HD_981.jpg

Một cuộc khủng hoảng dai dẳng của khu vực và toàn cầu đã và đang diễn ra ở Biển Đông trong những năm gần đây, khi các bên tranh chấp một loạt đảo, đá ngầm, rạn san hô ngầm và quan trọng hơn là quyền khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tự nhiên có giá trị hàng nghìn tỷ USD. Mặc dù cuộc tranh chấp này đã diễn ra nhiều thế kỷ trước nhưng đến nay mới thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế. Việc phát hiện ra các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên có trữ lượng khổng lồ và quyết tâm của một Trung Quốc đang trỗi dậy đã khiến cuộc tranh chấp dai dẳng đó quay trở lại và có ảnh hưởng mang tầm quốc tế. Cuộc "tranh chấp" có thể được chia thành 3 vấn đề chính:

Thứ nhất là vấn đề khoanh vùng lãnh hải và Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) cho mỗi quốc gia giáp Biển Đông như thế nào. Thứ hai là quyền thăm dò và khai thác dầu khí, khoáng sản và các nguồn tài nguyên tái tạo ở các khu vực đang tranh chấp cũng như các vùng biển quốc tế nằm ngoài vùng lãnh hải và EEZ . Thứ ba là tự do đi lại của các phương tiện giao thông quốc tế và các tàu chiến qua các vùng biển mà Liên hợp quốc (LHQ) đã phân định là vùng biển quốc tế. Thoạt nhìn có vẻ dễ dàng giải quyết các vấn đề này dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm cho việc thực thi UNCLOS trở nên khó khăn. UNCLOS nhằm xác lập tình trạng pháp lý của các vùng biển và đặt ra một khuôn khổ để xác định ai có quyền khai thác tài nguyên của các đại dương trên thế giới. Công ước này cũng thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp. Khuôn khổ pháp lý giải quyết tranh chấp này chỉ có khả năng thực thi một phần nào đó do thực tế là phương pháp được áp dụng để xác định phạm vi các EEZ thường dẫn đến tranh chấp giữa một hoặc nhiều quốc gia. Và trường hợp điển hình là ở Biển Đông. Trung Quốc đã đệ đơn chín h thức lên LHQ vào năm 2009, đưa ra các yêu sách của nước này đối với hầu hết diện tích Biển Đông. Yêu sách "Đường chín đoạn" (đã được Trung Quốc khẳng trong nhiều năm với nhiều hình thức khác nhau) khẳng định rằng gần như toàn bộ Biển Đông là vùng biển thuộc chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trung Quốc sử dụng cả hai yếu tố lịch sử và diễn giải của mình về UNCLOS để giải thích cho tuyên bố trên.

Một nhóm các quốc gia giáp Biển Đông và những quốc gia khác đã bác bỏ luận điểm trên của Trung Quốc. Một số quốc gia không có yêu sách nào liên quan tới lãnh hải và EEZ tại đây cũng lên tiếng bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc bằng nhiều lập luận chính đáng. Một thực tế rõ ràng là Trung Quốc đã quyết định mở rộng yêu sách chủ quyền của mình ra phần lớn Biển Đông bằng cách xây dựng các khu dân cư và cơ sở hạ tầng qui mô lớn cho cả thương mại và quân sự trên một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như xung quanh bãi cạn Scarborough với quy mô nhỏ hơn. Trung Quốc rõ ràng đang chứng tỏ chủ quyền của mình theo câu thành ngữ cổ "Ai đang giữ thì là của người đó". Nếu xem xét chiến lược này cùng với công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc, các yêu sách mở rộng quyền kiểm soát biển và khả năng chống can thiệp vào khu vực trong hai thập kỷ qua cho thấy quốc gia châu Á này đang muốn thay đổi hiện trạng. Các bên khác trong cuộc xung đột, nhất là Mỹ, lại muốn giữ nguyên hiện trạng. Đặc biệt, từ tháng 8/2014 đến nay, Trung Quốc không ngừng tiến hành các hoạt động khai hoang, cải tạo ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.

Trước tình hình phức tạp này, Việt Nam đã chọn một phương pháp khôn khéo hơn và đã quyết định tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế bằng phương pháp ngoại giao. Đồng thời, Việt Nam đã từng bước thực hiện chiến lược hiện đại hóa Hải quân của mình. Tháng 6/2015, Mỹ đã cam kết hỗ trợ 18 triệu USD để giúp Việt Nam bảo vệ lãnh hải và bờ biển của mình. Mặc dù Việt Nam đã phụ thuộc vào các vũ khí và lực lượng Hải quân Nga trong suốt 40 năm qua, nhưng hiện nay điều này đã thay đổi khi nước này có thể tăng cường năng lực cho lực lượng Hải quân của mình với vũ khí và tàu tuần tra của phương Tây. Việt Nam đã lựa chọn chiến lược đúng là xây dựng một lực lượng Hải quân dọc theo bờ biển ngày càng vững mạnh. Đặc biệt, Việt Nam cũng có kế hoạch mua các tàu hiện đại hơn trong đó có tàu tuần tra, tàu hộ tống, kể cả tàu khu trục.

The South China Sea Crisis: International Law, Sovereignty and the Control of Natural Resources (South front)

Hương Trà (gt)