Cách đây mới vài tháng, thế giới hay tin Trung Quốc đưa tàu sân bay đầu tiên của họ - mang tên Liêu Ninh - vào thử nghiệm. Khi Liêu Ninh được hạ thủy, các chuyên gia hải quân quốc tế cho rằng nó sẽ phải nằm không ngoài biển một thời gian trước khi Hải quân Trung Quốc đủ sức tiến hành các cuộc cất cánh, chứ chưa nói gì đến việc hạ cánh, trên con tàu mới mẻ này. 
Nhưng thật ngạc nhiên, mới đây, Tân Hoa xã - hãng tin chính thức của Trung Quốc - đã uyên bố rằng một máy bay chiến đấu J-15 đã hạ cánh thành công xuống chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này sau khi cất cánh lần đầu tiên cũng từ chính con tàu này. Sau chuyến bay thử thành công, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã hãnh diện phát đi những hình ảnh cả về hoạt động cất cánh lẫn hạ cánh nói trên. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, các phương tiện thông tin đại chúng do nhà nước quản lý hôm đó cũng đã phải thông báo về cái chết của tổng công trình sư của J-15, ông La Dương, ngay sau khi quan sát cuộc hạ cánh lần đầu tiên trong lịch sử của chiếc máy bay do ông chế tạo xuống chiếc tàu sân bay này. 

Theo tờ " The New York Times " và các nguồn tin khác, chiếc J-15 do Trung Quốc thiết kế và chế tạo là loại máy bay chiến đấu đa mục đích thế hệ đầu tiên phục vụ tàu sân bay và là loại có thể mang các loại tên lửa chống hạm, không đối không và không đối đất cũng như có thể thực hiện các cuộc ném bom chính xác nhờ hệ thống dẫn đường. Theo Tân Hoa xã, máy bay J-15 có thể sánh ngang với máy bay Su-33 của Nga hay F-18 của Mỹ. Cho đến khi bay thử thành công, các phi công lái máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bị quản thúc để thực hiện các cuộc hạ cánh mô phỏng trên tàu sân bay, được tiến hành trên các đường băng thiết kế trên mặt đất. 

Theo các phi công trên tàu sân bay, việc cất cánh cũng như hạ cánh trên biển không hề giống như trên mặt đất. Trước tiên là việc mặt đất không bồng bềnh như mặt biển và sau đó là việc phi công phải sử dụng rất nhiều chỉ dấu bằng mắt thường khi rađa không thể chỉ dẫn cho họ cách trở về căn cứ. 

Hạ cánh xuống một tàu sân bay khó hơn nhiều so với việc cất cánh. Để có thể cất cánh, chiếc phi cơ bị khóa vào một thiết bị phóng hơi nước, nơi áp lực không khí được xác định một cách chính xác trong thiết bị này. Sau đó, viên phi công sẽ tăng ga để chuẩn bị cho việc cất cánh. Sau công đoạn này, chỉ cần để cho các quy luật vật lý thực hiện nốt các nhiệm vụ còn lại. Tuy nhiên, việc hạ cánh trở lại con tàu lại là một công việc phức tạp. Người ta sẽ phải bố trí sao cho máy bay có thể đáp xuống theo một góc độ không quá cao nhưng cũng không quá thấp, với tốc độ không quá nhanh nhưng cũng không quá chậm trong khi hướng một cách chính xác tới tọa độ định sẵn - và các thao tác này hầu như phải được thực hiện một cách đồng thời. Ngoài ra, việc hạ cánh trong chiến trận còn khó hơn cả hạ cánh về ban đêm. 

Tuy nhiên, từ nay trở đi Trung Quốc sẽ bắt đầu bằng việc luyện tập nghiêm túc với "những đồ chơi mới" của họ - càng nhiều lần càng tốt - để mọi thứ phải hoạt động và vận hành ăn khớp với nhau. Theo Tân Hoa xã, chiếc tàu sân bay mới của họ vẫn đang ra khơi với nhiều cuộc thử nghiệm công nghệ từ cuối tháng 9 và đã thực hiện được hơn 100 cuộc huấn luyện và thao diễn. 
Hồ sơ của Liêu Ninh cho thấy boong tàu được thiết kế theo kiến trúc bao-lơn đặc biệt nhằm cải thiện khả năng cất cánh. Nó được thiết kế lại từ con tàu mang tên Varyag, chưa hoàn thành và bị xếp xó dưới thời Liên Xô. Khi Trung Quốc mua con tàu này từ Ucraina, một trong những ý tưởng được đưa ra là biến nó thành một sòng bạc hay một khách sạn nổi chứ ít ai nghĩ sẽ biến nó thành một tàu sân bay. 

Các chuyên gia quân sự cho rằng mặc dù Trung Quốc đã đạt được thành tựu to lớn, họ vẫn phải xây dựng được một đội ngũ phi công và kỹ thật viên có khả năng bảo đảm cho các máy bay chiến đấu trên tàu có thể hoạt động trong các điều kiện dại dương khác nhau. Họ cũng cần phải phát triển khả năng vận hành con tàu của mình dọc theo các con tàu khác trong một đội hình các chiến hạm. Liêu Ninh ở tình trạng hiện nay vẫn chưa thể tham chiến một cách thực sự. Ngoài ra, một tàu sân bay, xét cho cùng, chỉ là đồ trưng bày nếu nó chỉ có một máy bay để phục vụ. Trung Quốc cần phải có ba tàu sân bay mới có thể duy trì sự hiện diện thường xuyên trên biển. Theo một số báo cáo mới đây, Trung Quốc đang chế tạo thêm một số tàu sân bay nữa tại các nhà máy đóng tàu trong khu vực Thượng Hải. 

Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng Hải quân Trung Quốc đang được hiện đại hoá với tốc độ nhanh hơn trong các binh chủng khác của quân đội nước này. Khi được trang bị đầy đủ, Liêu Ninh sẽ có thể chứa tới 50 máy bay phản lực và một số máy bay trực thăng khác. Ngoài ra, có vẻ gần như chắc chắn là Trung Quốc đã xác định rằng lực lượng hải quân của họ sẽ đóng vai trò then chốt trong kế hoạch triển khai lực lượng quân sự trong những thập kỷ tới, và địa bàn tác chiến chính của lực lượng này sẽ là Thái Bình Dương. Trong trường hợp đó, kẻ thù tiềm tàng số một của lực lượng này sẽ là Hải quân Mỹ. Mỹ hiện có 11 tàu sân bay khổng lồ đang trấn giữ tại các vùng có tầm quan trọng chiến lược. Anh, Ấn Độ, Braxin, Thái Lan, Tây Ban Nha, Nga và Pháp mỗi nước đều có một tàu sân bay, trong khi Italia có tới hai tàu. Tuy nhiên, Liêu Ninh là một con tàu lớn. Nó chỉ ngắn hơn khoảng 30 mét so với con tàu lớp Nimitz của Mỹ và lớn hơn nhiều so với tất cả những con tàu đang hoạt động không phải của Mỹ. 

Cuộc cất cánh và hạ cánh thành công từ một tàu sân bay của Trung Quốc diễn ra giữa lúc Mỹ tiếp tục chính sách "chuyển hướng" sang Đông Á, xa rời cuộc can dự từ một thập kỷ nay tại Ápganixtan, đặc biệt là sau khi nước này thoát khỏi chiến dịch quân sự không mang lại kết quả nào tại Irắc. Khác với khu vực trên, Đông Á là khu vực có các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, nơi tồn tại một loạt bất đồng về lãnh thổ chưa được giải quyết trong đó có các cuộc tranh cãi về một loạt các quần đảo ở Biển Đông, các đảo nhỏ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Và cái chính là các nguồn tài nguyên chưa được khai thác như hải sản, dầu mỏ và khí đốt... 

Trong mấy năm qua, hầu hết các nước láng giềng và một số nước gần Trung Quốc đã lên tiếng về tình trạng căng thẳng ngày một gia tăng trước những tham vọng của nước này. Tranh chấp xung quanh một số quần đảo như Senkaku/Điếu ngư đôi khi dẫn đến các hành động gay gắt, trong đó có cuộc biểu tình dẫn đến bạo lực ở Bắc Kinh chống lại việc làm ăn với Nhật Bản. Bất cứ sự căng thẳng nào như vậy đều có thể trở thành một vấn đề nan giải nếu xét đến sự kiên kết chặt chẽ giữa các cường quốc kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc. 

Nghiên cứu lịch sử Trung Quốc, không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng nguy cơ về một cuộc xung đột tại eo biển Đài Loan luôn nằm trong trọng tâm của chiến lược hiện đại hoá Hải quân Trung Quốc. Khả năng xảy ra xung đột dường như vẫn nằm ở vị trí trung tâm trong học thuyết chiến lược quân sự và kế hoạch của Trung Quốc. Nhưng ít nhất về mặt công khai, cả Trung Quốc lẫn Mỹ sẽ tiếp tục từ bỏ bất cứ mối quan tâm công khai nào trong cuộc ganh đua quân sự tại Thái Bình Dương. Là con nợ khổng lồ của Trung Quốc, Mỹ có thể sẽ gặp khó khăn trong kế hoạch triển khai lực lượng trong khu vực này. 

Bốn năm tới có thể là khoảng thời gian quyết định để tạo ra một kiểu quan hệ mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Rất may là hai nước này sẽ không phải đối chọi với các ý tưởng của một tổng thống như Mit Romney, người đang tỏ ra nôn nóng trong việc xử lý vấn đề tỷ giá hối đoái với Trung Quốc, điều có thể dẫn tới một cuộc xung đột lớn mang tính chất ăn miếng trả miếng về mặt thương mại giữa nền kinh tế số một và số hai của thế giới. 

Ông Obama từng sống nhiều năm tại Inđônêxia và Haoai, và thích gọi mình là Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình đang trong quá trình thâu tóm quyền lực cả trong đảng lẫn trong chính quyền, một quá trình dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3/2013. Ông Tập cũng từng có kinh nghiệm đối với các vấn đề trong khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt là về nền nông nghiệp Mỹ, khi ông còn làm một quan chức cấp tỉnh. Có thể, hai ông sẽ cùng chia sẻ nhiệm kỳ bốn năm tới để xây dựng một quan hệ chính trị vững chắc hơn, Và chắc hẳn là họ nên làm như thế. 

Theo All Africa.