Hình ảnh minh họa trên máy tính về một đảo nổi mà Trung Quốc dự kiến xây dựng. Ảnh: popsci

Đáp lại những lo ngại của thế giới về quy mô và tốc độ cải tạo các bãi ngầm thành các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc lại có thêm một bước tiến mới khi loan tin chuẩn bị triển khai các đảo di động ở Trường Sa. Các đảo di động được thiết kế và thi công bởi hai công ty Trung Quốc là Tập đoàn Phát triển Kí Đông (JDG) và Công ty Công nghiệp Hải Nam Hải. Chúng sẽ có kích cỡ 400.000 đến 1,5 triệu tấn, và có thể di chuyển với vận tốc 16 km/h. Với chiều dài 300, 600, 900 thậm chí 2000 m và rộng 120 m, các đảo này có khả năng chở  nhiều tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và một phi đội máy bay tiêm kích, tấn công.[1]Không nghi ngờ gì các đảo di động là một vũ khí mới trong nỗ lực áp đặt đường 9 đoạn và chủ quyền Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông.

Các công trình nhân tạo trên biển có nhiều, phục vụ những mục đích dân sự và nghiên cứu khoa học chuyên biệt. Song có lẽ đây là lần đầu tiên có các đảo di động nhiều chức năng và phục vụ mục đích quốc phòng với quy mô lớn như vậy.

Đảo di động là công trình nhân tạo trên biển hay tàu biển. Nếu là công trình nhân tạo, theo Điều 60 của Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), chúng được hưởng một vùng nước an toàn 500 m xung quanh. Nếu là tàu biển chúng được hưởng quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải 12 hải lý của quốc gia ven biển (Điều 17-19 UNCLOS). Luật quốc tế chưa có những quy định điều chỉnh thích hợp cho những phát triển mới của công nghệ. Việc so sánh chúng với tàu sân bay, dàn khoan di động hay các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang sử dụng trong cuộc chiến chủ quyền ở Biển Đông có thể làm sáng tỏ phần nào ý định đằng sau việc đóng các đảo di động này. Khác với các công cụ trên, đảo di động ít nhất có những ưu thế sau:

-       Chúng có tính cơ động cao. Với tốc độ 16 km/h, các đảo di động này là những con tàu có tốc độ trung bình song đủ linh hoạt hơn tàu sân bay và dàn khoan. Về l‎ý thuyết chúng cũng không đòi hỏi một lực lượng tàu hộ tống mạnh và tốn kém như với tàu sân bay và dàn khoan. Chúng hơn hẳn các đảo nhân tạo vốn chỉ nằm một chỗ. Các đảo di động có thể thay đổi vị trí, đồng nghĩa với việc triển khai răn đe từ nhiều hướng khác nhau, mở rộng khả năng khống chế biển, trời. Chúng hỗ trợ mạnh mẽ cho ý định lập các vùng nhận dạng phòng không trong khu vực.

-       Chúng có tính tiếp cận cao. Tàu sân bay và dàn khoan là các biểu tượng đe dọa an ninh và tài nguyên trong khi các đảo di động với quy chế của một tàu biển dân sự có thể tiếp cận bờ biển các nước xung quanh Biển Đông một cách dễ dàng và vào sâu trong lãnh hải 12 hải lý, đe dọa trực tiếp đến an ninh trật tự của quốc gia ven biển mà các quốc gia đó không dễ đối phó cấm đoán. Điều này không khác gì mở rộng đường lưỡi bò vào sát bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

-       Chúng có tính an toàn cao. Với thiết kế module, các đảo di động rất khó bị đánh chìm trong khi đảo nhân tạo khó tránh khỏi bị tiêu diệt chỉ bằng một tên lửa hạm đối đất.

-       Chúng có tính thích ứng cao. Các đảo di động có khả năng tự tiếp tế. Chúng có khả năng chuyên chở, cung ứng xăng dầu, nước, nhu yếu phẩm mà không phải phụ thuộc nguồn cung như các đảo nhân tạo. Điều này làm tăng thời gian và không gian hoạt động trên biển.

-       Chúng có tính đa năng cao, phục vụ vừa mục đích dân sự vừa quân sự, vừa được coi là đảo công trình thiết bị trên biển, vừa được coi như tàu biển, chúng có khả năng tận dụng những lỗ hổng của luật biển quốc tế. Các quốc gia khác sẽ khó phản đối hoặc áp dụng các biện pháp thích hợp ngăn chặn hoạt động của loại đảo - thuyền này.

Các đảo di động lắp ráp theo module gợi lại hình ảnh các chiến thuyền của Tào Tháo liên kết trong trận Xích Bích, tạo sức mạnh quân sự vượt trội Ngô, Thục. Thế liên hoàn này tất yếu sẽ hình thành một thế trận hợp tung đối nghịch. Luật quốc tế chỉ mạnh khi có sự đồng thuận quốc tế. Các hoạt động cải tạo, bồi đắp bãi ngầm và xây dựng các đảo di động ở Biển Đông đi ngược với Điều 5 của Tuyên bố Ứng xử của các bên (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002. Chúng gây quan ngại không chỉ các nước xung quanh Biển Đông mà còn cả hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và bảo vệ môi trường trong Biển Đông. Đã đến lúc lãnh đạo các nước cần có một cuộc họp chung về Biển Đông, một hội nghị luật biển về Biển Đông. UNCLOS là một văn kiện quản lý biển quan trọng nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa được làm sáng tỏ. Khoa học kỹ thuật phát triển khác nhiều so với các quy định của 33 năm trước. Vấn đề không còn chỉ là tranh chấp chủ quyền giữa một số nước. Cộng đồng quốc tế đang đứng trước môi quan tâm chung: môi trường biển và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông đang bị đe dọa. 

Nguyễn Hồng Thao


[1]Jeffrey Lin and P.W. Singer, Chinese Shipyard Looks To Build Giant Floating Islands 1,000,000 Ton Battlestations”, xem tại

 http://www.popsci.com/chinese-shipyard-looks-build-giant-floating-islands; Zachary Keck, “Danger: China Is Building Massive Mobile Islands”, 20/4/2015, xem tại http://nationalinterest.org/blog/the-buzz/danger-china-massive-mobile-islands-12678m