Tháng 3 vừa qua, Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế (CISS) thuộc Đại học Thanh Hoa cùng Quỹ Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) và vấn đề hợp tác Mỹ-Trung. Cuộc họp có sự tham gia của khoảng 20 chuyên gia và học giả nổi tiếng ở cả hai nước.

Tại cuộc họp, các học giả và chuyên gia đã đánh giá về tình hình dịch COVID-19, thừa nhận tâm dịch đã dịch chuyển sang châu Âu và Mỹ, với tình trạng ngày một nghiêm trọng. Các học giả Trung Quốc đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch trong nước, đồng thời cho biết chính quyền đang nỗ lực ngăn chặn các ca mắc COVID-19 từ bên ngoài và nguy cơ tái bùng phát một đợt lây nhiễm mới. Song song với đó, Bắc Kinh đang thúc đẩy các biện pháp để từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế và xã hội bình thường. Về phần mình, các học giả Mỹ cũng trao đổi về tình hình dịch COVID-19 tại các bang. Một số bày tỏ lo ngại số ca lây nhiễm cao sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài và cho rằng Mỹ cần những hỗ trợ cả về thông tin và hậu cần từ phía Trung Quốc.

Trong cuộc họp, một số học giả nói rằng nếu COVID-19 kéo dài trên toàn thế giới, cộng đồng quốc tế cần phải có kế hoạch chuẩn bị trong tình huống có tới từ 40-60% dân số thế giới bị lây nhiễm, và cũng không nên quá lạc quan về những bước tiến trong quá trình phát triển vắc-xin và thuốc đặc trị.

Với việc dịch bệnh lây lan mạnh tại nhiều quốc gia chưa có sự chuẩn bị phù hợp ở phía Nam Bán cầu, người ta không thể loại trừ khả năng virus sẽ quay trở lại Bắc Bán cầu vào mùa Thu và mùa Đông tới. Nếu kịch bản này xảy ra, cả 3 trung tâm của các hoạt động kinh tế toàn cầu là Đông Á, Bắc Mỹ và châu Âu sẽ đối mặt với một mối đe dọa thường trực. Cú sốc này sẽ diễn ra trên mọi mặt, và đi kèm với những nhân tố kinh tế, xã hội và chính trị, cuộc khủng hoảng y tế công sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử loài người.

Theo một số học giả Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ sụt giảm từ 10-25% trong quý đầu và mất thêm khoảng 20-30% trong quý II/2020. Giới học giả Trung Quốc tham dự hội nghị trực tuyến cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm nay sẽ thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Một số học giả Trung Quốc nhận định rằng trong bối cảnh nguồn cung-cầu thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề và nền kinh tế toàn cầu tiến sát bờ vực suy thoái, hầu hết các nền kinh tế sẽ khó có thể trụ vững được lâu, vì vậy phải chú ý đến nguy cơ dịch bệnh đang đẩy nhanh quá trình Mỹ-Trung “phân ly” trong lĩnh vực công nghệ và ngành sản xuất. Những người tham gia cuộc họp đều nhận thức được rằng dịch COVID-19 đang đặt ra thách thức rất lớn cho quan hệ Mỹ-Trung và càng làm trầm trọng hơn xu hướng vốn có từ trước khi dịch bùng phát. Sau hội nghị thượng đỉnh G20 đặc biệt hồi cuối tháng 3 vừa qua và cuộc điện đàm một ngày sau đó giữa nguyên thủ hai nước, quan hệ song phương Mỹ-Trung đã ổn định trên một số khía cạnh và có tín hiệu cải thiện. Các học giả cho rằng hai nước cần chớp lấy cơ hội này, thúc đẩy hợp tác hiệu quả để cùng lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống COVID-19.

Những hiểu biết của con người về virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) vẫn còn rất hạn chế và không quốc gia nào “miễn nhiễm” trước kẻ thù vô hình này chứ chưa nói đến khả năng tự vượt qua nó. Tại cuộc họp trực tuyến, các chuyên gia chỉ ra rằng với tư cách là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ và Trung Quốc cần chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo thế giới không chỉ trong việc kiềm chế dịch COVID-19 và thoát khỏi suy thoái kinh tế mà còn trong cả việc ngăn chặn một nguy cơ khủng hoảng lịch sử.

Có rất nhiều việc phải làm, và trước hết, theo các học giả Mỹ và Trung Quốc, cả hai nước cần chấm dứt các cuộc khẩu chiến và đổ lỗi giữa giới chức cũng như truyền thông, tránh các bình luận mang tính thù địch. Các học giả cho rằng một trong những yêu cầu tiên quyết để hướng tới hợp tác nhằm kiềm chế COVID-19 là việc hai bên tránh nêu tên địa danh cụ thể gắn với loại virus mới, cũng như những bình luận mang tính phân biệt nhằm vào các nhóm sắc tộc. Không chỉ vậy, trong quá trình thảo luận về các vấn đề chuyên môn, kỹ thuật hay thương mại có liên quan tới công tác phòng chống dịch, giới chức cần phải tránh đưa ra những phát biểu hoặc có những động thái mang màu sắc chính trị để tránh gây hiểu lầm.

Giới lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cần duy trì liên lạc thường xuyên, nhấn mạnh các nội dung then chốt trong việc hợp tác phòng chống COVID-19 và thể hiện vai trò lãnh đạo của mình bằng việc cung cấp các hướng dẫn về chính sách cũng như các biện pháp phối hợp hiệu quả. Theo đó, hai bên có thể thúc đẩy việc xây dựng một cơ chế phối hợp và đối thoại, học hỏi kinh nghiệm phòng chống Ebola, củng cố hợp tác ở cả cấp địa phương và trung ương.

Trong cuộc chiến chống COVID-19, không ai có thể đứng một mình, vì vậy điều cần làm là khích lệ và hỗ trợ tất cả các quốc gia theo cách phù hợp nhất. Nỗ lực phát triển vắc-xin và thuốc đặc trị không nên bị biến thành một cuộc cạnh tranh quyền lực. Cuộc chiến chống COVID-19 trên toàn thế giới chắc chắn không phải là cuộc chiến một mất một còn của các quốc gia đối địch. Thay vào đó, Mỹ và Trung Quốc cần khích lệ các kết quả nghiên cứu khoa học nguồn mở, thậm chí có thể cùng nhau triển khai nguồn dữ liệu chung để đẩy nhanh việc nghiên cứu các biện pháp đẩy lùi COVID-19.

Các học giả và chuyên gia nhấn mạnh cả Mỹ và Trung Quốc cần hết sức tránh việc lan truyền các thông tin tiêu cực về ngoại giao hay quân sự có nguy cơ hủy hoại cuộc chiến chống COVID-19, hạn chế các hành vi khiêu khích như tập trận quy mô lớn hay thử nghiệm vũ khí tấn công, dừng các chiến dịch an ninh mạng và gián điệp; tránh mọi hành vi cản trở sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ ở các cấp hoặc giữa các tổ chức phi chính phủ,…

Mỹ và Trung Quốc cần xem xét nới lỏng các biện pháp thuế quan đang cản trở các hoạt động vận chuyển thiết bị y tế. Hai nước cần tiếp tục thúc đẩy việc triển khai thỏa thuận giai đoạn 1 một cách nghiêm túc trên tinh thần duy trì sự tôn trọng song phương. Hơn thế nữa, đại dịch COVID-19 cũng không nên bị biến thành cơ hội để người ta làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu hay tìm cách lôi kéo doanh nghiệp chuyển đổi cơ sở. Việc phân ly trong bối cảnh hiện nay sẽ dễ dẫn đến những cú sốc không cần thiết đối với nền kinh tế thế giới nói chung.

Các học giả cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần cùng nhau hướng tới xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro y tế công toàn cầu và cùng nhau phát triển những nguyên tắc, tiêu chuẩn nhằm đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân viên y tế, bệnh nhân cũng như các thể chế liên quan. Hai bên phải nhận thức được rằng dịch bệnh này chắc chắn sẽ còn những đợt bùng phát mới, vì vậy điều cần làm là phải cùng nhau đầu tư xây dựng các quỹ phòng chống hiệu quả trên các nền tảng sẵn có như G20, Liên hợp quốc hay Tổ chức Y tế Thế giới, hỗ trợ các quốc gia chuẩn bị và vượt qua các cuộc khủng hoảng đang manh nha xuất hiện.

Bên cạnh những biện pháp trực tiếp, tại hội nghị, giới chuyên gia còn nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc Mỹ và Trung Quốc có tiếng nói mạnh mẽ nhằm thuyết phục các nhà sản xuất dầu mỏ trên thế giới tránh các biện pháp khiến thị trường càng thêm náo loạn.

Bài viết được đăng trên Chinausfocus

Minh Anh (gt)