26/01/2010
Thưa Thượng Nghị sĩ Webb và các thành viên khác trong uỷ ban, tôi rất vinh dự có mặt tại đây ngày hôm nay. Tôi đánh giá cao việc các vị tổ chức phiên điều trần quan trọng này và chú ý đến thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trong việc khẳng định lãnh hải của mình.
Đã một thập kỷ trôi qua kể từ khi ngài, thưa Thượng Nghị sĩ Webb, bắt đầu viết về chủ đề này, và lực lượng hải quân Trung Quốc cũng đã được hiện đại hóa nhanh hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã triển khai 38 tàu ngầm mới chạy bằng diesel và năng lượng hạt nhân, tức là triển khai 2,9 tàu mỗi năm. Bên cạnh việc mua lại bốn tàu khu trục lớp Sovremenny của Nga, Trung Quốc cũng đã triển khai 9 tàu khu trục và tàu chiến mới do chính Trung Quốc sản xuất và được trang bị tên lửa tầm thấp chống tàu chiến có sức phá hủy ghê gớm.
Ngoài ra, bên cạnh việc mở rộng triển khai hơn một nghìn tên lửa đạn đạo, Giải phóng quân Trung Quốc (PLA) còn xây dựng một cơ sở tên lửa đạn đạo chống hạm đặt trên mặt đất được trang bị các thiết bị có tính cơ động cao với mục đích chống các tàu nổi cơ động của chúng ta, bao gồm cả thành phần cốt tử trong năng lực biểu dương sức mạnh của chúng ta là tập hợp tàu sân bay tác chiến. Chúng ta chưa từng chứng kiến điều gì tương tự trong hoạt động xây dựng và củng cố lực lượng hải quân kể từ đầu thời kỳ Chiến tranh lạnh. Và hải quân Hoa Kỳ cũng chưa từng đối mặt với mối đe doạ về tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công các mục tiêu di động trên biển. Và ngài cũng đã đúng khi viết rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang có ý đồ và toan tính mở rộng không gian chiến lược của Trung Quốc trong khu vực.
Động cơ đằng sau những động thái củng cố sức mạnh quân sự này là gì? Chắc chắn không phải là những mối đe doạ đối với Trung Quốc - khách quan mà nói thì Trung Quốc không đứng trước bất kỳ mối đe doạ nào về quân sự. Với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, Trung Quốc không còn cần phải bận tâm tới việc bảo vệ đường biên giới lãnh thổ khỏi sự xâm lấn từ bên ngoài. Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, khu vực này nhìn chung đã có hoà bình.
Thay vào đó, tôi cho rằng động thái củng cố quân đội của Trung Quốc bắt nguồn từ các nhân tố bên trong, từ mong muốn phô trương thanh thế quốc gia, và cảm giác bất an của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trung Quốc đang thể hiện hành vi của một cường quốc đang lớn mạnh. Điều ngạc nhiên duy nhất là chúng ta đã dự báo rằng họ sẽ ứng xử theo cách khác. Chính phủ Hoa Kỳ qua nhiều đời tổng thống và nhiều chuyên gia đã nhắc đi nhắc lại với người dân Mỹ rằng sự nổi lên của Trung Quốc có thể sẽ khác với sự lớn mạnh của tất cả các cường quốc khác trong lịch sử. Song đơn giản là điều đó không xảy ra.
Khi Trung Quốc đã trở nên lớn mạnh hơn và dành nhiều nguồn lực hơn bao giờ hết cho các lực lượng quân đội, chính quyền Bắc Kinh muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ theo hướng có lợi cho mình, mở rộng lãnh hải và thiết lập các con đường mới nhằm tiến ra đại dương rộng lớn. Thực vậy, một trong những động thái thú vị nhất trong các hướng đi chiến lược của Trung Quốc là cuộc tranh cãi đang diễn ra về tầm quan trọng của Alfred Thayer Mahan, nhà lý luận về sự lớn mạnh của chính Hoa Kỳ ở vị thế đứng đầu thế giới hiện nay. Về chủ đề này, các đồng nghiệp của ngài Dutton tại trường đại học Hải quân đã nhắc đến rất nhiều trong các bài viết của họ.
Các quan chức trong lực lượng hải quân Trung Quốc đang bắt đầu cố gắng tìm hiểu xem những khái niệm như quyền lãnh hải và mối liên hệ giữa sức mạnh hải quân và các lợi ích thương mại quốc tế sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.
Nhưng chúng ta không thể không quan ngại, dù cho cách ứng xử của Trung quốc cũng không khác gì so với các cường quốc mới nổi khác. Lý do để quan ngại là:
Kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Châu Á bắt đầu được hưởng nền an ninh tương đối ổn định, chủ yếu là nhờ sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ và hàng loạt các cam kết an ninh khác. Chính trong cái ô an ninh này mà hầu hết các nước Châu Á đều được hưởng hoà bình, thịnh vượng và dân chủ ngày càng tăng. Châu Á ngày nay – xét trên tất cả các phương diện - kinh tế, chính trị, nhân khẩu học hay quân đội - đang nhanh chóng trở thành trung tâm chú ý của đời sống chính trị quốc tế. Thế nhưng sự nổi lên của Trung Quốc đã bắt đầu làm thay đổi trạng thái ổn định và an ninh, vốn là nền tảng cho tăng cường hoà bình, thịnh vượng và dân chủ. Với tư cách là một cường quốc tại khu vực Thái Bình Dương, chúng ta muốn thấy một Châu Á tiếp tục tăng trưởng và thịnh vượng trong hoà bình. Một Châu Á mà trong đó Hoa Kỳ không còn được xem như một cường quốc dẫn đầu về quân sự chắc chắn sẽ không còn là một Châu Á ổn định như trước đây. Một khu vực không an toàn sẽ quan tâm nhiều hơn đến cạnh tranh an ninh chứ không phải là cạnh tranh về thương mại, cải cách nội bộ và hợp tác vùng.
Chính trong bối cảnh này, tôi muốn nói về các tranh chấp lãnh hải tại Biển Nam Trung Hoa và Biển Đông Trung Hoa. Tôi xin phép được bắt đầu với Nhật Bản và tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vì Nhật Bản từ lâu đã và hiện vẫn đang là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ tại khu vực này.
Trong tất cả các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực này, tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại Biển Đông Trung Hoa là gây nhiều tranh cãi nhất và cũng có thể coi là chứa đựng nhiều nguy hiểm nhất. Tranh cãi này có nguyên nhân từ chạy đua sức mạnh quân sự, thù oán trong lịch sử, mong muốn khai thác nguồn năng lượng tiềm tàng dưới đáy biển và cuối cùng là mối lo ngại về Đài Loan. Tất cả những điều này phối hợp với nhau khiến cho vấn đề trở nên đặc biệt nhạy cảm.
Cả hai quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và cả hai đều đưa quần đảo này vào khu vực đặc quyền kinh tế/thềm lục địa của mình. Đối với Trung Quốc, quần đảo này có vai trò quan trọng vì lý do an ninh năng lượng và tham vọng mở rộng lãnh hải của họ.
Tôi xin được bắt đầu bằng vấn đề an ninh năng lượng. Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền đối với mỏ khí đốt Chunxiao, mà theo Trung Quốc thì mỏ này nằm ngoài đường ranh giới Nhật Bản 5km trên vùng biển Đông Trung Hoa. Hiện nay, công ty năng lượng Trung Quốc CNOOC là nhà khai thác mỏ khí đốt này và các chuyên gia năng lượng ước tính rằng Chunxiao có trữ lượng tới 250 tỷ tỷ feet khối khí tự nhiên và khoảng từ 70 tới 160 tỷ thùng dầu.
Bởi vì cả Trung Quốc và Nhật Bản đều muốn đa dạng hoá các nguồn cung cấp năng lượng của mình, nên trữ lượng khí đốt tự nhiên và dầu mỏ ở khu vực biển Đông Trung Hoa quả thực vô cùng quan trọng đối với cả hai quốc gia.
Một mối quan ngại nữa đối với Trung Quốc là khoảng cách trên biển giữa các cảng của Trung Quốc với các nhà cung cấp dầu mỏ chính ở khu vực Vịnh Péc-xích. Chính quyền Bắc Kinh ngày càng cảm thấy không thoải mái vì việc phải nhờ cậy vào thiện chí của Hoa Kỳ để tuần tiễu vùng biển này. Cả lòng tự kiêu dân tộc lẫn sự ngờ vực đối với Hoa Kỳ khiến Trung Quốc phải tìm kiếm các nguồn cung ứng và các con đường cung ứng năng lượng khác, càng gần với đại lục càng tốt - nơi Trung quốc có thể triển khai sức mạnh quân sự của họ. Khu mỏ Chunxiao chính là một phần quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng của Trung Hoa.
Một mối quan ngại khác của các nhà chiến lược Trung Quốc là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong cái mà Trung Quốc gọi là chuỗi đảo đầu tiên - dựa trên sự phân định ranh giới bắt đầu từ hòn đảo phía Nam Nhật Bản Kyushu xuyên qua biển Đông Trung Hoa và biển Nam Trung Hoa. Khu vực này bao gồm Đài Loan, đảo Ryukus của Nhật Bản và hầu như toàn bộ vùng biển Nam Trung Hoa. Trung Quốc, với hành động ngày một cứng rắn của mình, đã thể hiện mong muốn thống lĩnh chuỗi đảo này. Đối với các nhà chiến lược Trung Quốc, có cả các mục tiêu phòng thủ lẫn các mục tiêu tấn công đằng sau những tuyên bố chủ quyền này.
Phía Trung Quốc cho rằng họ bị bó hẹp bởi liên minh Mỹ - Nhật đang hoạt động quá gần đường bờ biển của họ. Các nhà chiến lược Trung Quốc tin rằng liên minh này - trước kia từng được xây dựng để bao vây các hạm đội của Liên bang Xô viết trên Thái Bình Dương - nay trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách ngăn chặn nhằm vào Trung Quốc. Điều này phần nào lý giải thái độ khiêu khích của Trung Quốc mới đây đối với tàu USNS Impeccable, cũng như vụ buộc hạ cánh máy bay tuần tiễu của Hoa Kỳ tại đảo Hải Nam năm 2001. Trong khi Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn đang tranh cãi về những điều khoản trong Luật Biển và về cái gọi là những hoạt động hợp pháp trong khu đặc quyền kinh tế Trung Quốc, song tôi không nghĩ rằng những vấn đề này có thể được giải quyết trong tương lai gần đây. Chiến lược địa chính trị và chiến lược trên biển của Trung Quốc có vai trò quan trọng đối với chính quyền Trung Hoa hơn là đạo luật này. Đơn giản là Trung Quốc muốn đẩy Mỹ ra càng xa càng tốt đường bờ biển và những vùng đã tuyên bố thuộc ảnh hưởng của họ.
Nhiều nhà chiến lược Trung Quốc tin rằng nước này không thể trở thành một cường quốc chừng nào nó vẫn còn bị bó buộc bởi liên minh trên biển giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Liên minh này cũng có vai trò bảo vệ Đài Loan và ngăn chặn người Trung Quốc bành trướng lực lượng của họ sang phía Tây Thái Bình Dương. Từ chiến lược phòng thủ, các nhà chiến lược Trung Quốc muốn cản trở Hoa Kỳ xâm nhập khu vực này - chuỗi các hòn đảo đầu tiên, nếu như xung đột về vấn đề Đài Loan nổ ra.
Theo quan điểm của Nhật Bản, Senkakus là một phần lãnh thổ Nhật Bản trong suốt lịch sử hiện đại - nước Nhật chưa bao giờ từ bỏ phần lãnh thổ này ngay cả khi thua trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi Nhật Bản phải từ bỏ nhiều phần lãnh thổ theo Hiệp ước San Francisco. Lâu nay, nước Nhật đã cai quản Senkakus mặc dù cả Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố hòn đảo này thuộc về họ.
Nước Nhật đã cho các chủ sở hữu tư nhân thuê một phần diện tích quần đảo nhằm kiểm soát bất kỳ hành vi mua bán quyền lãnh thổ nào. Cả Đài Loan và Trung Quốc đều phản đối hành động này. Cũng trong khoảng thời gian năm 2003, CNOOC đã tham gia vào đối tác sản xuất khí đốt tự nhiên ở Chunxiao.
Nhật Bản đã phản đối và yêu cầu Trung Quốc chuyển giao các dữ liệu địa chấn. Trong khi chính quyền Bắc Kinh tỏ ra không khoan nhượng thì Nhật Bản vẫn tiếp tục trao quyền cho các công ty quốc gia bắt đầu khoan thăm dò ở vùng biển Đông Trung Hoa. Trung Quốc đáp trả bằng việc gửi một đội tàu hải quân quy mô nhỏ, trong đó có cả tàu lớp Soveremmeny tới khu vực này và phát đi những lời cảnh báo nghiêm khắc yêu cầu nước Nhật ngừng mọi hoạt động khai thác năng lượng trong vùng lãnh thổ Trung Quốc. Phía Nhật đã ngừng mọi hoạt động khai thác.
Hạm đội mà Trung Quốc đưa tới khu vực biển Đông Trung Hoa năm 2005 không phải là lần đầu tiên Trung Quốc chứng tỏ sức mạnh trên biển của nước này. Các hồ sơ ghi chép từ phía Nhật Bản đã chỉ ra rằng quân đội, các tàu nghiên cứu dân sự và tàu ngầm của Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng đặc khu kinh tế của Nhật Bản hơn chục lần trong các năm 2004 và 2005. Mục tiêu của các cuộc xâm lấn trên biển này bao gồm cả việc lập bản đồ khai thác khí đốt và dầu mỏ tại những khu vực tranh chấp, và việc tiến hành nghiên cứu đường đi cho tàu ngầm để vào và ra khỏi Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng đã rất quan ngại khi tàu ngầm động cơ diesel lớp Tống của Trung Quốc tiến quá gần tới tàu USS Kitty Hawk trong lần tập trận của Hoa Kỳ ở gần Nhật Bản vào năm 2007. Dường như chiếc tàu ngầm này đã rình mò ở Nhóm Tàu sân bay Tấn công mà không bị phát hiện.
Như vậy, theo quan điểm của Nhật Bản, tranh chấp Senkaku/Biển Đông Trung Hoa không chỉ là tranh cãi về lợi ích năng lượng và luật pháp quốc tế. Tranh cãi này là biểu hiện của sức mạnh và thái độ khẳng định chủ quyền ngày càng cứng rắn của Trung Quốc. Nhật Bản đã từng trải qua một quá trình lịch sử lâu dài phải đối phó với nỗi sợ hãi bị cô lập và trừng phạt về kinh tế. Sức mạnh trên biển và các cuộc phô diễn lực lượng ngày càng leo thang của Trung Quốc chỉ làm tăng thêm những nỗi lo sợ trên mà thôi.
Cuối cùng, tranh cãi về tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã làm sáng tỏ những mối quan ngại của Nhật Bản đối với Đài Loan. Đối với các nhà chiến lược Nhật Bản, sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Đài Loan có thể đẩy các căn cứ hải quân Trung Quốc tiến gần tới chuỗi đảo Okinawa và Ryuku, và mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc tiến xa hơn về phía Thái Bình Dương. Cảm giác bất an của chính quyền Nhật Bản - vốn đã căng thẳng do những bất ổn trên bán đảo Triều Tiên - nay lại càng trở nên lớn hơn.
Mặc dù hai bên đã đi tới được một số thoả thuận năm 2008 nhằm hợp tác khai thác các nguồn năng lượng và bỏ lại sau những tranh chấp lãnh hải trong thời gian này song với những gì mà tôi vừa trình bày trên đây, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang thủ thế để toan tính cho những mưu đồ riêng của họ.
Biển Nam Trung Hoa
Tranh chấp tại vùng biển Nam Trung Hoa, bao gồm tranh chấp tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng cần phải được phân tích trong bối cảnh địa chính trị tương tự. Tranh chấp này đụng chạm đến lợi ích an ninh của cả 3 cường quốc tại Châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ tới các liên minh và các đối tác yếu hơn của chúng ta tại khu vực như Việt Nam và Philippine.
Về bản chất, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của mình trên toàn bộ khu vực biển Nam Trung Hoa. Việt nam, Philippine, Brunei và Đài Loan tranh cãi về tuyên bố này, đặc biệt là tuyên bố về chủ quyền và quyền khai thác các đảo nhỏ quanh quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Vì tại khu vực biển Nam Trung Hoa, tất cả các bên tuyên bố lãnh hải trong vùng biển này đều cho rằng khu vực này có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt rất lớn. Trung Quốc đã có tranh chấp với Việt Nam và Philippine ở quần đảo Trường Sa và với Việt nam ở quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù Trung Quốc đã ký Tuyên bố ứng xử của các bên tại khu vực biển Nam Trung Hoa năm 2002 song các bên liên quan không tin rằng Trung Quốc sẽ thực hiện đúng những cam kết này. Có thể cho rằng sức mạnh quân sự ngày càng lớn và thái độ kiên quyết của Trung Quốc tại khu vực này là động cơ để Việt Nam muốn xây dựng mối quan hệ an ninh gần gũi hơn với Hoa Kỳ, và việc Philippine muốn ký kết Thoả ước Lực lượng Thăm viếng với Hoa Kỳ năm 1999.
Vùng biển Nam Trung Hoa cũng là con đường dẫn tới eo biển Malacca - khu vực được coi là một trong những địa điểm hàng hải và đường giao thương trên biển quan trọng nhất thế gới. Có khoảng 50.000 tàu biển chuyên chở một phần tư tổng lượng hàng hoá thương mại trên thế giới và một nửa tổng lượng dầu mỏ của thế giới đi qua eo biển Malacca mỗi năm. Vì 90% lượng dầu mỏ của Trung Quốc và hầu hết lượng dầu mỏ của Nhật Bản đến từ đường biển nên cũng là lẽ tự nhiên khi cả hai quốc gia này đều rất quan tâm đến việc thiết lập an ninh riêng tại eo biển này cũng như tại khu vực biển Nam Trung Hoa.
Năm ngoái, mối lo ngại đã gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, Nhật bản và Ấn Độ khi các tin tức báo chí cho biết một căn cứ hải quân mới của Trung Quốc đã được xây dựng tại đảo Hải Nam - căn cứ này có thể phục vụ các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và tên lửa tấn công cũng như các loại tàu chiến trên biển khác. Lực lượng Hải quân Trung Quốc (PLAN) có thể sử dụng căn cứ này để lén lút đưa quân vào khu vực biển Nam Trung Hoa và xâm nhập các tuyến đường biển thuộc lãnh hải quốc tế.
Các quốc gia Đông Nam Á lo ngại Trung Quốc có thể gây áp lực quân sự đối với họ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Nhật Bản lo ngại Trung Quốc có thể thống trị đường biển, cưỡng bức và cô lập nước Nhật.
Chính quyền Ấn Độ lo lắng vì hai lý do. Thứ nhất là việc phát hiện ra căn cứ trên đảo Hải Nam đã củng cố thêm mối nghi ngờ đang ngày càng tăng của Ấn Độ về việc Trung Quốc đang tìm đường tiến tới Ấn Độ Dương và xây dựng một mạng lưới các căn cứ hải quân dọc Ấn Độ Dương - ở Miến Điện, Srilanka và Pakistan - vốn là khu vực mà Ấn Độ vẫn coi là vùng ảnh hưởng của họ.
Thứ hai, Ấn Độ hiện đang đóng vai trò kinh tế ngày càng lớn, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, và muốn có khả năng tiếp cận vào khu vực này mà không bị cản trở . Ấn Độ lo ngại rằng điều mà chúng ta đang chứng kiến tại khu vực này chính là sự thể hiện Học thuyết Monroe theo kiểu Trung Quốc.
Phản ứng trong khu vực
Hiện nay, tất cả các bên liên quan đều tìm cách tạo đối trọng với sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc. Cả chính quyền Hà Nội và Manila đều bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Chính quyền Nhật Bản với cương vị là một cường quốc nhưng bị ràng buộc về các vấn đề quân sự do hiến pháp hoà bình cũng đang nỗ lực củng cố và tăng cường hơn nữa liên minh song phương. Sự liên kết với Ấn Độ cũng là một phần không nhỏ trong kế hoạch chia sẻ các quan điểm chung giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ về môi trường an ninh trên biển.
Nói tóm lại, chúng ta chia sẻ với các đối tác của chúng ta trong khu vực về mong muốn không để Trung Quốc trở thành một cường quốc nắm vai trò bá chủ. Câu hỏi mà nhiều quốc gia trong khu vực bắt đầu đặt ra hiện nay là liệu chúng ta có đủ ý chí và sức mạnh lâu dài để đối chọi được với sự lớn mạnh của Trung Quốc hay không. Và điều này dẫn đến những kết luận sau đây của tôi.
Kết luận và khuyến nghị
Chúng ta đã không có chính sách rõ ràng về những tuyên bố gây tranh cãi ở khu vực biển Nam Trung Hoa, cũng đã không thể hiện quan điểm rõ ràng về hiện trạng của các quần đảo đang tranh chấp. Điều mà chúng ta đã tuyên bố là chúng ta sẽ bảo vệ tự do hàng hải và các đặc quyền tại các khu đặc quyền kinh tế phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Việc tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc chung về giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp lãnh thổ và tự do hàng hải có thể là quá thận trọng, trước sự nhạy cảm mang tính lịch sử của những tranh chấp này và do chúng ta muốn có mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc.
Nhưng đồng thời, chúng ta phải nhận thức rõ rằng Trung Quốc muốn khẳng định vị trí thống lĩnh tại vùng biển Nam và Đông Trung Hoa, mở rộng lãnh hải, tự do hành động và cản trở chúng ta tiếp cận các vùng biển này.
Chúng ta cũng cần phải đảm bảo để bạn bè và đồng minh của chúng ta có đủ sức mạnh và sự ủng hộ để đứng lên chống lại nguy cơ bị chèn ép và đảm bảo rằng chúng ta có thể thực hiện tốt các cam kết ngoại giao của mình.
Chúng ta vừa không muốn thấy những cuộc chạy đua quân sự tốn kém diễn ra ở Châu Á, vừa không muốn thấy Trung Quốc thống trị Châu Á mà không có sự hiện diện của Hoa Kỳ. Để đạt được những mục tiêu này, chúng ta cần tăng cường hơn nữa ngoại giao đồng minh để trấn an họ rằng họ sẽ không bị chèn ép bắt nạt. Chúng ta phải phân định rõ ranh giới đối với Trung Quốc trong các nguyên tắc chủ chốt về ứng xử trên biển.
Tuy nhiên chúng ta không có ý định phải viện đến lực lượng quân sự của chúng ta.
Trung Quốc càng phát triển lực lượng hải quân của họ bao nhiêu thì Hoa Kỳ lại càng thu hẹp bấy nhiêu. Trung Quốc đã triển khai hàng chục tàu ngầm mới trong khi chúng ta lại để cho năng lực chống tàu ngầm của chúng ta bị teo đi. Trong khi Trung Quốc triển khai hàng chục tàu ngầm mới thì chúng ta lại giảm số lượng tàu ngầm đi khoảng 25 chiếc.
Chính quyền Trung Hoa không chỉ nhận ra sự mất cân đối này mà còn đang tính toán tới sự cắt giảm sắp tới trong lực lượng hải quân Hoa Kỳ. Đô đốc hải quân Trung Hoa Yang Yi đang sung sướng hả hê khi thấy rằng Trung Quốc đã vượt gấp năm lần Hoa Kỳ trong sản xuất tàu ngầm ... con số 18 chiếc (là số lượng tàu ngầm của Hoa Kỳ thường xuyên có mặt ở Thái Bình Dương) so với 75 chiếc (hoặc nhiều hơn thế) tàu ngầm của Trung Quốc rõ ràng là không hề lạc quan chút nào [nhìn từ góc độ của nước Mỹ]. Người đứng đầu lực lượng hải quân Trung Hoa đã đúng khi đánh giá rằng các tàu ngầm của Mỹ có tính năng vượt trội hơn mặc dù khoảng cách về chất lượng hiện đang được rút ngắn. Và khoảng cách về số lượng khiến cho việc theo dõi hành tung các hạm đội của Trung Hoa trở nên khó khăn hơn.
Tôi đã được yêu cầu phát biểu về vai trò của lực lượng hải quân Mỹ trong việc duy trì đối trọng trên biển. Tôi đã làm điều đó với tinh thần khiêm tốn, vì tôi đang phát biểu trước ngài cựu Bộ trưởng Hải quân và cũng vì tôi nhận thức rõ ràng rằng việc đem ra bàn cãi về lực lượng quân sự của chúng ta là một vấn đề nhạy cảm.
Viện nghiên cứu của tôi đã triệu tập một nhóm các chuyên gia an ninh và chuyên gia quân sự để có cái nhìn sâu sắc hơn về yêu cầu đối với lực lượng quân đội của chúng ta trên toàn thế giới trước khi chính phủ tiến hành chương trình Xét duyệt Quốc phòng bốn năm một lần (QDR).
Chúng tôi đã xem xét yêu cầu quân sự tại khu vực Thái Bình Dương và tôi xin phép được chia sẻ với các vị một số kết luận như sau:
Trước hêt, tôi xin nhấn mạnh rằng chiến lược phòng thủ của chúng ta ở Thái Bình Dương cần không chỉ tập trung vào việc đối phó với các tình huống chiến đấu khi chiến tranh thực sự nổ ra. Vì Trung quốc đã thay đổi cán cân quân sự trong vùng nên lực lượng quân sự của chúng ta cũng phải thay đổi theo để lập lại đối trọng quân sự. Một cách để chúng ta đáp ứng đòi hỏi quân sự của chúng ta ở Thái Bình Dương là suy nghĩ về một sự hiện diện và điều động quân đội mạnh mẽ hơn tại khu vực này đồng thời cũng phải nghĩ tới lực lượng tăng cường khẩn cấp trong trường hợp có xung đột. Tôi sẽ chủ yếu đề cập đến vế đầu tiên của nhận định này:
Chưa bao giờ các hạm đội của chúng ta lại có quy mô nhỏ như hiện nay kể từ đầu thế kỷ 20. Mặc dù chúng ta có quân trang quân giới tốt hơn nhưng nếu so với khu vực Thái Bình Dương rộng lớn thì quy mô của các hạm đội là một vấn đề cần cân nhắc. Lực lượng của chúng ta ở Thái Bình Dương có rất nhiều nhiệm vụ bên cạnh việc duy trì đối trọng quân sự - họ còn phải xây dựng năng lực quan hệ đối tác, ứng phó với thiên tai và thực hiện nhiệm vụ chống lại nạn cướp biển.
Tôi xin tập trung vào nhiệm vụ về Trung Quốc. Sơ qua, có thể thấy về yêu cầu đối với lực lượng hải quân ở Thái Bình Dương, cần gia tăng số lượng tàu ngầm tấn công chớp nhoáng hiện diện gần như liên tục ở vùng biển Đông và Nam Trung Hoa cũng như ở khu vực biển Nhật Bản. Chúng ta cần có nhiều tàu ngầm hơn để bảo vệ các Nhóm Tàu sân bay Tấn công, để theo dõi tàu ngầm tuần tiễu của Trung Quốc và để tiến hành các hoạt động tình báo, do thám, trinh sát (ISR). Cũng cần trang bị thêm các máy bay do thám P8 và các bộ phận cảm biến dưới mặt biển.
Lực lượng tên lửa và các hạm đội phòng thủ của chúng ta chưa tương xứng với sự lớn mạnh ngày càng nhanh chóng của Trung Quốc trong sản xuất tên lửa đạn đạo và tên lửa tìm diệt trên biển. Đáng tiếc là đã đến lúc nếu chúng ta muốn giữ các căn cứ và các tàu chiến đã được triển khai thì chúng ta cần tập trung nhiều hơn nữa trong việc bảo vệ chúng.
Các thiết bị hữu dụng để bảo về tài sản trên biển bao gồm hệ thống phát hiện mục tiêu qua vệ tinh được kết nối trực tiếp với hệ thống ra đa dò tìm mục tiêu, sự có mặt thường trực của các tàu chiến được triển khai ở tiền phương có khả năng chống lại tên lửa đạn đạo và hệ thống tin tức tình báo cung cấp thời điểm chính xác tàu chiến có thể bị đe doạ và cảnh báo về các đợt phóng tên lửa chống tàu.
Mặc dù chúng ta cần triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa song năng lượng trực tiếp chính là công cụ đầy hứa hẹn để chống lại những mối đe doạ này, đặc biệt là tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM). Việc triển khai nhiều hơn nữa các tàu chiến duyên hải có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng tác chiến chống hạm (ASW) mạnh mẽ.
Tẩt cả các biện pháp quân sự này sẽ giúp chúng ta phản ứng nhanh khi cần thiết. Nếu quân đội của chúng ta cần gửi thêm nhiều tàu chiến nữa tới khu vực này thì các biện pháp để tăng cường khả năng sống sót của chúng sẽ khiến chúng trở nên mạnh mẽ hơn và có hiệu quả hơn. Một hệ thống ASW mạnh hơn sẽ làm tăng khả năng tự do hành động của chúng ta trong các cuộc chiến đấu. Tôi muốn nói rằng chúng ta cũng cần phải chú trọng tới sự tồn vong của các căn cứ quân sự trên mặt đất. Chúng ta cần có nhiều cơ sở hậu cần hơn tại các nước thân thiện để lực lượng không quân của ta có thể thâm nhập vào trong vùng. Chúng ta cũng cần đảm bảo rằng chúng ta có các máy bay tuần tiễu và tàu chở dầu đủ để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn và khó khăn hơn bất kỳ nhiệm vụ nào mà chúng ta đã thực hiện trước đây.
Ngài đã tỏ ra có lý, thưa Thượng nghị sĩ Webb, khi nhận định rằng chúng ta đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan: ngân sách quốc phòng của chúng ta đã được công bố trước khi Chính quyền Obama thông qua QDR. Tôi muốn thúc giục Quốc hội hãy đảm bảo sao cho việc rà soát quân sự của chính phủ không chỉ đơn giản là quyết định cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Cuối cùng, tôi tin tưởng rằng con đường ngoại giao có thể sẽ thành công và Châu Á có thể hưởng nền hoà bình và thịnh vượng lâu dài hơn khi mà mọi người đều biết rằng Hoa Kỳ có khả năng thực hiện những cam kết của mình. Điều cần thiết giờ đây chính là tài năng và nghệ thuật điều hành đất nước vốn có từ lâu đời của người Mỹ - nghệ thuật sử dụng đường lối ngoại giao mềm mỏng nhưng có tính răn đe và mang lại hiệu quả cao.
Nguồn: Điều trần của Dan Blumenthal, uỷ viên thường trú, AEI
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...