01/03/2010
Đông Nam Á chắc chắc đóng một vai trò quyết định trong việc xác định rõ tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và sự tiếp tục can dự của Mỹ với khu vực này cho phép Mỹ định hình tương lai đó. Chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng sự can dự quân sự với các đồng minh và bạn bè của chúng ta ở Đông Nam Á và Trung Quốc để chứng tỏ cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, để thúc đẩy các mục đích và mục tiêu chung, và khuyến khích Trung Quốc đóng một vai trò xây dựng trong khu vực.
Lời giới thiệu
Thưa Phó Chủ tịch Bartholomew, thưa Phó chủ tịch Wortzel và các thành viên Ủy ban, xin cảm ơn các quý vị đã mời tôi có mặt trước Ủy ban ngày hôm nay để điều trần về các hoạt động có liên quan đến phòng thủ của Trung Quốc ở Đông Nam Á và những tác động đối với lợi ích của Mỹ. Đây là một vấn đề mà Bộ Quốc phòng đang chú ý theo dõi chặt chẽ và tôi rất có ấn tượng với việc ủy ban tiếp tục quan tâm đến chủ đề quan trọng này.
Đối với Chính quyền hiện nay, các quý vị sẽ nghe thấy chủ đề nhất quán rằng nước Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương về mọi mặt - địa chính trị, quân sự, ngoại giao, và kinh tế. Châu Á và Thái Bình Dương đóng một vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết những thách thức và nắm bắt các cơ hội của thế kỷ 21. Các Liên minh của chúng ta với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Thái Lan, và Philíppin vẫn là nền tảng cho sự hiện diện và can dự của chúng ta ở châu Á - Thái Bình Dương. An ninh và ổn định được tạo ra thông qua các mối quan hệ này là mang tính quyết định đối với sự thành công và phát triển của khu vực này. Những giá trị chung và những lợi ích chiến lược của chúng ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thế hệ phát triển và thịnh vượng trong một khu vực phần lớn ở trong thời bình, và chúng tiếp tục là chìa khóa để duy trì ổn định và an ninh. Chính quyền Obama cam kết tăng cường các liên minh này nhằm giải quyết những thách thức đang tồn tại cũng như đang nổi lên. Ngoài ra, chúng ta cam kết tăng cường các mối quan hệ với các bên tham gia then chốt khác. Chúng ta đang theo đuổi một cuộc đối thoại chiến lược với Ấn Độ cũng như mối quan hệ đối tác toàn diện với Inđônêxia. Chúng ta cũng đang làm việc để tăng cường các mối quan hệ đối tác của chúng ta với các đối tác mới hơn như Việt Nam cũng như đối với các đối tác lâu đời như Xinhgapo.
Tầm quan trọng địa chiến lược của Đông Nam Á
Đông Nam Á là một phần quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực này là nơi sinh sống của trên 550 triệu người, là nơi có quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, một nền kinh tế khu vực với giá trị hơn 1 nghìn tỉ USD, và các đường thủy chiến lược nhất thế giới, nơi 50% lưu lượng thương mại toàn cầu và một phần ba nguồn cung cấp dầu lửa thế giới được vận chuyển qua đây.
Đông Nam Á sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc xác định rõ ràng tương lai của khu vực, và can dự tiếp tục của Mỹ với khu vực này cho phép Mỹ định hình tương lai đó. Đây là khu vực có vai trò chủ chốt cho hòa bình và ổn định tiếp tục của toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như sự thịnh vượng kinh tế tiếp tục của Mỹ. Kim ngạch thương mại Mỹ - Đông Nam Á đạt trên 200 tỉ USD hàng năm với đầu tư của Mỹ ở khu vực này đạt hơn 100 tỉ USD. Do tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với toàn bộ sự ổn định khu vực và nền kinh tế của chúng ta, Mỹ có những lợi ích quan trọng ở khu vực này, chẳng hạn ổn định khu vực, chống chủ nghĩa khủng bố, kinh doanh, và việc tiếp tục tiếp cận những lợi ích chung toàn cầu về quyền tự do lưu thông đối với con người, hàng hóa, và thiết bị quân sự.
Tuần này, Báo cáo Quốc phòng bốn năm một đã được công bố và báo cáo này nêu bật tầm quan trọng của sự cần thiết của việc Mỹ tiếp tục tiếp cận những lợi ích chung toàn cầu. Báo cáo này tuyên bố rằng trong thế kỷ 21, “… những lợi ích chung toàn cầu sẽ có thêm tầm quan trọng. Những lợi ích chung toàn cầu là các lĩnh vực hay các khu vực không phải do một quốc gia kiểm soát mà tất cả các nước đều phải dựa vào đó. Chúng tạo thành một chuỗi hệ thống quốc tế gắn liền với nhau. An ninh và thịnh vượng toàn cầu là phụ thuộc vào luồng hàng hóa tự do được vận chuyển bằng đường hàng không hoặc đường biển, cũng như thông tin được truyền dưới đại dương …” Chúng ta tin rằng Đông Nam Á, là một phần quyết định của những lợi ích chung đó, sẽ là một khu vực nơi sự tiếp cận này có thể được thử nghiệm do bản chất quyết định của các tuyến đường giao thông trên biển chạy qua khu vực này và ảnh hưởng đến rất nhiều quốc gia.
Các hoạt động của Trung Quốc ở Đông Nam Á
Trong khi Mỹ tiếp tục theo đuổi một chiến lược can dự mạnh mẽ với các nước trong khu vực nhằm đảm bảo việc bảo vệ lợi ích của chúng ta, chúng ta thừa nhận rằng chúng ta không phải là cường quốc duy nhất đánh giá được những lợi ích chiến lược đạt được từ các mối quan hệ an ninh mạnh mẽ với các quốc gia Đông Nam Á, do khu vực này nằm giữa một Trung Quốc đang trỗi dậy và một Ấn Độ đang nổi lên. Trong nhóm các cường quốc khác đang can dự tích cực ở Đông Nam Á - Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, và thậm chí cả Nga - Trung Quốc trong những năm gần đây đã đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, kinh tế và quân sự trong khu vực - phù hợp với chiến lược “vươn ra ngoài” của nước này nhằm thúc đẩy và bảo vệ những lợi ích và ảnh hưởng trong khu vực của nước này.
Việc Trung Quốc là một bên tham gia chiến lược ở Đông Nam Á không phải là điều mới - Bắc Kinh lâu nay đã đặt ưu tiên vào các mối quan hệ của mình với các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời coi khu vực này có tầm quan trọng chủ chốt đối với sự ổn định của các đường biên giới tây nam của nước này, là một thị trường đối với hàng hóa xuất khẩu, và là nguồn cung cấp các nguyên liệu thô mang tính quyết định. Trong suốt thế kỷ 19 và 20, Trung Quốc đã rút khỏi ưu thế lịch sử khu vực của mình, nhưng dường như sẵn sàng tìm cách giành lại ưu thế đó trong thế kỷ 21. Để tạo dựng ảnh hưởng của mình và đảm bảo việc tiếp cận, Trung Quốc đang theo đuổi việc xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ song phương mạnh mẽ được hỗ trợ bởi sự can dự rộng rãi hơn với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các quốc gia thành viên của tổ chức này. Theo quan điểm của Trung Quốc, sự can dự đa tầng ngăn chặn sự liên kết của các quốc gia đi ngược lại lợi ích của nước này, tạo ra các phương tiện để tiếp cận ưu đãi trên cơ sở song phương, và thúc đẩy hình ảnh mà nước này muốn tạo dựng phù hợp với chủ đề tìm kiếm một “thế giới hài hòa". Tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với sự tiếp tục phát triển kinh tế của Trung Quốc đã trở nên lớn hơn khi nền kinh tế của nước này tăng trưởng vì các nguồn tài nguyên mà Trung Quốc cần để duy trì sự tăng trưởng, an ninh và ổn định của nước này đều đi qua khu vực này.
Trung Quốc đang phát triển các mối quan hệ này bằng cách sử dụng tất cả các yếu tố của sức mạnh quốc gia của mình - ngoại giao, kinh tế, văn hóa, quân sự và thông tin - và việc triển khai các công cụ này dường như phần lớn phù hợp với lợi ích lâu dài đã được tuyên bố của nước này, bao gồm việc thiết lập và duy trì ảnh hưởng trong khu vực, bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền của nước này, và sử dụng tác dụng đòn bẩy để tiếp cận trong khu vực với các thị trường, các nguồn tài nguyên, và đảm bảo các tuyến đường quá cảnh ở trên đất liền lẫn trên biển.
Trong Bộ Quốc phòng, chúng tôi đặc biệt chú ý đến các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm sự hiện diện, viện trợ an ninh và những can dự giữa quân đội các nước. Những xu hướng gần đây về mặt này bao gồm:
- Tăng cường số lượng và tần suất của các chuyến thăm viếng lẫn nhau của các bộ trưởng quốc phòng và các tham mưu trưởng của Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á;
- Ký kết một số hiệp định trong khuôn khổ quốc phòng rộng lớn, song phương với Thái Lan, Philíppin, Malaixia, và Việt Nam ;
- Quan sát các cuộc tập trận khu vực, trong đó có các cuộc tập trận mà chúng ta đã mời họ tới quan sát, như cuộc tập trận Hổ mang Vàng.
- Tham gia các cuộc tập trận song phương với Thái Lan và Xinhgapo, cũng như tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển với Việt Nam .
- Tạo thêm cơ hội cho các đại diện quân sự của các nước Đông Nam Á tham dự các chương trình giáo dục quân sự của Trung Quốc; và
- Bán thiết bị quân sự cho các quốc gia có lựa chọn trong khu vực.
Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều đón nhận sự can dự phòng thủ của Trung Quốc - đặc biệt ở các khu vực phù hợp với lợi ích an ninh riêng của họ, đặc biệt khi nó có liên quan đến viện trợ an ninh và trao đổi đào tạo - và coi các mối quan hệ quốc phòng là sự bổ sung tự nhiên cho sự can dự kinh tế và ngoại giao đang gia tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu so sánh thì các mối quan hệ quốc phòng vẫn ở mức tương đối khiêm tốn và Trung Quốc còn lâu mới trở thành đối tác an ninh được lựa chọn đối với khu vực nói chung. Chúng ta giám sát chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc và lưu ý rằng các chính sách viện trợ "vô điều kiện" của nước này - bao gồm vũ khí và thiết bị quân sự - có thể thường xuyên phục vụ cho các mục đích không phù hợp với lợi ích riêng của chúng ta khi chúng ta tìm cách thúc đẩy sự ổn định, quản trị tốt, pháp trị, và tôn trọng nhân quyền. Tuy nhiên, chúng ta không coi sự can dự của Trung Quốc trong khu vực là một trò chơi được - mất ngang nhau. Trong phạm vi mà chúng ta có thể, chúng ta đang khuyến khích Trung Quốc tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc phân phối những hàng hóa mà mọi người đều có quyền sử dụng. Ở đây chúng ta nhận thấy tiềm năng to lớn để Trung Quốc phát huy những khả năng đang gia tăng của mình trong việc góp phần tìm kiếm các giải pháp chung cho các vấn đề chung, đặc biệt trong các khu vực có các mối đe dọa phi truyền thống và liên quốc gia như chống cướp biển, không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống ma túy, viện trợ nhân đạo, và cứu trợ thảm họa. Hơn nữa, Trung Quốc càng can dự nhiều hơn trong khu vực, càng không ngăn cản được Mỹ làm nhiều hơn - và chúng ta đang làm như vậy. Trên thực tế, mặc dù Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện, nhận thức của khu vực đối với tầm quan trọng của sự hiện diện tích cực làm ổn định của Mỹ vẫn mạnh mẽ, và đã gia tăng ở một số khu vực. Những xu hướng này thực sự tạo thuận lợi cho các mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ vì các quốc gia Đông Nam Á mong muốn một sự hiện diện tích cực và can dự của Mỹ trong khu vực để làm đối trọng với Trung Quốc. Các quốc gia Đông Nam Á đánh giá cao sự can dự của Mỹ vì nó xuất phát từ một quốc gia không gắn trực tiếp với bất cứ đường biên giới nào của họ, không có các tuyên bố chủ quyền nào, và có lịch sử lâu dài đang có và ủng hộ những lợi ích chung.
Vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)
Một lĩnh vực mà Trung Quốc có lập trường kiên định hơn là trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp dai dẳng về lãnh thổ và lãnh hải ở Đông Nam Á và Biển Nam Trung Hoa. Trong những năm gần đây, chúng ta đã nhận thấy sự gia tăng xung đột và căng thẳng đối với các cuộc tranh chấp, xung đột này trái ngược với sự chú trọng tương đối mang tính hòa bình và hợp tác vào các giải pháp ngoại giao đặc trưng cho vấn đề này tiếp theo Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông ASEAN - Trung Quốc năm 2002 mang tính cột mốc. Nguồn gốc của những xung đột đang gia tăng là rất đa dạng:
- Nhu cầu gia tăng về dầu lửa và khí đốt tự nhiên đương nhiên làm tăng những lợi ích rõ ràng giữa các quốc gia tuyên bố chủ quyền trong việc đảm bảo các quyền về tài nguyên.
- Thời hạn chót về việc nộp báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
- Chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên, làm tăng sự nhạy cảm giữa các chính phủ và các dân tộc về việc rõ ràng bất chấp và vi phạm luật lệ có liên quan đến lãnh thổ và chủ quyền; và
- Những khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, đã trở thành một nhân tố ảnh hưởng đến giọng điệu của cuộc đối thoại về những tranh chấp lãnh hải khu vực.
Bộ Quốc phòng xem xét hành vi ứng xử của Trung Quốc ở Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và rộng hơn là ở khu vực Biển Nam Trung Hoa - một phần lớn trong đó Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền - vì có hai lý do cơ bản.
Thứ nhất, có một vấn đề chiến lược về sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Nam Trung Hoa. Điều này được thể hiện chủ yếu trên các mặt trận chính trị và kinh tế, và Trung Quốc phản đối mạnh mẽ bất cứ hoạt động nào của các nước tuyên bố chủ quyền khác nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền riêng của họ. Việt Nam, Đài Loan, Philíppin, Malaixia, Inđônêxia và Brunây đều tuyên bố chủ quyền về lãnh hải của họ trong Biển Nam Trung Hoa; nhiều tuyên bố trong số đó trái ngược với nhau, đáng lưu ý là ở các khu vực xung quanh hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Thứ hai, để hỗ trợ cho sự chú trọng chiến lược và chính trị ngày càng tăng ở khu vực này, Trung Quốc đã tăng cường và sẽ tiếp tục tăng cường tư thế sức mạnh của mình ở Biển Nam Trung Hoa. Chẳng hạn, khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã nâng cấp các cơ sở của mình trên đảo Hải Nam, chúng ta nhận thấy sự tương quan trực tiếp với thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong phản ứng của nước này đối với hoạt động của Mỹ trên biển và trên không.
Việc hiểu được lý do chiến lược không có nghĩa là Bộ Quốc phòng Mỹ chấp nhận cách thức theo đó Trung Quốc đã tự khẳng định mình trong khu vực này. Chúng ta phản đối mạnh mẽ thái độ ứng xử gây nguy hiểm cho sự an toàn của các tàu thuyền của chúng ta và vi phạm rõ ràng các chuẩn mực ứng xử quốc tế ở các vùng đại dương bên ngoài lãnh hải chủ quyền . Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các kênh sẵn có để thông báo về lập trường này cho các bên tương quan PLA. Hai bên đã triệu tập một Cuộc họp Đặc biệt theo các điều khoản của Thỏa thuận Tham vấn Hải quân (MMCA-1998) vào tháng 8/2009 để xem xét cách thức thúc đẩy tiến trình MMCA, cải thiện thông tin liên lạc và giảm bớt những nguy cơ xảy ra sự cố hoặc tai nạn giữa các lực lượng quân đội hai nước khi hai bên hoạt động gần nhau.
Hơn nữa, chúng ta phản đối nỗ lực của bất cứ quốc gia nào nhằm đưa ra những hạn chế đối với việc thực hiện các quyền tự do đi lại ở các vùng biển sâu trong một vùng EEZ. Đây là lập trường của Mỹ từ năm 1982 khi Công ước LHQ về Luật Biển được ban hành, rằng các quyền hạn và các quyền tự do đi lại có thể áp dụng trong vùng EEZ là tương đồng cả về chất lượng lẫn số lượng với các quyền hạn và quyền tự do được áp dụng ở các vùng biển sâu. Chúng ta lưu ý rằng gần 40% đại dương trên thế giới nằm trong các EEZ trong vùng 200 hải lý , và điều chủ yếu đối với nền kinh tế toàn cầu và hòa bình và an ninh quốc tế là các quyền hạn và quyền tự do lưu thông trong vùng EEZ phải được khẳng định mạnh mẽ và được duy trì.
Hoạt động quân sự của chúng ta ở khu vực này là thông lệ và phù hợp với luật pháp quốc tế thông thường như đã được phản ánh trong Công ước LHQ về Luật biển năm 1982. Chúng ta nhắc lại một cách nhất quán chính sách cơ bản của chúng ta đối với những tuyên bố chủ quyền tranh giành ở biển Nam Trung Hoa rằng Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ và ủng hộ một giải pháp hòa bình bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải.
Sự can dự của Mỹ ở Đông Nam Á
Để hỗ trợ các mục tiêu chiến lược của chúng ta, chính phủ Mỹ đã tìm cách can dự nhiều hơn khắp Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn hơn thông qua một đường hướng toàn chính phủ. Bộ Quốc phòng đã bắt đầu thực hiện một chiến lược đa phương bao gồm:
1- Chứng tỏ một cách rõ ràng, thông qua lời nói và hành động, rằng các lực lượng của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục sự hiện diện và với tư thế là lực lượng quân sự vượt trội trong khu vực;
2- Những khẳng định thận trọng và mang tính xác định về quyền tự do lưu thông của tàu Hải quân Mỹ;
3- Xây dựng các mối quan hệ an ninh mạnh mẽ hơn với các đối tác trong khu vực, ở cả mức độ chính sách thông qua các cuộc đối thoại chiến lược lẫn mức độ hoạt động thông qua các cuộc trao đổi quân sự, tập trận và huấn luyện; và
4- Tích cực tham gia các diễn đàn đa quốc gia giải quyết các vấn đề an ninh như Diễn đàn khu vực ASEAN.
Nhằm mục tiêu này, chúng ta đã gắn kết sự hiện diện quân sự của chúng ta ở Đông Bắc Á và khu vực Trung và Tây Thái Bình Dương với việc chú trọng vào việc mở rộng và làm sâu sắc hơn hoạt động ngoại giao quốc phòng của chúng ta và các chương trình xây dựng năng lực ở Đông Nam Á như là những nỗ lực quan trọng nhằm tăng cường vị thế "cường quốc khu vực" của chúng ta trong khu vực và giải quyết có hiệu quả hơn những thách thức an ninh phổ biến của khu vực. Chúng ta thừa nhận rằng những thách thức mà khu vực này phải đối mặt không thể đơn thuần được giải quyết bởi một, hay thậm chí hai quốc gia, cho dù nước đó giàu có hay hùng mạnh đến mức nào.
Việc chúng ta tiếp tục can dự với Thái Lan và Philíppin, hai đồng minh hiệp ước của chúng ta ở Đông Nam Á, và các đối tác trong khu vực đã giúp tăng cường và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ an ninh của chúng ta. Năm 2008, chúng ta đã kỷ niệm 175 năm quan hệ Mỹ - Thái, và chúng ta mong muốn tiếp tục xây dựng liên minh này với việc mở rộng hợp tác trong những năm tới. Liên minh của chúng ta với Philíppin đã trở nên sâu sắc hơn khi chúng ta giải quyết những thách thức từ chủ nghĩa khủng bố đến cứu trợ thảm họa cho tới cải cách quốc phòng. Chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đến Manila năm 2009 đã củng cố thêm mối quan hệ này. Và, khi chúng ta phối hợp với các đối tác của chúng ta trong khu vực, Bộ Quốc phòng mong muốn tăng cường mối quan hệ quốc phòng với Inđônêxia khi chúng ta xây dựng một mối quan hệ đối tác toàn diện mới. Quan hệ đối tác của chúng ta với Xinhgapo vẫn mạnh mẽ và là một phần then chốt của việc chúng ta duy trì sự hiện diện của mình trong khu vực.
Chúng ta gần đây đã thiết lập các cuộc đối thoại chính sách quốc phòng cấp cao với Việt Nam, Campuchia và Malaixia và các cuộc đối thoại này bổ sung cho các cơ chế tham vấn vốn đã mạnh mẽ của chúng ta với Philíppin, Xinhgapo, Thái Lan và Inđônêxia. Thông qua một loạt hoạt động hợp tác an ninh từ các cuộc hội thảo cho đến các cuộc tập trận đa phương, chúng ta cũng đang góp phần giúp các quốc gia trong khu vực vượt qua những rào cản lịch sử và văn hóa lâu đời cản trở sự hợp tác an ninh đa phương.
Một trong những lĩnh vực trong đó chúng ta can dự nhiều nhất là an ninh-hàng hải - và những nỗ lực chống cướp biển và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với một số đồng minh và quốc gia - Inđônêxia, Malaixia và Philíppin - để tiến hành huấn luyện và trang bị, từ rađa cho đến máy bay tuần tra , tạo điều kiện cho những nước này khẳng định sự kiểm soát đối với các đường thủy đã được sử dụng bởi những kẻ buôn lậu ma túy, buôn lậu vũ khí, và các phần tử khủng bố. Mỹ cũng đã cung cấp viện trợ góp phần giúp các quốc gia phối hợp với nhau: chẳng hạn Inđônêxia, Malaixia, Xinhgapo, Philíppin, và các nước khác đảm bảo an ninh và cải thiện các tuyến đường quá cảnh trong khu vực.
Sự can dự Mỹ - Trung và tác động của nó đối với Đông Nam Á
Đường hướng của chúng ta đối với sự can dự gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á là phần thiết yếu không những của sự can dự của chúng ta với Đông Nam Á, mà còn đối với toàn bộ đường hướng của chúng ta đối với các quan hệ song phương Mỹ - Trung. Theo quan điểm của chúng tôi, chúng tôi tin rằng sự phức tạp của môi trường an ninh, cả ở khu vực Đông Nam Á lẫn trên toàn cầu, đòi hỏi một cuộc đối thoại tiếp tục giữa các lực lượng vũ trang của Mỹ và Trung Quốc, ở tất cả các cấp, để mở rộng sự hợp tác thực tế ở nơi những lợi ích quốc gia của hai nước hội tụ và để thảo luận một cách thẳng thắn về các lĩnh vực mà hai nước có những bất đồng. Bằng cách theo đuổi đường hướng này, quân đội Mỹ và quân đội nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ ở vào một vị trí tốt hơn để nắm bắt các cơ hội hợp tác, cải thiện các cơ cấu thông tin của chúng ta, và giảm nguy cơ xảy ra các sự cố hay tai nạn giữa lực lượng quân sự của chúng ta khi các lực lượng đó hoạt động gần nhau.
Hiện tại, những lợi ích chiến lược của Oasinhtơn và Bắc Kinh về cơ bản không xung đột nhau ở khu vực Đông Nam Á. Chúng ta vừa tìm kiếm sự ổn định khu vực vừa muốn khuyến khích sự phát triển, ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan, và can dự về kinh tế nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi về ý định trong tương lai của Trung Quốc ở Đông Nam Á, và sự sẵn sàng của nước này trong việc tỏ ra công khai minh bạch và mở cửa, cũng như trong việc theo đuổi các hoạt động hỗ trợ và tăng cường các hệ thống chính trị, kinh tế, và an ninh quốc tế.
Như Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố, "chúng ta không thể dự đoán chắc chắn tương lai sẽ mang lại những gì, nhưng chúng ta có thể chắc chắn về các vấn đề sẽ xác định rõ thời đại của chúng ta". Sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các vấn đề kinh tế và an ninh mang tính khu vực và toàn cầu đã trở thành một trong những vấn đề rõ ràng đó. Quả thực, Trung Quốc đã đạt được sự tiến bộ đáng kể trong 30 năm qua về việc nâng cao thu nhập quốc gia và đạt mức sống cao hơn cho người dân Trung Quốc. Chúng ta tôn trọng và hoan nghênh thành tựu có tầm quan trọng lịch sử này. Mỹ đã làm nhiều việc để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và thịnh vượng của Trung Quốc thông qua sự can dự của nước này với cộng đồng quốc tế. Mỹ hoan nghênh một nước Trung Quốc hùng mạnh, thịnh vượng, và thành công đóng một vai trò lớn hơn và có trách nhiệm hơn trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, đồng thời, chúng ta đã và đang theo dõi sát sao vì Trung Quốc cũng đã bắt đầu một nỗ lực toàn diện nhằm biến khả năng kinh tế của nước này thành sức mạnh quân sự và ảnh hưởng ở Đông Nam Á và những nơi khác.
Với việc cả Mỹ lẫn Trung Quốc tăng cường can dự an ninh ở Đông Nam Á, việc thúc đẩy sự mở cửa và công khai minh bạch hơn thậm chí có tầm quan trọng hơn. Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác trong chính phủ Mỹ đang đầu tư vào một loạt rộng rãi các cơ cấu đối thoại và tham vấn với Trung Quốc, như Đối thoại Chiến lược và Kinh tế do Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính chỉ đạo, một chương trình tăng cường trao đổi giữa quân đội hai nước, các cuộc đàm phán tham vấn quốc phòng của Bộ Quốc phòng , và tiến trình MMCA mạnh mẽ hơn, đã được đề cập ở phần trên, nhằm xử lý các vấn đề an toàn hàng hải giữa các lực lượng vũ trang hai nước.
Trung Quốc là một cường quốc trỗi dậy đang tìm kiếm một chỗ đứng lớn hơn trên thế giới và một quân đội hùng mạnh hơn là một phần của vai trò lớn hơn đó. Khi vai trò quốc tế của Trung Quốc được mở rộng, và sự can dự quân sự của nước này ở Đông Nam Á tăng lên, quân đội của hai nước sẽ ngày càng thấy đang hoạt động trong cùng một không gian. Chúng ta cần có các kênh liên lạc ổn định và đáng tin cậy để đảm bảo rằng Trung Quốc hiểu rõ những lợi ích của chúng ta và không tìm cách thách thức những lợi ích đó bằng quân sự. Khi chúng ta hoan nghênh vai trò gia tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á trong việc theo đuổi các mục tiêu quốc gia riêng của nước này, chúng ta muốn đảm bảo rằng nước này làm như vậy theo các cách không trái với các chuẩn mực quốc tế hoặc các lợi ích của các quốc gia ở Đông Nam Á.
Kết luận
Đông Nam Á chắc chắc đóng một vai trò quyết định trong việc xác định rõ tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và sự tiếp tục can dự của Mỹ với khu vực này cho phép Mỹ định hình tương lai đó. Chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng sự can dự quân sự với các đồng minh và bạn bè của chúng ta ở Đông Nam Á và Trung Quốc để chứng tỏ cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, để thúc đẩy các mục đích và mục tiêu chung, và khuyến khích Trung Quốc đóng một vai trò xây dựng trong khu vực. Nhưng, chúng ta cũng sẽ duy trì sự hiện diện của chúng ta và các liên minh của chúng ta ở châu Á, phát triển các năng lực của chúng ta, và tỏ rõ quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì hòa bình và ổn định. Mỹ đã có sự lựa chọn nhất quán trong nhiều thập kỷ qua rằng các lợi ích của chúng ta nằm trong sự can dự mang tính xây dựng với Trung Quốc, được kết hợp với một mạng lưới liên minh và các quan hệ đối tác hùng mạnh trong khu vực. Chúng ta tin tưởng rằng thông qua đường hướng này, chúng ta sẽ tiếp tục phục vụ cho lợi ích của chúng ta và những lợi ích của các đồng minh và bạn bè của chúng ta trong khắp khu vực.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...