Các vấn đề biển đảo và tranh chấp chủ quyền ở Đông Á

 

Thưa Chủ tọa, xin cảm ơn vì đã mời tôi đến Tiểu ban để điều trần về các tranh chấp lãnh hải và chủ quyền. Đây là những vấn đề trọng tâm trong cán cân an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cũng là những vấn đề mà chúng tôi ở Bộ Quốc phòng đang theo dõi chặt chẽ. Tôi đánh giá cao sự quan tâm liên tục của Tiểu ban đối với chủ đề quan trọng này và mong rằng chúng ta sẽ còn tiếp tục thảo luận về những diễn biến xung quanh chủ đề này.

Trong bài phát biểu ngày 30/5/2009 tại Hội nghị Quốc phòng thường niên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Sing-ga-po, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gate đã khái quát những thay đổi đáng chú ý trong môi trường an ninh châu Á kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Cụ thể hơn, trong khi ca ngợi người dân châu Á giờ đây đã có mức sống cao hơn và giàu có hơn, Bộ trưởng Gates nhấn mạnh tương quan giữa sự ổn định và thịnh vượng về kinh tế - một trong những đặc điểm chủ chốt của môi trường an ninh châu Á trong giai đoạn này. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong hai thập kỷ qua nhìn chung là hoà bình và ổn định. Sự ổn định này góp phần mang lợi ích cho tất cả các bên.

Dù có sự ổn định, song một trong những nhân tố mà chúng ta thấy có khả năng thách thức môi trường an ninh khu vực, đồng thời là chủ đề của buổi điều trần ngày hôm nay, là một loạt tranh chấp lãnh thổ dai dẳng, đặc biệt là tranh chấp biển đảo ở Đông Nam Á và Biển Hoa Nam giữa một số quốc gia trong khu vực. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến căng thẳng và mâu thuẫn gia tăng về những tranh chấp này. Điều đó đi ngược lại tinh thần chủ đạo là hòa bình và hợp tác nhằm tìm kiếm các giải pháp ngoại giao cho vấn đề này như được nêu trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa năm 2002.

Tranh chấp gia tăng xuất phát từ nhiều nguyên nhân: nhu cầu về dầu khí gia tăng khiến các bên tranh chấp quan tâm hơn nữa về đảm bảo quyền đối với các nguồn lợi; các quốc gia trong khu vực quan tâm hơn tới các đòi hỏi chủ quyền khi việc nộp đơn xin mở rộng thềm lục địa theo Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc chuẩn bị hết hạn vào tháng 5/2009; chủ nghĩa dân tộc gia tăng khiến chính phủ và nhân dân các nước càng nhạy cảm trước sự coi nhẹ và xâm phạm về lãnh thổ và chủ quyền. Bên cạnh đó, khả năng quân sự đang gia tăng của Trung Quốc đã trở thành yếu tố ảnh hưởng đến tinh thần và nội dung cuộc đối thoại về các tranh chấp biển đảo trong khu vực.

Khi phân tích các hoạt động của Trung Quốc trên biển, tôi nghĩ cần có sự tách biệt giữa việc các tàu hải quân Mỹ bị cản trở ở gần Trung Quốc và cách tiếp cận của Trung Quốc đối với những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Hoa Nam nói chung. Mặc dù phải có sự phân biệt rõ như vậy, song cơ sở để Mỹ đưa ra phản ứng đều giống nhau.

Việc các tàu cá của Trung Quốc quấy rối các tàu hải quân Mỹ khi đang tiến hành các hoạt động quân sự thường lệ và hợp pháp ở Vùng Đặc quyền Kinh tế của Trung Quốc xảy ra năm nay là một điểm tối trong quan hệ Trung - Mỹ. Tuy nhiên, tôi cũng xin nhấn mạnh là kể từ tháng Năm đến nay chưa có thêm vụ tàu cá mang cờ Trung Quốc nào quấy rối các tàu hải quân Mỹ.

Mặc dù bất cứ vụ va chạm trên biển nào cũng đều đáng lo ngại, song số vụ va chạm giảm dần sau một sự kiện cụ thể cho thấy cam kết của lãnh đạo hai nước là giải quyết những vấn đề này một cách hoà bình và thông qua con đường ngoại giao.

Bộ Quốc phòng coi hành vi của Trung Quốc trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của nước này và rộng hơn trong khu vực Biển Hoa Nam - mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với phần lớn khu vực này - là dựa trên hai cơ sở.

Thứ nhất, Trung Quốc có ý đồ chiến lược trong việc khẳng định chủ quyền đối với phần lớn vùng Biển Hoa Nam. Điều này chủ yếu thể hiện trên lĩnh vực chính trị và kinh tế, như đồng nghiệp của tôi ở Bộ Ngoại giao vừa trình bày chi tiết, nhưng đủ để nói rằng Trung Quốc chủ động phản đối bất cứ hoạt động nào của các bên khác nhằm khẳng định những đòi hỏi về chủ quyền của họ. Việt Nam, Đài Loan, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Bru-nây đều đòi hỏi chủ quyền đối với các phần khác nhau ở Biển Hoa Nam; những đòi hỏi này xung đột với nhau, đặc biệt những khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ hai, để củng cố ảnh hưởng chính trị và chiến lược đang gia tăng ở khu vực này, Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục tăng cường vị thế quân sự ở Biển Hoa Nam. Ví dụ, khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nâng cấp các công trình ở đảo Hải Nam, chúng ta thấy có sự liên hệ trực tiếp với tư thế chủ động của Trung Quốc khi phản ứng trước các hoạt động của Mỹ trên biển và trên không phận.

Hiểu được ý đồ chiến lược của Trung Quốc không có nghĩa là Bộ Quốc phòng chấp nhận cách Trung Quốc khẳng định vị thế trong khu vực. Chúng ta phản đối mạnh mẽ hành vi khiến sự an toàn của các tàu của chúng ta bị đặt vào tình thế rủi ro và hành vi đó là sự vi phạm rõ ràng các chuẩn mực quốc tế về hành vi ứng xử ở vùng biển quốc tế bên ngoài vùng lãnh hải. Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các kênh để truyền đạt quan điểm này tới những người đồng nhiệm của chúng ta ở Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Cụ thể, tại cơ chế Tham vấn Quốc phòng gần đây tổ chức ngày 23-24/6 tại Bắc Kinh, chủ đề này đã được đưa vào chương trình nghị sự. Hai bên nhất trí tổ chức một hội nghị đặc biệt theo các điều khoản của Thoả thuận Tham khảo Quân sự trên biển Mỹ-Trung (MMCA, 1998) trong những tuần tới để xem xét cách thức thúc đẩy tiến trình này, tăng cường thông tin liên lạc, giảm khả năng xảy ra va chạm hoặc tai nạn giữa lực lượng hai nước khi hoạt đồng gần nhau.

Hơn thế nữa, chúng ta phản đối bất kỳ nỗ lực của quốc gia nào nhằm hạn chế các quyền tự do trên biển khơi trong phạm vi các khu vực đặc quyền kinh tế. Luật tập quán Quốc tế, như ghi nhận tại điều 58, 87 trong Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp Quốc, đảm bảo tất cả các quốc gia đều có quyền hoạt động trong khu vực đặc quyền kinh tế; tự do hàng hải và tự do hàng không trên các vùng biển khơi và các hình thức sử dụng đại dương truyền thống liên quan tới các quyền tự do này. Kể từ khi Công ước Luật biển 1982 ra đời, quan điểm của Mỹ là các quyền hàng hải và các quyền tự do hàng hải áp dụng trong vùng đặc quyền kinh tế, về định tính và định lượng, đều giống với các quyền tự do áp dụng ở vùng biển khơi. Chúng ta ghi nhận rằng gần 40% vùng biển thế giới thuộc phạm vi vùng đặc quyền kinh tế kéo dài 200 hải lý, do vậy, vì nền kinh tế toàn cầu và vì hoà bình và an ninh quốc tế, chúng ta cần phải khẳng định và duy trì mạnh mẽ các quyền tự do và quyền hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế.

Như đã đề cập ở trên, hoạt động quân sự của chúng ta trong khu vực là hoạt động thường xuyên và phù hợp với luật tập quán quốc tế như ghi nhận trong Công ước Luật biển 1982. Chúng ta đã kiên trì khẳng định chính sách cơ bản đối với các đòi hỏi mâu thuẫn nhau ở Biển Hoa Nam - mà mới đây nhất là ở Đối thoại Shang-ri La tháng 5/2009 khi Bộ trưởng Gates khẳng định rằng Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền và ủng hộ một giải pháp hoà bình bảo vệ quyền tự do hàng hải. Trong bài phát biểu tại cơ chế đối thoại này, Bộ trưởng Gates khẳng định “dù là trên biển, trên không trung, trên vũ trụ hay không gian mạng, những không gian chung của thế giới là những vùng mà ở đó chúng ta phải hợp tác, ở đó chúng ta phải tuân thủ pháp quyền và các cơ chế khác giúp duy trì hoà bình khu vực.”

Bộ trưởng Gates nói: “chúng tôi ủng hộ sự cởi mở, phản đối sự độc quyền, và ủng hộ việc cùng sử dụng các không gian chung một cách có trách nhiệm nhằm duy trì và thúc đẩy sự thịnh vượng chung.” Mỹ có lợi ích trong việc duy trì các tuyến hàng hải mở, tránh bị kéo vào các xung đột khu vực; ủng hộ tìm kiếm một giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ thông qua cơ chế đa phương, tránh thói quen tạo tiền lệ; và bảo vệ uy tín của Mỹ ở Đông Nam Á.

Để hỗ trợ các mục tiêu chiến lược của chúng ta, Bộ Quốc phòng đã khởi động một chiến lược theo nhiều hướng: 1) thể hiện rõ bằng lời nói và hành động cho thấy các lực lượng Mỹ tiếp tục hiện diện và là lực lượng quân sự có ưu thế vượt trội trong khu vực; 2) cân nhắc và xác định các đòi hỏi về quyền tự do hàng hải của các tàu hải quân Mỹ; 3) xây dựng quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các đối tác trong khu vực, cả ở cấp độ chính sách và thông qua các cơ chế đối thoại chiến lược, lẫn cấp độ triển khai thông qua xây dựng năng lực cho đối tác, đặc biệt về lĩnh vực an ninh biển, và 4) củng cố các cơ chế quan hệ quân sự-ngoại giao đã có với Trung Quốc nhằm cải thiện thông tin liên lạc và giảm bớt rủi ro về tính toán sai.

Hiện diện về quân sự có lẽ là bộ phận quan trọng nhất trong thành tố đầu tiên của chính sách đề cập ở trên. Ở khía cạnh này, thì căn cứ quân sự ở Guam được coi là cái neo vĩnh viễn cho sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và củng cố vị thế “cường quốc khu vực” của chúng ta. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ có tác dụng ổn định các chính sách và chiến lược của các bên đòi hỏi chủ quyền ở Biển Hoa Nam. Nếu chúng ta thực hiện một chính sách khác tức là Mỹ rút khỏi khu vực và tạo khoảng trống quyền lực, điều đó sẽ khiến những quốc gia yếu kém nhất trong số các bên sẽ không còn chút không gian chiến lược nào để hoạt động.

Về thành tố thứ hai trong chiến lược của chúng ta, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định các quyền tự do hàng hải trong khu vực. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động ở Biển Hoa Nam; tuân thủ nghiêm ngặt luật tập quán quốc tế ghi nhận trong Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Hoạt động của Mỹ sẽ được điều chỉnh bởi lợi ích của chúng ta trong khu vực và mong muốn duy trì an ninh và ổn định trên toàn bộ Tây Thái Bình Dương.

Thành tố thứ ba trong chiến lược của chúng ta tập trung vào việc mở rộng và củng cố các chương trình ngoại giao quốc phòng và xây dựng năng lực trong khu vực như những nỗ lực hỗ trợ quan trọng nhằm ngăn chặn không cho căng thẳng ở Biển Hoa Nam phát triển thành mối đe doạ đối với các lợi ích của Mỹ. Để đạt mục tiêu đó, gần đây chúng ta đã thiết lập cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp cao với Việt Nam và Ma-lai-xi-a, bổ sung cho các cơ chế tham vấn vốn đã rất mạnh của chúng ta với Phi-líp-pin, Thái Lan, và In-đô-nê-xi-a. Thông qua hàng loạt hoạt động hợp tác an ninh từ hội thảo đến tập trận đa phương chúng ta đang giúp các quốc gia trong khu vực vượt qua các trở ngại lâu đời về lịch sử và văn hoá vốn cản trở nỗ lực hợp tác an ninh đa phương.

Cuối cùng, chúng ta cần củng cố các cơ chế đã có nhằm lôi kéo Trung Quốc thảo luận về vấn đề này và các vấn đề an ninh khác, trong đó có Cơ chế Tham vấn Quốc phòng Mỹ-Trung, Cơ chế Phối hợp Chính sách Quốc phòng Mỹ-Trung, Thỏa thuận Tham khảo các vấn đề quân sự trên biển Mỹ-Trung. Các cơ chế này là kênh thông tin liên lạc mở và liên tục để xây dựng lòng tin và tăng cường hiểu biết lẫn nhau hơn nữa, để thảo luận thẳng thắn về những bất đồng, tăng cường hiểu biết và áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn và các nguyên tắc hoạt động cơ bản nhằm tăng cường an toàn cho các thuỷ thủ và phi công của tất cả các quốc gia trong khu vực.

Tất cả những nỗ lực này đều nhằm giảm thiểu biến động. Chúng tôi tin rằng các bên tranh chấp ở Biển Đông sẽ đánh giá Mỹ là nhân tố giúp ổn định trong khu vực. Mặc dù chúng ta không đề xuất làm trung gian hay hoà giải xung đột, nhưng sự hiện diện của chúng ta mang lại cảm giác ổn định và mở ra không gian cho các bên tranh chấp nhằm tìm kiếm các biện pháp chính trị giải quyết những vấn đề này.

Tôi rất sẵn lòng trả lời các câu hỏi của quý vị.

Nguồn: US Embassy in Hanoi: Điều trần của Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Robert Scher đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương