(Biển Đông, nơi Trung Quốc không che dấu yêu sách Đường lưỡi bò)

 

Xuất xứ: Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh (Trung Quốc)

Thời gian công bố:Thứ năm, ngày 05/03/2009: 09H55’UTC

Thời gian phát điện:Thứ năm, ngày 01/09/20011:23H24’UTC

Phân loại:Điện mật

 

1.Tóm tắt: Theo một quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh hy vọng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông xuất phát từ một dự luật về đường cơ sở hàng hải được Quốc hội Philippines mới thông qua sẽ không làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, và không gây ảnh hưởng tới tuyên bố chủ quyền của họ tại Biển Đông (Quốc tế: South China Sea; Trung Quốc: Nam Hải). Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục tiến hành phương châm “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Khi nói về hai công ty dầu khí của Mỹ mà Trung Quốc đã tìm cách dừng các hoạt động của họ tại Việt Nam, vị quan chức này khuyến khích các công ty Mỹ không nên tiến hành các hoạt động kinh doanh ở những khu vực có tranh chấp. Các đầu mối liên lạc ở Đại sứ quán của Philippines bày tỏ quan ngại rằng việc phản đối dự luật về đường cơ sở của Philippnes đã cho thấy quan điểm cứng rắn của Trung Quốc tại Biển Đông. Còn các đầu mối liên lạc ở Đại sứ quán Việt Nam cho rằng việc Trung Quốc gây sức ép lên các công ty dầu khí của Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam chứng tỏ một “xu hướng nguy hiểm” trong cách tiếp cận về Biển Đông của Trung Quốc. Các nguồn tin của cả hai Đại sứ quán Việt Nam và Philippines đều bày tỏ quan ngại rằng quan hệ Mỹ-Trung ngày càng phát triển có thể dẫn đến việc Mỹ nhượng bộ để Trung Quốc chiếm thế nổi trội về hải quân ở Biển Đông. Hết tóm tắt.

 

2.Phó Phòng Hoạch định Chính sách của Vụ Châu Á thuộc Bộ Ngoại giao (Trung Quốc)  Yin Haihong nói với Tùy viên Chính trị vào ngày 3 tháng 3, rằng Trung Quốc phản đối việc Quốc hội Philippines gần đây tuyên bố chủ quyền với Bãi cạn Scarborough và Quần đảo Trường Sa, một động thái liên quan đến việc đệ trình yêu sách đường cơ sở của Philippines lên Ủy ban Giới hạn Thềm lục địa (CLCS) trước thời hạn chót là ngày 13 tháng 5 theo quy đinh của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Bà Yin cho biết, Trung Quốc tin rằng các điều khoản của UNCLOS về xác định thềm lục địa mở rộng cấm các quốc gia đệ trình các tuyên bố chủ quyền đối với vùng còn đang tranh chấp.

 

Hành động của Philippine sẽ không ảnh hưởng tới Đường Lưỡi bò

 

3.Bà Yin cho rằng, việc Trung Quốc phản đối Philippines và việc Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của LHQ xem ra từ chối “tuyên bố không hợp lệ” của Philippines sẽ góp phần giải quyết vấn đề phù hợp với mong muốn của Trung Quốc, bà này còn nhấn mạnh rằng không có gì thay đổi đối với chủ quyền “không thể chối cãi” của Trung Quốc ở Biển Đông (thể hiện bằng “Đường chín đoạn” hay “Đường lưỡi bò”, tham khảo điện B và C).  Bà Ying dự đoán, rằng những mâu thuẫn hiện tại sẽ không làm gia tăng xung đột trong khu vực. Bà này còn nói Trung Quốc sẽ tiếp tục phương châm “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở Biển Đông. Khi được hỏi, liệu Trung Quốc có dự định đệ trình yêu sách lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa, Trưởng phòng Đại dương và Luật biển thuộc Vụ Luật và Điều ước của Bộ Ngoại giao Yang Li nói với Bí thư Chính trị ngày 4 tháng 3 rằng Trung Quốc đang “nghiên cứu” vấn đề đệ trình lên Ủy ban này.

 

4.Đề cập tới tranh chấp về khu vực đánh bắt cá ở Biển Đông, bà Yin nói, việc bắt giữ tàu cá giữa cá nước có tranh chấp xảy ra đều đặn “nhưng không thường xuyên” do các ngư dân phải đối mặt với những khó khăn tất yếu khi xác định ranh giới hàng hải trên biển. Bà nói rằng chính quyền địa phương thường giải quyết các vụ việc này mà không cần sự tham gia của chính phủ trung ương. Về khả năng mở rộng việc hợp tác tuần tra hải quân trên Vịnh Tonkin (VịnhBắc Bộ) giữa Việt Nam và Trung Quốc, bà Yin cho rằng việc này là có tiềm năng, tuy nhiên đến nay thì cả hai phía vẫn chưa tổ chức thảo luận nghiêm túc về vấn đề này.

 

DOC: Một sự ảnh hưởng tích cực tại Biển Đông

 

5.Trong khi khẳng định rằng Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề Biển Đông theo hướng song phương, bà Yin nhấn mạnh rằng Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC) năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc đã góp phần giảm thiểu căng thẳng trong khu vực. Bà cũng cho biết, Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đã tổ chức đàm phán sơ bộ về các bước tiếp theo của DOC, mặc dù vậy bà không xác nhận liệu Trung Quốc có tìm kiếm một thỏa thuận mạnh hơn hay không.

 

Bộ Ngoại giao: Hai Công ty Dầu khí Mỹ nên dừng các hoạt động ở Việt Nam

 

6.Bà Yin một lần nữa nêu lại vấn đề về hai công ty thăm dò dầu khí của bang Texas là Hunt Oil (điện B) và một công ty chưa xác định khác (ghi chú: có khả năng là Công ty Pogo Producing). Bà nói rằng mặc dù chính phủ Trung Quốc đã tiếp xúc với hai công ty này thông qua Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, đến nay Trung Quốc vẫn không xác định được hai công ty này đã dừng các hoạt động thăm dò dầu khí hay chưa. Bà Yin đề nghị phía Mỹ giúp đỡ trong việc khuyến cáo các công ty dầu khí của Mỹ không tham gia vào khu vực có tranh chấp. Bí thư Chính trị tái khẳng định rằng trong khi Mỹ không có ý kiến gì về tranh chấp lãnh thổ và khuyến khích các bên liên quan giải quyết vấn đề một cách hòa bình thì Mỹ cũng phản đối việc gây áp lực lên các công ty Mỹ đang theo đuổi các hoạt động kinh doanh hợp pháp ở Biển Đông.

 

Philippines: Cảm thấy áp lực từ Trung Quốc

 

7.Công sứ Maria Hellen M. Barber của Đại sứ quán Philippines nói với Tham tán Chính trị ngày 25 tháng 2 rằng việc Trung Quốc chính thức phản đối dự luật về đường cơ sở của Philippines làm gia tăng quan ngại về việc nước này thi hành chính sách cứng rắn ở Biển Đông. Bà Barber nói, “chúng tôi chưa bao giờ bị kích động như vậy”, bà cũng nhấn mạnh rằng trong một buổi triệu kiến vào ngày 18 tháng 02, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Quang Á đã nhắc lại quan điểm của phía Trung Quốc về Biển Đông, và phủ nhận bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của Philippines đối với Quần đảo Trường Sa và Bãi đá Scarborough (Trung Quốc gọi là Quần đảo Nam Sa và bãi Hoàng Nham), yêu cầu chính phủ Philippines ngăn chặn việc ban hành đạo luật này, và còn bảo lưu “quyền hành động của Trung Quốc.”

 

8.Bà Barber giải thích rằng trước khi ban hành đạo luật hiện nay (hiện chỉ còn chờ chữ kí của tổng thống), Philippines đã tính đến sự nhạy cảm của các quốc gia láng giềng, cũng như thời hạn chót theo quy định của UNCLOS và văn kiện DOC. Đặc biệt, như là một động thái nhượng bộ đối với lo ngại của Trung Quốc, dự luật đã đưa Quần đảo Trường Sa vào “quy chế quần đảo” tách khỏi quần đảo Philippines, và Philippines đã quyết định không đặt đường cơ sở thuộc lãnh thổ này (tuy nhiên họ bảo lưu quyền làm việc này trong tương lai). Bà Barber cho biết Bãi đá Scarborough nằm bên trong vùng Đặc quyền kinh tế của Philippines và hiển nhiên nằm dưới sự kiểm soát của nước này, bà cũng bổ sung thêm rằng trước đây bãi đá Scarborough thường được quân đội Mỹ và Philippines sử dụng cho các mục tiêu chiến lược khi hoạt động bên ngoài Vịnh Subic.

 

09.Bà Barber cho biết hành động lập pháp của Philippines vốn chỉ “mang tính kỹ thuật” và nó không thể hiện sự thay đổi quan điểm của nước này về Biển Đông, bổ sung rằng chính phủ Philippines không có kế hoạch tăng cường sức mạnh cho bất cứ đảo nào họ tuyên bố chủ quyền. Nhận định rằng Philippines tin là họ đã nhượng bộ Trung Quốc trong vấn đề này, bà Barber cho rằng Tổng thống Arroyo có khả năng sẽ ký dự luật này bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

 

Việt Nam: Yêu sách của Trung Quốc vẫn không thể chấp nhận được

 

10.Một viên chức ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh dự đoán với Bí thư Chính trị ngày 3 tháng 3 rằng Việt Nam có thể sẽ đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa trước thời hạn chót là ngày 13 tháng 5, mặc dù ông này cũng bổ sung rằng sứ quán không tham gia vào việc thảo luận nội bộ của chính phủ Việt Nam về vấn đề này. Ông dự đoán rằng Trung Quốc sẽ phản đối yêu sách thềm lục địa của Việt Nam, ông này cũng cho biết là vào năm 2007-2008, các tàu của Hải quân Trung Quốc đã liên tục quấy nhiễu tàu hợp đồng của Nga và Nauy vốn đang thăm dò thềm lục địa của Việt Nam nhằm thực hiện bản đệ trình lên lên Ủy ban CLCS.

 

11.Viên chức ngoại giao này nhắc lại quan điểm của Việt Nam rằng tuyên bố về “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”, và rằng Trung Quốc nên tôn trọng UNCLOS và DOC. Trái ngược với quan điểm lạc quan của bà Yin thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc về tình hình Biển Đông, ông này cho rằng Trung Quốc đã khơi mào cho một “xu hướng nguy hiểm” ở Biển Đông, ông cũng dẫn ra những ví dụ gần đây về việc Trung Quốc gây sức ép lên các công ty Mỹ để buộc họ ngừng các hoạt động thăm dò dầu khí ở Việt Nam (điện D). Mặc dù lãnh đạo cấp cao của cả hai phía hiểu tính nhạy cảm của vấn đề Biển Đông và tìm cách giải quyết các bất đồng mới nảy sinh một cách hòa bình, tuy nhiên “một khoảng cách lớn” vẫn tồn tại giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề chủ quyền tại Biển Đông. Ông này cũng cho biết, Việt Nam “quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của mình”, trong đó bao gồm cả các khu vực thềm lục địa tuyên bố theo khuôn khổ của UNCLOS. Ông còn bổ sung thêm rằng, việc giải quyết vấn đề Biển Đông một cách phù hợp cũng chính là chìa khóa đi tới thành công của mối quan hệ song phương Trung - Việt.

 

Sự bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề Biển Đông.

 

12.Một cách riêng rẽ, cả bà Barber và viên chức của Sứ quán Việt Nam đều hỏi việc liệu vấn đề Biển Đông có nằm trong chương trình nghị sự của cuộc Đối thoại Hợp tác Chính sách Quốc phòng Mỹ  - Trung vào ngày 27 và 28 tháng 2, họ cũng bày tỏ quan ngại trước việc, để Trung Quốc trở thành một “đối tác bình đằng”, Mỹ có thể nhượng bộ để Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo ở Biển Đông. Viên chức của Việt Nam cho biết chính phủ của họ đang theo dõi những phản ứng của Mỹ đối với tranh chấp Trung - Nhật ở quần đảo Senkaku, ông cũng nhấn mạnh rằng, cách mà tranh chấp này được giải quyết sẽ ảnh hưởng tới hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông.

 

13.Tham tán chính trị nói với bà Barber, và Tùy viên Chính trị tiếp tục nhắc riêng với viên chức ngoại giao của Việt Nam, rằng quan điểm của Mỹ về vấn đề Biển Đông hoàn toàn không thay đổi: Mỹ không đưa ra quan điểm đối với các tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông, nhưng kêu gọi các bên yêu sách giải quyết những khác biệt một cách hòa bình, và Mỹ duy trì quan tâm một cách mạnh mẽ đối với vấn đề tự do hàng hải tại Biển Đông.

 

NCBĐ/Link trích dẫn: Wikileaks