Tuy nhiên, tuần qua, hãng tin Reuters của Anh lại đưa ra những dẫn chứng cho rằng dù đã lên nắm quyền gần được một năm, nhưng ông Tập Cận Bình vẫn chịu sự hạn chế của các nhà lãnh đạo thế hệ 3 và thế hệ 4 là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, chưa hoàn toàn củng cố được quyền lực của mình. Diễn biến trên chính trường thời gian qua cho thấy những gì mà ông Tập Cận Bình thể hiện đều rất cứng rắn, không chỉ liên tục ra đòn mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng phủ bại, mà còn tái khởi động các cuộc sinh hoạt dân chủ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc hay gia tăng áp lực đối với xã hội công dân. Tất cả được nhìn nhận như những biểu hiện của một nhà lãnh đạo mạnh. Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn một số nguồn thạo tin trong Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc tiết lộ: “Nhiều lần, ông Tập Cận Bình thử thông qua quyết định của mình trong Đảng nhưng không thành.

Tuy nắm trong tay các chức vụ tối cao về Đảng, Chính quyền và Quân đội, nhưng trên thực tế, ông Tập Cận Bình không dễ thực hiện được các chủ trương của mình”. Lập luận của Reuters chủ yếu dựa vào việc ông Tập Cận Bình không thể xóa bỏ chế độ giáo dục cải tạo lao động một cách thuận lợi như ý ông. Theo Reuters, cha của ông Tập Cận Bình (cố Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân) bị hàm oan trong Cách mạng Văn hóa nên ông hận tới tận xương tủy chế độ giáo dục cải tạo lao động cũng như việc cưỡng bức bắt giữ. Vì lẽ đó, đầu năm nay, thông qua Bí thư Chính pháp Trung ương Mạnh Kiến Trụ, ông đã đưa ra kiến nghị xóa bỏ chế độ giáo dục cải tạo lao động, nhưng cuối cùng lại bị phe bảo thủ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc ngăn chặn, khiến việc này không biết bao giờ mới thực hiện được. Reuters nêu rõ hai người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào vẫn cài cắm một lượng lớn đồng minh và thân tín của mình trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, hơn nữa, họ lại có uy tín tương đối lớn. 

Một dẫn chứng nữa mà Reuters đưa ra là việc bổ nhiệm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương vào cuối năm ngoái. Nguồn tin của Reuters cho rằng ông Tập Cận Bình vốn dĩ muốn bổ nhiệm Thượng tướng Trương Hựu Hiệp (con của Thượng tướng khai quốc Trương Tông Tốn, người có thời gian dài hợp tác với ông Tập Trọng Huân) làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Nhưng cuối cùng, việc này đã bị ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào phủ quyết. Sau đó, Thượng tướng Trương Hựu Hiệp chỉ có thể đảm nhiệm chức Ủy viên Quân ủy Trung ương và Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị. 

Bên cạnh đó, “nhà tham mưu cốt cán” của ông Tập Cận Bình là Phó Ban Thường trực Ban Nghiên cứu Chính sách Trung ương Hà Nghị Đình không thể thay thế ông Vương Hộ Ninh, một tâm phúc của ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào, ở vị trí “nhà tham mưu số 1” - Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách Trung ương - mà chỉ có thể làm Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đảng Trung ương Trung Quốc. Đây cũng là một dẫn chứng cho thấy ông Tập Cận Bình vẫn chưa hoàn toàn củng cố được quyền lực của mình. 

Ngoài việc bổ nhiệm nhân sự, nguồn tin của Reuters cho biết ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào còn có quyền phủ quyết đối với các quyết sách quan trọng về chính trị và kinh tế. Ví dụ, trong vấn đề cải cách tỉ giá hối đoái, hệ thống ngân hàng và xây dựng Khu Mậu dịch Tự do Thượng Hải gần đây, “thể chế Tập-Lý” (Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường) đã phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của một số thế lực ở Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành. 

Tuy Reuters nói rằng nguồn tin của mình ở trong tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc, nhưng một số học giả nghi ngờ mức độ xác tín của thông tin mà Reuters đưa ra. Lấy chế độ giáo dục cải tạo lao động làm ví dụ, báo “Bình quả” cho biết đầu năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố rằng trước cuối năm sẽ đưa ra phương án cụ thể về việc phế bỏ chế độ giáo dục cải tạo lao động. Hơn nữa, nửa năm lại đây, nhiều tỉnh như Quảng Đông, Sơn Đông và Vân Nam đã xóa bỏ việc phạt cải tạo lao động. Quan trọng hơn là trước đó không có chứng cứ và tin đồn cho thấy ông Tập Cận Bình là nhân vật chủ yếu thúc đẩy việc xóa bỏ chế độ giáo dục cải tạo lao động. 

Trả lời phỏng vấn của báo “Bình quả” qua điện thoại, học giả chính trị độc lập ở Bắc Kinh, bà Cao Du, nói rằng “thông tin mà Reuters đưa ra có lý, nhưng không đủ chứng cớ”. Bà Cao Du cho rằng quả thực ông Tập Cận Bình vẫn chưa thể nắm quyền hoàn toàn và chưa đủ đồng minh chính trị. Thế hệ đỏ thứ hai (con của các nhà lãnh đạo tiền bối) chưa hoàn toàn ủng hộ Tập Cận Bình. Tuy nhiên, theo bà Cao Du, dẫn chứng về trường hợp của Trương Hựu Hiệp và Hà Nghị Đình là chưa đầy đủ và thiếu chứng cứ xác thực. 

Tạp chí “Forbes”