Tuy nhiên, sau khi bỏ đi những từ ngữ khuếch đại, không thực tế, những người sáng suốt cần khách quan nhìn nhận việc này. Cùng với sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc ngày một lớn mạnh, việc xây dựng quốc phòng cũng thay đổi tư duy từ “đại lục quân” sang lấy hải quân, không quân làm trọng điểm. Đặc biệt, sau khi tàu sân bay Liêu Ninh được bàn giao và Trung Quốc đang đóng tàu sân bay mới, một số báo Mỹ cho rằng điều đó thể hiện sự uy hiếp ngày càng lớn của hải quân Trung Quốc đối với các nước phương Tây. Tạp chí “Lực lượng vũ trang” của Trung Quốc còn cho biết lực lượng tàu ngầm của nước này đã tạo ra thách thức mang tính khu vực và tính chiến lược đối với Mỹ. Theo thống kê của cơ quan có quyền uy về quân sự quốc tế, hiện nay lượng giãn nước và số lượng tàu ngầm của hải quân Trung Quốc đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, nếu xét từ năng lực chiến đấu thực tế, hải quân Trung Quốc chưa chắc được đứng ở vị trí này. 

Sự phát triển hải quân của một nước phải tuân theo chiến lược tổng thể của quốc gia đó. Ví dụ, trước đây đế quốc Anh dựa vào biển để phát triển, do đó binh lực của lực lượng lục quân nước này trong vài trăm năm nay tương đối thấp, trọng điểm phát triển vẫn là các hạm đội hải quân. Trung Quốc vốn truyền thống là một nước lớn trên đất liền, trước phong trào giao thiệp với nước ngoài thời nhà Thanh, do kinh tế đóng cửa trong thị trường nội địa nên Trung Quốc chỉ xây dựng thủy quân vùng duyên hải chứ không xây dựng hải quân. Sau đó, với mục đích phòng vệ cửa biển, nhà Thanh đã mua trang thiết bị tàu chiến của các nước phương Tây, hạm đội Bắc Dương của Trung Quốc đã từng là “một lực lượng hải quân hùng mạnh nhất” châu Á. Song trong Chiến tranh Nha Phiến, hạm đội này đã thất bại thảm hại. Mười mấy năm sau đó, người Trung Quốc gần như mất niềm tin vào việc chấn hưng lực lượng hải quân, vì thế lực lượng này bị xếp ở vị trí sau cùng trong các quân chủng. 

Sau khi nước Trung Hoa Dân quốc được thành lập, các nhà lãnh đạo đất nước luôn bận rộn với nội chiến trên đất liền nên không coi trọng hải quân. Ví dụ, trước kháng chiến, lượng giãn nước của tàu chiến hải quân Trung Quốc chỉ là 68.000 tấn, bằng 1/18 lượng giãn nước của các tàu chiến thuộc hải quân Nhật Bản lúc đó. Thời kì đầu kháng chiến, các tàu này bị không kích hoặc tự chìm nên toàn quân bị tiêu diệt. Sau khi kết thúc kháng chiến, Chính phủ Quốc Dân đảng nhập tàu chiến cũ của Mỹ để xây dựng lại lực lượng hải quân, trọng tải của các tàu này đạt 160.000 tấn. Các tàu chiến chủ yếu dùng để trợ giúp tàu bảo vệ, tàu đổ bộ của lực lượng lục quân trong thời kì nội chiến, sau đó chỉ phát huy tác dụng bảo vệ đảo Đài Loan. 

Toàn bộ tài sản mà lực lượng hải quân PLA tích lũy được là một số tàu chiến cỡ nhỏ thu được sau cuộc khởi nghĩa của lực lượng hải quân Quốc Dân đảng trước kia, song những tàu chiến này đều cũ và không có lớp bảo vệ trên không nên hầu như không thể tham gia tác chiến. Vào thập niên 50 của thế kỉ trước, hải quân Trung Quốc mua 137 chiếc tàu chiến (42 chiếc thành phẩm, 95 chiếc bán thành phẩm, tổng tải trọng xấp xỉ 100.000 tấn) của Liên Xô để xây dựng lực lượng hải quân vững mạnh; trong đó 4 chiếc tàu khu trục mang đại bác có trọng tải 1.600 tấn (đơn vị đo dung tích của tàu thuyền) trong nhiều năm vẫn được hải quân Trung Quốc coi là “tứ đại kim cương”. Do ngân sách quốc gia có hạn và cơ sở công nghiệp yếu kém, vào những năm 1950 lực lượng hải quân Trung Quốc được xây dựng theo phương châm “không quân, tàu ngầm và canô”, trọng điểm phát triển sẽ là tàu ngầm, hải quân, không quân căn cứ trên bộ và bộ đội canô; đồng thời thực hiện chiến lược “phòng vệ gần bờ”. Trung Quốc còn sử dụng các tư liệu, bản vẽ kĩ thuật thu được của Liên Xô trước đây về tàu hộ tống, tàu quét thủy lôi, tàu phóng ngư lôi siêu tốc, tàu ngầm, tàu diệt tàu ngầm… để đóng các loại tàu hạng nhẹ và hạng nhỏ. Do lực lượng hải quân mỏng, chỉ có thể tiến hành phòng vệ gần bờ, do vậy phòng vệ đất liền trở thành chiến lược quốc phòng duy nhất thời đó, 3 triệu km 2 biển lẽ ra thuộc về Trung Quốc về cơ bản đành phải từ bỏ canh giữ, bảo vệ. 

30 năm sau cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng, ngân sách tài chính và trình độ khoa học kĩ thuật được nâng cao, việc thực hiện phương châm phát triển quân dân hòa hợp, mỗi người dân là một chiến sĩ khiến sự phát triển của lực lượng hải quân dần dần được đặt nền móng cơ sở vật chất vững vàng. Năm 1994, Trung Quốc trở thành nước đóng tàu lớn thứ ba thế giới, năm 2009 ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản đứng thứ hai thế giới về số lượng tàu sản xuất, đến năm 2010 đã vượt qua Hàn Quốc trở thành nước đóng tàu lớn nhất thế giới. Theo thống kê năm 2010, tổng tải trọng tàu dân dụng do Trung Quốc đóng đạt 40 triệu tấn, chiếm 40% toàn thế giới, trong đó 70% số lượng tàu đóng ra được xuất khẩu. Việc Trung Quốc có được năng lực đóng tàu lớn nhất thế giới này cũng như xây dựng được số lượng xưởng đóng tàu, bệ lắp ráp tàu, thiết bị đóng tàu nhiều nhất đã tạo nền tảng cho việc đóng tàu chiến.

Có người đã hình dung việc Trung Quốc đóng tàu hộ tống, tàu ngầm hiện nay giống như “thả sủi cảo”, nhưng lại không ảnh hưởng đến ngành đóng tàu dân dụng. Điều này khiến ngành đóng tàu của các nước phương Tây hiện đã suy thoái vô cùng ngưỡng mộ và cũng không có cách nào làm được như Trung Quốc. Nguyên nhân là do hiện nay giá lao động ở các nước phương Tây rất cao nên giá thành tàu dân dụng của các nước này đắt hơn Trung Quốc vài lần, về cơ bản hiện nay các nước này đã bỏ ngành đóng tàu, chuyển sang mua tàu nước ngoài. Hiện nay, việc Trung Quốc phát triển lực lượng trên biển hùng mạnh không những có tính khả thi, mà còn có tính tất yếu. Từ sau năm 2009, 30% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc dựa vào ngoại thương, trong đó hơn 90% thông qua vận tải đường biển. Do nguồn tài nguyên trong nước không dồi dào, Trung Quốc phải nhập khẩu hơn 50% dầu thô, thiếc, ngoài ra vốn đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài cũng đạt hơn 300 tỉ USD. Nói cách khác, mỗi năm Trung Quốc có 2.000 tỉ USD hàng hóa vận chuyển trên biển, bao gồm số lượng lớn các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu và nguyên liệu nhập khẩu. Tất cả các hàng hóa này đều cần đến lực lượng trên biển đáng tin cậy bảo vệ. 

Sự thay đổi cơ cấu kinh tế này của Trung Quốc kêu gọi, thúc giục các nhà lãnh đạo nâng tầm vị thế của việc xây dựng lực lượng hải quân từ vị trí cuối cùng trước cải cách mở cửa lên vị trí hàng đầu. Trong khoảng thời gian 10 năm từ cuối những năm 1990 trở lại đây, tình hình phát triển lực lượng hải quân của PLA đã thể hiện bước đại nhảy vọt. Theo số liệu thống kê được công bố, tổng tải trọng tàu của Trung Quốc đạt trên 1 triệu tấn, vượt hải quân Nga, gấp 2 lần hải quân các nước Anh, Pháp, Nhật Bản, và chỉ kém quy mô trọng tải 3 triệu tấn của hải quân Mỹ. Hải quân là một quân chủng mà mô hình của nó tập trung nhiều khoa học kỹ thuật cao. Một lực lượng hải quân hoàn thiện cần gồm 5 binh chủng lớn là tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, lực lượng phòng không, lực lượng lục chiến (lính thủy đánh bộ) và lực lượng phòng vệ bờ biển. Lực lượng hải quân nước lớn còn được trang bị thêm vũ khí hạt nhân và có năng lực tác chiến kép hạt nhân và thông thường; ngoài ra, tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay còn là trang thiết bị cần thiết của hải quân biển xa. Nếu căn cứ theo yêu cầu này, cơ cấu của hải quân Trung Quốc là hoàn thiện, hợp lý, song do nền tảng tương đối kém nên còn tồn tại nhiều điểm yếu. 

“Bốn tiêu chuẩn” để đánh giá thực lực hải quân của quốc tế là lý luận phát triển hải quân, trình độ trang bị (vũ khí, quân trang, khí tài...), chi phí quân sự (ngân sách quốc phòng) và tố chất chiến sĩ, trình độ huấn luyện. Hải quân Mỹ có vị trí siêu cường trên thế giới, và không quốc gia nào có thể sánh được ở bốn tiêu chuẩn trên. Quy mô của hải quân Anh nhỏ hơn rất nhiều, trọng tải tàu chưa được 600.000 tấn, tuy nhiên do nền tảng “bá chủ trên biển” năm xưa vẫn còn nên vẫn rất mạnh ở 4 mặt trên, tại trận hải chiến ở quần đảo Falkland năm 1982, hải quân Anh vẫn thể hiện là một lực lượng có hạm đội “tuy nhỏ song vẫn mạnh”. Nếu căn cứ theo 4 tiêu chuẩn trên để đánh giá có thể thấy ở tiêu chuẩn nào hải quân Trung Quốc cũng chỉ ở trình độ “mới nhập môn”. 
Đầu tiên, ở góc độ lý luận phát triển hải quân, tức là ở các lĩnh vực như quan niệm hải dương, nghi thức thao tác hải quân, kinh nghiệm chiến đấu trên biển, luật hải quân... Trung Quốc đều thiếu sự tích lũy những gì thuộc về “linh hồn” hải quân. Từ thời kì đầu giải phóng đến những năm 1990, hải quân PLA luôn phụ trách ven bờ, duyên hải và về mặt quan niệm tác chiến vẫn phối hợp với những gì thuộc về lục quân. Sau thập niên 90 cảu thế kỹ 20, lực lượng này mới nhấn mạnh quan niệm chủ quyền biển, và từng bước hình thành chiến lược hải quân độc lập. Song ở lĩnh vực này lực lượng hải quân vẫn ở giai đoạn tìm tòi chuyển đổi mô hình, chưa được coi là đã trưởng thành. 

Thứ hai, ở phương diện trình độ trang thiết bị hải quân. Sự tiên tiến của trình độ trang thiết bị vũ khí có liên quan đến sức mạnh cứng của lực lượng hải quân, trong đó tiêu chuẩn đánh giá là: một, số lượng tàu chiến, máy bay và binh sĩ; hai, chất lượng trang thiết bị vũ khí. Trung Quốc có tiến bộ rất lớn ở mặt này, song vẫn còn có nhiều điểm yếu, ví dụ, tàu sân bay chưa hình thành được năng lực chiến đấu, thiếu máy bay cảnh báo trên biển, các trang thiết bị vũ khí có liên quan đến tàu ngầm hạt nhân tương đối lạc hậu. 

Thứ ba, ở phương diện kinh phí của lực lượng hải quân. Mức độ đầu tư vào việc xây dựng hải quân sẽ quyết định tốc độ phát triển, quy mô xây dựng lực lượng. Kinh phí cho lực lượng hải quân Trung Quốc hiện đã nhiều hơn Nga và không thua kém Nhật Bản, nếu xếp thứ tự chỉ đứng sau Mỹ. Điều này quyết định hải quân Trung Quốc sẽ có bước phát triển mạnh mẽ tiếp theo. 

Thứ tư, ở góc độ tố chất binh sĩ và trình độ huấn luyện. Trình độ kĩ thuật thường quan trọng hơn quy mô trang thiết bị vũ khí. Kĩ thuật sử dụng tàu chiến, tàu ngầm, máy bay, hệ thống điện tử của hải quân vô cùng phức tạp nên sẽ đưa ra yêu cầu cao đối với cơ cấu tố chất của binh sỹ. Lĩnh vực này có thể nói là một điểm yếu của hải quân Trung Quốc. Bởi vì trong một thời gian dài chỉ tập trung phòng vệ vùng biển gần nên lực lượng hải quân Trung Quốc không có kinh nghiệm sử dụng tàu chiến cỡ lớn, đặc biệt là tàu sân bay. 

Sự mạnh, yếu của lực lượng quân đội ở một mức độ nhất định phụ thuộc vào sự tích lũy kinh nghiệm. Hải quân Trung Quốc có kinh nghiệm chiến đấu thực tế phong phú ở các cuộc chiến trên biển, trước đây hải quân Liên Xô do biểu hiện “thế thủ” trong hải chiến nên dẫn tới năng lực chiến đấu thực tế lại không mạnh dù quy mô hải quân tương đối lớn. Điểm yếu lớn nhất của hải quân Trung Quốc chính là thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Ngoài giao tranh trên biển ở quy mô nhỏ trong thời kì nội chiến, hải quân Trung Quốc chỉ có kinh nghiệm sử dụng tàu cỡ nhỏ, đại bác trong chiến tranh trên biển đối với Việt Nam. Mấy năm gần đây, tuy hải quân PLA tiến hành các hoạt động mang tính chất huấn luyện như chuyến đi xa, chuyến thăm hòa bình và diễn tập quân sự chung, chống cướp biển ở Ấn Độ Dương, song các hoạt động này vẫn có khoảng cách xa so với các cuộc tác chiến có ý nghĩa thực chất ở biển xa. Nếu tiến hành chiến tranh trên biển trong tình hình mới, hải quân Trung Quốc cần phải tiếp tục tìm tòi phương pháp. 

Trong giới hải quân quốc tế còn có một lý luận bất thành văn về “bốn tiêu chuẩn” đánh giá sức mạnh tổng hợp của lực lượng hải quân. Nếu quy nạp lại, 4 tiêu chuẩn đó là: (1) Tỉ lệ biên chế lực lượng hải quân trong lực lượng quân đội quốc gia; (2) Lượng giãn nước bình quân của tàu chiến chủ lực; (3) Tỉ lệ thực tế giữa tàu chiến chủ lực của hải quân và tàu chiến đảm bảo vận tải đường biển; (4) Năng lực đầu tư biển xa có hùng mạnh hay không. Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn này, hải quân Mỹ vẫn khiến các nước khác không có hi vọng đuổi kịp, bởi biên chế lực lượng hải quân chiếm 40% lực lượng quân đội nước này, lượng giãn nước bình quân của tàu chiến chủ lực là 14.000 tấn, tỉ lệ giữa tàu bảo vệ và tàu chiến tác chiến là 2/3, năng lực tác chiến tầm xa có thể bao phủ toàn cầu. Trong khi đó, theo số liệu được công bố hiện nay của hải quân Trung Quốc, lực lượng hải quân có 260.000 binh sĩ, chiếm 12% trong tổng số 2,3 triệu binh lính của quân đội nước này; ngoài ra lượng giãn nước bình quân của tàu chiến thấp, số lượng tàu bảo vệ ít, hơn nữa lại thiếu năng lực tác chiến biển xa. Xét từ tình hình hiện nay, mặc dù trong vòng 5 năm tới, hải quân Trung Quốc tiếp tục cử biên đội tàu đến biển Đông Phi bảo vệ tàu nước này, song về tổng thể lực lượng hải quân vẫn chỉ là lực lượng tác chiến ở vùng biển gần, năng lực tác chiến vùng biển xa vẫn thua kém hải quân các nước Nga, Anh, Pháp. 

Đương nhiên, chiến tranh hiện đại không đơn giản chỉ là cuộc chiến của một quân chủng. Chiến tranh trên biển phải dựa vào không quân (lực lượng phòng không), hệ thống trinh sát trên không (chủ yếu là vệ tinh) và sự hỗ trợ của tên lửa đạn đạo mặt đất. Hiện nay, năng lực hàng không vũ trụ và sức mạnh tên lửa đạn đạo tầm xa của Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ, Nga nên có thể bù đắp những thiếu sót của lực lượng hải quân. Ví dụ, nếu so sánh lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản và lực lượng hải quân Trung Quốc, mặc dù tàu khu trục, khả năng chống tàu ngầm của Nhật Bản có một số ưu thế, song do năng lực tấn công tầm xa, đặc biệt là ở lĩnh vực tên lửa đạn đạo, Trung Quốc lại chiếm ưu thế tuyệt đối (Nhật Bản gặp hạn chế không được phát triển vũ khí loại này), nên một khi xảy ra giao tranh giữa hai nước, Trung Quốc đương nhiên sẽ áp đảo đối phương. Nhật Bản được Mỹ bảo vệ theo “Hiệp ước đảm bảo an ninh Nhật–Mỹ”, lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản lệ thuộc vào quân đội Mỹ nên việc khai chiến quy mô lớn đối với Nhật Bản đồng nghĩa với việc khai chiến với Mỹ, sẽ không có khả năng cho cuộc chiến của riêng hai nước Trung–Nhật. Khi Trung Quốc suy xét đến cuộc tranh giành quân sự với các nước xung quanh sẽ không tránh được cái bóng của Mỹ. Sự chênh lệch về thực lực hải quân và không quân giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa được cải thiện. 

Hiện nay, cuộc đại phát triển của hải quân Trung Quốc trên thực tế đã trở thành trụ cột chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển lợi ích quốc gia. Năng lực tác chiến hiện đại của hải quân có thể nói đã bước đầu đạt được mục tiêu chiến lược đã định. Tuy nhiên, điểm yếu của lực lượng hải quân PLA rất rõ nét, nếu so sánh với các cường quốc hải quân trên thế giới vẫn có sự khác biệt lớn. Lực lượng hải quân vẫn phải đi một con đường rất dài để đạt được mục tiêu “Trong thế kỷ hải dương, Trung Quốc nên chiếm được một chỗ ở trên biển”. Về mặt này, Trung Quốc không được tự ti, song cũng không nên quá kiêu ngạo. 

Xét từ thực trạng hiện nay của hải quân Trung Quốc, quy mô đã tương đối lớn, ở một số hạng mục như tên lửa đạn đạo chống hạm có tốc độ siêu âm đã đạt trình độ tiên tiến thế giới và khiến Mỹ phải lo lắng, song rất nhiều thực lực kỹ thuật vẫn tương đối yếu. Ví dụ, năng lực chống tàu ngầm, phòng không, gỡ mìn còn hạn chế; thiết bị điện tử, linh kiện động lực… tồn tại nhiều nhược điểm. Những điều này đã cản trở sự phát triển của các chiến hạm Trung Quốc. Ví dụ, một số tàu khu trục cỡ lớn của Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu môtơ của Ukraine cùng với việc nhập khẩu tàu ngầm thường quy lớp Lada của Nga theo phương thức hợp tác chế tạo đã cho thấy những khó khăn của các lĩnh vực này vẫn chưa được khắc phục. Đối với việc chế tạo, sử dụng tàu sân bay, Trung Quốc vẫn ở giai đoạn tìm tòi và để hình thành năng lực chiến đấu thực sự có hiệu quả vẫn cần nhiều thời gian. 

Sự cường thịnh của Trung Quốc không thể tách rời lực lượng hải quân hùng mạnh, tính chất căn bản “tích cực phòng ngự” của nước này từ trước đến nay không hề thay đổi. Việc phát triển hải quân không phải để bành trướng thế lực mà để bảo vệ quyền và lợi ích biển của mình, và hơn nữa là bảo vệ lợi ích ở nước ngoài. Hiện nay và trong tương lai, tình hình khu vực xung quanh Trung Quốc không mấy lạc quan. Mỹ cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương là một thách thức đối với hải quân Mỹ. Sự điều chỉnh chiến lược mới của Mỹ cho thấy cục diện lấy đảo Guam làm trục chính của nước này đang hình thành. Sự bố trí lực lượng hải, không quân hùng mạnh của Mỹ ở đảo này đã gây cản trở nghiêm trọng đối với việc hải quân Trung Quốc sắp tiến ra biển. Việc các nước láng giềng của Trung Quốc đang ra sức phát triển lực lượng không quân trên biển cũng sẽ hình thành sự kiềm chế chiến lược trên thực tế đối với công cuộc tiến ra vùng biển xa của hải quân Trung Quốc. 

Do Trung Quốc kiên trì trỗi dậy hòa bình, mặc dù chỉ số GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới, song không thể có sự đầu tư quá lớn cho ngân sách quốc phòng, nên không thể học Liên Xô trước đây cạnh tranh với Mỹ trong việc đầu tư quốc phòng. Trung Quốc phải đi theo hướng đầu tư ít song hiệu quả cao – đây cũng là con đường phát triển hải quân mang đặc sắc Trung Quốc, để không gây ảnh hưởng đến kinh tế nước này. Trong quá trình phát triển hải quân, Trung Quốc vẫn kiên trì nguyên tắc “có một số việc sẽ làm, một số việc không làm”, nắm bắt các khâu mấu chốt, ra sức tăng cường xây dựng thông tin hóa lực lượng hải quân.

Các cuộc chiến tranh trên thế giới trong mấy năm gần đây cho thấy lực lượng quân đội không có năng lực tác chiến thông tin hóa sẽ bị đào thải. Tiêu chí chủ yếu để đánh giá trình độ hiện đại hóa quân đội chính là trình độ thông tin hóa. Hải quân Trung Quốc không thể chỉ theo đuổi lượng giãn nước và số lượng tàu chiến, mà bên cạnh đó cần kiên quyết xác lập vị thế chủ đạo, điều khiển thông tin hóa, cố gắng thực hiện nhảy vọt ở các lĩnh vực chủ yếu và các khâu cần thiết như thu thập thông tin, truyền dẫn thông tin, chỉ huy điều khiển, tấn công và phòng ngự thông tin… Nhân dịp kỉ niệm 60 năm thành lập lực lượng hải quân vào năm 2009, Thượng tướng Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh hải quân Trung Quốc chỉ ra trong tương lai Trung Quốc sẽ nghiên cứu, phát triển tàu chiến, tàu chở máy bay chiến đấu đời mới nhằm tăng cường năng lược tác chiến tầm xa của hải quân nước này. Bước tiếp theo sẽ đẩy nhanh các bước chế tạo trang thiết bị vũ khí trọng điểm, bao gồm phát triển các trang thiết bị vũ khí đời mới như tàu chiến mặt nước cỡ lớn, tàu ngầm tàng hình có tính năng tự điều khiển, tàu tuần dương có tốc độ siêu âm, tăng cường tính chính xác trong năng lực phòng ngự của tên lửa đạn đạo tầm xa, ngư lôi thông minh có tốc độ cao ở vùng nước sâu, trang thiết bị điện tử có tính thông dụng… Theo thực lực khoa học kỹ thuật và kinh tế hiện nay của Trung Quốc, nhiệm vụ phát triển các trang thiết bị vũ khí trên có thể hoàn thành trong tương lai không xa, song cần phải nỗ lực rất nhiều. 

Hiện nay, Trung Quốc xác định sự kết hợp giữa phát triển hải quân và xây dựng kinh tế biển mới là con đường “ích nước lợi dân”. Tổng giá trị sản lượng biển mỗi năm của Trung Quốc ước đạt hàng nghìn tỉ nhân dân tệ nên việc đầu tư hàng trăm tỉ nhân dân tệ để xây dựng hải quân không mấy khó khăn, trong khi tăng cường xây dựng hải quân lại tạo sự đảm bảo cho phát triển kinh tế biển, đặc biệt là việc khai thác thăm dò ở các vùng biển xa. Từ góc độ tổng thể, sức mạnh của hải quân Trung Quốc không được coi là rất mạnh, vì vậy ở một trình độ nhất định “giấu mình” là điều cần thiết, không nên vội vàng dùng vũ lực giải quyết các tranh chấp vốn được gác lại từ thời kì Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình. Sự phát triển của Trung Quốc cần có kế sách lâu dài, sự phát triển của hải quân nước này cũng như vậy, chỉ cần có phương hướng đúng đắn, những thành quả trong tương lai là có thể dự báo trước./.

Tàu ngầm lớp kilo: Mối uy hiếp lớn nhất đối với tàu sân bay Trung Quốc?

Theo trang tin “Đa chiều”, chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên mà Việt Nam đặt mua của Nga đã cập cảng Cam Ranh - quân cảng nằm ở khu vực Trung Nam Bộ của Việt Nam, đánh dấu sự kiện hải quân nước này có chiếc tàu ngầm đầu tiên của mình. Trước đó, hải quân Việt Nam chưa được trang bị bất kỳ tàu ngầm nào có khả năng tác chiến thường quy.

Việc có được chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên này cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong quá trình trang bị vũ khí. Với chức năng quan trọng là tấn công tàu sân bay, tàu ngầm mới này của Việt Nam có thể sẽ trở thành sự uy hiếp lớn nhất đối với tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh ở biển Đông. Báo trên cho biết tàu ngầm lớp Kilo sử dụng cả diesel và điện với tên gọi “Hà Nội” mà Việt Nam đặt mua của Nga theo dự án 636 ngày 1/1 vừa qua đã cập cảng Cam Ranh. Đây là một trong 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam đặt mua của Nga do nhà máy đóng tàu Admiraltei-Verf tại Thành phố St.Petersburg, Nga chế tạo và dự kiến sẽ chính thức đưa vào sử dụng vào đầu năm 2014. Trước đó một tháng rưỡi tàu ngầm “Hà Nội” đã rời nhà máy Admiraltei-Verf trên chiếc tàu mẹ Rolldock Sea để thực hiện cuộc hành trình đến Việt Nam . 

Tàu ngầm trên có lượng giãn nước 3.100 tấn, độ lặn sâu tối đa 300m, tốc độ 20 hải lý/giờ, thời gian hoạt động 45 ngày và mang được thủy thủ đoàn 52 người. Đây là tàu ngầm thế hệ thứ 3 của Nga, có động cơ chạy êm nhất thế giới, thích hợp trong việc trinh sát và tuần tra, nên được gọi là “hố đen đại dương” hay “sát thủ thầm lặng”. Hệ thống vũ khí của tàu ngầm lớp Kilo từng làm cho thế giới phải khiếp sợ. Sáu ống phóng ngư lôi được trang bị trên tàu vừa có thể phóng được vũ khí chống ngầm uy lực lớn như ngư lôi loại 53, vừa có thể phóng ngầm tên lửa chống tàu chiến. Năm 2009, trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam đã ký kết một bản hợp đồng mua vũ khí đạn dược lớn của Nga trị giá 3,2 tỷ USD, trong đó riêng chi phí mua 6 chiếc tàu ngầm hiện đại nhất lớp Kilo loại 636 sử dụng cả diesel và điện lên tới 2 tỷ USD. 

Ngày 24/8/2010, tàu ngầm “Hà Nội” mang số hiệu HQ-182 hay 01339 bắt đầu được chế tạo và đúng một năm sau thì tiến hành hạ thủy thử nghiệm. Theo hợp đồng đã ký kết, chiếc tàu ngầm thứ hai mang tên “Hồ Chí Minh” mang số hiệu HQ-183 cũng đã được hạ thủy vào cuối năm 2012. Hiện nay mọi công việc đã hoàn tất và đang trong quá trình chạy thử, dự kiến vào tháng 3/2014, Nga sẽ chính thức bàn giao chiếc tàu ngầm thứ hai này cho phía Việt Nam . Ba trong sáu chiếc tàu ngầm của bản hợp đồng trên hiện đang trong quá trình chế tạo, bao gồm tàu ngầm “Đà Nẵng” mang số hiệu HQ-185, tàu “Khánh Hòa” mang số hiệu HQ-186 và tàu “Bà Rịa – Vũng Tàu” mang số hiệu HQ-187. 

Giới phân tích cho rằng Việt Nam là thị trường vũ khí truyền thống của Nga, hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước đã được duy trì mấy chục năm. Việc Nga bán vũ khí, trang thiết bị cho Việt Nam là có mục đích địa chính trị. Học giả về vấn đề Đông Nam Á của Nga, ông Kanayev, đã từng nói: “ Nga vẫn nhấn mạnh việc hợp tác với các nước châu Á trong đó có Việt Nam , bao gồm tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự. Do đó, việc mua bán vũ khí với Việt Nam, trong đó có việc mua bán tàu ngầm chính là thể hiện việc Nga đang thực hiện chiến lược ngoại giao này”. 

Ngoài tàu ngầm, vài năm trở lại đây Việt Nam còn mua của Nga tàu chiến tấn công mặt nước và một số thiết bị bờ biển như máy bay chiến đấu hải quân và tàu hộ vệ … Do thực lực kinh tế của Việt Nam có hạn, nên việc Việt Nam mua nhiều trang thiết bị vũ khí của Nga, bao gồm dự án tàu ngầm lớp Kilo, đều phải dựa vào những khoản vay lớn từ phía Nga, song hai nước không tiết lộ chi tiết của những khoản vay vì mục đích quân sự này. Năm 2012, Việt Nam đã chi 1 tỷ USD để đặt mua 12 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Nga, nâng số lượng máy bay chiến đấu hiện đại thế hệ thứ 3 của Việt Nam lên 29 chiếc, góp phần tăng cường hơn nữa năng lực kiểm soát vùng biển và vùng trời tầm xa của không quân Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam có ý định xây dựng “Chiến trường song tuyến”, thực hiện “Cân bằng Nam Bắc”, tức là đồng thời với việc tích cực mở rộng khu vực Trung Bắc Bộ ở biển Đông, trọng điểm xây dựng là chiến trường phía Nam biển Đông, đặc biệt là hướng tiến vào eo biển Malacca ở phía Nam biển Đông. Đồng thời, hiện Việt nam đang có kế hoạch xây dựng một “khu mai phục tàu ngầm”. Hải quân Việt Nam đã vạch ra “Quy hoạch phát triển hải quân thế kỷ 21”, dành riêng một khoản kinh phí để tu sửa và xây dựng thêm một số cảng biển như Đà Nẵng, Quy Nhơn, đồng thời từ năm 2007 hải quân Việt Nam đã tích cực tuyển chọn đội ngũ cán bộ hoạt động trên tàu phục vụ công tác chuẩn bị xây dựng đội ngũ thủy thủ đoàn hùng hậu./. 

Lê Sơn (gt)