cfareed_0124.jpg

Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc-ASEAN gần đây đã đạt được một số tiến bộ trong việc ngăn chặn thảm họa tương lai trên Biển Đông, trong đó có sự nhất trí về một đường dây nóng ngoại giao để đối phó với các sự cố hàng hải khẩn cấp và một thỏa thuận chung để triển khai thực hiện Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES).

CUES là một thỏa thuận không ràng buộc, trong đó đề ra các hành động an toàn cũng như trao đổi thông tin cơ bản và chỉ dẫn cho các tàu hải quân và máy bay trong các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển. Nó khởi đầu từ Bộ quy tắc cho các va chạm không báo trước trên biển, được trình bày lần đầu tiên tại Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS) vào năm 1998 và sau đó được các Tư lệnh Hải quân tại hội nghị ký kết.

Bộ quy tắc ban đầu không được chấp nhận rộng rãi. Những nỗ lực để khôi phục nó vào năm 2014 đã bị Trung Quốc ngăn chặn, rõ ràng bởi vì nó đã được gọi là một “Bộ quy tắc” - có thể được hiểu là sự ràng buộc - và bởi vì nó sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ chính để thông tin. Nhưng vào tháng 4/2014, việc đổi tên CUES đã được thông qua bởi tất cả 21 quốc gia thành viên WPNS, bao gồm cả Trung Quốc và tất cả các quốc gia ASEAN có yêu sách ở Biển Đông. Hiện nay, lực lượng hải quân của cả Mỹ và Trung Quốc thường xuyên sử dụng CUES và vào cuối năm 2015,Trung Quốc đề xuất liên kết huấn luyện với các nước ASEAN về việc sử dụng CUES.

Việc thông qua CUES tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc-ASEAN ngày 7/9 vừa qua là một cử chỉ chính trị hơn là một biện pháp hiệu quả nhằm làm giảm các nguy cơ xảy ra sự cố ở Biển Đông. Nó chỉ mở rộng CUES với hai quốc gia khác – Lào, nước không có biển, không có lực lượng hải quân và Myanmar, nước có lực lượng hải quân nhưng không hoạt động ở Biển Đông.

Hiện nay CUES chỉ áp dụng cho lực lượng hải quân, nhưng có nhiều lời kêu gọi mở rộng nó với lực lượng bảo vệ bờ biển. Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc vào đầu năm 2016, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đã đề nghị với Trung Quốc rằng CUES cần được mở rộng để bao gồm cả các tàu hải quân và bảo vệ bờ biển.

Philippines cũng đã đề nghị việc bao gồm lực lượng bảo vệ bờ biển và các lực lượng hải quân khác trong CUES. Đề xuất này được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) 2016 tại Lào, song có rất ít hy vọng nó sẽ được coi là tích cực, khi phạm vi của ADMM không mở rộng với lực lượng dân sự bảo vệ bờ biển. Trong khi đó, Mỹ cũng bày tỏ sự quan tâm trong việc mở rộng CUES cho lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ và Trung Quốc.

Mong muốn mở rộng CUES đối với lực lượng bảo vệ bờ biển bắt nguồn từ thực tế là phần lớn các sự cố ở Biển Đông có liên quan đến lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu thực thi pháp luật khác. Trong số 45 sự cố chính được xác định ở Biển Đông từ giữa năm 2010 đến năm 2016, ít nhất một tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc hoặc tàu chấp pháp biển khác của Trung Quốc có tham gia vào 71% của sự cố.

Lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực đã phần nào có xu hướng chính đáng chống lại sự mở rộng của CUES đối với hoạt động của họ. Chức năng và trách nhiệm của họ khác biệt với những người trong lực lượng hải quân và họ có cách tiếp cận khác đối với việc sử dụng vũ lực. Lực lượng bảo vệ bờ biển có thể sử dụng vũ lực như một phần của nhiệm vụ thực thi hằng ngày, nhưng một số chiến thuật của họ được liệt kê như những điều cần tránh dưới CUES. Song, những hành động thường xuyên của các tàu bảo vệ bờ biển trong vai trò thực thi pháp luật có thể bao gồm việc sử dụng vòi rồng phun nước, mang súng và nổ súng cảnh cáo.

Tàu bảo vệ bờ biển cũng có thể đụng độ trong những hoàn cảnh khác nhau. Có thể tàu chấp pháp biển muốn tiếp cận gần nhau, trong khi các tàu chiến gặp nhau trong trường hợp va chạm ngoài ý muốn thường sẽ tránh xa nhau. Trong khi hầu hết các quy trình an toàn đặt ra trong CUES có liên quan đến bảo vệ bờ biển, họ có thể không mấy thoải mái với một số thủ tục thông tin liên lạc chi tiết và hướng dẫn điều động trong các phụ lục của CUES. Điều này rất "hải quân" và được cho là không liên quan hoặc dễ hiểu đối với lực lượng bảo vệ bờ biển.

Hợp tác đa phương giữa lực lượng bảo vệ bờ biển có thể gặp thách thức lớn hơn so với lực lượng hải quân. Lực lượng hải quân có chức năng rõ ràng và có lịch sử hợp tác lâu dài, nhưng vai trò của lực lượng bảo vệ bờ biển cũng có thể thay đổi đáng kể giữa nước này với nước khác. Không ai nói rằng lực lượng bảo vệ bờ biển không cần một loại tài liệu CUES để ngăn chặn và quản lý rủi ro của các sự cố liên quan đến tàu thực thi pháp luật dân sự, nhưng thay vào đó, lực lượng này nên tập trung vào an toàn và sự hiểu biết chung trong việc thực thi pháp luật hàng hải.

Tác giả Sam Bateman là cố vấn chương trình an ninh biển, trường nghiên cứu chiến lược RSIS, Đại học công nghệ Nanyang, Singapore. Bài viết đăng trên “Diễn đàn Đông Á” (ngày 7/10).

Nhật Linh (gt)