Tranh chấp ở Biển Đông về lãnh thổ và chủ quyền đối với một vùng đại dương rộng lớn và hai quần đảo được nhiều người biết tới là Trường Sa và Hoàng Sa đang nhanh chóng khiến khu vực này trở thành “một khu vực tiềm năng xảy ra xung đột” ở châu Á. 

Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông và các đảo trong khi Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Đài Loan có tuyên bố chồng chéo nhau ở khu vực này. Tuyên bố của Trung Quốc chỉ thuần túy dựa trên các đoàn thám hiểm lịch sử, hoạt động đánh bắt cá và các cuộc tuần tra hải quân liên tục tính từ đầu thế kỷ 15. 

Nhiều người cho rằng ưu thế của Mỹ khó có khả năng sớm suy yếu, phải cẩn thận về “sự trỗi dậy lặng lẽ” của Trung Quốc. Sẽ là ngây thơ khi lập luận rằng ưu thế sức mạnh của Mỹ sẽ đặt dấu chấm hết cho sự ganh đua sức mạnh trên vũ đài chính trị toàn cầu và ưu thế sức mạnh của Mỹ sẽ mang lại cho Washington cơ hội để quản lý an ninh toàn cầu. 

Mỹ cần có sự hợp tác đa phương từ các nước khác để đạt được những ưu tiên về chính sách trong duy trì hòa bình toàn cầu. Mặc dù Charles Krauthammer từng đề xuất một “khoảnh khắc đơn cực” do Mỹ lãnh đạo, những người khác như Kenneth Waltz lại mạnh mẽ tuyên bố các cường quốc đang nổi sẽ sớm thách thức địa vị thống trị của Mỹ và sẽ tìm cách cân bằng quyền lực một cách có hệ thống trên vũ đài chính trị quốc tế. 

Trên thực tế, việc Mỹ “xoay trục sang châu Á” đã và đang gây ra những quan ngại gia tăng ở Trung Quốc về những ý định của Washington. Đồng thời, nỗ lực liên tục của Mỹ muốn mở rộng mối quan hệ quân sự với các đồng minh, đối tác và các lực lượng ở châu Á được nhiều người ở Bắc Kinh nhìn nhận là một nỗ lực bền bỉ nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc. Người ta cũng cho rằng vai trò can thiệp của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nguyên nhân chính khiến cho môi trường chiến lược của Trung Quốc bị suy yếu. 

Qua vấn đề Biển Đông, người ta cảm thấy rằng Trung Quốc cần dàn xếp với tất cả các bên tuyên bố chủ quyền trong khi phải đưa ra được một giải pháp hợp lý, còn nếu không, có khả năng cao là khu vực này trở thành một điểm nóng gây hậu quả đối với cả quốc tế. Người ta cũng nhận thấy rằng cách tiếp cận chiến lược của các nước tuyên bố chủ quyền trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ chủ yếu phụ thuộc vào việc Mỹ kiềm chế Trung Quốc để duy trì trật tự an ninh trong khu vực. 

Mối quan ngại gia tăng trong cuộc tranh chấp này đã gióng lên một hồi chuông quốc tế trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu xây dựng đảo nhân tạo trên những bãi nhỏ và rạn san hô ở Biển Đông, là những khu vực đều bị chìm khi thủy triều lên cao. 

Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) không cho phép Trung Quốc tuyên bố bất kỳ chủ quyền lãnh hải nào xung quanh các hòn đảo này. Thật ngạc nhiên ngay sau khi các nhà lãnh đạo rời khỏi hội nghị EAS, có tin nói Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã cử một tàu hậu cần mới tới phục vụ cho quân đóng ở những đảo nhân tạo này. Đồng thời, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này sẽ tiếp tục xây đảo nhân tạo. 

Trong ASEAN, chỉ có Philippines có lập trường gay gắt nhất với Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông. Nước này nói rõ về tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp. Các nước thành viên ASEAN còn lại, những nước đều biết rõ về hành vi hung hăng của Trung Quốc, thường thích Mỹ can dự để kiềm chế Trung Quốc trong cuộc xung đột lãnh hải này. 

Nhiều thành viên ASEAN đang xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Mỹ và Nhật Bản, và cũng tự ký với nhau các hiệp định đối tác chiến lược. Gần đây, Philippines và Việt Nam, nước mà vấn đề tranh chấp với Trung Quốc là hết sức nhạy cảm, cũng đã ký một hiệp định đối tác chiến lược. 

Sự thân thiết như vậy của nhiều quốc gia Đông Nam Á đã chọc giận Trung Quốc, khiến nước này càng thêm quyết đoán trong các hành động của mình. Hồi tháng 11, Philippines đã đưa vụ tranh chấp trên ra tòa án La Haye và một phiên tòa diễn ra nhằm xem xét những tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông. “Đường 9 đoạn” lịch sử của Trung Quốc cũng vươn tới cả vùng biển giàu dầu mỏ của Indonesia, nằm ở ngoài khơi Natuna và có thể buộc Jakarta phải tìm đến Tòa án công lý quốc tế. 

Thậm chí Malaysia cũng cực lực phản đối việc xây mới của Trung Quốc ở Biển Đông. Vì vậy, dù ít hay nhiều thì các nước ở Đông Nam Á cũng đang dũng cảm đương đầu với Trung Quốc trong cuộc xung đột mở rộng này, cuộc xung đột có thể gây tổn hại hơn cho việc duy trì sự hòa hợp trong số những nước này. 

Tuy nhiên, khía cạnh quan trọng nhất của vấn đề này là đối với phần lớn các nước ASEAN, Trung Quốc là đối tác thương mại và cũng là nhà đầu tư tiền của lớn. Vì thế, việc các nước ASEAN dựa vào cả Trung Quốc và Mỹ càng làm phức tạp thêm xung đột ở Biển Đông. 

Trung Quốc vẫn cứng rắn tuyên bố họ có quyền chủ quyền lãnh thổ đối với Biển Đông và bất kỳ điều gì họ đang làm là nằm trong lãnh thổ của họ. Sự can thiệp của nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, đang được nhìn nhận là một mối đe dọa với chủ quyền của Trung Quốc và không có gì phải bàn cãi về vấn đề tự do hàng hải khi những yêu cầu của Mỹ không có trong vốn từ vựng của Bắc Kinh. 

Vì vậy, sự can thiệp của Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào được các nhà dân tộc chủ nghĩa ở Bắc Kinh xem là sự tấn công vào quyền chủ quyền của Trung Quốc. Quả thực, những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc ngày càng cáo buộc chính phủ nước này chưa có hành động rõ ràng và chưa mạnh mẽ bổ sung thêm lực lượng cho cuộc xung đột này. Trong khi Mỹ liên tục tái khẳng định sự hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và có quan hệ gần gũi hơn với các nước như Việt Nam và Philippines, điều này khiến cho Trung Quốc càng nghi ngờ hơn về lợi ích của Mỹ ở khu vực này. 

Trong khi đó, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu ở Singapore hồi tháng 11 đã nói rõ rằng các đảo ở Biển Đông là “lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại”. Ông Tập cũng cảnh báo rằng các nước bên ngoài khu vực nên tôn trọng nhu cầu của những nước châu Á muốn có một “môi trường hòa bình và ổn định” để họ có thể phát triển thịnh vượng nhanh chóng. Tại Trung Quốc, hãng Tân Hoa đưa tin “các nước bên ngoài” mà ông Tập đề cập là Mỹ, nước công khai chỉ trích hành vi xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên những bãi đá ngập nước ở Biển Đông. 

Mỹ cũng chính thức tuyên bố rõ ràng rằng nước này không có ý định tham gia cuộc tranh chấp hàng hải đang gây tranh cãi ở Biển Đông này nhưng chắc chắn sẽ đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực. Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận những quan ngại của các nước ASEAN về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông cũng nhắc lại lợi ích lâu dài của Trung Quốc trong khu vực này khi cho biết “ý tưởng phát triển hòa bình là nhân tố cơ bản nội tại của văn hóa Trung Quốc”. Ông cũng rất quan ngại về tin đồn lan truyền rằng Trung Quốc đe dọa các nước khác ở vành đai châu Á-Thái Bình Dương. Đối với ông, “điều này hoặc là do yếu kém về lịch sử, văn hóa và chính sách hiện nay của Trung Quốc hoặc vì một số hiểu lầm và định kiến, và có thể là một số lý do không tiện nói ra”. Nhưng rõ ràng rằng trong một thế giới hậu Chiến tranh Lạnh do Mỹ tạo ra và chi phối, Bắc Kinh rất khó phát triển và tạo ra sự hiện diện trên khắp thế giới. 

Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, dường như một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới đã bắt đầu và lần này, khu vực xung đột được chuyển sang vùng Đông Á. Mặc dù Trung Quốc ngày nay đã và đang phát triển cả về sức mạnh và uy tín, song cũng cần phải thận trọng lưu ý rằng chỉ có sự tương tác thân mật và can dự tích cực giữa Trung Quốc và Mỹ mới có thể đảm bảo được cho tương lai của châu Á, nếu không thì sẽ dẫn tới sự ganh đua quyền lực thường trực trong những ngày sắp tới. 

Trung Quốc đang giám sát một đế chế văn minh hóa gồm Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Hong Kong và cho thấy xu hướng mạnh mẽ muốn thôn tính cả Đài Loan và Biển Đông. Hơn thế nữa, nước này cũng coi mình là trung tâm của văn minh và là đất nước có nền văn minh ưu việt về mặt lịch sử, xứng đáng được nhận sự tôn trọng từ các nước khác. Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc khi muốn trở thành một cường quốc hòa bình phải nhất quán với việc tôn trọn sự bình đẳng về chủ quyền của tất cả các nước láng giềng và những nước còn lại trên thế giới.

Makhan Saikia, nhà phân tích chính trị độc lập ở New Delhi. Bài viết được đăng trên the Pioneer.

Văn Cường (gt)