Thập kỷ vừa qua chứng kiến ​​căng thẳng ngày một gia tăng trong tranh chấp Biển Đông do một số người chơi chính trong tranh chấp gần đây đã tiến hành điều chỉnh chính sách. Các yêu sách đối lập về lãnh thổ và quyền tài phán lãnh thổ bộc lộ thường xuyên hơn qua các vụ việc trên biển. Đồng thời, đó cũng là một thực tế xuất hiện liên quan đến việc diễn giải và áp dụng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đặc biệt liên quan đến các khu vực biển. Điều này đem lại cơ hội xác định cụ thể và phù hợp hơn các quyền và quyền được hưởng của các Quốc gia căn cứ theo luật pháp. Trong khi các vụ việc dĩ nhiên sẽ gây căng thẳng ngoại giao, nhưng cũng đem lại cơ hội sử dụng một loạt cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc và không bắt buộc được quy định trong Phần XV của UNCLOS. Bài viết này sẽ đánh giá các xu hướng thể hiện trong tranh chấp Biển Đông và khả năng áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp theo Phần XV cho từng trường hợp. Điều này sẽ giúp xác định và làm rõ các lựa chọn cho hành động tương lai của các bên, dù riêng lẻ hay tập thể, trong việc quản lý và cuối cùng tiến tới giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Phần I. Giới thiệu

Quan hệ giữa các bên yêu sách trong tranh chấp Biển Đông đã xấu đi nghiêm trọng, đặc biệt là trong hai năm qua, với những sự kiện nổi bật như Philippines khởi kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài vì tranh chấp Biển Đông[1]; việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt Nam[2]; các vụ va chạm và suýt va chạm giữa tàu của Trung Quốc, Việt Nam và Philippines[3]; và việc Trung Quốc yêu cầu nhận diện cũng như cảnh báo máy bay của Mỹ và Philippines không được bay vào những “khu vực an ninh quân sự” của mình.[4] Một số vụ việc kể trên không còn xảy ra ở một khu vực xa xôi ngoài biển cả, mà xảy ra ngày một gần hơn vùng lục địa của những quốc gia ven biển.

Tuy nhiên, trên phương diện tích cực hơn, một số nước yêu sách đã dần làm rõ bản chất và phạm vi những yêu sách của mình và điều chỉnh các vùng biển yêu sách phù hợp với những điều khoản của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).[5] Từ năm 2009, các bên tranh chấp chính ở Đông Nam Á bao gồm Philippines,[6] Việt Nam, Malaysia và Brunei đều có những hành động ngầm thông qua một cách diễn giải nhất quán và áp dụng các quy định của UNCLOS đối với các vùng biển. Rõ ràng, chỉ có Trung Quốc tích cực khẳng định yêu sách biển không dựa trên các quy định đã được thừa nhận của UNCLOS, không có tính nhất quán và chủ yếu dựa vào “thực tế lịch sử” thông qua yêu sách đường chín đoạn đầy tai tiếng.[7] Tuy nhiên, quy định về các vùng căn cứ theo UNCLOS được cộng đồng quốc tế thừa nhận là phương pháp đúng đắn để phân chia quyền tài phán ở Biển Đông.

Sự đồng nhất đang hình thành trong thực tiễn khu vực đối với đa phần các Quốc gia liên quan đưa đến khả năng các bên có thể xem xét các hỗ trợ pháp lý trong những trường hợp, trong đó một Quốc gia nỗ lực khẳng định yêu sách thông qua những hành động chính thức. Bài viết này phân tích khả năng áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp theo Phần XV của UNCLOS, cụ thể là các cơ chế bắt buộc trong Phần 2 đối với những vụ việc diễn ra trong tranh chấp Biển Đông.

Phần II. Thực trạng các Yêu sách

Từ năm 2009, các quốc gia nhỏ ven biển có sự tương đồng trong cách giải thích và áp dụng UNCLOS. Bằng những hàng động công khai, các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á đã ngầm có một cách tiếp cận “tối thiểu”, theo đó chỉ những bờ biển lục địa mới có khả năng tạo ra các vùng EEZ 200 hải lý, khu vực thềm lục địa và bỏ qua tác động của tất cả các thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam và Malaysia đã làm như vậy trong bản đệ trình chính thức gửi lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) về vấn đề thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý,[8] trong khi đó Brunei có vẻ như cũng nghiêng về quan điểm này, bởi theo thông tin ban đầu mà nước này gửi lên CLCS, Brunei có ý định nộp bản đệ trình tương tự trong khi chờ đợi đàm phán với nước láng giềng là Malaysia.[9] Philippines tiếp tục quan điểm này trong vụ kiện trọng tài đối với Trung Quốc mà nước này khởi xướng vào năm 2013.[10]

Rõ ràng là các đảo sẽ là đối tượng áp dụng trong tương lai các quy tắc được nêu trong Điều 121 UNCLOS, trong đó quy định các nguyên tắc chung về các quyền riêng biệt mà các đảo và một số đá được hưởng. Khả năng duy trì “đời sống của con người hoặc có đời sống kinh tế riêng” là điều kiện tiên quyết để được hưởng vùng EEZ và thềm lục địa. Nếu không có đủ các yếu tố này, một đá chỉ có thể được hưởng vùng lãnh hải rộng 12 hải lý.[11] Cần phải lưu ý rằng dường như không một quốc gia nhỏ nào cho rằng các đảo hay đá được hưởng vùng EEZ và thềm lục địa. Điều này tạo nên một hành lang biển cả rộng lớn và khép kín trong Biển Đông, mà trên lý thuyết có thể chịu sự điều chỉnh của Phần IX UNCLOS về vùng biển kín và nửa kín với những nghĩa vụ tương ứng của các quốc gia xung quanh cần phải hợp tác trong việc quản lý các vùng nước bên trong. Chỉ cần một thực thể nào trong quần đảo Hoàng Sa hoặc Trường Sa đủ điều kiện được hưởng vùng EEZ và thềm lục địa, thì khoảng không gian mở này sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Trong số các quốc gia ven biển, chỉ có Trung Hoa đại lục là có quan điểm khác biệt, thông qua việc khẳng định yêu sách đường 9 đoạn, lần đầu tiên công khai với cộng đồng quốc tế vào năm 2009. Kể từ đó, Trung Quốc đã có những động thái trên biển và bằng các tuyên bố chính thức, theo hướng thể hiện rằng Trung Quốc yêu sách chủ quyền hoàn toàn đối với toàn bộ khu vực nằm trong đường 9 đoạn. Mặc dù các học giả cho rằng đường 9 đoạn thể hiện các yêu sách ranh giới biển tối đa để đàm phán, hoặc là để yêu sách “quyền lịch sử” đối với các nguồn tài nguyên,[12] những hành động và tuyên bố chính thức của Trung Quốc trong những tháng gần đây có xu hướng khẳng định yêu sách của nước này trên cơ sở chủ quyền đầy đủ và tuyệt đối, chứ không chỉ đơn thuần là quyền chủ quyền theo quy định của UNCLOS.

Phần III: Phân tích Pháp lý

Ít có khả năng yêu sách “tối đa” của Trung Quốc về chủ quyền tuyệt đối với toàn bộ khu vực bên trong đường 9 đoạn sẽ được cộng đồng quốc tế thừa nhận hoặc tán thành. Thứ nhất là do sự mập mờ từ trước đây của Trung Quốc và việc nước này tiếp tục không làm rõ các yêu sách, qua đó người ta chỉ có thể dựa vào những hành động và tuyên bố mang tính biện hộ của Trung Quốc để giải thích cho ý nghĩa của đường 9 đoạn. Trong trường hợp các hành động, tuyên bố và cách giải thích đối lập được đưa ra, thì những tuyên bố phản đối thường sẽ phổ biến; trong trường hợp thậm chí còn hơn như vậy, đặc biệt khi tùy tiện yêu sách chủ quyền tuyệt đối một không gian biển rộng lớn sẽ càng không được chấp nhận. Ngay cả lập luận về “sự thật lịch sử” mà người phát ngôn Trung Quốc gần đây hay sử dụng (thay cho “quyền lịch sử”), cũng không có sức thuyết phục căn cứ trên luật pháp quốc tế và án lệ hiện hành. Hơn nữa, việc viện dẫn “danh nghĩa lịch sử”, “quyền lịch sử” hay “vùng nước lịch sử” cũng không thể biện minh được yêu sách đường 9 đoạn mở rộng.

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Giáo sư Jay L. Batongbacal, Đại học Luật thuộc Đại học Philippines; Giám đốc Viện Các Vấn đề Biển & Luật Biển, Trung tâm Luật pháp Đại học Philippines. Bài viết được trình bày tại Hội thảo Các vấn đề Biển và Công ước Liên Hợp Quốc về  Luật biển (UCNLOS): Chia sẻ cách Tiếp cận của Châu Âu và Châu Á đối với Tranh chấp Lãnh Thổ do Học viện Ngoại giao tổ chức với sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu.



[1] Vụ kiện của Philippines và Trung Quốc. Tòa Trọng tài Thường trực

[2] Vietnam opposes illegal foreign activities in its waters. Voice of Vietnam

[3] Một trong những vụ việc công khai nhất diễn ra vào tháng 3 năm 2013 khi tàu Trung Quốc cố gắng ngăn chặn một tàu tiếp tế của Philippines tiếp cận Bãi Cỏ Mây. Xem Zambrano, C. Mission to Ayungin Shoal. ABS-CBN News.com, Online: < http://www.abs-cbnnews.com/specials/mission-ayungin> truy cập 10/5/2016

[4] Reuters và T. Thornhill. This is Chinese navy, you go! China issues EIGHT warnings to US surveillance planes to get away from disputed man-made islands. Mail Online, 21/5/2015,

[5] United Nations Convention on the Law of the Sea. Công ước Đa phương, 10/12/1982, United Nations Treaty Series, số 1833, 397-581 truy cập 10/5/2016. Công ước này có hiệu lực vào ngày 16/11/1994. Sau đây gọi là UNCLOS.

[6] Republic Act No. 9522 (2009), An Act to Define the Archipelagic Baselines of the Philippines

[7] Xem Công hàm Trung Quốc đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm Lục địa, có tại

[8] Xem tài liệu tại CLCS: Submission by the Socialist Republic of Viet Nam

[9] Xem “Brunei Darussalam’s Preliminary Submission concerning the Outer Limits of its Continental Shelf “

[10] Xem “the Philippine Notification and Statement of Claim”, tại

[11] Điều 121.3 của UNCLOS.

[12] Xem Gao, Z. và B. Jia. The nine-dash line in the South China Sea: history, status, and implications. 107 Am J Int’l L 98 (2013)