Tóm tắt

Phán quyết của Tòa Trọng tài là một cột mốc quan trọng trong tiến triển của tranh chấp trên Biển Đông. Nó không chỉ thể hiện một thắng lợi hoàn toàn đối với Philippines, và một thất bại có tính quyết định đối với Trung Quốc, mà còn những tác động về pháp lý, chiến lược và địa chính trị quan trọng đối với các quốc gia trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đông Nam Á – trong đó có Philippines – đã có phản ứng thận trọng và có chừng mực, trong khi Trung Quốc giận dữ bác bỏ phán quyết.

Tổng thống Philippines Duterte hiện phải đưa ra một đường lối bảo toàn các quyền và lợi ích trên biển của nước này, nhưng không làm cho người dân Philippines, Mỹ và Trung Quốc xa lánh.

Các căng thẳng có thể giảm xuống nếu Trung Quốc thực hiện cách tiếp cận linh hoạt và có tính hợp tác đối với tranh chấp, nhưng căng thẳng sẽ gia tăng nếu nước này quyết định coi thường phán quyết và củng cố sự hiện diện quân sự của mình trên Biển Đông. Một số phản ứng nhất định của Trung Quốc có thể gia tăng nguy cơ về một cuộc đối đầu giữa các lực lượng quân sự của Mỹ và Trung Quốc.

Phán quyết nhiều khả năng khiến sự đoàn kết của ASEAN về Biển Đông chịu áp lực tại một loạt cuộc họp sắp diễn ra.

Giới thiệu

Phán quyết của Tòa Trọng tài vào ngày 12/7/2016 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới các quyền và quyền được hưởng trên Biển Đông toàn diện và rõ ràng hơn nhiều chuyên gia trông đợi. Phán quyết thể hiện một thắng lợi pháp lý quan trọng đối với Philippines và một thất bại nặng nề đối với Trung Quốc. Các thẩm phán đã ra phán quyết rằng “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên bên trong “đường 9 đoạn” là không có căn cứ, rằng không cấu trúc nào trong số các cấu trúc địa hình trên quần đảo Trường Sa là đảo mà có quyền hưởng một Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý, rằng Trung Quốc đã vi phạm các quyền chủ quyền của EEZ của Philippines khi thực hiện các hoạt động cải tạo và quấy nhiễu tàu cá và tàu khảo sát của Philippines, và rằng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Bắc Kinh đã gây tổn hại không thể sửa chữa được đối với hệ sinh thái biển và làm trầm trọng thêm tranh chấp trong khi các thủ tục pháp lý diễn ra. Các điều khoản làm thay đổi cuộc chơi của phán quyết có những tác động quan trọng đối với tất cả các bên liên quan có lợi ích trong tranh chấp, cũng như đối với các bên không có tuyên bố chủ quyền và bên liên quan có lợi ích chính khác. Bài viết này tập trung vào những phản ứng trong khu vực cho tới nay đối với phán quyết, và tranh chấp có thể tiến triển như thế nào trong những tháng sắp tới.

Các phản ứng đối với phán quyết

Trong khi cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III –chính quyền của ông đã khởi động thách thức pháp lý chống lại các tuyên bố trên biển của Trung Quốc tại Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS) vào tháng 1/2013 – đã miêu tả phán quyết là “vĩ đại” và là một “chiến thắng cho tất cả” mà cuối cùng sẽ đóng góp vào một giải pháp trong tranh chấp, thì người kế nhiệm ông, Tổng thống Rodrigo Duterte lại có nhiệm vụ, theo lời nói của ông là đàm phán một “sự hạ cánh mềm” với một Trung Quốc bị bẽ mặt. Khi phán quyết được công bố, phản ứng của Chính quyền Duterte là rất thận trọng, và thực hiện một lời hứa của Duterte rằng ông sẽ không “khoe khoang” hay “chế nhạo” Trung Quốc với một phán quyết có lợi. Trong một tuyên bố vào ngày 12/7, Philippines chỉ nói rằng nước này “hoan nghênh phán quyết” và một phản ứng chi tiết hơn sẽ được đưa ra sau đó. Tại một cuộc họp báo cùng ngày, Ngoại trưởng Perfecto Yasay kêu gọi người dân Philippines “kiềm chế và tỉnh táo”. Phản ứng tại Philippines là rất tích cực, thậm chí hân hoan.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc đã tỏ ra rất tức giận. Ngay từ đầu, Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và khi phán quyết được đưa ra, Bắc Kinh tuyên bố phán quyết này là “không có hiệu lực và vô giá trị” và rằng nước này sẽ không công nhận hay chấp nhận nó. Các quan chức cấp cao của Trung Quốc nghi ngờ năng lực và sự liêm chính của các thẩm phán, trong truyền thông nhà nước lên phán quyết là một âm mưu chính trị do Mỹ và Nhật Bản xúi giục. Trong nước, phản quyết đã vấp phải cơn thịnh nộ, và các cuộc biểu tình chống Mỹ đã diễn ra tại các thành phố trên khắp Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Mỹ (và Philippines). Cho tới nay, Trung Quốc đã kiểm soát sự tức giận mang tính dân tộc chủ nghĩa.

Phán quyết cũng là một cú đánh nghiêm trọng đối với Đài Loan, vốn có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và hầu như giống với tuyên bố của Trung Quốc. Vào đầu năm 2016, Đài Loan đã đệ trình ý kiến lên Tòa án lập luận rằng Itu Aba (Ba Bình) – cấu trúc địa chất lớn nhất trong quần đảo Trường Sa và được Đài Loan chiếm đóng kể từ năm 1956 – là một hòn đảo có khả năng duy trì sự sống của con người và do đó được hưởng một EEZ, một lập luận cuối cùng đã bị các thẩm phán bác bỏ. Đài Loan bác bỏ phán quyết, nhắc lại các tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông (cho dù Đài Loan không nhắc tới “các quyền lịch sử” hay đường chữ U) và điều một tàu chiến tới Ba Bình.

Phán quyết không chỉ thể hiện một thắng lợi pháp lý đối với Philippines mà còn đối với cả Việt Nam, Malaysia, Bruneu và Indonesia ở chỗ các thẩm phán đã ra phán quyết rằng Trung Quốc không được phép khai thác các nguồn lực trên biển tại các khu vực nơi “đường 9 đoạn” chồng lấn với EEZ của các nước này. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á đã có phản ứng kiềm chế, dường như tránh gây thù địch với Trung Quốc.

Việt Nam gần như kêu gọi cả hai bên tuân thủ phán quyết khi nước này lưu ý rằng cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) và phán quyết có tính ràng buộc về pháp lý. Malaysia, một bên có tuyên bố chủ quyền khác, kêu gọi tất cả các bên “tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao”. Brunei không đưa ra tuyên bố nào, nhưng trong một cuộc phỏng vấn, Thứ trưởng Ngoại giao Dato Erywan Yusof nói rằng nước này “hoàn toàn cam kết đảm bảo giải quyết hòa bình tranh chấp” phù hợp với UNCLOS. Cho dù phán quyết cung cấp lập trường lâu nay của Indonesia là nước này không có tranh chấp với Bắc Kinh vì Trung Quốc không thể tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với các nguồn tài nguyên bên trong EEZ của Indonesia. Jakarta chỉ kêu gọi các bên tham gia “kiềm chế”, tránh các hoạt động ảnh hưởng hòa bình và ổn định tại Đông Nam Á và tôn trọng “luật pháp quốc tế” trong đó có UNCLOS.

Singapore, nước không có tuyên bố chủ quyền, nhấn mạnh lập trường trung lập của nước này và hối thúc tất cả các bên liên quan “tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, thể hiện sự kiềm chế và tránh bất kỳ hoạt động nào có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”. Trong tuyên bố của mình, Thái Lan, Myanmar và Lào (cũng như Singapore và Malaysia) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và xúc tiến các cuộc đối thoại về một Bộ quy tắc ứng xử (COC). Thái Lan và Lào không nhắc tới tầm quan trọng của luật pháp quốc tế hay UNCLOS. Campuchia không đưa ra tuyên bố, nhưng một tuần trước khi phán quyết được đưa ra, Thủ tướng Hun Sen đã lặp lại ý kiến của Trung Quốc khi gọi vụ kiện là “âm mưu chính trị” và ông sẽ không ủng hộ bất cứ phán quyết nào.

Đúng như mong đợi, Mỹ, Nhật Bản và Úc đã kêu gọi cả hai bên tuân thủ phán quyết có tính ràng buộc về pháp lý. Do các chia rẽ bên trong nội bộ, Liên minh châu Âu chỉ công nhận phán quyết và tuyên bố rằng các bên liên quan nên giải quyết tranh chấp của họ thông qua các biện pháp hòa bình, làm rõ các tuyên bố của họ và theo đuổi chúng phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Giờ đây, khi Tòa đã đưa ra phán quyết, và nhiều bên tham gia khác nhau đã có các phản ứng ban đầu, mọi con mắt sẽ hướng về các động thái tiếp theo của 4 bên tham gia chính: Philippines, Trung Quốc, Mỹ và ASEAN.

Thế tiến thoái lưỡng nan khó khăn của Duterte

Chính quyền Duterte đối mặt với một loạt thế tiến thoái lưỡng nan cần được giải quyết mà không làm cho người dân Philippines, Mỹ hay Trung Quốc xa lánh. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Duterte có thái độ nước đôi đối với quá trình phân xử với lý do ông không nghĩ Trung Quốc sẽ tuân thủ phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, do tình cảm dân tộc chủ nghĩa, ông hứa sẽ tôn trọng quyết định của Tòa. Ông cũng đề xuất rằng một khi phán quyết được đưa ra, tranh chấp nên được thảo luận ở các cuộc đàm phán đa phương (liên quan tới các bên tuyên bố chủ quyền, Mỹ, Nhật Bản và Úc) và nếu các cuộc đàm phán này chứng tỏ không có hiệu quả, Philippines sẽ chuyển sang các cuộc đàm phán song phương, có thể với quan điểm đạt được một thỏa thuận về phát triển chung các tài nguyên triên biển. Đề xuất đầu tiên không có triển vọng thành công do lập trường lâu nay của Trung Quốc là tranh chấp là một vấn đề song phương giữa Trung Quốc và riêng từng bên tuyên bố chủ quyền. Theo sau chiến thắng của Duterte tại cuộc bầu cử, Trung Quốc dường như cởi mở với các cuộc đàm phán song phương với chính quyền mới. Tuy nhiên, sau khi Tòa ra phán quyết, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói với người đồng cấp phía Philippines bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu tại Mông Cổ rằng Trung Quốc sẽ chỉ đồng ý tham gia các cuộc đàm phán song phương nếu Philippines không đề cập phán quyết, và nếu Manila không làm như vậy, hai bên “có thể hướng tới đối đầu”. Khi xét tới sự ủng hộ rất lớn của công chúng Philippines đối với phán quyết, về mặt chính trị Duterte sẽ không thể gạt nó ra một bên. Vì vậy, Yasay đã bác bỏ điều kiện tiên quyết của Trung Quốc, coi nó là “mâu thuẫn với Hiến pháp và lợi ích quốc gia của chúng tôi”. Việc bác bỏ phán quyết cũng sẽ gây áp lực lên quan hệ đồng minh của Philippines với Mỹ, nước đã kêu gọi cả hai bên tuân thủ phán quyết. Ít có khả năng Bắc Kinh sẽ đồng ý thảo luận về phán quyết với Manila vì hành động này có thể bị coi là sự công nhận phán quyết trong nước. Nếu các cuộc đàm phán không dẫn tới kết quả, và Trung Quốc tiếp tục từ chối tuân thủ phán quyết, Philippines có thể quay lại ITLOS và nộp đơn phản đối hành vi không tuân thủ này. Nhưng Trung Quốc sẽ coi đây là một hành vi khiêu khích hơn nữa và kế hoạch của Duterte theo đuổi một mối quan hệ hợp tác với Bắc Kinh sẽ bị chệch hướng. Giải quyết những thế tiến thoái lưỡng nan này sẽ đòi hỏi sự nhạy bén cực độ về chính trị và ngoại giao và Duterte có rất ít kinh nghiệm về đối ngoại. Tổng thống mới đã chỉ định cựu Tổng thống được tôn trọng Fidel Ramos làm đặc phái viên tới Trung Quốc.

Phản ứng của Trung Quốc: 3 kịch bản có thể xảy ra

Vượt ra ngoài hành động thách thức và bác bỏ phán quyết, ban đầu Trung Quốc có thể phản ứng ra sao trước phán quyết trong những tháng sắp tới? Có 3 kịch bản có thể xảy ra: tốt nhất, xấu và tồi tệ nhất.

Trong kịch bản tốt nhất, Trung Quốc tiếp tục phản ứng giận dữ trước phán quyết, nhưng kiềm chế không thực hiện bất cứ hành động nào có thể làm gia tăng căng thẳng với các bên tuyên bố chủ quyền và bên liên quan có lợi ích khác. Trong một kịch bản như vậy, Bắc Kinh có thể áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt và hợp tác hơn đối với các nước láng giềng của mình. Nước này sẽ từ bỏ bất cứ điều kiện tiên quyết nào cho việc tổ chức các cuộc đàm phán với Philippines, và thậm chí có thể cho phép ngư dân Philippines quay trở lại Bãi Scarborough, mà trước đó Trung Quốc đã ngăn không cho ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn này kể từ khi chiếm đóng nó vào giữa năm 2012. Các cuộc đối thoại giữa hai bên có thể thăm dò các sáng kiến phát triến, chẳng hạn như khai thác khí đốt tự nhiên tại Bãi Cỏ Rong. Trung Quốc cũng sẽ cố gắng tăng cường sự tin cậy với ASEAN bằng cách thực hiện một số biện pháp xây dựng lòng tin trong DOC và hướng tới đạt được COC. Qua thời gian, Trung Quốc có thể dần đưa các tuyên bố của mình sao cho phù hợp với UNCLOS bằng cách nhấn mạnh các tuyên bố chủ quyền minh đối với các cấu trúc địa hình thuộc quần đảo Trường Sa và từ bỏ các ám chỉ về quyền lịch sử bên trong “đường 9 đoạn”. Sách Trắng do Chính phủ Trung Quốc đưa ra ngay sau phán quyết nhắc lại các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với các đảo san hô trên Biển Đông mà không nhắc tới “đường 9 đoạn”; tuy nhiên, giọng điệu chung của Sách Trắng vẫn mâu thuẫn với phán quyết khi lặp lại tuyên bố quyền lịch sử của Trung Quốc.

Trong kịch bản xấu, Trung Quốc tiếp tục khăng khăng theo đuổi các tuyên bố về lãnh thổ và quyền tài phán của mình, gia tăng sự hiện diện của hải quân và lực lượng hải cảnh, đẩy nhanh phát triển quân sự trên các đảo nhân tạo. Cách tiếp cận này dường như đã thấy rõ. Chỉ vài ngày sau phán quyết, Bắc Kinh tuyên bố tổ chức một cuộc diễn tập hải quân ngoài khơi đảo Hải Nam, ngăn không cho ngư dân Philippines tiếp cận Bãi Scarborough, khởi động các cuộc tuần tra đều đặn trên không tại Biển Đông (bắt đầu với chuyến bay của máy bay ném bom tầm xa đi qua Bãi Scarborough) và tuyên bố rằng nước này sẽ tiếp tục phát triển các cơ sở trên các hòn đảo nhân tạo của mình. Các biện pháp xa hơn có thể bao gồm vẽ các đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Trường Sa – và tuyên bố khu vực trên biển bên trong các đường này là vùng nội thủy của Trung Quốc – và/hoặc thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong một nỗ lực kiểm soát không lưu dân sự và quân sự tại khu vực.

Trong trường hợp tồi tệ nhất, Trung Quốc không chỉ gia tăng sự hiện diện quân sự của mình tại quần đảo Trường Sa và tuyên bố thiết lập một ADIZ, mà còn có động thái hung hăng chống lại Philippines trong một nỗ lực ngăn chặn các bên tuyên bố chủ quyền khác đưa ra những thách thức pháp lý trong tương lai. Hải quân Trung Quốc có thể phong tỏa Bãi Cỏ Mây, nơi Philippines chỉ có sự kiểm soát mong manh, hay cố gắng loại bỏ tàu chiến mắc cạn trên đảo san hô này mà là nơi cư ngụ của một vài lính Philippines. Một động thái thách thức lớn mà Bắc Kinh có thể đưa ra là bắt đầu cải tạo Bãi Scarborough. Trong một tình thế cực kỳ khó khăn, Trung Quốc có thể rút khỏi UNCLOS để phản đối phán quyết, cho dù điều này ít có khả năng xảy ra do nó sẽ làm tổn hại hơn nữa danh tiếng quốc tế của Trung Quốc và làm suy yếu các quyền và lợi ích trên biển của nước này bên ngoài tranh chấp Biển Đông.

Các phản ứng ngoại giao và quân sự của Mỹ

Trên mặt trận ngoại giao, Mỹ tiếp tục kêu gọi hai bên liên quan – nhưng đặc biệt là Trung Quốc – tuân thủ phán quyết, và sẽ khuyến khích các nước khác làm như vậy. Vai trò của quân đội Mỹ tại Biển Đông trong những tháng sắp tới chủ yếu sẽ phụ thuộc vào các hành động của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ đã liên tục khẳng định rằng lực lượng vũ trang của nước này sẽ “tiếp tục bay qua, cho tàu đi qua và hoạt động tại bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép”. Do đó, Mỹ sẽ buộc phải thách thức một ADIZ của Trung Quốc – bằng cách cho máy bay quân sự bay qua mà không thông báo trước – và thách thức việc vẽ các đường cơ sở thẳng quanh quần đảo Trường Sa bằng cách gia tăng cường độ các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) đi qua cái Trung Quốc sẽ coi là vùng nội thủy của nước này. Việc này sẽ làm gia tăng viễn cảnh đối đầu thường xuyên ở cự li gần giữa máy bay quân sự và tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc. Cho dù các vụ chạm trán như vậy cho tới nay phần lớn là chuyên nghiệp, chúng vẫn kích động căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung và một tính toán sai ở một bên có thể dẫn tới đụng độ quân sự mà có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng lớn hơn. Đô đốc Tôn Kiến Quốc của Trung Quốc được cho là đã cảnh báo Mỹ rằng các FONOP trong tương lai có thể dẫn tới “tai họa”. Nếu Trung Quốc phong tỏa Bãi Cỏ Mây, như đã được trình bày trong kịch bản tồi tệ nhất, hay cải tạo Bãi Scarborough, hành động này sẽ bị Mỹ coi là cực kỳ khiêu khích và có thể châm ngòi một cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn ủng hộ các lực lượng của Philippines.

ASEAN dưới sức ép

Như nhiều người dự đoán, các ngoại trưởng ASEAN đã không đưa ra một tuyên bố riêng rẽ về phán quyết của Tòa khi họ gặp nhau tại Viêng Chăn ngày 24/7. Phán quyết cũng không được nhắc tới trong thông cáo cuối cùng, rõ ràng là do phản đối của Campuchia. Sự việc này một lần nữa làm nổi bật vấn đề sự đoàn kết của ASEAN về Biển Đông, và khả năng của Trung Quốc sử dụng đòn bẩy chính trị và kinh tế đối với một số thành viên nhất định – cụ thể là Campuchia – để cản trở quá trình ra quyết định của ASEAN. Việc ASEAN không thể đưa ra một tiếng nói chung về vấn đề này đã gây tổn hại tới uy tín của tổ chức. Nếu các căng thẳng gia tăng, nó nhiều khả năng sẽ có tác động lan tỏa tiêu cực tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 9, và một lần nữa gây sức ép lên sự đoàn kết của ASEAN về vấn đề Biển Đông.

Kết luận

Phán quyết bước ngoặt của Tòa có thể đã đưa tranh chấp Biển Đông tới thời điểm chuyển biến. Nếu Trung Quốc sử dụng phán quyết như là cơ hội điều chỉnh lại lập trường của mình bằng cách chỉnh sửa các tuyên bố của nước này cho phù hợp với UNCLOS, bắt đầu đàm phán với Philippines mà không đưa ra điều kiện tiên quyết và tiếp sinh lực cho quá trình DOC/COC với ASEAN, các căng thẳng sẽ giảm xuống. Nhưng nếu Trung Quốc thách thức phán quyết bằng cách cương quyết khẳng định các tuyên bố của mình và đe dọa Philippines, tranh chấp sẽ bước vào một giai đoạn mới, một giai đoạn của căng thẳng leo thang và sự không chắc chắn. Tất cả các bên tham gia cần suy nghĩ kỹ lưỡng và xem xét các rủi ro trước khi có hành động tiếp theo.

Ian Storey là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Yusof Ishak - Viện Nghiên cứu Đông Nam A (ISEAS), Biên tập tờ Contemporary Southeast Asia. Bài viết được đăng trên ISEAS.

Trần Quang (gt)