Xung đột Biển Đông có thểcần phải được ngăn ngừa. Xung đột có thể ngăn được bởi tuy còn tồn tại mâu thuẫn về lợi ích nhưng thách thức đe dọa lợi ích chung còn lớn hơn so với những điểm bất đồng. Xung đột cần phải được ngăn ngừa bởi nếu dùng đến vũ lực, dù chỉ là trong thời gian rất ngắn, cũng khiến quan hệ Trung-Mỹ xấu đi, gây chia rẽ khu vực và làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu.

Thật không may là thuật trị nước khôn khéo không phải lúc nào cũng dễ duy trì. Thậm chí khi các nhà lãnh đạo muốn giảm bớt căng thẳng, họ phải đối mặt với thực tế rằng chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao trong khu vực. Vu khống kẻ khác bao giờ cũng dễ dàng hơn nhìn nhận tranh chấp từ nhiều góc độ khác nhau. Khi kẻ phá hoại xé rách cờ trên xe Đại sứ Nhật ở Trung Quốc, hắn đã không lường trước một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, nhưng hành động sai trái của người này chính là kiểu hành động dại dột có thể dẫn đến những mối nguy trong tương lai. Kiểm soát trình trạng mất lòng tin là điều cần làm để xoa dịu những vùng nước dữ ở Biển Đông.

Các quy tắc hàng hải có thể đem đến những gợi ý cho con đường ngoại giao phía trước. Tàu bè trên biển không được lạm dụng quyền qua lại. Tất cả tàu chiến đều phải có trách nhiệm tránh va chạm. Tương tự như vậy, tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm tránh trạng thái thù địch. Hai cường quốc lớn nhất, Trung Quốc và Mỹ, lại càng có trách nhiệm đặc biệt trong việc gìn giữ hòa bình.

Một khởi đầu tốt đó là việc thừa nhận Biển Đông vừa là lợi ích chung toàn cầu, vừa là lãnh thổ chủ quyền. Sự diễn giải khác nhau của các quốc gia là điều không thể tránh khỏi, vì vậy nhìn nhận thực tế về điều này chính là bước khởi đầu cần thiết để giảm bớt những căng thẳng.

Xu hướng hiện nay cho thấy khu vực Ấn Độ– Thái Bình Dương sẽ là động lực chính trị và kinh tế của thế giới trong thế kỷ 21. Sự thịnh vượng về kinh tế đòi hỏi nền thương mại mở mà phần lớn trong số đó chủ yếu lưu chuyển trên các đại dương của thế giới. Biển Đông nối liền với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Một nửa khối lượng vận chuyển toàn cầu đều đi qua điểm nút thắt cổ chai ở Eo biển Malacca phía tây nam Biển Đông. Nói tóm lại, Biển Đông là sẽ là một phần thiết yếu trong lợi ích chung toàn cầu.

Tuy nhiên Biển Đông cũng là vùng chủ quyền của các quốc gia trong khu vực. Do những thay đổi và sự phức tạp của lịch sử và luật quốc tế, việc phán xét quyền sở hữu chính xác đối với các vùng lãnh hải, các thực thể đảo, và các nguồn tài nguyên duới đại dương và đáy biển là vô cùng khó khăn. Không một quốc gia hay thể chế nào có thể áp đặt giải pháp. Cần phải có những giải pháp chung mang tính chia sẻ.

Nhiều nhà bình luận hy vọng rằng với một bộ quy tắc ứng xử gần như phép màu, các quốc gia sẽ chuyển từ giai đoạn tranh chấp sang đạt được một thỏa thuận lớn. Nếu một bộ quy tắc được tất cả các bên chấp thuận, thì đáng nhẽ nó đã hình thành từ trước, thay vì kéo dài đến hơn hai thập kỷ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Ngay cả khi các bên thống nhất với nhau về những thành tố cơ bản của một bộ quy tắc ứng xử trong tương lai gần, thì việc thực thi nó có thể đặt ra hàng loạt thách thức khác.

Trong khi đó, căng thẳng đã tăng tốc vượt qua cả mặt hợp tác. Hai năm trở lại đây, các động thái leo thang đã dấy lên những mối lo ngại trong khắp khu vực. Bế tắc gần đây liên quan đến Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham đã cho thấy một giai đoạn kéo dài các tuyên bố và hành động “ăn miếng trả miếng”, và những diễn biến trên đã được đánh dấu bằng sự thất bại của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Campuchia.

Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc đối với Philippin, cũng như với Việt Nam, đã thúc đẩy sự can dự sâu sắc của Mỹ đối với chiến lược tái cân bằng ảnh hưởng ở Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng.

Giống như Trung Quốc không muốn yêu sách của mình bị phớt lờ, các quốc gia láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc cũng không kém phần cứng rắn đối với yêu sách của họ. Philippin, nước đang nỗ lực xây dựng năng lực hải quân tối thiểu để có thể tuần tra các vùng biển của mình, thực ra không phải là mối đe dọa đối với Trung Quốc. Trường hợp xấu nhất chính là khi các nhà cầm quyền tại Manila bị cáo buộc đẩy vấn đề yêu sách tranh chấp lên quá cao, đến mức tỏ ra đối đầu trực diện với lãnh đạo Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải ra quyết định về một sự đáp trả nghiêm khắc. Mặc dù Mỹ vẫn ủng hộ quan điểm các tranh chấp phức tạp phải được giải quyết một cách hòa bình, vẫn có nghi ngờ cho rằng liệu Washington có giúp Manila trong trường hợp khủng hoảng nổ ra hay không.

Việt Nam cũng muốn một một giải pháp công bằng đối với những yêu sách của mình, bao gồm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Việt Nam không muốn Trung Quốc bán quyền khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam cũng không muốn chấp nhận yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc đã chiếm đóng trong thời kỳ mong manh sau thống nhất đất nước của Việt Nam những năm 1970. Một lần nữa, tuy Mỹ mong muốn những tranh chấp được giải quyết bằng con đường ngoại giao, nhưng những biện pháp cưỡng ép sẽ buộc tất cả các quốc gia trong khu vực đánh giá lại các nhu cầu an ninh của mình. Sự phân cực trong khu vực và cuộc chạy đua vũ trang hải quân có thể sẽ bị đẩy nhanh hơn.

Cả hai mặt lợi ích chiến lược và toàn cầu hóa đều vẫn tiếp tục song hành, do đó sẽ dẫn đến một sự pha trộn không mấy dễ chịu giữa hợp tác và cạnh tranh.

Các kế hoạch hợp tác đều đã thất bại vì thiếu lòng tin và có thể bị nghi ngờ là một cách để “đóng băng” những lập trường có lợi. Chẳng hạn như việc Trung Quốc không từ bỏ yêu sách đường 9 đoạn mập mờ và bành trướng bao phủ 80% diện tích Biển Đông đã tạo ra hiệu ứng về mặt ngoại giao, đó là đặt toàn bộ khu vực này trong vòng tranh chấp và theo như các điều khoản của Tuyên bố Ứng xử (DOC), sẽ hạn chế sự chiếm đóng của quốc gia.

Do không có sự tin tưởng lẫn nhau, một số người Trung Quốc cho rằng chính sách “tái cân bằng” của Mỹ đơn giản chỉ là để tiếp tục nắm giữ sức mạnh hơn là ủng hộ một hệ thống vận hành dựa trên luật pháp. Trong khi đó, Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực lại đang hoài nghi về những ý định của một Trung Quốc đang trỗi dậy. Chúng ta hãy thừa nhận với nhau rằng chúng ta không thể loại bỏ tận gốc sự thiếu tin tưởng này, nhưng chúng ta vẫn có thể ngăn chặn nó.

Những gì cần làm trước mắt là sự tổng hòa của chủ nghĩa hiện thực, các biện pháp xây dựng lòng tin, sự minh bạch và sự kiềm chế.

Chúng ta nên kỳ vọng Mỹ sẽ tiếp tục đặt ưu tiên cao, cả về ngoại giao, thương mại và quân sự, đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Nhưng chủ chốt trong chiến lược của Mỹ vẫn là những lợi ích kinh tế -  duy trì tự do hàng hải, tự do trên khắp các vùng chung của toàn cầu - và điều đó kêu gọi hợp tác hơn nữa giữa Trung Quốc và Mỹ. Mỹ cần phải tôn trọng Trung Quốc và tăng cường thúc đẩy hợp tác. Các lĩnh vực thích hợp nhất hiện nay cho sự hợp tác là trong các lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, khoa học và công nghệ (đặc biệt liên quan đến các nguồn tài nguyên tại Biển Đông), và hợp tác năng lượng mang tính thiết thực. Mô hình khai thác chung giữa Brunei và Malaysia cho thấy nguồn tài nguyên ở Biển Đông sẽ chỉ được khai thác khi có sự hợp tác như vậy.

Về phần mình, Trung Quốc có thể mong muốn Mỹ phải tôn trọng những tranh chấp chủ quyền thay vì áp đặt một giải pháp bắt buộc. Tuy nhiên, Trung Quốc không nên kỳ vọng Mỹ sẽ đứng ngoài vấn đề này. Mỹ sẽ “đứng về bên” khẳng định các tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, cho dù là với một đồng minh hiệp ước như Philippin hay là với một đối tác thương mại ngày càng quan trọng như Việt Nam. Và các quan chức Trung Quốc cũng nên thận trọng không nên thử cam kết của Mỹ. Chẳng hạn như vào đầu năm tới, ngay sau bầu cử tổng thống Mỹ, các quan chức nước Mỹ có thể phản ứng trên hoặc dưới mức cần thiết đối với hành động “thử” phản ứng của Trung Quốc. Phản ứng quá mức thì sẽ bất lợi nhưng một phản ứng yếu thôi cũng có thể gây ra những hậu quả nặng nề. Vì vậy, kiềm chế và những bước đi có cân nhắc là cần thiết, ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ đều mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và tổng thể với ASEAN.

Một thách thức khác có liên quan, vượt ra ngoài tranh chấp Biển Đông, đó là xử lý sự phủ nhận của Trung Quốc đối với quyền qua lại trên biển không gây hại hợp pháp của Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc. Trung Quốc đang định tìm cách chấm dứt tiền lệ này và đang xây dựng năng lực đẩy lùi hoặc chống tiếp cận đối với các lực lượng hải quân bên ngoài, đặc biệt là đối với hải quân Mỹ, nước đang nỗ lực bảo vệ các lợi ích chung về tự do hàng hải, không những trong thương mại toàn cầu mà còn duy trì tính mở trên phương diện an ninh. Quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc vẫn còn bị che đậy trong tấm màn bí mật nhiều hơn mức mà các quốc gia láng giềng cho rằng thể hiện được ý định thân thiện thực sự của Bắc Kinh.

Nước Mỹ một ngày nào đó chắc chắn phải học cách chung sống với việc hải quân Trung Quốc đi qua vùng bờ biển của Mỹ. Tuy nhiên, với tương lai trước mắt, các vấn đề như quyền qua lại vô hại trên biển ở các vùng đặc quyền kinh tế và các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông cần phải được quản lý hơn là giải quyết. Bằng cách tăng cường hơn nữa đối thoại, xây dựng lòng tin và sự minh bạch, các luật lệ không chính thức trên biển có thể tạo ra một không gian hợp tác cho cả một Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Mỹ hùng mạnh.

TS. Patrick M. Cronin là Cố vấn cấp cao và Giám đốc cấp cao Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) tại Washington, D.C. Bài viết này được đăng lần đầu tiên trên China-US Focus.

Trần Quang (dịch)

Kim Minh (hiệu đính)