26/01/2010
Tranh chấp lãnh hải và các vấn đề về chủ quyền ở Châu Á
Thưa Thượng nghị sĩ Webb và các thành viên khác của Tiểu ban phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, xin trân trọng cám ơn các vị vì đã dành cho tôi cơ hội trình bày trước Tiểu ban một số vấn đề tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, những vấn đề có tính chất quyết định đối với hoà bình, ổn định và phát triển bền vững tại một khu vực trên thế giới vốn được coi là có vai trò vô cùng quan trọng đối với Hoa Kỳ. Với những lý do mà các vị đã đề cập đến trong giấy triệu tập tôi tới phiên điều trần này, việc Trung Quốc đơn phương khẳng định quyền về lãnh hải trái với các nguyên tắc trong Luật Biển, đồng thời, việc quốc gia này sẵn sàng dùng vũ lực và những lời đe doạ để đạt được mục tiêu của mình hiện đang gây ra những mối quan ngại vô cùng nghiêm trọng tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.
Thái độ của chính quyền Trung Quốc đã trực tiếp đe doạ các quyền lợi hợp pháp của Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á, bao gồm quyền tự do hàng hải, quyền khai thác các mỏ dầu và khí đốt trữ lượng cao, cũng như sự phát triển bền vững và hợp tác về các nguồn lực biển khác, các khu vực đánh bắt, và cửa sông. Hậu quả mà thái độ của chính quyền Trung Quốc đã gây ra tại vùng Biển Nam Trung Hoa nói riêng là mối đe dọa đối với nền hoà bình và ổn định trong khu vực, tới phát triển kinh tế, tới các hình thức sinh kế truyền thống và tới an ninh lương thực.
Hành vi của chính quyền Trung Quốc tại khu vực Biển Nam Trung Hoa đi theo khuôn mẫucủa những vấn đề tranh cãi với Nhật Bản và tranh chấp hiện sắp kết thúc của Trung Quốc với Bắc và Nam Triều Tiên, đồng thời gây ra mối bất đồng lớn về việc khai thác nguồn năng lượng thuỷ điện tiềm tàng tại khu vực sông Mêkông mà không thèm đếm xỉa tới quyền lợi của hơn 60 triệu người tại 5 quốc gia ở hạ lưu của con sông này - những người mà đối với họ, dòng sông Mêkông chính là nguồn sinh kế và cung cấp lương thực. Tôi rất muốn trình bày những vấn đề này nếu các vị có yêu cầu nhưng trước hết tôi muốn tập trung nói về vấn đề Biển Nam Trung Hoa.
Tôi muốn nhấn mạnh ngay từ đầu rằng nước Mỹ không đứng về bên nào trong mọi tranh chấp lãnh thổ ở Châu Á, nhưng có một số quốc gia đồng minh và các quốc gia thân Mỹ khác thì có, và chúng ta có quyền lợi quan trọng trong những vấn đề này. Những quyền lợi này bao gồm cả các lợi ích căn bản nhất như hoà bình và ổn định trong khu vực, quyền qua lại vô hại của tàu chiến Mỹ và những lợi ích thương mại lớn trong hoạt động đầu tư và ngoại thương tại khu vực này. Việc Trung Quốc không tuân thủ các nguyên tắc quốc tế đã được công nhận còn được thể hiện đối với vấn đề không phận, và đã góp phần tạo ra vụ va chạm trên không năm 2001 giữa máy bay trinh sát Hoa Kỳ với máy bay chiến đấu Trung Quốc, và vụ hạ cánh khẩn cấp của máy bay Hoa Kỳ tại đảo Hải nam.
Ở cấp độ toàn cầu, chúng ta rất quan tâm đến khu vực Biển Nam Trung Hoa về các vấn đề như việc biến đổi khí hậu và việc nóng lên của trái đất, về hoạt động hợp tác khai thác bền vững về môi trường đối với trữ lượng cá di trú và việc bảo vệ những dải san hô ngầm. Đối với các tranh chấp lãnh hải, trước tiên tôi sẽ trình bày cái gọi là “những lợi ích an ninh phi truyền thống” (NTS), ví dụ như ảnh hưởng của các tranh chấp này tới phát triển kinh tế, an ninh lương thực, sinh kế và lợi ích kinh doanh của người Mỹ tại Biển Nam Trung Hoa và tại hải phận gần kề khu vực Đông Nam Á.
Ảnh hưởng của Luật Công ước Biển năm 1994
Tầm quan trọng và tính chất khốc liệt của các tuyên bố trái ngược nhau đối với những vùng lãnh thổ đang tranh chấp ngày càng trở nên lớn hơn kể từ khi Liên hiệp quốc thông qua Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1994 (UNCLOS), bộ Luật Biển đã quy định mỗi nước có 200 dặm hải lý tính từ bờ biển của nước mình trở ra cho các khu đặc quyền kinh tế (EEZ). Công ước này cũng trao cho các quốc gia quyền tự do sử dụng các nguồn lực biển tại thềm lục địa của mỗi quốc gia - được quy định là 350 dặm hải lý kể từ đường “cơ sở” (được hiểu chung là mực nước thấp trung bình tại thềm lục địa) và 2.500 mét sâu.
Hoa Kỳ đóng vai trò đầu tàu trong việc soạn thảo Hiệp ước Luật Biển và đã ký kết tất cả các điều khoản trong Hiệp ước này, ngoại trừ phần 11 liên quan đến các nguồn lực ở khu vực nước sâu và một số vấn đề bất đồng khác. Nhìn chung, Hoa Kỳ chấp nhận những điều khoản quan trọng nhất của Công ước nhưng chưa phê chuẩn Công ước này do có quan điểm khác với những điều khoản được quy định trong Phần 11.
Căng thẳng gia tăng về các xung đột lãnh thổ có nguyên nhân sâu xa từ các nguồn lực dưới đáy biển như dầu mỏ, khí đốt và vùng đánh bắt cá. Các nguồn năng lượng ngày càng trở nên quý báu và dễ khai thác nhờ vào các tiến bộ công nghệ trong hoạt động khoan thăm dò và các hoạt động có liên quan khác. Việc trữ lượng cá suy giảm nhanh chóng kéo theo hiện tượng giá cả gia tăng đang đe doạ an ninh lương thực ở một vài quốc gia và khiến cho việc xác định vùng đánh bắt cá trở thành nguyên nhân gây ra những xung đột hiện nay.
Hầu hết các tranh chấp lãnh thổ trở nên căng thẳng hơn vào thời điểm này do UNCLOS yêu cầu các quốc gia đệ trình các tuyên bố chính thức về chủ quyền lãnh hải muộn nhất là vào ngày 13 tháng Năm năm 2009. Nhiều quốc gia đã chính thức phản đối tuyên bố lãnh hải của các quốc gia khác, nhất là tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện hữu trong mọi tranh chấp tại Biển Nam Trung hoa và Sông Mêkông
Chính quyền Bắc Kinh đang liên tục khẳng định chủ quyền của mình tại hầu hết vùng biển Nam Trung Hoa và đã có nhiều hành vi sử dụng vũ lực để củng cố cho tuyên bố của mình. Năm 1974, Trung Quốc đã lợi dụng thất bại của chính quyền miền Nam Việt Nam để tấn công các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa vốn là nơi đóng quân của quân đội miền Nam Việt Nam. Chính phủ Việt Nam thống nhất tiếp tục bảo lưu các tuyên bố về lãnh hải của chính quyền Sài gòn cũ. Năm 1998, hơn 70 thuỷ thủ Việt Nam đã hy sinh trong vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam gần dải đá ngầm Johnson thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988. Vụ đụng độ năm 1995 tại quần đảo Trường Sa bắt nguồn từ việc Trung Quốc chiếm đóng các dải đá ngầm nhỏ trong 130 dặm hải lý tính từ địa phận Philippine - trong khi Philippine được quốc tế công nhận là một khu đặc quyền kinh tế - và 620 dặm tính từ lãnh thổ Trung Quốc.
Vụ đụng độ năm 1995 tại dải đá ngầm Mischief đã gây ra hàng loạt các động thái phản ứng của các nước ASEAN và có lẽ đã gây nhiều ngạc nhiên cho chính quyền Trung Quốc. Trung Quốc buộc phải đưa ra đề xuất hợp tác phát triển các nguồn lực dưới biển cho đến khi vấn đề được giải quyết. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc vẫn kiên quyết từ chối ngồi vào bàn đám phán đa phương trọng yếu và đã sử dụng sức mạnh với địa vị của một nước lớn để đơn phương thực hiện các tuyên bố lãnh hải của mình.
Các động thái quyết liệt nhất được chính quyền Trung Quốc triển khai ở Vịnh Bắc Bộ và tại các khu vực quanh vùng biển Nam Trung Hoa, những nơi Trung Quốc đang liên tục có các hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt tại các khu vực theo lịch sử và theo các quy định của UNCLOS thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Tàu Trung Quốc cũng ngăn chặn bằng vũ lực không cho tàu đánh cá của Việt Nam và của các quốc gia láng giềng khác hoạt động trong các vùng biển mà Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Hiện nay, Trung Quốc đang trực tiếp thách thức lực lượng Hải quân của Hoa Kỳ. Vào tháng Ba năm 2009, năm tàu nhỏ của Trung Quốc đã cản trở hoạt động của tàu tuần tiễu Impeccable thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ tại khu vực chừng 75 dặm từ bờ biển đảo Hải Nam Trung Quốc. Trung Quốc đã buộc tội tàu Impeccable xâm phạm khu đặc quyền kinh tế của họ thông qua hoạt động tuần tiễu trên biển. Ngay cả khi tàu tuần tiễu Hoa Kỳ hướng vòi rồng về phía các tàu Trung Quốc thì những tàu này vẫn tiếp tục di chuyển lên phía trước. Trung Quốc cũng đe doạ gửi các tàu tuần tra có vũ trang để bảo vệ các tàu nhỏ quấy nhiễu tàuMỹ và củng cố thêm cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các tranh cãi khác tại khu vực biển Nam Trung Hoa
Một số tranh cãi khác vẫn chưa được giải quyết bao gồm tranh cãi giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nhiều tranh cãi trong số này liên quan tới cả các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ lẫn lãnh hải. Một vài tranh chấp trong số đó tỏ ra căng thẳng hơn cả, bao gồm:
• Tranh chấp giữa Thái Lan và Cămpuchia nổ ra mới đây về chủ quyền đối với ngôi đền Preah Vihear tại ngọn núi nằm trên đường biên giới chung và tranh chấp về đường biên giới lãnh hải. Tranh chấp đền Preah Vihear nóng lên tại cả hai quốc gia do Cămpuchia đơn phương bày tỏ ý định đưa di tích này vào danh sách các di sản thế giới. Quân đội của hai quốc gia đều đã tham gia vào các cuộc đụng độ có vũ trang. Tranh chấp trên biển giữa hai quốc gia này có nguyên nhân từ việc cả hai nước đều cùng tuyên bố chủ quyền đối với các nguồn lực dầu mỏ và khí đốt mà tập đoàn Chevron và ConocoPhillips, bên cạnh các tập đoàn khác, đang tìm cách khai thác. Cách thức giải quyết vấn đề này của chính quyền Thái Lan trước đây đã góp phần gây ra rối ren về chính trị tại Thái Lan hiện nay.
• Thái Lan và Việt Nam cũng có những tuyên bố trái ngược nhau tại một số khu vực thuộc Vịnh Thái Lan, nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt rất dồi dào. Vịnh Thái Lan là khu vực đặc biệt khó phác hoạ biên giới lãnh hải do thuộc chủ quyền lãnh hải của bốn quốc gia là Campuchia, Thái Lan, Malaixia và Việt Nam. Không thể vẽ đường lãnh hải sao cho mỗi quốc gia được hưởng 200 dặm khu đặc quyền kinh tế. Chính quyền Cămpuchia bày tỏ thái độ phản đối thoả thuận dàn xếp giữa Thái Lan và Việt Nam.
• Malaixia (ở Borneo) cũng tuyên bố chủ quyền một phần biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam, Thái Lan, Philippine và Trung Quốc đều đã có tuyên bố chủ quyền. Một bản đệ trình chung giữa Thái Lan và Malaixia được trình lên UNCLOS vào đầu năm nay đã châm ngòi cho phản ứng tức giận của Trung Quốc, và một tuyên bố ngược lại của chính quyền Trung hoa, tuy nhiên tuyên bố này không có căn cứ khi tham chiếu tới các quy định trong Luật Biển.
Ảnh hưởng của thái độ của Trung Quốc tới khả năng cho các công ty Hoa Kỳ có thể hoạt động tại các khu vực tranh chấp
Cho đến nay, thái độ của Trung Quốc chủ yếu tác động trực tiếp và gián tiếp tới cơ hội của các công ty đa quốc gia của Mỹ đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác và thăm dò dầu mỏ và khí đốt tại các mỏ dầu và khí đốt mà Việt Nam và các quốc gia khác đã cho phép họ khai thác. Các hoạt động này còn bao gồm hoạt động trực tiếp của các công ty đa quốc gia Mỹ và các liên doanh với các công ty quốc gia và đa quốc gia khác trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt tại Đông Nam Á. Nhiều báo cáo phàn nàn rằng Trung Quốc đã tuyên bố với các công ty đa quốc gia của Mỹ và của các quốc gia khác rằng nếu họ muốn làm ăn với Trung Quốc thì họ không được khoan thăm dò và khai thác tại khu vực Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam đã tuyên bố có chủ quyền.
Sản lượng khai thác dầu mỏ và khí đốt của Việt Nam thời gian qua đã chững lại và sẽ không tăng lên nếu không có sự tham gia của các công ty đa quốc gia. Nếu Việt Nam và Trung Quốc không đi tới được một thoả thuận nào đó, thì Việt Nam ít có cơ hội khai thác được nguồn dầu mỏ và khí đốt tiềm tàng đầy hứa hẹn tại khu vực ngoài khơi thềm lục địa của mình.Chính quyền Bắc Kinh đã tỏ ra cao tay hơn và có thể gây áp lực đối với các công ty dầu mỏ đa quốc gia đang hoạt động ở Trung Quốc để những công ty này ngừng các hoạt động tìm kiếm và thăm dò theo các hợp đồng có giá trị mà Việt Nam đưa ra.
Vì những lý do có thể hiểu được, các công ty năng lượng đa quốc gia của Hoa Kỳ không muốn công khai những vấn đề mà thái độ của chính quyền Trung Quốc gây ra đối với các tuyên bố chủ quyền còn đang tranh cãi, nhưng những báo cáo về thái độ hăm doạ từ phía Trung Quốc mà các công ty năng lượng đa quốc gia đưa ra ngày càng tăng. Trong năm 2007 và năm 2008, Trung Quốc đã buộc ExxonMobil và BP tạm ngừng hoạt động khoan thăm dò tại vùng biển của Việt Nam.
Các quốc gia quá yếu, không đủ sức cử đội tàu tuần tiễu các vùng đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của họ cũng đang lâm vào tình thế bất lợi trong các tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc và trở thành nạn nhân của hoạt động khai thác được tiến hành bởi các “cỗ máy” đánh bắt từ nước ngoài. Giống như trường hợp của Xômali, hiện tượng phá huỷ do các hoạt động đánh bắt ven bờ bởi các đội tàu đánh bắt thương mại quy mô lớn có lẽ là nguyên nhân gây nên nạn cướp biển tại khu vực Biển Nam Trung Hoa và eo biển Malacca. Trong những năm gần đây, nhiều tàu chở hàng đã mất tích rồi lại tái xuất hiện dưới những cái tên khác và những lá cờ khác, bọn cướp biển tràn lên các tàu lớn tại khu vực eo biển Malacca và bắt cóc con tin để đòi tiền chuộc. Bắt đầu với thoả ước năm 2004 giữa Inđônêxia, Malaixia và Singapo, và được giúp đỡ bởi việc giám sát đường biển của Hải quân Hoa Kỳ, các vụ việc này đang có xu hướng giảm đi trong vài năm gần đây.
Tuy nhiên, vẫn còn những câu chuyện dài về nạn cướp biển giữa các hòn đảo của Inđônêxia và Philippine, và một phần khu vực bờ biển Malaixia ở Borneo. Vì tiềm năng cho hoạt động đánh bắt hợp pháp suy giảm và vì hiện tượng phá huỷ rừng nhiệt đới đang leo thang làm giảm lượng gỗ tròn có giá trị được vận chuyển trên biển nên các nhóm đã từng tham gia vào đội quân cướp biển có thể đã quay lại với những nghề nghiệp trước đó của họ.
Ảnh hưởng tới môi trường, kinh tế xã hội và an ninh đối với con người
Những tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết này đang gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, đặc biệt là gây ra những trở ngại lớn đối với hoạt động quản lý hợp tác và bền vững các nguồn lực của vùng Biển Nam Trung Hoa. Nhiều nỗ lực hợp tác được đề xuất để quản lý hoạt động đánh bắt, bảo vệ các dải san hô ngầm và kiểm soát các ảnh hưởng tiêu cực của nạn phá rừng, hoạt động khai mỏ và quá trình đô thị hoá, nhưng đều vô hiệu.
Việc khai thác và đánh bắt quá mức đang leo thang tại vùng biển Nam Trung Hoa và các vùng biển liền kề thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đang đe doạ sự sống của nhiều loài sinh vật là nguồn thực phẩm quan trọng. Các quốc gia ven biển không thể kiểm soát được những hoạt động đang diễn ra trên những vùng biển ở phía bắc, nhưng nếu những tranh chấp này được giải quyết thì ít nhất các quốc gia này cũng sẽ có quyền, nếu không nói đến quyền lực, để quản lý vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Nhiều tranh chấp trên biển trực tiếp phương hại đến sự phát triển kinh tế và ít nhất là cũng làm suy giảm khả năng thích ứng của môi trường và gây hiệu ứng tiêu cực cho phát triển bền vững. Tranh chấp giữa Thái Lan và Cămpuchia, giữa Trung Quốc và Việt Nam làm tổn hại các lợi ích phát triển của bên yếu hơn. Ngoài ra, nếu Cămpuchia có thể phát triển khu vực khai thác dầu và khí đốt gần và xa bờ, chính quyền nước này có thể sẽ cảm thấy không bị sức ép phải viện đến các dự án đập thuỷ điện làm phá vỡ khu rừng phòng hộ tại dãy núi Cardamom và dòng chảy của sông Mêkông. Hiện nay, giá điện quá cao ở Cămpuchia là một trong những trở ngại lớn đối với phát triển.
Vai trò tiềm tàng của Hoa kỳ trong việc duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực
Mặc dù không phải là một bên trực tiếp tham gia vào các tranh chấp lãnh hải nói trên, song Hoa Kỳ, trên phương diện nào đó, có thể tham gia giải quyết tranh chấp vì lợi ích của chính mình và của các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là thông qua con đường ngoại giao, các hỗ trợ về khoa học công nghệ và xây dựng năng lực đối phó với các hiện tượng phá huỷ đang ngày một gia tăng do các cơn bão và thích nghi với sự thay đổi của khí hậu. Các phương tiện để thực hiện những mục tiêu trên gồm:
Tham gia nhiều hơn vào các vấn đề khu vực, đặc biệt ủng hộ cho các nước ASEAN. Tôi chia sẻ nỗi thất vọng của nhiều người khi chứng kiến từ nhiều thập kỷ nay việc Hoa Kỳ rõ ràng đã đứng ngoài nhiều vấn đề quan trọng diễn ra tại Đông Nam Á. Nhờ một số nỗ lực đặc biệt của các quan chức đại sứ quán và lãnh sự quán Hoa Kỳ tại khu vực này nhằm thu hút mối quan tâm từ Washington, điều này đã dần thay đổi kể từ những năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của chính quyền Bush. Việc bổ nhiệm mới đây ngài Scot Marciel - Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Văn phòng Đông Á và Thái Bình Dương - vào cương vị Đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2007 là một ví dụ điển hình cho xu hướng tích cực trong mối quan tâm của Hoa Kỳ tới khu vực này.
Hiện nay, chính quyền Obama và đặc biệt là Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đang tỏ ra tích cực tăng cường sự tham gia với tinh thần xây dựng của Hoa kỳ vào các vấn đề của khu vực. Các nước Đông Nam Á đều sẽ rất quan tâm đến quan điểm của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa kỳ Clinton khi bà tham gia Hội nghị sau Bộ trưởng các nước ASEAN (PMC) giữa ASEAN với các “đối tác đối thoại” và Diễn đàn khu vực ASEAN, sẽ diễn ra trong vòng vài ngày tới. Hy vọng là bà sẽ mang tới một sáng kiến mới của Hoa Kỳ, có thể về vấn đề hỗ trợ nhằm thích nghi với sự biến đổi khí hậu và các vấn đề có liên quan tới an ninh lương thực và an ninh con người.
Nước Mỹ cũng có thể giúp đỡ khu vực này và chính bản thân nước Mỹ thông qua việc yêu cầu trợ giúp Sáng kiến tam giác san hô của ASEAN. “Tam giác San hô” bao gồm một khu vực biển rộng lớn giữa Indonesia, Malaysia, Philippines, Papua New Guinea, Timor Leste, và quần đảo Solomon. Với hàng nghìn loài cá trị giá nhiều tỷ đôla mỗi năm, Tam giác San hô hiện đang chịu sự tấn công bởi các phương thức khai thác huỷ diệt do các đội tàu đánh bắt thương mại quy mô lớn thực hiện, bao gồm các đội tàu của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác - bên cạnh đó là nạn phá rừng và nạn ô nhiễm từ đất liền. Với nhiều dự án của ASEAN, khu vực này được quản lý bởi các cam kết hơn là bằng hành động nhưng không một quốc gia nào có đủ nguồn lực cần thiết để thực hiện những cam kết này. Việc hợp tác với Australia có thể là thích hợp do quốc gia này có mối quan tâm lớn tới vấn đề này và có mối quan hệ đặc biệt với Papua New Guinea (PNG), Timor Leste và quần đảo Solomons.
Hoa Kỳ có thể giúp giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các quốc gia có thiện chí thông qua hỗ trợ nghiên cứu cấu trúc và nguồn lực dưới biển và thu thập dữ liệu. Các sáng kiến như vậy có thể giúp các quốc gia hợp tác đối phó tốt hơn với Trung Quốc và thậm chí có thể giúp nước đó nhượng bộ mà không bị mất mặt.
Trực tiếp xác nhận quyền và lợi ích của Hoa kỳ. Trên hết, chính quyền Obama cần từ bỏ thái độ thụ động của các chính quyền tiền nhiệm kể từ năm 1995 trước thái độ của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa và tại những nơi không tuân thủ đúng các quy tắc của Luật biển. Chính quyền Obama ít nhất cũng phải bày tỏ sự ủng hộ về tinh thần và đạo đức đối với các nước Đông Nam Á là nạn nhân của những lời đe doạ từ phía Trung Quốc và cần kiên quyết khẳng định quyền của Hoa Kỳ được tự do qua lại trên biển trước sự khiêu khích từ phía Trung Quốc.
Hoa Kỳ có thể thực hiện điều này trong khuôn khổ Đối thoại kinh tế và chiến lược Trung – Mỹ. Cuộc gặp sắp tới tại Washington ngày 27-28 tháng Bảy tiến hành ngay sau Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN, Hội nghị PMC và ARF tại Phuket, Thái Lan từ 17 đến 23 tháng Bảy, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Clinton sẽ quay về từ cuộc gặp này sau khi hiểu được ngọn nguồn những mối quan ngại của các quốc gia láng giềng với Trung Quốc.
Đáng tiếc là đối với những tranh chấp trên biển ở khu vực biển Nam Trung Hoa, chính quyền Bắc kinh đã tỏ ra đi ngược lại với các thông lệ và các quy định trong luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, để ngoại giao Mỹ và ngoại giao của các quốc gia khác có cái nhìn tích cực nào đó thì điều quan trọng là nên nhớ rằng Trung Quốc cũng đã mất mát nhiều phần lãnh thổ trong quá khứ và hiện nước này vẫn đang cố gắng đòi lại. Điều này bắt nguồn từ thời Trung Quốc bị chiếm đóng, và việc Trung Quốc bị ép buộc phải từ bỏ quyền lợi hợp pháp trên lãnh thổ và trên biển vào tay các cường quốc Châu Âu và đế quốc Nhật Bản, thậm chí còn có thể kể đến hành động xâm lấn của các quốc gia láng giềng ở vùng biển Nam Trung Hoa trong lúc xã hội Trung Quốc còn đang hỗn loạn trong cuộc Cách mạng Văn hoá của Mao Trạch Đông, khi Trung Quốc còn đang bận tâm với các vấn đề đối nội.
Quốc hội Hoa Kỳ có thể đóng vai trò quan trọng và mang tính xây dựng thông qua việc tổ chức các buổi điều trần giống như buổi điều trần của tôi hôm nay nhằm nắm bắt được những vấn đề này, thông qua việc uỷ quyền và cấp vốn sau khi đã cân nhắc kỹ cho các sáng kiến mới của Hoa Kỳ đối với các nước ASEAN và khu vực Đông Nam Á nói chung. Mối quan tâm của Hoa kỳ không nên và không cần phải mang tính phân cực, hay nhằm vào việc bêu xấu Trung Quốc. Điều này đơn giản là sẽ không có tác dụng. Thay vào đó, chúng ta phải tiến hành mọi nỗ lực để tôn trọng tham vọng dẫn đầu và vị thế cường quốc của Trung Quốc, nhưng phải nằm trong khuôn khổ các quy định và thông lệ đã được quốc tế công nhận, đồng thời ủng hộ các đồng minh và các nước bạn của ta ở Đông Nam Á.
Trân trọng cám ơn các vị vì đã cho tôi cơ hội được báo cáo tại phiên điều trần này. Tôi rất vui lòng trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà các vị đặt ra hoặc sẽ gửi tới các vị câu trả lời bằng văn bản sau buổi điều trần này.
Nguồn: Điều trần của Richard P. Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson, Washington, DC
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...