Ngày 23 tháng 4 năm 2012, Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group - ICG) đã có báo cáo tiêu đề “Khuấy động Biển Đông” đăng trên website của tổ chức này. Báo cáo dài 46 trang, bao gồm 7 chương do các học giả hàng đầu của ICG thực hiện, bàn về các nhân tố nội bộ Trung Quốc làm khuấy động Biển Đông trong 2-3 năm gần đây. ICG là một tổ chức nghiên cứu độc lập phi chính phủ, phi lợi nhuận có khoảng 130 thành viên từ các Châu lục khác nhau thực hiện các nghiên cứu các điểm nóng nhằm ngăn chặn và xử lý các xung đột có thể gây đến thiệt hại về người.

Nhận định của báo cáo cho rằng tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay chủ yếu do trong nội bộ Trung Quốc thiếu sự chỉ đạo nhất quán và phối hợp chặt chẽ giữa: (i) các cơ quan ra chính sách và các cơ quan thi hành luật; (ii)giữa các cơ quan chấp pháp ở Biển Đông; (iii) giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương. Nguyên nhân chính do Trung Quốc hiện đang thiếu một cơ chế tập trung trong việc quản lý các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Bên cạnh đó, sự yếu kém của các cơ quan quản lý dẫn đến có nhiều cơ quan cùng đưa ra chính sách tại Biển Đông, nhiều cơ quan cùng chấp pháp tại Biển Đông (9 con rồng) theo đuổi các lợi ích cục bộ khác nhau. Các cơ quan này trục lợi từ sự thiếu rõ ràng minh bạch trong chính sách quản lý Biển Đông của chính quyền Trung ương. Ngay cả chính quyền trung ương cũng trục lợi từ sự thiếu minh bạch này, điều này đang gây ra sự bất ổn định tại Biển Đông. Các nội dung cụ thể là:

1)            Nguyên nhân tình hình căng thẳng tại Biển Đông:

Báo cáo chỉ ra các nguyên nhân chính từ nội bộ Trung Quốc dẫn đến căng thẳng Biển Đông gần đây là:

-Thiếu cơ chế điều phối tập trung từ trung ương, năng lực yếu kém và lợi ích cục bộ của các cơ quan chức năng chấp pháp ở Biển Đông: Do thiếu sự điều phối tập trung từ Trung ương, nhiều cơ quan chức năng liên quan tới Biển Đông cố gắng gia tăng sức mạnh và ngân sách, đã gián tiếp gây ra những căng thẳng tại Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc là cơ quan có vai trò điều phối, nhưng Bộ này lại không có nguồn lực cần thiết và khả năng chỉ đạo được các bộ ngành khác có liên quan. Hải quân Trung Quốc lợi dụng tinh thần dân tộc để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ làm căng thẳng phức tạp thêm tình hình, đồng thời lợi dụng các căng thẳng trên Biển Đông để biện minh cho việc hiện đại hóa lực lượng. Việc gia tăng nhanh chóng số lượng và vai trò của các lực lượngbán quân sự chấp pháp trên Biển Đông, kể cả tại các khu vực có tranh chấp lãnh thổ, trong khi chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động của lực lượng này cũng gây gia tăng nguy cơ xung đột trên biển. Các lực lượng chấp pháp này có liên quan đến hầu hết các vụ việc căng thẳng gần đây, bao gồm cả sự kiện giữa Trung Quốc và Philippin tại Bãi Hoàng Nham (Scarborough Reef) trong tháng 4 năm 2012. Bất cứ một giải pháp trong tương lai nào đối với các tranh chấp tại Biển Đông đều cần có một chính sách nhất quán từ phía các cấp quản lý của chính phủ trung ương Trung Quốc và các lực lượng chấp pháp trên thực địa.

Báo cáo sử dụng thuật ngữ “Chín con rồng khuấy động biển khơi” để miêu tả việc thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chấp pháp khác nhau thuộc chính phủ ở Biển Đông, nhưng trên thực tế báo cáo cho biết có nhiều hơn 9 con rồng, đó là: 1) Cục quản lý đánh bắt cá; 2) Hải giám; 3) Chính quyền địa phương; 4) Hải quân Giải phóng Nhân dân (PLAN); 5) Bộ Ngoại giao; 6) Các công ty năng lượng; 7) Tổng cục Quản lý Du lịch Quốc gia, 8) Bộ quản lý Môi trường, 9) Lực lượng tuần duyên thuộc Bộ Công An, 10) Cục chống Buôn lậu và Thuế quan thuộc Tổng cục Hải quan; 11) Cơ quan quản lý An toàn Hàng hải (MSA). Trong các con rồng này có 5 con rồng hoạt động mạnh nhất đó là Cục quản lý đánh bắt cá, Hải giám, chính quyền địa phương, PLAN và Bộ Ngoại giao. Hầu hết các cơ quan này không có kinh nghiệm về đối ngoại. Một số cơ quan thường có hành động hiếu chiến để cạnh tranh với các cơ quan khác trong việc xin phân bổ ngân sách. Một số cơ quan khác (chủ yếu là chính quyền địa phương) cố gắng mở rộng các hoạt động kinh tế trong các vùng tranh chấp nhằm mục tiêu tập trung vào tăng trưởng kinh tế. Mặc dù động cơ của các bộ ngành chỉ là tranh giành lợi ích cục bộ nhưng lại có tác động lớn đến đối ngoại.

- Sự thiếu minh bạch trong chính sách của chính quyền trung ương trong vấn đề Biển Đông: Vì Trung Quốc không có mục tiêu rõ ràng cái gì cần được bảo vệ ở Biển Đông nên việc điều hành các cơ quan chấp pháp ở Biển Đông cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Trung Quốc đã có nhiều biện pháp trấn an các nước láng giềng như công khai giải thích đường chín đoạn, nói không yêu sách toàn bộ Biển Đông và sẽ tuân theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) nhưng Trung Quốc cũngkhông thể dễ dàng nhượng bộ trong các tuyên bố chủ quyền của mình đối với các khu vực quan trọng trên biển và biện minh cho các tuyên bố này bằng lập luận lịch sử (người Trung Quốc đã hiện diện ở các đảo từ lâu đời). Chính quyền địa phương lợi dụng sự thiếu minh bạch này để thực hiện các hoạt động có lợi cho mình trong khu vực có tranh chấp.

- Chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc:Trung Quốc đã có chủ ý sử dụng chủ nghĩa dân tộc trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông bằng cách nhấn mạnh khía cạnh lịch sử trong các tuyên bố chủ quyền của mình. Chính sách này đã dẫn đến việc gia tăng áp lực trong nước đối với chính quyền phải thực hiện các hoạt động khẳng định chủ quyền. Chính quyền trung ương Trung Quốc đã có thể kiềm chế chủ nghĩa dân tộc trong vấn đề Biển Đông nhưng tình hình nóng bỏng tại Biển Đông đã làm cho chính quyền trung ương ít có sự lựa chọn chính sách khác trong quản lý tranh chấp tại Biển Đông mà buộc phải nghiêng theo chủ nghĩa dân tộc.

2) Trung Quốc điều chỉnh chiến thuật mềm mỏng hơn trong xử lý các vấn đề tại Biển Đông từ giữa năm 2011: Giữa năm 2011, khi các căng thẳng trên biển dẫn đến việc các quốc gia láng giềng tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách theo hướng mềm mỏng hơn trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc giảm tần suất các tuyên bố chủ quyền quá mạnh bạo, nhấn mạnh hơn vào việc duy trì nguyên trạng trên Biển Đông, nhưng vẫn cương quyết chỉ đàm phán song phương với các nước có yêu sách chủ quyền có liên quan. Trung Quốc chủ động hàn gắn quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực thông qua các chuyến thăm cấp cao song phương,và tăng cường tham dự vào các hoạt động đa phương, có các động thái như ký với ASEAN thỏa thuận Hướng dẫn triển khai Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông  (DOC).

Về đối nội, Trung Quốc đã có các biện pháp giảm bớt tâm lý chủ nghĩa dân tộc và kiềm chế các hành động hiếu chiến do chính quyền địa phương thực hiện. Tuy có chú ý hơn tới Biển Đông, chính sách Biển Đông của chính quyền Trung ương vẫn không có sự điều phối hiệu quả từ trên xuống dưới. Nhiều nỗ lực không thành trong việc thành lập một cơ chế tập trung trong quản lý các vấn đề tranh chấp trên biển chứng tỏ lãnh đạo Trung Quốc hoặc chưa thực sự muốn xử lý vấn đề,hoặc vẫn chưa đủ tập trung vào vấn đề này, hoặc cũng có thể chính quyền trung ương Trung Quốc muốn duy trì sự mơ hồ thiếu rõ ràng này để trục lợi. Nếu như tình trạng này còn tiếp tục, việc tìm cách hàn gắn quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với các nước trong khu vực sẽ khó có thể thực hiện được.

Báo cáo đi đến nhận xét rằng khả năng quản lý các mối quan hệ và giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông sẽ là phép thử liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc có hòa bình hay không.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

Thái Giang (dịch)