Tóm tắt

* Vào năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiết lộ các kế hoạch cho hai mạng lưới thương mại và cơ sở hạ tầng khổng lồ kết nối Đông Á với châu Âu. Trong khi các nước Đông Nam Á có thể ca ngợi một số sáng kiến của Bắc Kinh, quan điểm của họ về quỹ đạo dài hạn của mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc cũng đượm vẻ thận trọng vì hai lý do: Thứ nhất, khi quy mô kinh tế và sức mạnh của Trung Quốc tăng quá nhanh so với Đông Nam Á kể từ những năm 1990, sự không cân xứng ngày càng tăng này gây lo lắng cho một số nước trong khu vực, và gây ra một trở ngại quan trọng cho khả năng của Trung Quốc thuyết phục các nước ASEAN rằng những ý định của nước này là ôn hòa; Thứ hai, các nước ASEAN có thể quan ngại rằng việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ cho phép Bắc Kinh sử dụng sự chi phối của mình để làm xói mòn chính sách đối ngoại của họ. Chẳng hạn, Philippines, nhà nước lớn thứ hai Đông Nam Á nếu xét về dân số, dường như bị loại khỏi Con đường tơ lụa trên biển.

* Đối với Trung Quốc, việc xây dựng “Một vành đai, một con đường” là mục tiêu chiến lược hàng đầu trong những năm tới. Nó không thể bị tách rời một cách dễ dàng khỏi vấn đề biển Biển Đông, đặc biệt là vì vòng leo thang tranh chấp mới kể từ tháng 4/2015. Do đó, Trung Quốc cần phải xoa dịu những quan ngại về an ninh của các nước ASEAN.

* Mặc dù tồn tại một số vấn đề giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, đặc biệt là những tranh chấp về lãnh thổ trên biển, Bắc Kinh coi sự phát triển các mối quan hệ của nước này với ASEAN như một ưu tiên trong ngoại giao của Trung Quốc. Con đường tơ lụa trên biển mới và việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) biểu lộ những cam kết dài hạn của Trung Quốc đối với khu vực này, cho rằng tầm quan trọng của ASEAN trong kế hoạch ngoại giao tổng thể của Trung Quốc đang tăng lên.

* Quả thật, với tư cách là nước lớn nhất trong số các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và là một cường quốc chính ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới, Trung Quốc nên thể hiện nhiều sự lãnh đạo hơn trong việc tạo thuận lợi cho sự phát triển chung ở Biển Đông. Việc này mang lại những triển vọng cho những thỏa hiệp lãnh thổ dài hạn hơn và có thể trở thành một nhân tố trụ cột cho hòa bình và ổn định trong khu vực.

Giới thiệu

Mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc đã cải thiện đáng kể kể từ khi ký quan hệ đối tác chiến lược hai bên vào năm 2003. Thương mại song phương đã tăng gấp hơn 6 lần từ 60 tỷ USD trong năm 2003 lên hơn 500 tỷ USD trong năm 2014, và đầu tư của Trung Quốc ở Đông Nam Á đã tăng từ 0,12 tỷ USD vào năm 2003 lên 7,3 tỷ USD vào năm 2013. Trong khi mức độ và bản chất của tầm quan trọng về kinh tế của Trung Quốc là khác nhau ở từng nước ASEAN, Trung Quốc là một đối tác kinh tế quan trọng đối với cả 10 nước khối này. Nước này là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất đối với Malaysia, Singapore, Lào, và Campuchia và nước đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Campuchia, Lào và Myanmar.

Tuy nhiên, hợp tác kinh tế lớn hơn với Bắc Kinh kể từ những năm 1990 dường như đã không thể lan sang lĩnh vực an ninh chính trị, và các nhà nước Đông Nam Á tiếp tục lo ngại ở những mức độ khác nhau về các khả năng quân sự ngày càng phát triển của Trung Quốc và việc thiếu sự minh bạch về những ý định của nước này. Mặc dù vài năm qua đã chứng kiến các mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, Bắc Kinh đã nhận thấy rằng sức mạnh địa kinh tế ngày càng tăng của nước này không nhất thiết biến thành ảnh hưởng địa chính trị đi kèm và sự tin tưởng lẫn nhau.

Do đó, người ta cho rằng Trung Quốc nên điều chỉnh chính sách “định hướng kinh tế” một cách thích hợp hơn, và tính đến những yêu cầu chính trị và an ninh của các nước láng giềng phía Nam. Các nhà phân tích Trung Quốc quả thật đã cho rằng cách tốt nhất để Trung Quốc xây dựng “danh tiếng quốc tế” là bằng việc “nhận lấy nhiều trách nhiệm hơn trong an ninh quốc tế” mà có nghĩa là “ mang lại cho toàn bộ thế giới và tất cả các khu vực các sản phẩm an ninh công cộng nhiều hơn”. Do đó, dường như Bắc Kinh, thông qua các chính sách như thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển hợp tác trên biển, hy vọng sửa đổi và cải thiện các mối quan hệ an ninh của nước này với các nước Đông Nam Á. Trong một bối cảnh như vậy, sáng kiến Con đường tơ lụa mới đã được đề xuất.

Con đường tơ lụa trên biển và những quan ngại của các nước ASEAN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất Con đường tơ lụa trên biển – hiện nay là một phần của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” – trong chuyến đến thăm Indonesia của ông vào tháng 10/2013. Mục đích chính của sáng kiến mở rộng hơn này là để Trung Quốc phát triển các tỉnh phía Tây đất liền bao quanh và tạo điều kiện cho chúng tiếp cận với các thị trường Đông Nam Á và Trung Đông. Con đường tơ lụa trên biển là một nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế và sự kết nối bằng việc phục hồi tuyến đường thương mại Con đường tơ lụa trên biển cổ xưa, và 40 tỷ USD được hứa hẹn chi cho Quỹ Con đường tơ lụa vì mục đích này. Trung Quốc cũng đã thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để phát triển cơ sở hạ tầng trên tuyến đường thương mại này.

Trong khi các nước Đông Nam Á có thể ca ngợi một số sáng kiến của Bắc Kinh, quan điểm của họ về quỹ đạo dài hạn của các mối quan hệ kinh tế của họ với Trung Quốc cũng đượm vẻ cảnh giác vì hai lý do.

Thứ nhất, khi quy mô kinh tế và sức mạnh của Trung Quốc mở rộng khác thường so với Đông Nam Á kể từ những năm 1990, chỉ riêng sự mất cân xứng ngày càng gia tăng này làm một số nước trong khu vực lo ngại, và gây ra một trở ngại quan trọng cho khả năng Trung Quốc thuyết phục các nước ASEAN rằng những ý định của nước này là ôn hòa. Do đó, như một nhà phân tích đã nói, “ngay cả căn cứ vào ý thức chung của Trung Quốc và ASEAN về sự dễ bị tổn hại và những nỗi oán giận chung đối với các cường quốc phương Tây lớn hơn, Trung Quốc vẫn là một cường quốc chính trong con mắt của ASEAN”. Việc này cho thấy rằng các chính phủ ASEAN tiếp tục nhìn nhận chính sách đối ngoại của Trung Quốc với con mắt có phần không tin tưởng và hoài nghi về sự ổn định khu vực.

Việc này đặc biệt rõ dưới ánh sáng của sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh liên quan đến việc thăm dò tài nguyên năng lượng, những tuyên bố chủ quyền biển và những hành động quân sự thường xuyên ở Biển Đông. Ở Myanmar, mong muốn cân bằng sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc thường được trích dẫn như một sự thúc đẩy mạnh mẽ cho việc mở cửa chính trị và kinh tế của đất nước này vào năm 2011 và những nỗ lực thiết lập các mối quan hệ tích cực với EU, Nhật Bản và Mỹ.

Ở Việt Nam, sự tức giận của người dân trước vai trò kinh tế quá lớn của Trung Quốc, cùng với phản ứng mạnh mẽ mang tính dân tộc chủ nghĩa trước những tranh chấp trên biển với Trung Quốc, đã phủ một bóng đen lớn lên các mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thương mại song phương của hai nước đang tăng đáng kể, từ 8,2 tỷ USD trong năm 2005 lên 103,5 tỷ USD. Trong quá trình này, Hà Nội đang có thâm hụt thương mại gia tăng với Trung Quốc, mà đã đạt 64 tỷ USD vào năm 2014. Việt Nam hội nhập chặt chẽ vào dây chuyền cung cấp khu vực, và nhiều nhà máy của nước này phụ thuộc vào đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thứ hai, các nước ASEAN có thể quan ngại rằng việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế sẽ cho phép Bắc Kinh làm xói mòn chính sách đối ngoại của họ. Chẳng hạn, Philippines, nhà nước Đông Nam Á lớn thứ hai nếu tính về dân số dường như bị loại khỏi Con đường tơ lụa trên biển. Một số học giả phương Tây tin rằng Trung Quốc có thể tránh Philippines một cách có chủ đích, hàm ý rằng “các nước nhỏ hơn ở xung quanh Trung Quốc cần tự thích nghi với các giá trị và lợi ích của Trung Quốc để tránh mất đi các quyền và đặc quyền đặc lợi trong Cộng đồng vận mệnh chung do Trung Quốc tài trợ”. Quả thật, ASEAN lo ngại rằng Trung Quốc có thể “sử dụng những sáng kiến kinh tế để dẫn dắt ASEAN vào một sự hợp tác mọi mặt rộng hơn và sâu sắc hơn” và đe dọa tính thống nhất của tổ chức khu vực này. Họ lo sợ rằng “trong dài hạn, khi sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc lan tỏa khắp những con đường định hướng chiến lược hơn, áp lực sẽ buộc các nước thành viên ASEAN đáp lại những lợi ích khu vực và toàn cầu của Trung Quốc”.

Sự thận trọng và những quan ngại của ASEAN không gây ngạc nhiên. Xét cho cùng, phần thương mại của ASEAN với Trung Quốc trong tổng thương mại ngoài khối của tổ chức này đã tăng từ 7,6% trong năm 2003 lên 13% vào năm 2012, và FDI của Trung Quốc ở các nước Đông Nam Á đã tăng nhanh chóng từ 120 triệu USD lên 7,3 tỷ USD vào năm 2013 mặc dù phần của nó trong tổng FDI của ASEAN vẫn hạn chế. Mối quan hệ này không phải là một mối quan hệ cân bằng: ASEAN ghi nhận thâm hụt thương mại đáng kể với Trung Quốc, mà đã tăng từ 2,4 tỷ USD vào năm 2008 lên tới 63,7 tỷ USD vào năm 2014. ASEAN cũng đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc, nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều dòng vốn của Trung Quốc chảy vào khu vực này. Những gì nổi bật hơn là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã làm thay đổi sâu sắc cấu trúc kinh tế chính trị khu vực bằng việc khiến phần lớn các nền kinh tế Đông Nam Á trở nên tái định hướng đáng kể vào mạng lưới sản xuất khu vực tập trung vào Trung Quốc, và người ta cho rằng “Con đường tơ lụa rõ ràng phản ánh những tham vọng của Trung Quốc tạo ra một trật tự châu Á lấy Trung Quốc làm trọng tâm, cho dù vẫn cởi mở”.

Biển Đông và Con đường tơ lụa trên biển

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, chính sách Biển Đông của Trung Quốc đã trải qua một điều chỉnh lớn, từ nhấn mạnh vào những tuyên bố chủ quyền đến duy trì mạnh mẽ các quyền thông qua các hành động có chọn lọc. Mặt khác, với chính sách ngoại giao ngoại vi mới của mình, Bắc Kinh xem chiến lược của nước này trên Biển Đông là vấn đề quan trọng đối với chính sách ASEAN của nước này, thúc đẩy nước này thông qua một số biện pháp linh hoạt. Tùy theo điều kiện, Trung Quốc chào đón một thỏa thuận Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) dựa trên cơ sở hướng dẫn 6 điểm cho các cuộc đàm phán Trung Quốc-ASEAN dưới sự bảo trợ của Indonesia; thúc đẩy “cách tiếp cận hai lộ trình” về Biển Đông, mà tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ hợp tác với ASEAN một cách tập thể để làm giảm những căng thẳng và đồng thời làm việc với mỗi bên tuyên bố chủ quyền về giải quyết những bất đồng thông qua đàm phán. Quả thật, nếu mọi việc vẫn giữ nguyên hiện trạng, vấn đề Biển Đông nằm ở vị trí thấp trong ưu tiên ngoại giao của Bắc Kinh, đặc biệt là trong khuôn khổ các mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN.

Tuy nhiên, tranh chấp Biển Đông còn lâu mới được giải quyết và có thể trở thành một trở ngại đối với việc xây dựng Con đường tơ lụa trên biển. Chẳng hạn, triển vọng cho sự phát triển chung các nguồn tài nguyên biển ở Biển Đông đã và đang được thảo luận kể từ đầu những năm 1990. Tuy nhiên, hầu như không đạt được tiến bộ nào. Theo quan điểm của các nước Đông Nam Á, Bắc Kinh không cho rằng “việc gác sang bên” những tranh chấp lãnh thổ và thúc đẩy sự phát triển chung có nghĩa là những tuyên bố chủ quyền của họ trở nên ít mạnh mẽ hơn hay sự phát triển chung sẽ dẫn đến những triển vọng dài hạn hơn cho những thỏa hiệp về lãnh thổ, như Trung Quốc đã cho thấy rằng “Bắc Kinh sẽ chỉ thừa nhận các hoạt động chung có tính hợp tác nếu các bên tuyên bố chủ quyền khác trước hết thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông”. Trong khi Trung Quốc tin rằng sự thay đổi chế độ trong nước và chủ nghĩa dân tộc tài nguyên là các nhân tố chính gây ra sự thất bại trong phát triển chung, như trong trường hợp Philippines nơi người ta cho rằng “một liên doanh với Trung Quốc trên cơ sở ngang bằng sẽ là một sự vi phạm hiến pháp nước này”. Do đó, các nhà nước tuyên bố chủ quyền tiếp tục tranh luận về vấn đề chủ quyền thay vì tạm thời gác nó lại để giúp ích cho việc tạo ra một kế hoạch phát triển chung.

Đối với Trung Quốc, việc xây dựng “Một vành đai, một con đường” là mục tiêu chiến lược hàng đầu trong lúc này. Nó không thể dễ dàng tách rời khỏi vấn đề Biển Đông, đặc biệt là trong bối cảnh vòng leo thang tranh chấp mới kể từ tháng 4/2015. Trung Quốc cần phải xoa dịu (hay ít nhất là giảm đáng kể) những quan ngại về an ninh của các nước ASEAN. Do đó, như một số học giả Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc cần tiếp tục đi theo những vấn đề sau: làm sáng tỏ sự quyết đoán của nước này trên Biển Đông và chứng minh sự khăng khăng của mình về đường 9 đoạn; đặt lên phía trước lộ trình của chính nước này cho giải pháp tranh chấp và thúc đẩy một khái niệm an ninh tập thể mới. Một khái niệm an ninh mới có thể có phạm vi rộng, linh hoạt, và bao gồm các cơ chế an ninh đa phương có ràng buộc, những hình thức đa phương, các tham vấn an ninh song phương và các cuộc đối thoại an ninh không chính thức mang tính học thuật. Hơn nữa, cần tính đến thực tế là việc xây dựng các đảo quy mô lớn sẽ có một tác động đến những tuyên bố chủ quyền của các nước ASEAN, điều thích hợp cho Trung Quốc là tiết lộ thông tin liên quan đến quy mô xây dựng đảo và toàn bộ việc sử dụng của mình.

Một số học giả cho rằng Trung Quốc nên điều chỉnh khái niệm gắn với đất về không gian giới hạn. Chẳng hạn, Hans Dieter-Evers cho rằng Biển Đông là một trong nhiều “Biển Địa Trung Hải”. Nó có đặc trưng là tiếp giáp với nhiều nước khác nhau và được bao quanh bởi những cửa biển chật hẹp chảy ra các đại dương hay các biển khác. Tất cả các biển Địa Trung Hải đã trải qua những giai đoạn quan hệ thương mại sâu sắc, trao đổi về kiến thức, sự thịnh vượng về kinh tế và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, tôn giáo và đổi mới. Nhưng không như các biển Địa Trung Hải khác, bất chấp các mối quan hệ thương mại và những sự trao đổi về văn hóa sâu sắc, Biển Đông vẫn là một thực thể chỉ trên danh nghĩa. Người Indonesia, Malaysia, và Philippines tập trung vào các vùng biển của riêng họ như Sulu, Sulawesi và Java và Eo biển Malacca, và những vùng biển của họ về cơ bản là một khái niệm biển về không gian tự do và không xác định; trong khi quan điểm của Trung Quốc dường như dựa trên đất liền, và coi Biển Đông là một vùng lãnh thổ chủ quyền có giới hạn và riêng biệt. Việc này khiến cho việc giải quyết các tranh chấp trên biển trở nên khó khăn hơn. Một minh chứng là Trung Quốc “từ lâu đã kêu gọi phát triển chung, nhưng sự lo ngại của các nước tuyên bố chủ quyền khác đối với giả thuyết của Bắc Kinh về “chủ quyền không thể tranh chấp” đã ngăn cản bất cứ sự tiến bộ nào về ý tưởng này”. Dieter-Evers hy vọng rằng “khái niệm gắn với đất của Trung Quốc về không gian giới hạn có thể được thay đổi thành một khái niệm biển để cho phép một giải pháp cho những tuyên bố chủ quyền về Biển Đông”.

Đông Nam Á kể từ thời cổ đại đã là một trung tâm quan trọng dọc Con đường tơ lụa trên biển cổ đại xưa. Người Trung Quốc đã đến Đông Nam Á, khu vực được họ gọi là Nam Dương, và trên thực tế Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động trên biển dọc bờ biển của nước này và cả ở Nam Dương trước các cuộc viễn chinh của Đề đốc Trịnh Hòa (1405-1433). Vào triều đại Tống (960-1280), Hoàng đế Trung Hoa đã thiết lập các mối quan hệ cống nạp với nhiều nước ở Nam Dương, và những sứ mệnh mang đồ cống nạp, như sử gia xuất chúng của Harvard, John K.Fairbank gọi, là một “vỏ bọc thuận tiện cho thương mại”.

Sáng kiến Con đường tơ lụa mới nhằm mục đích tạo ra một mạng lưới hiện đại gồm các đường sắt tốc độ cao, các xa lộ, các đường ống dẫn và các cảng trải khắp khu vực này. Bắc Kinh cũng kêu gọi xây dựng một cộng đồng với “những lợi ích, vận mệnh và trách nhiệm được chia sẻ” mà đòi hỏi việc chấp nhận hơn nữa thị trường quốc tế, và mang lại một tầm nhìn về an ninh lâu dài cho khu vực.

Quả thật, với tư cách là nước lớn nhất trong các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và là một cường quốc chủ yếu ở châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, Trung Quốc nên thể hiện sự lãnh đạo nhiều hơn trong việc tạo thuận lợi cho sự phát triển chung ở Biển Đông. Việc này mang lại triển vọng cho những thỏa hiệp lãnh thổ trong dài hạn hơn và có thể trở thành một nhân tố trụ cột cho hòa bình và ổn định hơn ở khu vực này.

Kết luận: Hướng tới một trật tự khu vực mới?

Các nước ASEAN có phần lợi ích rất lớn trong việc duy trì các mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, nhưng nhiều nước trong số họ chắc chắn là e sợ về việc Trung Quốc sẽ lựa chọn sử dụng sức mạnh của nước này như thế nào. Cho đến nay, các nước ASEAN tiếp tục chấp nhận một cách tiếp cận kép đối với Mỹ và Trung Quốc. Trong khi phần lớn các nước ASEAN “hoan nghênh Mỹ như một sự phòng ngừa chống lại sức mạnh đang lên của Trung Quốc, các nền kinh tế của họ đã ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc và họ không muốn là một bên tham gia trong bất cứ cuộc xung đột tiềm tàng nào giữa hai nước khổng lồ này”. Trong khi họ tiếp tục dựa vào Mỹ về các vấn đề an ninh, họ đáp lại một cách nhiệt tình nhiều sáng kiến kinh tế của Trung Quốc. Sự không kết nối giữa một mặt là sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, và mặt khác là vai trò an ninh đáng kể của Mỹ làm nổi bật sự mất cân bằng sức mạnh trong khu vực.

Các mối quan hệ tốt đẹp với các nước ASEAN vẫn là một ưu tiên của chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Sau khi những tranh chấp ở Biển Đông nóng lên vào năm 2013, Trung Quốc đề xuất một phiên bản FTA với ASEAN được nâng cấp, và tiếp tục các cuộc đàm phán để phát triển COC, và đề xuất thành lập AIIB và Quỹ con đường tơ lụa trên biển. Việc làm này cho thấy rõ tầm quan trọng của khu vực ASEAN trong chính sách ngoại giao tổng thể của Trung Quốc đang tăng lên.

Mỹ vẫn có thể là một cường quốc thống trị mang lại hàng hóa an ninh công cộng đã tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của hầu hết các nước châu Á, và tiếp tục đóng một vai trò thiết yếu trong việc đặt ra các tiêu chuẩn và quy tắc cho thương mại toàn cầu, nhưng ưu thế của Mỹ đang bị thách thức, một phần bởi vì sự trỗi dậy của Trung Quốc và các cường quốc đang nổi lên khác, một phần bởi vì sự suy yếu tương đối của chính Mỹ. Chiến lược xoay trục sang châu Á và ưu tiên cao hơn đối với các mối quan hệ với ASEAN của Chính quyền Obama nhằm mục đích đối trọng với ảnh hưởng khu vực đang gia tăng của Trung Quốc, do nước này nhìn nhận AIIB là một công cụ chính trị để Trung Quốc kéo mạnh hơn các nước ở Đông Nam Á vào quỹ đạo của nước này.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ là một mối quan hệ giữa một cường quốc mới nổi và một cường quốc chi phối lâu năm. Cuộc cạnh tranh ở Đông Nam Á là không thể tránh khỏi mặc dù “sự cân bằng lợi ích trong khu vực này thiên về hướng có lợi cho Trung Quốc bởi vì những tranh cãi về ngoại giao và lãnh thổ đang khiến Đông Á tức giận là dễ thấy hơn nhiều và liên quan đến Trung Quốc hơn rất nhiều so với Mỹ”. Trong khi Mỹ khó có thể nắm giữ vị thế đứng đầu của mình ở khu vực này, Trung Quốc cũng không thể là một cường quốc thống trị duy nhất trong khu vực. Hai cường quốc này sẽ phải phát triển một sự hiểu biết lẫn nhau rõ ràng hơn và một sự chấp nhận lẫn nhau lớn hơn, và làm việc cùng nhau để duy trì cán cân sức mạnh trong khu vực này nhằm hạn chế sự đối địch chiến lược.

ASEAN nằm ở trung tâm của mối quan hệ nước lớn này và có thể tạo ra các diễn đàn có thể đóng một vai trò bổ sung trong việc hướng mối quan hệ Mỹ-Trung theo hướng có thể dự đoán và mang tính xây dựng hơn. Những lợi ích của Mỹ và Trung Quốc giao nhau ở Đông Nam Á, và ASEAN là một thể chế tương đối trung lập thân thiện với cả hai nước. Do đó, Đông Nam Á có thể giúp quyết định liệu Trung Quốc và Mỹ có thể xây dựng một mô hình quan hệ nước lớn mới dựa trên những quy tắc và những thay đổi năng động trong quan hệ kinh tế được phát triển ở khu vực này hay không.

Zhao Hong là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS). Bài viết được đăng trên ISEAS.

Văn Cường (gt)