1/ Đường chín/mười đoạn tùy tiện kiểu Trung Quốc.

Trung Quốc có nhiều cách diễn giải về các đường đứt đoạn này. Từ năm 1947, các nhà địa lý của Quốc dân đảng vẽ ra đường này và chính đường này đã và đang tiếp tục gây ra các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Từ ngày 11/1/2013, Đường chín đoạn thành Đường mười đoạn và đường vẽ này không làm thay đổi diện mạo bản vẽ gốc chín đoạn, chỉ thêm nét thứ mười bằng bút chì. Nét này được ghi vào phía Đông Đài Loan với ý nghĩa toàn bộ eo biển Formose thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Sau ấn phẩm tháng 1/2013, Trung Quốc cho xuất bản một tấm bản đồ mới ngày 26/6/2014 với tên gọi Bản đồ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đường nét sử dụng thể hiện biên giới quốc gia trên bộ cũng như trên biển. Chỉ  khác là biên giới biển thể hiện bằng những đường đứt đoạn.

Từ đó, Trung Quốc không nói thêm về Đường mười đoạn. Các cơ quan tham mưu của Trung Quốc, chủ yếu là các lực lượng cảnh sát biển luôn lý giải theo đường ranh giới mười đoạn.

2/  Lưỡi bò: Một vùng biển Trung Quốc tự nhận.

Từ năm 1947 hình thức tổng thể của bản vẽ này không thay đổi. Nó chiếm một khoảng biển rộng lớn hình lưỡi bò như các nước Đông Nam Á đặt tên một cách chế nhạo và theo ước tính bằng khoảng 80 - 90% Địa Trung Hải. Sau khi Công ước Luật biển năm 1982 được thông qua, người ta cho rằng Trung Quốc đã coi Đường lưỡi bò là vùng đặc quyền kinh tế, biến tấu tham vọng của Trung Quốc bao phủ một vùng biển lịch sử. Trung Quốc khẳng định chủ quyền Đường luỡi bò rõ hơn với các văn bản số CML/17/2009 và CML/18/2009 gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ngày 7/5/2009.

Với bản đồ ngày 26/6/2014, Trung Quốc đang biến Biển Đông thành biển riêng của mình.

3/ Những hành động tự nhận của Trung Quốc trên Biển Đông.

Năm 1974, Trung Quốc hoàn thành chiếm Hoàng Sa; tháng 3/1988 dùng sức mạnh chiếm 8 đảo thuộc Trường Sa; đầu 1995 áp đặt độc quyền Đá Vành Khăn; tháng 4/2012 chiếm các đảo Scarborough và từ cuối tháng 12/2013 xây dựng trên 8 đảo đá chiếm được năm 1988.

Về thăm dò - khai thác, từ năm 2006, Trung Quốc cho mình có quyền thăm dò -  khai thác trong phạm vi Đường chín/mười đoạn và gây sức ép không những với các công ty dầu lửa của các nước Đông Nam Á mà còn cả với các công ty nước ngoài ký hợp đồng thăm dò - khai thác với các nước này.

Về mặt hành chính, ngày 20/6/2012, lập thành phố Tam Sa (Hoàng Sa) thuộc tỉnh Hải Nam.

Về kiểm soát, các đơn vị cảnh sát biển Trung Quốc ít nhất đã 3 lần: ngày 26/5/2011, ngày 9/6/2011 và ngày 30/11/2012 đã đùng sức mạnh uy hiếp các tàu Việt Nam đang nghiên cứu địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc cũng dùng sức mạnh tương tự để đe dọa các tàu của Malaixia và Philippines khi các tàu của hai nước này đang hoạt động thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Từ 1/1/2014, lực lượng kiểm ngư Trung Quốc tăng cường hoạt động xác định khu vực đánh cá và không cho phép người nước ngoài được vào khu vực này nếu không được phép của chính quyền Trung Quốc. Khu vực biển đánh cá hình đa giác này trùng hợp với Đường lưỡi bò, trừ phía Đông Bắc.

4/ COC trong tình hình hiện nay – mối nguy hiểm tiềm tàng với các nước Đông Nam Á.

Từ tháng 3/2014, Trung Quốc chấp nhận đàm phán, nhưng câu giờ bởi vì Trung Quốc cho rằng trước khi ký COC thì DOC phải phát huy hết hiệu quả. Cách ứng xử kiểu câu giờ này làm cho nhiều người cho đây là kiểu từ chối của Trung Quốc không muốn hướng tới COC. Đây là mưu đồ để Trung Quốc có thời gian củng cố sự hiện diện đầy đủ ở Biển Đông bằng quân sự hóa các đảo với quy mô lớn dù đảo đó ở Hoàng Sa hay Trường Sa.

Các nước Đông Nam Á hy vọng đàm phán sẽ đạt được một thỏa thuận tạo cho họ an ninh hơn để đối phó với Trung Quốc. Thế nhưng, các nước Đông Nam Á không nhận thấy đằng sau đó là điều ngược lại ít nhất là do Đường chín/mười đoạn. Bởi vì đối với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á đang sai lầm khi dám hoạt động trong phần Lưỡi bò chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế của các nước này. Như vậy, khi COC được thông qua, tình hình sẽ vẫn như ngày hôm nay. Khi thực hiện COC sẽ rất phức tạp và với COC, Trung Quốc sẽ áp dụng những điều khoản để chống lại chính các nước Đông Nam Á, đang hy vọng những điều khoản của COC sẽ bảo vệ họ. Nếu quan sát theo cách nhìn của Trung Quốc thì các nước Đông Nam Á đang chuẩn bị vũ khí chống lại chính mình. Do vậy, trong giai đoạn hiện tại, dự kiến đi tới một COC chỉ là ảo tưởng.

Tóm lại, trong tình hình hiện nay, chừng nào Tòa án Trọng tài thường trực (CPA) chưa đưa ra phán quyết về tính hợp pháp hay không của Đường chín/mười đoạn, các nước Đông Nam Á, nếu muốn đàm phán một COC mang tính cưỡng chế hơn, lại đang bện sợi dây cho Trung Quốc thít lại ở Biển Đông. Ngược lại, tình hình hoàn toàn có thể khác nếu CPA tuyên bố trước ngày 9/5/2016 Đường chín/mười đoạn là phi lý, từ đó công nhận các nước ven Biển Đông là Philippines, Malaixia, Brunei, Indonexia và Việt Nam có đầy đủ quyền được khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của riêng mình. Qua phán quyết này, CPA tái khẳng định tính bất khả xâm phạm đến tự do quốc tế  về hàng hải, hàng không, dân sự, quân sự tại vùng biển này.

Daniel Schaeffer, tướng về hưu, thành viên nhóm nghiên cứu “Suy nghĩ Châu Á 21” (asie21.com). Bài viết được đăng trên Diploweb (Pháp).

Hương Lan (gt)