KHUẤY ĐỘNG BIỂN ĐÔNG (I)

I. GIỚI THIỆU

Là một điểm nóng lớn trong xung đột tiềm tàng giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á và Mỹ, Biển Đông có tầm quan trọng to lớn đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc (cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc), Việt Nam, Philippin và các quốc gia khác đều có yêu sách đối với một phần của Biển Đông. Trong khi những khu vực dọc theo bờ biển của các quốc gia này không phải là trọng tâm của tranh chấp, thì có rất nhiều các yêu sách chồng lấn đối với khu vực ngoài ngoài khơi xa như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và với một số bãi đá ngầm san hô và khu vực biển.[1] Ngoài khát vọng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, có rất nhiều sự quan tâm đối với Biển Đông bắt nguồn từ những nguồn tài nguyên phong phú và vị trí chiến lược của khu vực này.[2]

Với ước tính chiếm khoảng 10% lượng đánh bắt cá hàng năm trên toàn thế giới, Biển Đông trở nên cực kỳ quan trọng đối với ngành đánh bắt cá của các quốc gia ven biển.[3] Khu vực này cũng rất giàu có về cả dầu và khí ga tự nhiên, và do đó dẫn đến suy đoán rằng khu vực tranh chấp lãnh thổ có thể chứa những nguồn năng lượng tiềm năng rất quan trọng.[4]  Tuy nhiên, do những căng thẳng, phần lớn lượng hydrocarbon ước tính trong khu vực như quần đảo Trường Sa vẫn chưa được kiểm chứng.

Biển Đông giữ một vị trí địa chiến lược quan trọng vận tải hàng hải quốc tế. Phần lớn vận chuyển năng lượng và nguyên liệu thô qua eo biển Malacca đều qua Biển Đông tới Trung Quốc và Nhật Bản. Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông, và từng bước củng cố năng lực hải quân của mình trong khu vực. Mỹ cũng có những lợi ích trong việc bảo vệ những tuyến đường biển đi qua khu vực này, vì nước này xem những lợi ích hàng hải ổn định và không bị cản trở là điều thiết yếu đối với sự thịnh vượng và thương mại quốc tế.[5]

Trung Quốc, Việt Nam và Philippin đưa ra những yêu sách chủ quyền mạnh mẽ và đáng chú ý nhất đối với Biển Đông. Yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa có thể có những ảnh hưởng sâu rộng nếu nước này có ý định yêu sách toàn bộ những vùng đặc quyền kinh tế (sau đây sẽ gọi là EEZs) xung quanh những hòn đảo, dẫn tới chồng lấn đáng kể với vùng EEZs mà Philippin, Brunei, Malasysia và Việt Nam yêu sách. Trong khi Bắc Kinh có thể theo đuổi mục tiêu này thì họ cũng có thể cân nhắc về việc đòi hỏi “những quyền lịch sử” tại những vùng biển khác trong Đường Chín đoạn.[6] Điểm mập mờ là không rõ những yêu sách pháp lý của Trung Quốc là gì, và những nỗ lực mà Trung Quốc thể hiện nhằm thực thi chủ quyền trong khu vực ở quá xa bờ biển và không thuộc khu vực thuộc EEZ đã đặt Trung Quốc vào thế xung đột với các quốc gia yêu sách khác khi những khu vực này rất gần với bờ biển của họ.

Để củng cố những yêu sách của mình, các quốc gia trong khu vực đã tranh nhau chiếm đóng càng nhiều thực thể trên biển càng tốt. Điều này đã khiến Trung Quốc xung đột với Nam Việt Nam vào năm 1974 và với Việt Nam thống nhất vào năm 1988, trong khi lực lượng của một vài quốc gia thường quấy nhiễu và bắt giữ những tàu cá nước ngoài.[7] Hiện tại, Bắc Kinh kiểm soát toàn bộ Hoàng Sa và 15 bãi san hô và đá ngầm trong quần đảo Trường Sa.[8] Tất cả các thực thể khác đều do các bên yêu sách khác kiểm soát. Những quan ngại của khu vực đã dẫn tới việc ký kết Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử của Các bên liên quan tại Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và 10 quốc gia ASEAN vào năm 2002. Trong khi đây được coi là một bước tích cực hướng tới sự ổn định, thì mãi đến năm 2011 bản Hướng dẫn Thực hiện DOC kèm theo mới được thông qua.

Tuy nhiên xung đột cơ bản vẫn tồn tại vì một phần do bản tuyên bố không có ràng buộc pháp lý và không đáp ứng được những tiến triển hứa hẹn giải quyết tranh chấp. Trong những năm qua, số lượng những vụ va chạm giữa các lực lượng biển gia tăng một cách đột ngột, bao gồm cả những bế tắc căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippin tại Bãi Hoàng Nham (Scarborough Reef) vào tháng 4 năm 2012. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng Trung Quốc, Việt Nam và Philippin đang ngày càng quyết đoán trong vấn đề tranh chấp, gây nguy hại đến sự ổn định khu vực.

Bản báo cáo này dựa trên những cuộc phỏng vấn được tiến hành tại Bắc Kinh, Quảng Tây, Hải Nam, Hạ Môn, Hà Nội, Jakarta, Kuala Lumpur, Manila, Xinh-ga-po, Đài Bắc, Tokyo và Washington DC. Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng (Crisis Group) đã nói chuyện với rất nhiều người, bao gồm các quan chức, học giả, nhà ngoại giao, nhà báo và cả những người thuộc các ngành như nghề cá, du lịch và dầu khí. Hầu hết những người được hỏi đều được yêu cầu dấu tên do bản chất nhạy cảm của vấn đề. Bản báo cáo này tập trung vào những cơ quan, lực lượng (Players) chủ chốt ở Trung Quốc và những lợi ích của họ. Mặc dù những chuyển biến của khu vực là nhân tố quan trọng trong chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng bản báo cáo này không thảo luận về những vấn đề này vì chúng thuộc chủ đề của một nghiên cứu khác.

II. VÙNG BIỂN ĐỘNG: NHỮNG CĂNG THẲNG TỪ NĂM 2009

A. ĐƯỜNG CHÍN ĐOẠN

Các yêu sách lãnh thổ mơ hồ của Trung Quốc và việc nước này từ chối công khai làm rõ yêu sách đã làm gia tăng quan ngại trong khu vực về việc  Trung Quốc đang thể hiện một thái độ quyết đoán hơn tại Biển Đông, đặc biệt khi kết hợp với việc phát triển lực lượng hải quân của Trung Quốc và những hành động hiếu chiến của các cơ quan hải giám nước này.[9] Vào tháng 5 năm 2009, Việt Nam và Malasysia đã đệ trình lên Ủy ban Liên Hợp Quốc về Ranh giới ngoài của Thềm Lục địa (CLCS), nhằm mở rộng thềm lục địa của 2 quốc gia này tại Biển Đông vượt quá 200 hải lý thông thường.[10] Đáp lại, Trung Quốc đã đệ trình Công hàm lên CLCS tuyên bố rằng yêu cầu này vi phạm nghiêm trọng đến những quyền của Trung Quốc. Cùng với công hàm này, Trung Quốc đã đính kèm bản đồ đường 9 đoạn bao phủ phần lớn Biển Đông, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.[11]

Trung Quốc đưa ra yêu sách lịch sử đối với các đảo và thực thể tại Biển Đông dựa trên các cuộc thám hiểm, hoạt động đánh bắt cá và các cuộc tuần tra hải quân.[12] Những người vẽ bản đồ hiện đại của Trung Quốc đã thể hiện khu vực đánh dấu bằng đường 9 đoạn vào bản đồ lãnh thổ của Trung Quốc vào đầu năm 1914.[13] Trung Hoa Dân quốc (ROC) dưới thời chính phủ Tưởng Giới Thạch đưa khu vực này vào bản đồ chính thức vẽ năm 1947 và đường 9 đoạn tiếp tục được thể hiện trong các bản đồ chính thức do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) xuất bản. Trong khi Trung Quốc có một vài biện minh về những yêu sách lịch sử của mình, thì nước này đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) vào năm 1996, Công ước này buộc các quốc gia phải từ bỏ phần lớn những yêu sách biển mang tính lịch sử của mình để phù hợp với những vùng biển mà Công ước đã đưa ra.  Những yêu sách đối với các đảo và thực thể khác không bị ảnh hưởng bởi Công ước, nhưng bất kỳ yêu sách chủ quyền nào đối với những vùng biển phải là vùng lãnh hải hoặc EEZs được tạo ra từ các đảo và những hình thái địa chất khác phù hợp với UNCLOS.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây


International Crisis Group

Trần Quang (dịch)

Thái Giang (hiệu đính)

 

Trích trong bản gốc tiếng Anh Stirring Up the South China Sea của International Crisis Group, Asia Report số 223,  ngày 23 tháng 4 năm 2012



[1] Cả Trung Quốc và Philippin đều yêu sách Bãi cạn Scarborough. Tất cả các quốc gia này, kể cả Indonesia,  yêu sách những phần của thềm lục địa cũng như lãnh hải 12 hải lý và EEZs 200 hải lý từ đường cơ sở được các quốc gia xác định xung quanh các đảo và bờ biển mà họ tuyên bố chủ quyền

[2] Về bản báo cáo trước của Crisis Group về những vấn đề tương tự, xem Asia Report N°108, North East Asia’s Undercurrents of Conflict, 15 tháng 12 năm 2005. Về các báo cáo trước đây về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, xem  Asia Report N°200, China and Inter-Korea Clashes in the Yellow Sea, 27 tháng 1 năm 2011; Asia Briefings N°112, China’s Myanmar Strategy: Elections, Ethnic Politics and Economics, 21 tháng 9 năm 2010; N°100, The Iran Nuclear Issue: the View from Beijing, 17 tháng 2 năm 2010; Asia Reports N°179, Shades of Red: China’s Debate over North Korea, 2 tháng 11 năm 2009; N°177, China’s Myanmar Dilemma, 14 tháng 9 năm 2009; N°166, China’s Growing Role in UN Peace-keeping, 17 tháng 4 năm 2009; N°153, China’s Thirst for Oil, 9 tháng 6 năm 2008.

[3] “Prospectus, Regional Workshop/Expert Consultation on the Identification of Critical Fishing Grounds and on Regional Habitat Rehabilitation and Management Approach”, Bangkok, 11-13 tháng 10 năm 2011.

[4] Một khảo sát địa chính trị của Mỹ năm 1993-1994 đưa ra con số là 28 tỷ thùng dầu trên toàn bộ Biển Đông, trong khi đó những ước tính của Trung Quốc lại tuyên bố tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có khoảng 105 tỷ thùng, tuy nhiên cả hai con số thống kê này vẫn chưa được chứng minh do thiếu việc khoan thăm dò. Dự trữ dự tính có thể sẽ thay đổi khi việc thăm dò trong tương lai tiếp tục. Khí ga tự nhiên có thể phong phú hơn hiều. Có rất nhiều con số dự đoán nhưng nguồn dự trữ được kiểm chứng thì hoàn toàn vẫn chưa có. Vào năm 2006, Công ty Năng lượng Canada là Husky Energy hợp tác với Tập đoàn dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) đã tuyên bố việc tìm thấy những nguồn khí ga tự nhiên có từ 4 dến 6 tỷ feet khối. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, “South China Sea”, www.eia.gov.

[5] Chiến lược Biển của Mỹ xuất bản năm 2007 tuyên bố rằng “lĩnh vực hàng hải huyết mạnh của hệ thống toàn cầu kết nối mỗi quốc gia trên trái đất”. Bản Chiến lược cũng tuyên bố rằng Mỹ “sẽ không cho phép xảy ra bất kỳ hoàn cảnh nào mà lực lượng biển của Mỹ bị cản trở tự do tập trận và tự do tiếp cận…và không cho phép bất kỳ ai làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu bằng việc mưu toan phong tỏa những tuyến đường biển giao thông và thương mại thiết yếu”. U.S. Navy, “A cooperative strategy for 21st century seapower”, tháng 10 năm 2007

[6] Đường 9 đoạn mô tả những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Xem Phần II.A “Đường 9 đoạn” ở dưới.

[7] Năm 1974, cuộc chiến nổ ra giữa hải quân Trung Quốc và Nam Việt Nam khi Trung Quốc xâm lược phía tây quần đảo Hoàng Sa. Lực lượng của Việt Nam đã giao chiến với 4 tàu hộ tống nhỏ của PLAN và 2 tiểu đoàn của PLA trong trong cuộc đọ súng ác liệt khiến một tàu khu trục nhỏ của Việt Nam bị đánh chìm, 3 chiếc còn lại bị phá hủy, 53 lính Việt Nam bị chết. Thương vong phía Trung Quốc chưa bao giờ được xác định. Khi lực lượng của Việt Nam rời đi, Trung Quốc đã thiết lập sự kiểm soát toàn bộ lên quần đảo Hoàng Sa. Vào năm 1998, PLAN đã đụng độ với Việt Nam tại Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) tại quần đảo Trường Sa khiến hải quân cả hai bên chịu đựng những thương vong nặng nề. Sự việc gần đây nhất giữa hải quân Trung Quốc với tàu của các quốc gia yêu sách khác, đã bắn và giết 9 ngư dân Việt Nam, làm bị thương 9 người khác tại Vịnh Bắc bộ vào ngày 8 tháng 1 năm 2005. Wu Shicun, Origin and development of Spratly disputes (China Economic Publishing House, 2009), tr. 88-89; Raul Pedrozo, “Beijing’s coastal real estate: a history of Chinese naval aggression”, Foreign Policy, 15 tháng 11 năm 2011; Stein Tønnesson, “Sino-Vietnamese rapprochement and the South China Sea irritant”, Security Dialogue, vol. 34, no. 1 (tháng 3 năm 2003).

[8] “中国移动完成南海海域七礁八点 信号全覆盖” [“Công ty truyền thông di động Trung Quốc lập các trạm phát sóng trên 7 đảo đá ngầm và 8 bãi tại Biển Đông”], Techweb, 16 tháng 3 năm 2012.

[9] Hiểu thêm về những yêu sách của Trung Quốc theo UNCLOS, xem Phần IV.A.5 “Thiếu sự minh bạch pháp lý”

[10] Bản đệ trình chung Việt Nam – Malasysia có hiệu lực phần phía nam của Biển Đông giữa hai quốc gia, đây cũng là khu vực Philippin yêu sách một phần và Trung Quốc yêu sách phần lớn. “Ma-lai-xi-a-Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nộp đơn chung lên Ủy ban về giới hạn thềm lục địa”, tháng 5 năm 2009

[11] Công hàm tuyên bố rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các hòn đảo tại Biển Đông và các vùng biển liền kề, và được hưởng quyền chủ quyền và tài phán đối với các vùng biển liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển”, và kèm theo đó là bản đồ đường 9 đoạn. Công hàm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc liên quan đến đơn nộp chung của Việt Nam và Ma-lai-xi-a xin mở rộng giới hạn rìa ngoài thềm lục địa”, CML/17/2009, 7 tháng 5 năm 2009.

[12] Shen Jiangming, “Chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo tại Biển Nam Trung Hoa: quan điểm nhìn từ góc độ lịch sử”, Chinese Journal of International Law, vol.1, issue 1 2002, tr. 94-157.

[13] Zou Keyuan, “đường biên giới đánh bắt cá truyền thống trên biển của Trung Quốc tại Biển Đông và các tác động về mặt pháp lý đến giải pháp tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Trường Sa”, International Journal of Marine Coastal Law, vol. 14, issue 1 (1999), tr. 52. Những bản đồ gốc biểu hiện một đường gồm 11 đoạn. Hai đoạn trong Vịnh Bắc bộ đã bị xóa vào những năm 1950.