo luận kỹ dưới đây.

Chiến lược “tằm ăn rỗi” của Trung Quốc

Trong tất cả tranh chấp nói trên, Trung Quốc đều theo đuổi chiến thuật “tằm ăn rỗi” (salami-slicing). Thông qua việc thực hiện đều đặn, tuần tự một loạt các biện pháp nhỏ, không biện pháp nào trong số đó có thể khơi mào chiến tranh, Bắc Kinh mong muốn dần dần thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi cho mình. Ở cả Biển Đông và Biển Hoa Đông, sự xâm chiếm từng phần của Trung Quốc nhằm buộc các bên yêu sách khác không thể xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và giúp Trung Quốc đẩy mạnh các yêu sách lãnh thổ và biển của mình.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Tham khảo nguyên văn bản điều trần trên trang CSIS.

Người dịch: Minh Ngọc