Sau khi phiên toà về vụ kiện Trung Quốc của Philippines ra phán quyết trong tháng này, giới truyền thông đang tập trung chú ý vào phản ứng ngang ngạnh của Bắc Kinh đối với phán quyết. Trong khi đó, người ta lại ít quan tâm hơn tới phản ứng của Đài Loan trong khi các yêu sách của nước này và Trung Quốc gần như hoàn toàn trùng lặp, ít nhất là trên giấy tờ.

Trong phán quyết của mình, toà trọng tài, được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, đã bác bỏ tính hợp pháp của yêu sách của Trung Quốc đối với một vùng biển rộng lớn ở Biển Đông bên trong cái gọi là đường chín đoạn. Phán quyết cũng kết luận rằng không có cấu tạo địa chất nào nào thuộc Trường Sa, ở phía Tây Philippines, là đảo có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng.

Đường chín đoạn xuất hiện trên cả bản đồ của Trung Quốc và Đài Loan. Đài Loan cũng tuyên bố bố chủ quyền đối với bốn nhóm cấu trúc trên Biển Đông, cũng như “các vùng nước xung quanh theo luật quốc tế”. Thêm vào đó, Đài Loan đã kiểm soán cấu trúc tự nhiên lớn nhất tại Trường Sa là Ba Bình kể từ khi quốc gia này lần đầu tiên đưa người tới đây vào năm 1956.

Không giống với Trung Quốc, Đài Loan đã có động thái nhằm chỉ rõ rằng họ chỉ yêu sách vùng biển phát sinh từ cấu tạo địa chất nổi phù hợp với luật pháp quốc tế kể từ khoảng năm 2014. Đồng thời, Đài Loan cũng kiềm chế không đề cập tới đường chín đoạn trong các tuyên bố chính thức của mình.

Vào năm 2015, Đài Loan làm rõ hơn yêu sách của mình khi tuyên bố rằng Ba Bình là một đảo có thể tự duy trì sự sống của con người cũng như đời sống kinh tế riêng, và vì vậy, hoàn toàn phù hợp với luật pháp khi đảo này được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý.

Sau ngày Toà trọng tài đưa ra phán quyết, Đài Loan cũng đã cố gắng thể hiện “quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình” – theo lời Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Nước này đã cử tàu chiến ra tuần tra trong khu vực. Một tuần sau đó, một nhóm các nhà luật pháp (của Đài Loan) đã đến thăm Ba Bình.

Những hành động như vậy chỉ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng. Tuy nhiên, chúng cũng không hoàn toàn trái luật. Toà trọng tài không đưa ra phán quyết liên quan tới chủ quyền của Ba Bình hay bất kỳ cấu trúc nào trên Biển Đông. Và tất cả các quốc gia sử dụng biển, bao gồm tàu chiến của họ, đều được quyền qua lại vô hại trong lãnh hải của tất cả cấu tạo địa chất ở Biển Đông.

Vấn đề nằm ở chỗ, ngay sau vụ kiện Đài Loan đã lập tức tuyên bố phán quyết là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Điều này đã làm xói mòn nỗ lực của nước này để hình thành một lập trường về Biển Đông khác biệt với Bắc Kinh. Nghiêm trọng hơn, nó huỷ hoại danh tiếng của Đài Loan như là một thành viên luôn tuân thủ luật pháp trong cộng đồng quốc tế.

Do Đài Loan không phải là một bên trong vụ kiện tại toà Trọng tài, một phát ngôn đơn thuần rằng phán quyết “không ràng buộc với các bên không tham gia vụ kiện” là đã đủ để thể hiện sự bảo lưu của nước này đối với phán quyết.

Đài Loan phê phán toà trọng tài đã đi quá chức trách của mình khi đưa ra phán quyết về quy chế của Ba Bình và các cấu trúc khác không nằm trong đệ trình ban đầu của Philippines. Tuy nhiên, quan điểm đó của Đài Loan là không có cơ sở. Toà trọng tài cần xác định quy chế của các cấu trúc và khả năng tạo ra vùng biển của các cấu trúc này để quyết định liệu toà có thẩm quyền ra phán quyết về tính hợp pháp của một số hoạt động nhất định từ phía Trung Quốc hay không.

Quan điểm của Đài Bắc rằng việc nước này không được tham gia chính thức vào quá trình tố tụng khiến phát quyết trở nên thiên vị cũng không xác đáng. Toà trọng tài đã tiến hành việc điều tra kỹ lưỡng về luật pháp và thực tế, cả việc tự tiến hành nghiên cứu toàn diện các dữ liệu lịch sử.

Thêm vào đó, Toà trọng tài đã xem xét kỹ lưỡng các lập luận và bằng chứng mà Đài Bắc đã công bố. Đài Loan như vậy đã có cơ hội rất lớn trong việc trình bày lập luận và bằng chứng của mình để toà xem xét.

Trong tương lai, điều quan trọng là Đài Bắc phải đảm bảo rằng các hành động của mình là phù hợp với quyết định của toà, kể cả khi phán quyết không có tính ràng buộc với Đài Loan về mặt kỹ thuật. Hành động như vậy không khiến Đài Loan phải từ bỏ các yêu sách về chủ quyền của mình đối với Ba Bình hay bất kỳ một cấu trúc lãnh thổ nào trên Biển Đông.

Tuy nhiên, nó sẽ buộc Đài Loan phải từ bỏ yêu sách đối với vùng EEZ xung quanh Ba Bình hay chấm dứt cách hành xử như thể Ba Bình có đặc quyền như vậy. Điều này đồng nghĩa với việc Đài Loan không được phép đánh cá và khai thác dầu khí bên ngoài phạm vi 12 hải lý từ Ba Bình hoặc ngăn cản Philippines khoan thăm dò dầu khí xung quanh Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), nơi Toà quyết định thuộc vùng EEZ của Philippines.

Cuối cùng, Đài Bắc cần phải tự hỏi liệu có đáng để bảo vệ một lập trường không phù hợp với pháp luật hay không và liệu rằng điều đó có thể gây ra các xung đột công khai với các bên tranh chấp khác  và đặt nước này vào thế khó xử với đồng minh chủ chốt của mình là Hoa Kỳ hay không. Vẫn là chưa quá muộn để Đài Loan duy trì danh tiếng của mình như là một quốc gia đứng về phía luật pháp quốc tế. Đây là danh tiếng có thể giúp Đài Loan vượt qua vị thế quốc tế bấp bênh trong quá khứ và nó sẽ tiếp tục giúp nước này có được vị trí vững chắc trong tương lai.

 Kuok là chuyên gia nghiên cứu của Viện Brookings đồng thời cũng là một chuyên gia thỉnh giảng tại Đại học Luật Harvard. Bài viết đăng trên The Wall Street Journal ngày 25/7/2016.

Thu Hà (dịch)