Giới thiệu

Trái ngược với định nghĩa về an ninh quân sự (bao gồm an ninh của một quốc gia và người dân của nước đó), khái niệm an ninh biển có phạm vi rộng hơn, đặc biệt là sau vụ 11/09, bao gồm các vấn đề an ninh như khủng bố trên biển, buôn người, buôn ma túy, buôn lậu hàng hóa, cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường như đánh bắt cá trái phép, buôn lậu gỗ và động vật hoang dã.

Christian Bueger nhận định rằng cách tiếp cận theo hướng liệt kê một danh sách dài các mối đe dọa để định nghĩa khái niệm an ninh biển là không đầy đủ, bởi nó không chỉ ra được thứ tự ưu tiên của các vấn đề, không thể hiện được mối quan hệ giữa chúng cũng như không nêu được cách thức để giải quyết chúng[1].

 Mặc dù vấn đề khái niệm còn chưa rõ ràng, tất cả các nước đều có trách nhiệm duy trì việc “quản trị biển tốt”, dù ở trên bình diện quốc gia, khu vực hay quốc tế. Lutz Feldt, Tiến sĩ Peter Roell và Ralph Thiel nhận thấy rằng thuật ngữ “an ninh biển” đề cập đến trách nhiệm - một khái niệm không có định nghĩa rõ ràng - cụ thể hơn là trách nhiệm của chính phủ. Bản thân khái niệm “trách nhiệm của chính phủ” không có một định nghĩa phổ quát về pháp lý nào vì nội hàm của nó quá rộng lớn.[2] Các vấn đề về an ninh biển có thể kể đến như hòa bình an ninh quốc gia và quốc tế; chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị; an ninh các tuyến liên lạc trên biển; bảo vệ an ninh khỏi tội phạm trên biển; các vấn đề về môi trường cũng như an ninh của ngư dân và thuyền viên.

Bài viết này cung cấp một cái nhìn tổng quát về an ninh biển tại Đông Nam Á và đưa ra đánh giá về các biện pháp hợp tác đã được tiến hành nhằm ngăn chặn nạn cướp có vũ trang và cướp biển, các sự cố trên biển, tìm kiếm cứu hộ, nhận thức về lĩnh vực hàng hải cũng như chia sẻ thông tin.

A.   CÁC VẤN ĐỀ AN NINH BIỂN

I. CƯỚP BIỂN VÀ CƯỚP CÓ VŨ TRANG – NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH LÀ EO BIỂN MALACCA

Do tiếp giáp với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, các vùng biển tại khu vực Đông Nam Á là nơi các tuyến đường biển trọng yếu đi qua, cũng đồng thời là động mạch chính của truyền thông và thương mại quốc tế. Các vùng biển này, vốn bao phủ 80% khu vực diện tích Đông Nam Á, thống trị huyết mạch kinh tế của các nước xung quanh. Ngày nay, có hơn một nửa trọng tải thương mại trên toàn thế giới đi qua vùng biển Đông Nam Á mỗi năm.

Các mối đe dọa từ nạn cướp biển và cướp có vũ trang trong các tuyến SLOC chiến lược nói trên đã thu hút sự chú ý sát sao từ các quốc gia phụ thuộc vào những vùng biển này để duy trì thương mại quốc tế và lưu thông hàng hóa tự do. Ví dụ tiêu biểu nhất về tính hiệu quả của hợp tác khu vực trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh hàng hải ở Đông Nam Á là hợp tác tại Eo biển Malacca. Một nét khá độc đáo của Eo biển Malacca (SOM) là eo biển này kết nối ba biển/đại dương lớn (Biển Đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương) cũng như tiếp giáp với biên giới Indonesia, Malaysia và Singapore.

Nạn cướp biển và cướp có vũ trang tại Eo Malacca năm 2006 đã khiến thị trường bảo hiểm nổi tiếng của Anh Lloyd’s of London liệt eo biển này vào hạng mục “vùng có nguy cơ chiến sự”, một trong số các yếu tố đã dẫn đến phí bảo hiểm cao hơn đối với các tàu đi qua eo biển.[3] Các quốc gia ven biển bao gồm Indonesia, Malaysia và Singapore đã tiến hành các biện pháp tích cực để giải quyết tình trạng này, bao gồm việc thiết lập Sáng kiến An ninh Eo biển Malacca (MSSI) vào tháng 7/2004. Một nỗ lực gần đây của Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan là thành lập đội Tuần tra Eo biển Malacca (MSSP) để tiến hành các hoạt động tuần tra trên mặt nước và trên không cũng như các chiến dịch có thời hạn một năm nhằm đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực eo biển. Chiến dịch nổi tiếng mang tên Thiên Nhãn (Eyes in the Sky) tiến hành tuần tra trên không sử dụng máy bay tuần tra biển MPA mang tên EIS tại khu vực Eo Malacca chính là chiến dịch nằm trong khuôn khổ các hoạt động này.

Thông qua trao đổi liên tục giữa ba quốc gia duyên hải (ven biển), các chiến dịch nói trên ngày càng được cải thiện, nhờ đó hỗ trợ cho các hoạt động hợp tác, giúp làm suy giảm đáng kể tội phạm trên biển, đặc biệt là tình trạng cướp biển và cướp có vũ trang tại eo biển Malacca. Đội tuần tra MSSP cũng có ý nghĩa quan trọng bởi đây là diễn đàn hợp tác đa phương hiệu quả tại khu vực Đông Nam Á mà không cần sự tham gia của đối tác bên ngoài.

Những nỗ lực nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh biển đang tiếp tục được đẩy mạnh khi các quốc gia ven biển có những phản hồi tích cực, thể hiện sự quan tâm của họ đối với việc tham gia vào đội tuần tra Eo biển Malacca với tư cách là quốc gia láng giềng quản lý phần phía Bắc eo biển. Trên thực tế, Indonesia và Thái Lan – Malaysia đã phát triển một mạng lưới hợp tác không chính thức để phối hợp tuần tra tại eo biển. Ở thời điểm hiện tại, triển vọng cho việc phát triển hợp tác ba bên lên mạng lưới hợp tác năm bên (Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) là rất lớn.

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Giáo sư, Đại sứ Rahim Hussin, Nguyên Phó Tổng thư ký , Hội đồng An ninh Quốc gia, Văn phòng Thủ tướng, Malaysia. Bài viết được trình bày tại Hội thảo Các vấn đề Biển và Công ước Liên Hợp Quốc về  Luật biển (UCNLOS): Chia sẻ cách Tiếp cận của Châu Âu và Châu Á đối với Tranh chấp Lãnh Thổ do Học viện Ngoại giao tổ chức với sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu.



[1] Bueger, Christian (2015), What is Maritime Security?, Đại học Cardiff, truy cập tại http://bueger.info/wp-content/uploads/2014/12/Bueger-2014-What-is-Maritime-Security-final.pdf

[2] Feldt, Lutz, Roell, Tiến sĩ Peter và D. Thiele, Ralph (2013), Maritime Security – Perspectives for a Comprehensive Approach, ISPSW Strategy Series: Focus on Defense and International Security, Ấn bản số 22, tháng 4/2013, tr. 2 và 3.

[3] Yun Yun Teo, “Target Malacca Straits: Maritime Terrorism in Southeast Asia,” Studies in Conflict and Terrorism 30 (2007): tr. 547-548