Triệu Khả Kim, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Đại Học Thanh Hoa đề cập tới Trung Quốc tiến vào thời đại như thế nào? GS Triệu cho rằng, ngoại giao Trung Quốc cần phải chuyển đổi mô hình, do 3 nhân tố: (i) lợi ích quốc gia thay đổi. Trước đây nói tới lợi ích quốc gia là chỉ lợi ích bên trong đường biên giới của Trung Quốc. Hiện nay, lợi ích quốc gia của Trung Quốc mở rộng ra biển, hải ngoại, trên vũ trụ và mạng Internet. Các phương thức ngoại giao truyền thống đã không đủ để bảo vệ những lợi ích trên; (ii) là bản thân lợi ích quốc gia của Trung Quốc đã thay đổi. Trước đây, Trung Quốc là nước yếu trong hệ thống quốc tế. Ngày nay đã trở thành nước mạnh, những trách nhiệm gánh vác và quyền lợi nhận được đã có sự thay đổi; (iii) là môi trường quốc tế thay đổi, xu thế xã hội hóa chính trị quốc tế khiến cho đối tượng của ngoại giao Trung Quốc không chỉ bao gồm các chính phủ các nước khác, mà còn bao gồm “xã hội thế giới” do các lực lượng chính trị hợp thành. Người dân mỗi nước đều đang lên tiếng phê bình chính phủ của mình, xuất hiện các hình thức đấu tranh bằng blog. Đối với môi trường xã hội, phương thức truyền thống chỉ phiến diện đề cập lợi ích lãnh thổ, dựa vào con đường chính thống để thúc đẩy quan hệ với các nước khác đã trở nên khiếm khuyết. Ngoại giao của Trung Quốc có thể sẽ bước vào thời đại được gọi là 3.0, kế tiếp thời đại 1.0 của Mao Trạch Đông và thời đại 2.0 của Đặng Tiểu Bình. Đặc trưng là nhấn mạnh tới trách nhiệm nước lớn, trong tư thế, tâm thế và quan niệm ngoại giao cần bao dung mở cửa hơn nữa, cùng với các lực lượng chính trị của các nước phát triển quan hệ ngoại giao, thúc đẩy ngoại giao nhiều chiều.

Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc Đạt Ngụy cho rằng: sự chuyển đổi mô hình ngoại giao Trung Quốc có nhân tố khởi xướng chính, đó là Trung Quốc tự mình thay đổi. Trong một, hai năm trở lại đây, các biện pháp ngoại giao của Trung Quốc rõ ràng đã phong phú hơn, không chỉ có giao thiệp về ngoại giao, mà còn vận dụng những hình thức cứng rắn khác như hình thức phi chiến tranh của lực lượng quân sự, lực lượng chấp pháp, phương thức kinh tế v.v... Thời đại ngoại giao 2.0 của Trung Quốc đối mặt với hai vấn đề lớn. Một là “duy trì ổn định sự định hướng”, tức là ngoại giao Trung Quốc muốn duy trì hiện trạng, chứ không muốn thấy thay đổi. Chúng ta thích quan hệ với những bộ mặt đã quen, mà không tính tới chính sách không hữu nghị của những nước này đối với Trung Quốc. Điều này dẫn tới ngoại giao của chúng ta biến thành mô hình hoạt động đầy rủi ro. Hai là chúng ta không nói tới giá trị, chỉ nói tới lợi ích. Ít nhất là không đủ lý lẽ khi nói tới quan điểm giá trị, không đủ để thuyết phục người ta. Ví dụ như trong ngoại giao công chúng, tôi cảm thấy là vấn đề lớn nhất của chúng ta không phải là con đường truyền bá, mà chúng ta không có nội dung cho người ngoài. Sự chuyển đổi mô hình ngoại giao của Trung Quốc trên thực tế đã bắt đầu trong 2, 3 năm gần đây. Từ nay về sau, các phương thức ngoại giao của chúng ta sẽ càng ngày càng phong phú, sẽ càng ngày càng muốn đề ra những quan điểm giá trị phổ cập tới thế giới theo bản quyền Trung Quốc. Cơ chế điều hòa ngoại giao sẽ càng ngày càng tốt. 

Vương Lị Lệ, Nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Ngoại giao công chúng ĐH Nhân dân Trung Quốc: Muốn thúc đẩy nâng cao toàn diện sức mạnh mềm của Trung Quốc, con đường quan trọng nhất là thúc đẩy ngoại giao công chúng. Nhưng, ngoại giao công chúng của Trung Quốc hiện nay tồn tại sự chênh lệch lớn với bên ngoài. Trước tiên là vấn đề cơ chế. Hiện nay, Văn phòng tin tức, Ủy ban Hán ngữ quốc tế, BNG đều thúc đẩy ngoại giao công chúng, nhưng không có chiến lược thống nhất, giống như chín con rồng trị thủy phân tán nguồn tài nguyên. Ngoài ra, ngoại giao công chúng của các nước phương Tây có chủ thể hành chính đa nguyên hóa, còn chúng ta là một khối cứng nhắc, chỉ có chính phủ phụ trách. Đội ngũ Think Tank về ngoại giao của các nước phương Tây là nhóm những người có trí tuệ của đất nước, là trung tâm nghiên cứu chính sách, còn là chủ thể hành động quan trọng trong hoạt động ngoại giao công chúng, đồng thời còn xây dựng được quan điểm giá trị hạt nhân của quốc gia và mạng lưới truyền bá dư luận trên toàn thế giới. Việc xây dựng kho tư tưởng trong lĩnh vực ngoại giao công chúng của Trung Quốc mấy năm gần đây phát triển rất nhanh, nhưng vẫn còn xa mới phát huy vai trò thực sự.

Mai Tân Dục - Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Bộ Thương mại: Từ góc độ kinh tế, ngoại giao Trung Quốc cũng cần chuyển đổi mô hình ngoại giao. Là một nước, ngoại thương đã phát triển tới quy mô tương đối lớn, việc bảo đảm thông thương con đường thương mại và an ninh tài sản trên biển là vô cùng quan trọng. Trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ từ chỗ tuân thủ theo các quy luật quốc tế sang thúc đẩy xây dựng các luật lệ mới trong thương mại quốc tế thích ứng với lợi ích của mình.

- Ngoại giao Trung Quốc cần chiến lược như thế nào

Vương Tiểu Đông, Nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu thanh thiếu niên: Trước đây, một số khẩu hiệu khi mà sức mạnh của chúng ta yếu thì tương đối đơn giản, chẳng hạn như không can thiệp vào công việc nội bộ. Hiện nay khẳng định cần phải can thiệp. Điều này chẳng có gì là ghê gớm cả. Mỹ chẳng đã can thiệp nhiều lần vào công việc nội bộ của chúng ta sao? Chúng ta chỉ cần can thiệp tốt, can thiệp có đạo lý, can thiệp mang lại hạnh phúc, lợi ích cho thế giới thì đương nhiên cần can thiệp.

Tôi cho rằng, vấn đề mà ngoại giao Trung Quốc đối mặt lớn nhất hiện nay là vấn đề nội bộ trong nước, những người theo Chủ nghĩa dân tộc đi biểu tình là vấn đề nhỏ, vấn đề quan trọng nhất là nhiều thành phần ưu tú của Trung Quốc không thích đất nước của mình trong lĩnh vực chính trị. Nếu như một đất nước mà ngay cả đoàn kết nội bộ cũng không xong thì sức mạnh mềm làm gì có. Trong tình trạng như vậy lại đòi nói chuyện phát huy sức mạnh mềm ra thế giới thì đúng là chuyện vớ vẩn.

Dương Thứ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Á, Đại Học Lan Châu: Tôi cho rằng mấy năm gần đây, ngoại giao Trung Quốc có thay đổi quan trọng. Những nguyên tắc trước đây coi trọng vấn đề an ninh hơn chủ quyền lãnh thổ thì nay coi chủ quyền lãnh thổ hơn vấn đề an ninh, đặc biệt là vấn đề lãnh thổ trên biển. Những năm 60 của thế kỷ trước, chúng ta và nhiều nước láng giềng ký các hiệp định biên giới trên đất liền, cơ sở là các đường đi theo tập quán truyền thống. Vì sao lại nhượng bộ như vậy? vì sao sau khi đánh thắng trong cuộc chiến tranh biên giới Trung Ấn, Trung Quốc lại rút lui? Vì các điều kiện trong và ngoài nước khi đó so với hiện nay khác nhau. Những nguyên tắc khi đó là coi trọng quan hệ với láng giềng hơn chủ quyền lãnh thổ. Còn những nguyên tắc hiện nay đã bắt đầu có những thay đổi.

Trước cải cách mở cửa, chúng ta có hai nguyên tắc cơ bản về ngoại giao, là chủ nghĩa quốc tế giai cấp vô sản, ngoài ra còn 5 nguyên tắc cùng chung sống hoà bình. Hiện chúng ta vẫn chưa có tư tưởng chủ đạo. Thế giới hài hoà liệu có được coi là chủ đạo không? Tư tưởng, nguyên tắc, phương châm, chính sách cần có những tính toán tổng thể, nếu không sẽ bị động suốt.

Phan Chí Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Á, Viện KHXH Tân Cương: chúng ta có chiến lược ngoại giao không? Tôi cảm giác là chưa có. Hiện nay, đa phần là khi nảy sinh việc gì đó thì chúng ta đối phó với việc đó. Chiến lược của một quốc gia là gì? trước tiên là có tư tưởng, quan niệm, còn có ý tưởng chiến lược và không gian, phương pháp thực hiện ý tưởng này nữa. Hiện chúng ta mới kêu gào được một số khẩu hiệu, chẳng hạn như thân thiện với láng giềng, làm bạn với láng giềng. Mọi người sẽ nói người Trung Quốc không có lợi ích gì ở đây sao? Vì sao chúng ta không thể nói tới lợi ích ở bên ngoài và với láng giềng? Chúng ta nên có lợi ích chính đáng, cần nói một cách khẳng khái, vì sao lại phải trả lời một cách ngượng nghịu, lẩn trốn để người ngoài cảm thấy người Trung Quốc chúng ta giả dối. Vì vậy, tôi cho rằng hiện nay điều cần không phải là chuyển đổi mô hình mà là xây dựng chiến lược ngoại giao của Trung Quốc.

- Chỗ đứng của ngoại giao Trung Quốc trong tương lai là ở đâu?  

Nghê phong Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Mỹ, Viện KHXH Trung Quốc: đối với vấn đề láng giềng, hiện có hai loại logic có thể phát huy tác dụng. Một loại là ‘mưu cầu về thế đứng”, tạo dựng môi trường láng giềng xung quanh có lợi, xác định thu được thành quả rất lớn. Nhưng trong mấy năm gần đây, chính sách ứng phó của chúng ta càng ngày càng có khuynh hướng “mưu cầu về lợi ích”. Gần đây, mâu thuẫn giữa chúng ta với các nước láng giềng không ít, hơn nữa đều đang trong quá trình căng hơn, đặc biệt là trong vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku. Làm thế nào để xử lý mối quan hệ giữa mưu lợi và mưu cầu thế đứng là một vấn đề cấp bách cần giải quyết.

Hạ Văn Bình, Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Tây Á - châu Phi, Viện KHXH Trung Quốc. Hiện sức mạnh của chúng ta ngày càng tăng. Trung Quốc ngày càng trở lên mạnh ghê gớm, nhìn ra xung quanh chỉ có duy nhất mình cao, còn những người khác nhỏ bé. Thực ra đây hoàn toàn là khuynh hướng của chủ nghĩa tự cao tự đại. Nếu như đi ra nước ngoài sẽ cảm thấy chúng ta còn thua kém không biết bao nhiêu năm mới đuổi kịp họ về sự tu dưỡng dân tộc. Cho nên ngoại giao của Trung Quốc cần điều chỉnh phương hướng là vấn đề tăng trưởng sức mạnh không đồng bộ với hình tượng quốc tế. Hiện nay, chúng ta được gọi là nước lớn cô độc trỗi dậy. Từ cô độc ở đây là chỉ sức mạnh ngày càng lớn thì bạn bè ngày càng ít đi. Hiện nay, chúng ta đề ra ngoại giao công chúng chính là làm thế nào để bạn bè quay trở lại.

Hà Mậu Xuân, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu ngoại giao kinh tế, ĐH Thanh Hoa: Hiện nay, các nước đang phát triển vẫn còn những nghi ngờ về ‘giấc mộng Trung Quốc”. Nhiều nước đang phát triển không cho rằng trỗi dậy của Trung Quốc đi cùng đường với giấc mộng của họ, cho rằng đây là một nước lớn mới, thậm chí là sự trỗi dậy của một quốc gia chủ nghĩa thực dân, một đất nước bá quyền. Vì vậy, chỗ đứng của ngoại giao Trung Quốc hiện nay là kết hợp cả dọc và ngang. Trục ngang là tăng cường liên kết với các nước lớn. Trục dọc là liên kết với các nước nhỏ, yếu.

Lê Sơn (gt)