03/05/2011
Philippin chính thức gửi Công hàm phản đối đường lưới bò ngày 5/4/2011 và ngay sau đó, Trung Quốc cũng chính thức phản đối Công hàm của Philippin. Đáng chú ý là ở cả hai Công hàm này đã có những lời diễn giải khá mới mẻ so với những lần trước. Điều này, theo PGS. TS Nguyễn Hồng Thao, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến pháp lý mới về đường lưỡi bò ở Biển Đông.
Ngày 5/4/2011, Phái đoàn thường trực của Philippin tại Liên hợp quốc đã gửi Công hàm về những vấn đề liên quan trong Công hàm số CML/17/2009 và CML/18/2009 ngày 7/5/2009 của Phái đoàn thường trực CHND Trung Hoa và tấm bản đồ đính kèm thể hiện đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò) ở Biển Đông. Phái đoàn Philippin ý thức được rằng Công hàm của Trung Quốc gửi Liên hợp quốc để phản đối hồ sơ chung của Việt Nam và Malaysia và hồ sơ riêng của Việt Nam về ranh giới ngoài thềm lục địa. Tuy nhiên Philippin không thể đồng tình với lời khẳng định trong các Công hàm nêu trên “đối với chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo trong Biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán đối với các vùng nước, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng..” và “được quốc tế biết đến rộng rãi”.
Ngày 14/4/2011 Phái đoàn thường trực của CHND Trung Hoa tại Liên hợp quốc đã gửi Công hàm tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc phản đối Công hàm số 000228 ngày 5/4/2011 của Philippin . Trước đó ngày 10/4/2011 Người phát ngôn BNG Trung Quốc cho rằng Công hàm của Philippin là không thể chấp nhận.
Như vậy một cuộc chiến pháp lý mới về đường lưỡi bò lại nổ ra giữa các nước có tranh chấp ở Biển Đông. Trước đó, ngày 8/5/2009, Việt Nam và Malaysia đã có công hàm phản đối các Công hàm ngày 7/5/2009 của Trung Quốc gửi Liên hợp quốc. Ngày 8/7/2010, Indonesia nước không có tranh chấp ở Biển Đông đã gửi Công hàm kết luận bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn trong Công hàm ngày 7/5/2009 của Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc hoàn toàn không có căn cứ pháp lý quốc tế và đi ngược lại với các quy định của Công ước luật biển 1982.[1]
Công hàm của Philippin
Thực tế đường lưỡi bò không chỉ bao lấy các đảo và vùng nước quần đảo Trường Sa mà đã chạy sát Palawan, phủ lên một phần vùng nước mà Manila cho rằng mình có chủ quyền. Tuy nhiên cũng cần phải biết rằng, so với Việt Nam và Trung Quốc, Philippin nhảy vào tranh chấp quần đảo Trường Sa muộn và yêu sách đưa ra được dựa trên những cơ sở pháp lý không đủ mạnh. Năm 1951, Philippin mới bắt đầu nghĩ đến việc mở rộng ảnh hưởng ra quần đảo Trường Sa và bắt đầu xây dựng các lập luận như ủng hộ việc chiếm hữu tư nhân “Đất tự do” của Thomas Cloma; quần đảo Trường Sa là “Đất vô chủ” trừ đảo Trưởng Sa Pháp tuyên bố chủ quyền trong Công báo năm 1938; do tính kế cận của khu vực này đối với quốc gia quần đảo Philíppin; do khu vực này tạo thành phần rìa lục địa cho quần đảo Philíppin; lý do an ninh quốc phòng dẫn tới sự cần thiết chiếm đóng và kiểm soát thực sự của Philíppin...[2]. Tới năm 1978, bằng Sắc lệnh N 1596 ngày 11/6/1978 của Tổng thống, Philíppin tuyên bố ranh giới một vùng mới gọi là Kalayaan (Đất Tự do – viết tắt tên tiếng Anh là KIG), nằm bên ngoài giới hạn hiệp ước lịch sử 1898, bao trùm hầu hết quần đảo Trường Sa trừ đảo Trường Sa. Tất nhiên yêu sách này của Philippin đã bị các quốc gia liên quan phản đối. Các lập luận đất vô chủ, tính kế cận, yếu tố an ninh quốc phòng, hay sự kéo dài tự nhiên của rìa lục địa bên ngoài máng sâu Palawan đã lần lượt bị sự phát triển của luật quốc tế, luật biển quốc tế cũng như các bình luận phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế và thực tiễn quốc tế đưa vào trạng thái “đèn đỏ”. Ngày 10/3/2009, Tổng thống Arroyo đã ký Luật cộng hoà RA 9522 xác định đường cơ sở mới của Philíppin và quản lý Trường Sa và bãi cạn Hoàng Nham theo “quy chế đảo”[3]. Tháng 8/2009, Philippin phản đối hồ sơ chung Việt Nam và Malaysia và hồ sơ riêng của Việt Nam về ranh giới ngoài thềm lục địa vì chúng có một phần chồng lấn lên yêu sách của Philippin. Điều đáng nói ở đây là Philippin đã không đáp ứng đề nghị tham gia hồ sơ chung Việt Nam-Malaysia trước đó.
Công hàm Philippin đưa ra ba điểm:
- Nhóm đảo Kalayaan KIG là một phần không tách rời của Philippines, rằng nước này có chủ quyền và quyền tài phán với các đặc trưng địa chất trong Nhóm đảo Kalayaan KIG đó;
- Philippin, theo nguyên tắc đất thống trị biển, thực hiện chủ quyền và quyền tài phán một cách cần thiết trên vùng nước xung quanh hoặc kế cận đối với mỗi đặc trưng địa chất liên quan trong Nhóm đảo Kalayaan KIG theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Phạm vi của các vùng nước kế cận các đặc trưng địa chất có liên quan được định nghĩa và xác định theo UNCLOS, đặc biệt điều 121 Chế độ các đảo;
- Chính vì các vùng nước kế cận các đặc trưng địa chất có liên quan được định nghĩa và là đối tượng của các tiêu chuẩn pháp lý và kỹ thuật nên yêu sách của CHND Trung Hoa tại hai Công hàm số CML/17/2009 và CML/18/2009 ngày 7/5/2009 “đối với các vùng biển liên quan cũng như đáy biển và thềm lục địa của chúng” bên ngoài các đặc trưng địa chất nói trên trong Nhóm các đảo Kalayaan KIG và các vùng nước kế cận của chúng sẽ “không có cơ sở theo luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Đối với các khu vực này, chủ quyền, quyền tài phán hay quyền chủ quyền, trong trường hợp này, nhất thiết quy thuộc hoặc thuộc quốc gia ven biển thích hợp hoặc quốc gia quần đảo Philippin – các vùng nước cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng thuộc về quốc gia đó hoặc theo bản chất pháp lý của Lãnh hải, hoặc của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, hoặc của thềm lục địa phù hợp với các điều 3,4, 55,57 và 76 của UNCLOS ".
Phân tích ba điểm đã nêu trong Công hàm ngày 5/4/2011 của Philippin có thể đi đến những nhận xét sơ bộ sau:
1. Philippin tái khẳng định chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các đặc trưng địa chất trong Nhóm đảo Kalayaan KIG được coi là một phần không tách rời của Philippines. Tuy nhiên tuyên bố lần này có những khác biệt với các văn bản trước. Thứ nhất, trong Sắc lệnh năm 1978, Philippin yêu sách: “ nhóm đảo KIG... bao gồm tất cả đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, rìa lục địa và vùng trời sẽ thuộc và là đối tượng của chủ quyền của Philippin. Khu vực này tạo thành một quận riêng và tách rời của thủ phủ của tỉnh Palawan và được biết với tên gọi Kalayaan”, nghĩa là toàn bộ các đảo và các vùng nước nằm trong ranh giới KIG tự vạch với đầy đủ các tọa độ. Công hàm ngày 5/4/2011 chỉ yêu sách chủ quyền của các đảo đá như một phần không tách rời của Phillipin, Vấn đề vùng nước được tách rời ra và theo logic của những điểm tiếp theo, sẽ chỉ có một phần vùng nước trong ranh giới cũ của KIG chứ không phải toàn bộ vùng nước trong đó được yêu sách. Điều này được bổ sung bằng điểm 2 của Công hàm giúp phân biệt hai vấn đề: chủ quyền và quyền tài phán đối với các đặc trưng địa lý và chủ quyền, quyền tài phán và quyền chủ quyền đối với các vùng biển. Nó sẽ giúp cộng đồng thế giới hiểu rõ hơn về hai dạng tranh chấp đảo và biển ở Biển Đông mà Philippin là một bên yêu sách. Thứ hai, thuật ngữ “đảo” trong Sắc lệnh 1978 đã được thay bằng “đặc trưng địa chất” có thể hiểu bao gồm đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm để phù hợp với giải thích quy chế đảo trong điều 121 của UNCLOS. Thứ ba, quốc gia quần đảo này không nhắc đến các lý do về tính tiếp giáp hay an ninh quốc phòng làm cơ sở cho yêu sách của mình đối với các vùng nước như trong Sắc lệnh 1978. Thứ tư, ranh giới của KIG cũng không được nhắc lại. Điều này sẽ liên quan đến phân tích trong điểm 2 tiếp theo.
2. Philippin đã có bước chuyển khi nhấn mạnh nguyên tắc “Đất thống trị biển” để yêu sách các vùng biển. Nguyên tắc này đã được khẳng định bởi Tòa án quốc tế trong Vụ thềm lục địa Biển Bắc năm 1969 và thực tiễn tài phán cũng như thực tiễn quốc tế. Nó cũng được thể hiện rõ trong tinh thần của điều 2, 55, 76 của UNCLOS. Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra vùng biển tiếp liền mà phạm vi vùng biển đó do UNCLOS quy định với sự thừa nhận chung của cộng đồng quốc tế. Có nghĩa chỉ khi quốc gia xác lập được chủ quyền trên đất thì chủ quyền đó mới mang lại các quyền được mở rộng ra trên biển mà không phải ngược lại: vẽ một đường yêu sách trên biển và cho rằng tất cả những gì trong đó là thuộc chủ quyền của mình. Các vùng biển xung quanh hoặc kế cận với các đặc trưng địa chất trong quần đảo Trường Sa là lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận của các Bên tranh chấp khi xác định quy chế của từng đảo đá theo điều 121 của UNCLOS. Ngay trong phần mở đầu của Điểm 2 Công hàm, Philippin nói về vùng nước tiếp giáp của các đảo và các đặc trưng địa chất (ở đây là cách ám chỉ các đá theo điều 121.3 của UNCLOS và các bãi cạn nửa nổi nửa chìm ?). Tiếp đó việc sử dụng các từ “vùng nước xung quanh” và “vùng nước tiếp giáp. Từ thực tế quần đảo Trường Sa, nếu đảo đá muốn có vùng nước xung quanh trọn vẹn thì đó chỉ có thể là lãnh hải 12 hải lý. Khái niệm “vùng nước tiếp giáp” ở đây có thể được hiểu là lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế tiếp giáp với các đảo tùy theo từng trường hợp và không phải là vùng nước xung quanh. Như vậy ngay trong ranh giới cũ của KIG mà Manila yêu sách chủ quyền sẽ có khả năng giữa các đảo đá có tồn tại các vùng biển thuộc chủ quyền (lãnh hải), quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán (đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa) của một (hay nhiều) quốc gia ven biển khác. Một cách đơn giản, Công hàm Philippin thể hiện quan điểm tách biệt hai dạng tranh chấp: tranh chấp chủ quyền và tranh chấp vùng biển. Trong tranh chấp vùng biển, tùy thuộc vào quy chế đảo mà các bên có thể chấp nhận sẽ tồn tại ba khả năng: 1) các đảo đá của KIG chỉ có lãnh hải 12 hải lý; 2) các đảo đá này có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng; 3) một số đảo đá chỉ có lãnh hải và một số đảo đá khác có thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Từ đó, các đảo ở KIG có thể được gộp vào đường cơ sở quần đảo mở rộng của Philippin hoặc chúng được tách riêng và quản lý theo quy chế đảo hoặc đá theo Luật đường cơ sở ngày 10/3/2009 tùy thuộc từng đặc trưng địa chất này có được chỉ lãnh hải 12 hải lý hay có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý hoặc thềm lục địa riêng. Là quốc gia quần đảo duy nhất trong tranh chấp và lại ở gần các vị trí đảo tranh chấp nhất. Philippin có lý do để tận dụng vị thế đó nhằm kéo các đặc trưng địa chất KIG vào đường cơ sở quần đảo. Thê nhưng nếu theo đúng các quy định pháp lý và kỹ thuật của UNCLOS về đường cơ sở quần đảo thì tỷ lệ nước trên đất của KIG sẽ lớn hơn 9:1 và sẽ làm sai lệch tỷ lệ nước/đất của đường cơ sở tuyên bố năm 2009. Thể hiện theo điểm 2 sẽ giúp Philippin trang trải được những cuộc tranh cãi nội bộ,mâu thuẫn giữa tình cảm chủ nghĩa dân tộc và lý trí cần tuân thủ UNCLOS. Chấp nhận nguyên tắc đất thống trị biển có nghĩa là Philippin phủ nhận tất cả các đường yêu sách không dựa trên các quy định pháp lý và kỹ thuật của UNCLOS Điều này đúng với đường yêu sách lưỡi bò của Trung Quốc cũng như đường yêu sách của Malaysia và chính đường ranh giới KIG của Philippin. Các đường này là không có cơ sở pháp lý rõ ràng. Đến đây có thể hiểu tại sao Philippin không nhắc lại ranh giới KIG mà chỉ là các địa trưng địa chất trong KIG. Tuy nhiên, sẽ có sự mâu thuẫn trong điểm 1 và 2 của Philippin. Đưa ra ranh giới là một biện pháp kỹ thuật để nêu yêu sách các đặc trưng địa chất trong phạm vi đó mà không cần phải liệt kê tên từng đảo đá và quy chế của chúng. Bác bỏ ranh giới thì đặc trưng địa chất cụ thể nào Manila yêu sách vẫn sẽ là câu hỏi. Khác với Việt Nam và Malaysia gián tiếp thể hiện các đặc trưng địa chất của quần đảo Trường Sa nên có lãnh hải 12 hải lý,[4] Manila vẫn duy trì một sự không rõ ràng nhằm trù tính cho những bước đi chưa hình dung được trong tương lai. Song việc tuân thủ nguyên tắc “đất thống trị biển” đã có thể coi là một bước tiến rất gần với nguyên tắc xác lập chủ quyền bằng chiếm hữu thực tế và tinh thần duy trì status quo trong Tuyên bố DOC 2002 giữa ASEAN – Trung Quốc vì ổn định, hòa bình, và hợp tác phát triển ở Biển Đông.
3. Trong Điểm 3 của Công hàm, Philippin dẫn ra kết luận logic mà chúng ta có thể suy ra được ngay từ Điểm 2. Nếu theo đúng luật quốc tế và UNCLOS thì đường đứt khúc 9 đoạn và mọi đường yêu sách khác không đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý và kỹ thuật của UNCLOS đều không có cơ sở pháp lý để tồn tại. Công hàm nhắc đến hiệu quả của kết luận này đối với các vùng biển liên quan cũng như đáy biển và thềm lục địa của chúng” bên ngoài các đặc trưng địa chất nói trên trong Nhóm các đảo Kalayaan KIG và các vùng nước kế cận của chúng” Điều này không có nghĩa là Philippin chỉ phản đối một phần đường lưỡi bò liên quan trực tiếp đến Nhóm đảo KIG mà toàn bộ đường lưỡi bò trong Biển Đông. Do chưa thể xác định được tên cụ thể của các đặc trưng địa chất trong ranh giới cũ của Nhóm đảo KIG cũng như quy chế của các đặc trưng địa chất này (chỉ có lãnh hải, hay có lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng) nên vấn đề phân định biển giữa các quốc gia ở Biển Đông cũng chưa thể được giải quyết. Công hàm Philippin không nói đến hiệu lực của các đặc trưng địa chất “nằm ngoài KIG” như đảo Trường Sa. Tuy nhiên trong logic của nguyên tắc “Đất thống trị biển” và các yêu cầu pháp lý và kỹ thuật của UNCLOS mà Philippin thừa nhận trong điểm 1 và 2 thì đảo Trường Sa cũng là một đặc trưng địa chất giống như các đặc trưng địa chất khác của quần đảo và phải được xem xét theo quy chế của điều 121.3 Trong trường hợp tối thiểu các đảo đá ở quần đảo Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý thì các quốc gia ven biển và quốc gia quần đảo trong khu vực này sẽ phải bàn nhau về việc xác định hay phân chia ranh giới ngoài thềm lục địa có khả năng mở rộng tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo hoặc 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2500m. Trong trường hợp này, Philippin sẽ hơi bị yếu thế do sự hiện diện của máng sâu Palawan ở phía Tây. Trong trường hợp tối đa, một số đảo có thể có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa thì việc phân định biển sẽ phải tính đến khoảng cách từ điểm đó đến bờ biển của quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo tùy thuộc đảo đó được xác định chủ quyền thuộc bên nào. Các vùng biển này có bản chất pháp lý từ nguyên tắc “Đất thống trị biển” phù hợp với các điều 3,4 (Lãnh hải), 55, 57 (đặc quyền kinh tế) và 76 (thềm lục địa). Việc phân định không thể được tiến hành từ những đường yêu sách không có cơ sở pháp lý từ nguyên tắc “Đất thống trị biển” như đường lưỡi bò. Vì vậy Philippin khẳng định các vùng biển này “nhất thiết quy thuộc hoặc thuộc quốc gia ven biển thích hợp hoặc quốc gia quần đảo Philippin – các vùng nước cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng thuộc về quốc gia đó hoặc theo bản chất pháp lý của Lãnh hải, hoặc của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, hoặc của thềm lục địa phù hợp với các điều 3,4, 55,57 và 76 của UNCLOS ". Cách thể hiện ở điểm 3 cũng cho thấy Philippin hoàn toàn để ngỏ khả năng có thể tham gia hay tự đệ trình hồ sơ ranh giới thềm lục địa ở Biển Đông và đàm phán phân định biển với các nước trên cơ sở thỏa thuận duy trì nguyên trạng.
Công hàm của Trung Quốc
Công hàm ngày 14/4/2011 của Trung Quốc gồm ba đoạn chính:
- Khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với các đảo trong biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận, và được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy của chúng. Chủ quyền, các quyền và quyền tài phán liên quan của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa được hỗ trợ bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý phong phú. Nội dung Công hàm số 000228 ngày 5/4/2011 của Philippin là hoàn toàn không thể chấp nhận đối với Chính phủ Trung Quốc.
- Cái gọi là Nhóm đảo Kalayyan KIG mà Philippin yêu sách thực tế là một phần quần đảo Nam Sa của Trung Quốc. Trong hàng loạt các Hiệp ước quốc tế xác định giới hạn lãnh thổ của CH Philippin và pháp luật quốc gia của CH Philippin cho đến trước những năm 1970s chưa bao giờ yêu sách quần đảo Nam Sa hoặc bất kỳ một phần nào của quần đảo. Từ những năm 1970s, CH Philippin bắt đầu xâm lược và chiếm đóng một số đảo và đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc và đưa ra những yêu sách lãnh thổ liên quan mà Trung Quốc cực lực phản đối. Việc chiếm đóng một số đảo và đá của quần đảo Nam Sa Trung Quốc cũng như các hành vi liên quan khác đã xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Theo học thuyết pháp lý “ex injuria jus non oritus”, CH Philippin không có cách nào viện dẫn sự chiếm đóng bất hợp pháp đó để hậu thuẫn cho các yêu sách lãnh thổ của họ. Hơn nữa theo nguyên tắc pháp lý “Đất thống trị biển”, yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển không thể làm xâm hại đến chủ quyền lãnh thổ của quốc gia khác.
- Từ những năm 1930s Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần công bố phạm vi địa lý quần đảo Nam Sa và tên các thành phần của chúng. Quần đảo Nam Sa do đó đã được xác định rõ ràng. Hơn nữa, theo các điều khoản liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 cũng như Luật của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải (1992), Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1998), quần đảo Nam Sa hoàn toàn có các vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Về mặt cấu trúc Công hàm, Phái đoàn Trung Quốc cũng đưa ra ba đọan đối với ba đoạn trong Công hàm của Philippins. Đoạn 1 cả hai bên đều khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình. Đoạn 2 tranh luận về các nguyên tắc pháp lý “Đất thống trị biển” và “Không xâm phạm”. Đoạn 3 cả hai bên đều dựa vào Luật biển để xác định quy chế các đảo đá.
Về nội dung, trong khi Philippin lập luận theo Luật biển thì những đường như đường đứt khúc 9 đoạn là không có cơ sở theo luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) thì Trung Quốc lại nhắc đến các quyền lịch sử và tìm cách làm hài hòa giữa quyền lịch sử với Luật biển hiện đại bằng cách tuyên bố quần đảo Nam Sa hoàn toàn có các vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây có thể coi là một điểm mới nếu chú ý ngôn từ trong Công hàm lần này khác hẳn với những tuyên bố khuôn mẫu trước kia: “Nam Sa quần đảo là một phần lãnh thổ Trung Hoa từ thời xa xưa và Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo cũng như các vùng biển xung quanh nó”. Trong khi Philippin phản đối đích danh đường đứt khúc 9 đoạn thì Công hàm Trung Quốc không có một chữ nào nói đến đường trên ngoài câu: “Chủ quyền, các quyền và quyền tài phán liên quan của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa được hỗ trợ bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý phong phú”. Nếu cứ như Công hàm thì “Từ những năm 1930s Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần công bố phạm vi địa lý quần đảo Nam Sa và tên các thành phần của chúng. Quần đảo Nam Sa do đó đã được xác định rõ ràng”. Các khái niệm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa lúc đó còn chưa tồn tại. So sánh Công hàm ngày 7/5/2009 và Công hàm ngày 14/4/2011 của Phái đoàn Trung Quốc lại càng thấy hai Công hàm này mâu thuẫn nhau. Công hàm ngày 7/5/2009 đòi hỏi “đối với chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo trong Biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán đối với các vùng nước, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng (xem bản đồ kèm theo)” tức theo đường lưỡi bò. Công hàm ngày 14/4/2011 thì lờ đường lưỡi bò đi mà cho rằng quần đảo Nam Sa có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật biển UNCLOS. Nếu phạm vi địa lý của quần đảo Nam Sa là đường lưỡi bò thì có chuyện ngược đời là đi xác định các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa bên trong vùng nước mà Bắc Kinh coi như là nội thủy. Hay các đảo trong quần đảo Nam Sa mà Trung Quôc yêu sách có vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhưng không vượt quá phạm vi đường lưỡi bò? Hay cả quần đảo Nam Sa được coi là một tổng thể để đòi hỏi vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa như một quốc gia quần đảo? Hay phạm vi địa lý quần đảo Nam Sa là đường lưỡi bò và sẽ tiếp tục đòi hỏi từ đó 200 hải lý đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cứ theo lập luận này thì cả thành phố Hồ Chí Minh, Manila và Kuala Lumpur rồi tới Natura đều rơi vào vòng ảnh hưởng của đường lưỡi bò và “các vùng biển liên quan”. Đường lưỡi bò của Trung Quốc từ 11 đoạn rồi 9 đoạn, từ yêu sách bao gộp cả Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa (bãi ngầm Macclefield), Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) bây giờ lại coi là phạm vi địa lý của quần đảo Nam Sa. Không ai có thể hiểu được các Công hàm này trừ khi tác giả của nó giải thích. Việc hai Công hàm trong vòng hai năm có những nội dung mâu thuẫn nhau cho thấy chính bản thân người Trung Quốc còn lẫn lộn và đang tự mâu thuẫn với chính mình, không biết giải thích thế nào về đường lưỡi bò cho có lý. Hay đây là lập trường nhất quán cố tình tạo lẫn lộn, áp dụng một cách tùy tiện lúc theo luật biển, lúc theo yêu sách lịch sử mơ hồ theo kiểu chiến thuật mèo trắng mèo đen miễn là bắt được chuột. Một chiến thuật mập mờ thường hay được sử dụng để buộc dư luận phải “tin” vào những điều vô lý? Lập trường không nhất quán, chỉ sử dụng sức mạnh, nói lấy được thật khó gây được lòng tin và hình ảnh tốt đẹp trong cộng đồng quốc tế.
Rõ ràng, việc tự vẽ một đường yêu sách không đáp ứng bất kỳ một tiêu chuẩn pháp lý hay kỹ thuật nào để yêu sách chủ quyền các đảo trong đó rồi tiếp tục đòi hỏi các vùng biển liên quan là sự cố tình áp dụng sai nguyên tắc “Đất thống trị biển”. Hơn nữa cũng nên nhắc lại rằng Công hàm ngày 29/9/1932 của phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại Paris còn tuyên bố các đảo Tây Sa “tạo thành cực nam của lãnh thổ Trung Quốc”[5]. Vậy làm sao có thể nói như trong Công hàm ngày 14/4/2011 là ”Từ những năm 1930s Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần công bố phạm vi địa lý quần đảo Nam Sa và tên các thành phần của chúng”. Cũng không thể nói bằng chứng lịch sử và pháp lý tại đây vì Việt Nam mới là quốc gia có những bằng chứng về hoạt động Nhà nước của Đội Hoàng Sa sớm nhất trong khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Khác với Philippin sử dụng khái niệm các “đặc trưng địa chất”[6] (được hiểu bao gồm đảo, đá và bãi cạn nửa nổi nửa chìm – islands, rocks, reefs and shoals), Công hàm Trung Quốc lần này chỉ nói đến “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với các đảo (islands) trong biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận”. Trong đoạn 2 khi nhắc đến sự xâm lược của CH Philiipin, Công hàm có dùng thuật ngữ “đảo và đá” (islands and reefs) nhưng khác với Philippin đề xuất áp dụng điều 121.3 của UNCLOS về quy chế đảo hay đá thì Công hàm của Trung Quốc cho rằng “quần đảo Nam Sa hoàn toàn có các vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc cũng yêu sách “được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy của chúng”. Điều này được củng cố thêm bằng viễn dẫn trong đoạn 3 về “các điều khoản liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 cũng như Luật của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải (1992), Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1998)”. Liệu có phải Trung Quốc cho rằng dù đảo hay đá thì các đảo đá ở Trường Sa đều có vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa? Vậy UNCLOS (điều 121.3) ở đây có giá trị gì với các quốc gia thành viên? Cũng nên nhắc lại ở đây Công hàm ngày 8/7/2010 của Indonesia, một nước không tranh chấp gì ở Biển Đông[7] đã đưa ra những bằng chứng về quan điểm chính thống của các đại diện Trung Quốc phát biểu tại các diễn đàn về Công ước luật biển năm 1982 về quy chế của các đảo đá không người ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng.[8] Tại khóa họp lần thứ 15 của Cơ quan quyền lực đáy đại dương tại Kingston, Jamaica tháng 6/2009, Đại sứ Chen Jinghua, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đã tuyên bố: “Yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các đảo đá…là ảnh hưởng đến các nguyên tắc của Công ước Luật biển và đến quyền lợi chung của cộng đồng quốc tế”. Trưởng đoàn Trung Quốc còn viện dẫn lời của Đại Sứ Avid Pardo (người đã đưa ra khái niệm vùng đáy biển di sản chung của loài người trong Công ước Luật biển) để lời tuyên bố của mình thêm sức mạnh : “…nếu quyền tài phán 200 hải lý được dựa trên quyền sở hữu các đảo không người ở, xa xôi hoặc rất nhỏ thì hiệu quả của việc quản lý quốc tế các vùng đại dương bên ngoài quyền tài phán quốc gia sẽ bị tổn hại nặng nề”. Tuyên bố của Phái đoàn Trung Quốc tại Hội nghị các nước thành viên Liên hợp quốc lần thứ 19 từ ngày 22-26/6/2009 tại New York cũng khẳng định “theo điều 121 của Công ước Luật biển, các đảo đá không thích hợp cho con người ở hoặc không có một đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng”. Những lời tuyên bố của các đại diện toàn quyền của Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế chỉ có thể được hiểu là chúng cũng được áp dụng phù hợp với tình hình Biển Đông và các đảo đá nhỏ không người ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng trong Biển Đông cũng không có quyền được có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việc cho phép sử dụng các đảo đá không người ở, ở xa lục địa và nằm giữa biển như điểm cơ sở để đòi hỏi các vùng biển là tổn hại các nguyên tắc cơ bản của Công ước luật biển cũng như xâm phạm đến các quyền lợi chính đáng của cộng đồng quốc tế. Phái đoàn thường trực của Indonesia tại Liên hợp quốc kết luận bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn trong Công hàm ngày 7/5/2009 của Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc hoàn toàn không có căn cứ pháp lý quốc tế và đi ngược lại với các quy định của Công ước luật biển 1982. Trong quan hệ với Nhật Bản là một nước lớn, Trung Quốc đòi các đá chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Trong Biển Đông, giữa các nước nhỏ, yếu, Bắc Kinh đòi cả quần đảo có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cộng đồng quốc tế buộc phải đặt câu hỏi liệu có chính sách phân biệt đối xử mà không cần phải dựa vào luật biển không hay Trung Quốc có một tiêu chuẩn kép về quy chế các đâỏ đá? Thực tiễn quốc tế và các phán quyết của các Tòa án và Trọng tài quốc tế cho thấy các đảo đá có những điều kiện tương tự như các đảo đá trong Biển Đông, nếu áp dụng đúng điều 121.3 của UNCLOS thì chỉ được hưởng các vùng biển không mở rộng quá mức, ảnh hưởng đến quyền lợi của các quốc gia ven biển, ảnh hưởng an ninh hàng hải, hàng không của cộng đồng quốc tế, tiếp tục duy trì nguy cơ xung đột ở mức cao. Về quy mô, kích thước, điều kiện sinh sống hay đời sống kinh tế riêng chúng cũng không thể được coi có cùng hiệu lực pháp lý trong phân định với lãnh thổ đất liền.
Công hàm Trung Quốc kết tội Philippin đã ”xâm lược” các đảo và đá của quần đảo Nam Sa thuộc Trung Quốc[9] nên không thể viện dẫn nguyên tắc ”Đất thống trị biển” để đòi hỏi quyền chủ quyền đối với các vùng biển kế cận. Trung Quốc dẫn học thuyết pháp lý “ex injuria jus non oritus” để cho rằng CH Philippin không có cách nào viện dẫn sự chiếm đóng bất hợp pháp đó để hậu thuẫn cho các yêu sách lãnh thổ của họ. Theo định nghĩa của luật quốc tế, xâm lược là một hành vi sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Vậy việc sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực bất hợp pháp các năm 1974, 1988 và 1995 để chiếm đoạt các đảo đá đã có chủ, hậu thuẫn cho các yêu sách lãnh thổ có nên được áp dụng học thuyết pháp lý “ex injuria jus non oritus” không ? Khi công hàm ngoại giao tuyên bố ”theo nguyên tắc pháp lý “Đất thống trị biển”, yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển không thể làm xâm hại đến chủ quyền lãnh thổ của quốc gia khác”, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc cũng cố tình quên mất sự thật là các yêu sách theo Luật của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải (1992), Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1998)” đang xâm hại đến các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo Luật biển UNCLOS cũng như chủ quyền lãnh thổ của quốc gia khác đã thực hiện chiếm hữu thực sự, hòa bình, không có tranh chấp trong thời gian dài trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hơn nữa, thật khó có thể chấp nhận viện dẫn luật quốc gia để giải quyết một tranh chấp quốc tế. Ngoài ra, nếu theo đúng luật thì đường lưỡi bò chỉ mới được Phái đoàn Trung Quốc nêu ra chính thức lần đầu tiên trong Công hàm ngày 7/5/2009, một văn bản thấp hơn luật rất nhiều.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hai Công hàm của Philippin và Trung Quốc đều vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo. Song nhìn từ góc độ tích cực thì Công hàm ngày 5/4/2011 của Phái đoàn Philippin đã đóng góp lớn trong bác bỏ mọi đường yêu sách quá đáng không trên cơ sở UNCLOS, đặc biệt là yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Công hàm của phái đoàn Trung Quốc thể hiện tính răn đe, cứng rắn của một nước lớn. Các lập luận bảo vệ đường lưỡi bò của Trung Quốc là mâu thuẫn, mập mờ, cố tình lẫn lộn. Công hàm không làm cho người đọc hiểu rõ thêm về lập trường pháp lý của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông, về cách hiểu đường lưỡi bò ngoài việc phái đoàn Trung Quốc chính thức yêu sách quần đảo Trường Sa có vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Ngược lại nó cho thấy một sự mập mờ cố ý, sử dụng cả những yêu sách lịch sử chưa được kiểm chứng lẫn luật biển hiện đại một cách tùy tiện để bảo vệ một yêu sách quá đáng. Giống như một thủ tục trước câc cơ quan tài phán quốc tế, các bên lần lượt chính thức thể hiện quan điểm của mình về chủ quyền, về quy chế đảo trước Liên hợp quốc. Cộng đồng quốc tế đã có tương đối dữ liệu để thể hiện quan điểm của mình. Dù còn có những khác biệt, trong tất cả các Công hàm đã trình lên Liên hợp quốc về vấn đè này đều có một điểm chung không thể phủ nhận: các bên đều viện dẫn UNCLOS, nguyên tắc ”Đất thống trị biển” dù cách giải thích và áp dụng còn khác nhau. Đã đến lúc các bên phải thực sự ngồi với nhau, giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với Luật quốc tế và UNCLOS. Cuộc chiến pháp lý mới liệu có góp phần thúc đẩy các Bên nỗ lực tìm tiếng nói chung, trước tiên là thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố DOC, tiến đến một Bộ Quy tắc ứng xử của các Bên trên Biển Đông, tạo khung pháp lý để trao đổi một cách khách quan và thành thật về quy chế các đảo đá của các quần đảo ở Biển Đông, một trong những chìa khóa then chốt để giải quyết hòa bình các tranh chấp Biển Đông? Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của các Bên.
PGS. TS Nguyễn Hồng Thao, Đại học Quốc gia Hà Nội
Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.
[2] Xem Nguyễn Hồng Thao, Luật pháp quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Tập san Thông tin Nghiên cứu Chiến lược và Khoa học Công An, Hà Nội tháng 5-2010
[3] AFP – Manila March 11, 2009.
[4] Ted L. McDorman, “The South China Sea after 2009: Clarity of Claims and Enhanced Prospects for Regional Cooperation?, Ocean Yearbook 24, edited by Aldo Chircop, Scott Coffen-Smout and Moira McConnell (The Hague: Martin Nijhoff Publishers, 2010), pp. 507-535
[5] Nguyen Hong Thao, Le Vietnam et ses differends maritimes dán la Mer de Bien Dong (Mer de Chine meridionale), Pedone, France 2004, p. 232.
[6] Bản dịch trên Nghiên cứu Biển Đông sử dụng thuật ngữ hình thái địa chất. http://1371-cong-ham-ca-phi-lip-pin-phn-i-ng-li-bo-ca-trung-quc-ban dich NCBD.htm ngày 18/4/2011
[7] Việt Long, “Sự vô lý của đường lưỡi bò trong Biển Đông – Indonesia lên tiếng”, Tuần Việt Nam, ngày 27/7/2010.
[8] “Note N. 480/POL-703/VII/10”, 8 July 2010 (Permanent Mission of the Republic of Indonesia to the United Nations, New York), Commission on the Limits of the Continental Shelf (CLCS)
Outer limits of the continental shelf beyond 200 nautical miles from the baselines:
Submissions to the Commission: Joint submission by Malaysia and the Socialist Republic of Viet Nam. http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/idn_2010re_mys_vnm_e.pdf (accessed 26 October 2010).
[9] “China accuses PH of invasion”, Tessa Jamandre | VERA Files, http://vera/china-accuses-ph-‘invasion’.htm
Ngày 14/11/2024, Đối thoại Biển lần thứ 13 với chủ đề “Khám phá ranh giới mới của vùng biển quốc tế” do Học viện Ngoại giao và Viện Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam (KAS) đồng tổ chức đã diễn ra tại Thành phố Cần Thơ.
Ngày 11/7/2024, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức Hội thảo Thường niên lần thứ 14 về Biển Đông tại Washington, D.C., Mỹ. TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao đã có bài phát biểu tại Phiên thứ nhất của Hội thảo về những diễn biến mới trong tình hình Biển Đông....
Ngày 25/6/2024, Học viện Ngoại giao phối hợp với Trung tâm Geneva về Quản trị An ninh Khu vực (DCAF), Thụy Sĩ tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Quản trị Trí tuệ Nhân tạo tại Đông Nam Á”.
Từ ngày 24 đến ngày 29/05/2024, Học viện Ngoại giao phối hợp với Học viện Clingendael (Hà Lan) tổ chức Khóa học Luật biển quốc tế lần thứ 4 tại Hà Nội.
Ngày 13-15/9/2023, TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, đã tham dự và phát biểu tại Đối thoại Thường niên về Hậu quả Chiến tranh và Hòa bình tại Việt Nam, Lào và Campuchia lần thứ hai tại Washington, DC, Mỹ do Viện Hòa bình Mỹ (USIP) tổ chức.
Ngày 28/6, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ đã tổ chức Hội thảo Quốc tế Thường niên lần thứ 13 về Biển Đông tại Washington D.C., Mỹ. PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã có bài phát biểu tại Phiên thứ 2 của Hội thảo về những diễn biến pháp...