1410506885-2.jpg

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 được coi là hiến pháp của đại dương vì nó thiết lập các nguyên tắc quan trọng về cách thức phân bổ các nguồn tài nguyên đại dương và dàn xếp các tranh chấp. Những gì các nhà đàm phán Công ước Luật Biển chưa bao giờ dự đoán là hai trong số năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ không phê chuẩn công ước, trong trường hợp của Mỹ, hoặc sẽ bất chấp nhiều đặc trưng quan trọng nhất của Công ước bao gồm các thủ tục giải quyết tranh chấp, trong trường hợp của Trung Quốc.

Trung Quốc không giấu giếm thực tế rằng họ coi vụ kiện ra Tòa Trọng tài hiện nay của Philippines là một thứ vô giá trị về pháp lý bởi chủ quyền "không thể tranh cãi" của Bắc Kinh đối với những cấu trúc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đã viết và xuất bản vào tháng 12/2014 một phân tích quốc phòng mang tính pháp lý kiểu phương Tây được đánh bóng về các lập trưởng của nước này. Quyết định của ban hội thẩm Tòa Trọng tài tại La-Hay được trông đợi vào bất cứ lúc nào.

Vụ kiện này là một vấn đề lớn. Philippines đang nỗ lực thiết lập quyền của mình đối với nguồn cá và dầu khí tại các khu vực sau: Bãi cạn Scarborough, Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) (vị trí của một tàu đổ bộ cũ của Hải quân Mỹ bị mắc cạn), Bãi Cỏ rong (Reed Bank hay Reed Tablemount - một địa điểm nhiên liệu hóa thạch) và 8 thực thể trong chuỗi đảo Trường Sa mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Về 8 cấu trúc này, Philippines tuyên bố rằng hầu hết là các bãi lúc chìm lúc nổi và việc Trung Quốc chiếm đóng những cấu trúc này là bất hợp pháp. Nước này cho rằng 3 cấu trúc khác là đá và chỉ được hưởng quyền lãnh hải 12 hải lý. Cũng cần phải xem xét tính hợp pháp của việc Trung Quốc khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn” của nước này đối với Biển Đông như được mô tả trong tài liệu đệ trình năm 2009 của Trung Quốc lên Ủy ban Liên hợp quốc về Ranh giới Thềm lục địa (CLCS).

Về phần mình, những khẳng định của Trung Quốc rằng tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông dựa trên "quyền lịch sử" được củng cố bởi các bản đồ đế quốc của triều đại nhà Minh và các tài liệu lịch sử khác. Trong các sắc lệnh lập pháp liên tiếp năm 1958 (tuyên bố lãnh hải), năm 1992 (luật lãnh hải) và năm 1998 (vùng đặc quyền kinh tế, hay EEZ, và xác định thềm lục địa), Trung Quốc đã khẳng định chủ quyền đối với Đông Sa (Pratas), Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield và bãi cạn Scarborough) và Nam Sa (Trường Sa) mặc dù nước này không bao giờ đề cập cụ thể đến các tọa độ và phạm vi của những tuyên bố này. Philippines đặt yêu sách chủ quyền đối với cùng các cấu trúc này (ngoại trừ Pratas và quần đảo Hoàng Sa) dựa trên các sắc lệnh lập pháp, sự chiếm đóng trong quá khứ, và vị trí ở gần đất liền. Việt Nam là một bên tuyên bố chủ quyền chính đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa dựa trên sự chiếm đóng và chuyển nhượng lại từ Pháp.

Một vấn đề cuối là tuyên bố chủ quyền của Đài Loan đối với đảo Ba Bình rộng 110 mẫu Anh, dựa trên sự chiếm đóng từ năm 1946 và sự chuyển giao có thể có cho Đài Loan như một phần trong văn kiện đầu hàng của Nhật Bản. Đảo Ba Bình, nhờ vị trí địa lý chiến lược và có nguồn nước ngọt và một ngành nông nghiệp quy mô nhỏ nào đó, gây phức tạp cho những đánh giá pháp lý bởi Đài Loan có thể khẳng định quyền đối với EEZ 200 hải lý vốn đối lập với những yêu sách tương tự của Philippines từ đất liền của nước này. Khó khăn với đảo Ba Bình, và những tuyên bố của Đài Loan, là Đài Loan chưa bao giờ chính thức kiến nghị tham gia vụ kiện lên Tòa Trọng tài; thay vào đó lựa chọn công bố một bản tuyên ngôn pháp lý có sức thuyết phục vào ngày 13/5/2016 chỉ trích ban hội thẩm vì đã không xem xét lợi ích của họ.

Dự đoán kết quả là một việc phức tạp do sự can dự gián tiếp gần đây của Đài Loan, và rộng hơn là đảo Ba Bình vướng vào cuộc cãi vã. Một số người bác bỏ những tuyên bố của Đài Loan và coi đó như những ồn ào xung quanh do Đài Loan không phải là một thành viên của Liên Hợp Quốc, hay UNCLOS, và không thể chính thức can thiệp vào một hành động dàn xếp tranh chấp của UNCLOS. Tuy nhiên, theo nguyên tắc pháp lý quốc tế chung, cái gọi là in statu nascendi, các nhà nước sơ khai mà vẫn còn đang trong giai đoạn hình thành, hoặc dưới những tàn tích của một dạng chế độ thực dân hoặc bất lực về pháp lý nào đó, có thể nhận được sự công nhận và bảo vệ có giới hạn về mặt pháp lý. Quan điểm của Tòa án công lý quốc tế năm 1971 liên quan đến việc chiếm đóng Namibia là một ví dụ. Điều chẳng giúp ích được gì là Đài Loan mất quá nhiều thời gian để đưa ra một lập trường. Nếu vụ kiện này được hướng dẫn bởi luật pháp thông thường, Đài Loan có thể bị ngăn không cho đưa ra những lập luận của mình quá muộn trong cuộc chơi. Trong phân tích cuối cùng, Tòa án có thể sẽ có khả năng tránh đưa ra bất cứ hình thức phán quyết nào trực tiếp làm suy yếu lợi ích của Đài Loan khi tuyên bố một EEZ đầy đủ liên quan đến đảo Ba Bình. Các luật sư của Philippines đã làm khả thi hơn cho nhiệm vụ của Tòa giữa làm rõ về mặt pháp lý những đặc điểm của một cấu trúc và chỉ ra nước nào có yêu sách tốt hơn.

Một số nhà phân tích vấn đề này không đánh giá cao sắc thái của thông lệ pháp lý quốc tế, mà trong đó các tòa án chỉ quyết định những vấn đề được đệ trình và không “hoạt động độc lập” trong những lĩnh vực mà không được các đương sự đưa ra. Trong trường hợp cụ thể này, đội ngũ luật sư tài năng của Philippines đã rất cẩn thận khi khởi kiện theo một cách có giới hạn để tòa án không phải đưa ra phán xét về quyền sở hữu hoặc chủ quyền. Nhưng nếu Tòa phán quyết rằng đá Ga Ven, đá Ken Nan (bao gồm đá Tư Nghĩa), bãi Cỏ Mây, đá Vành Khăn và đá Xu bi đều được coi là những bãi đá nửa chìm nửa nổi, thì họ phải theo lôgích là Trung Quốc sẽ không có quyền chiếm những thực thể đó bởi các bãi đá nửa chìm nửa nổi này được coi là một phần của thềm lục địa (hoặc của Philippines hoặc của Đài Loan) và không của riêng một nước khác. (Câu hỏi đặt ra về đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Chữ Thập và bãi cạn Scarborough là liệu những cấu trúc này là đá [nổi lên khi thủy triều lên] hay đảo theo ý nghĩa Điều 121 của UNCLOS. Nếu là đá, chúng được hưởng một lãnh hải 12 hải lý so với 200 hải lý cho một hòn đảo đầy đủ.)

Cuối cùng, ban hội thẩm trọng tài có khả năng ra phán quyết rằng 5 cấu trúc được liệt kê ở trên là những bãi đá nửa chìm nửa nổi và bãi Cỏ Rong và bãi Cỏ Mây là một phần thềm lục địa của Philippines. Các cấu trúc được liệt kê khác bao gồm đá Vành Khăn, đá Xu bi và đá Ken Nan (bao gồm đá Tư Nghĩa) cũng sẽ có khả năng được ban hội thẩm xếp vào loại bãi đá nửa chìm nửa nổi, nhưng họ sẽ trì hoãn phán quyết về việc liệu chúng có phải là một phần của thềm lục địa Philippines hay không vì chúng có thể nằm trong vùng EEZ của đảo Ba Bình. Chẳng hạn, trong trường hợp đá Ken Nan - vốn là vị trí Trung Quốc tiến hành dự án cải tạo lớn, Tòa có thể tuyên bố rằng Trung Quốc chiếm cứ những cấu trúc đó bất hợp pháp. Ban hội thẩm cũng sẽ có khả năng ra phán quyết rằng bãi cạn Scarborough là một bãi đá có lãnh hải 12 hải lý và Trung Quốc không có quyền đuổi các ngư dân Philippines ra khỏi vùng biển ngoài lãnh hải 12 hải lý (nhưng nằm bên trong EEZ lớn hơn của Philippines). Ban hội thẩm có thể sẽ không giải quyết các vấn đề “đường 9 đoạn” do Trung Quốc chưa bao giờ công bố các toạ độ chính xác của tuyên bố chủ quyền đó trong nội luật của nước này. Tuy nhiên, ban hội thẩm có thể sẽ đưa ra một lời nhắc nhở rằng không có cơ sở pháp lý để một nhà nước đòi chủ quyền một vùng đại dương rộng lớn dựa trên quyền lịch sử. Nói cách khác, quyền lịch sử có thể áp dụng trong tranh chấp luật pháp quốc tế nói chung về chủ quyền đối với terra firma (đất liền), nhưng khi nói đến quyền đối với vùng nước, UNCLOS là luật quốc tế duy nhất về chủ đề này. UNCLOS không khẳng định rõ ràng về quyền lịch sử.

Tiếp theo là gì?

James Kraska và các luật sư quốc tế khác được đào tạo ở phương Tây tin tưởng rằng Philippines sẽ thắng thế trong hầu hết các vấn đề. Nhưng câu hỏi "tiếp theo là gì" từ một góc độ pháp lý khó nắm bắt hơn nhiều: Bây giờ bạn có một phán quyết, bạn sẽ làm gì để thi hành án? Không có xe hơi hay nhà cửa để thu hồi. Câu trả lời chính trị cho câu hỏi này có vẻ đơn giản trong ngắn hạn: Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài tuyên bố rằng một phán quyết bất lợi không có hiệu lực pháp lý đối với họ. Họ đưa ra một lập trường pháp lý và chính trị rằng Tòa không có thẩm quyền và họ không thể công khai thay đổi lập trường đó. Các quốc gia khác trong khu vực và những bên cam kết với UNCLOS sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo một cách chính đáng rằng các hành động của Trung Quốc đang gây bất ổn cho quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng nhỏ hơn và cả khả năng tồn tại liên tục của UNCLOS. Đối với các quốc gia đã gắn tương lai của họ với UNCLOS, nó có ý nghĩa đối với họ để tăng cái giá phải trả đối với Trung Quốc khi thực hiện chủ nghĩa xét lại pháp lý do vụ việc cụ thể này đi vào trọng tâm những gì UNCLOS đề cập đến. Nói cách khác, nhiều quốc gia biển bên ngoài của khu vực sẽ không thoải mái với việc Trung Quốc có khả năng “lựa chọn cẩn thận” những lợi ích của UNCLOS trong khi trốn tránh trách nhiệm của mình với tư cách một thành viên của UNCLOS.

Việc là một thành viên của UNCLOS đem lại cho các thành viên tư cách hội viên trong: (1) Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS); (2) Cơ quan đáy biển quốc tế (ISA) và (3) có thể nộp đơn kiến nghị lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS). Trung Quốc đã tận dụng những lợi ích đó và sẽ có ý nghĩa đối với tòa án, như một phương pháp thực thi quyết định của tòa án, hoặc một bên nhà nước, có hành động tước đi những lợi ích Trung Quốc được hưởng từ những cơ quan này. Cụ thể là, có thể có một hành động triệu hồi thẩm phán của Trung Quốc tại ITLOS. Tòa án, hoặc một bên nhà nước có thể tìm cách ngăn chặn CLCS trước bất kỳ thủ tục tố tụng liên quan đến quyền của Trung Quốc trong vấn đề mà Trung Quốc cân nhắc đối với Nhật Bản và Hàn Quốc liên quan đến khu vực đáy biển xung quanh Vùng lõm Okinawa trên biển Hoa Đông. Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, Trung Quốc có ít nhất hai đơn xin khai thác đáy biển sâu chưa được giải quyết với ISA để thăm dò các địa điểm ở Ấn Độ Dương. Sẽ thích hợp để một nhà nước (hoặc Tòa án) lập luận với ISBA rằng Trung Quốc không thể tiếp tục theo đuổi những yêu sách chủ quyền đó (hoặc có vai trò trong các cơ quan đang soạn thảo các quy định khai thác đáy biển sâu) bởi Trung Quốc  từ chối tôn trọng quyết định của Tòa Trọng tài trong vấn đề Philippines.

Con đường chính xác để buộc Trung Quốc có trách nhiệm với các thể chế UNCLOS hoặc buộc Trung Quốc phải chấm dứt cải tạo hoặc chiếm giữ thực thể thông qua một lệnh của tòa án là không rõ ràng. Nhưng hầu hết các tòa án sẽ tuyên bố rằng họ có thẩm quyền “phụ” để ban hành các lệnh cần thiết nhằm thi hành quyết định của mình và ràng buộc các nước thành viên UNCLOS 296.

Điều 290 UNCLOS có một điều khoản mang tên “các biện pháp tạm thời”. Trong bất kỳ trường hợp nào, các nhóm pháp lý đầy sáng tạo của Philippines có thể tìm kiếm các hành động huấn thị tạm thời đối với Trung Quốc trong các lĩnh vực trên. Hoặc, nếu hình thức thực thi bằng cách sử dụng tòa án là không rõ ràng, Philippines có thể yêu cầu Toà Công lý quốc tế ra một lệnh thực thi quyết định của tòa án vì Trung Quốc không có quyền phủ quyết một bản kiến nghị như vậy và mệnh lệnh sẽ ràng buộc về mặt pháp lý với Trung Quốc. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN 1976 có những quy định mang tính bắt buộc về tranh chấp mà có thể được sử dụng để thực thi các lệnh của Tòa Trọng tài. (Đây là một ý tưởng thú vị do Trung Quốc viện dẫn Hiệp ước ASEAN, trong số những điều khác, như là lý do ban hội thẩm trọng tài không nên xem xét vụ kiện này). Cuối cùng, Philippines, là một thành viên của ITLOS, ISBA và CLCS, theo đề nghị ở trên có thể chỉ cần kiến nghị rằng quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các cơ quan trên nên bị đình chỉ chừng nào họ vẫn “bất chấp” quyết định trọng tài.

Các sinh viên ngành chiến tranh pháp lý (ngành mà Trung Quốc rất chuyên nghiệp và có đầu tư lớn) lập luận rằng sự trả đũa thầm lặng bằng luật thương mại và trong lĩnh vực thương mại có thể sẽ hiệu quả hơn các hành động pháp lý công khai, vì nó có thể tạo ra sự xích mích trong nội bộ Trung Quốc, giữa các nhà lãnh đạo chính trị với những nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Các chiến thuật chiến tranh pháp lý được sử dụng trong quá khứ bao gồm cả việc đe doạ hủy bảo hiểm cho một tàu hàng của Nga, với kết quả là tàu đó không vận chuyển hàng vũ khí tới Syria vào năm 2012. Ngoài ra, còn có các vụ kiện nhằm vào các ngân hàng ở Trung Đông để đòi bồi thường tài chính (theo phán quyết toà án) đối với các thể chế trước đây từng giữ tiền gửi của các phần tử khủng bố quốc tế. Biến thể của các chiến thuật này có thể bao gồm tăng cường thanh tra (và gây chậm trễ) đối với việc vào cảng của các tàu hàng thương mại treo cờ Trung Quốc ở tại cảng của một số nước nhất định, không thừa nhận bảo hiểm của các tàu buôn nước này hoặc các chứng chỉ kiểm tra, hoặc không cấp lại giấy phép đánh bắt cá cho Trung Quốc trong các EEZ của các nước khác. Rõ ràng là, việc theo đuổi các biện pháp quấy rối về pháp lý này có thể phản tác dụng và tước bỏ lợi thế về đạo đức của Philippines mà nước này đã đạt được bằng cách giải quyết bất đồng với Trung Quốc bằng các biện pháp pháp lý.

Trước khi Phippines theo đuổi bất kỳ hành động nào trong số các hành động mang tính khiêu khích nêu trên đối với Trung Quốc, sẽ là khôn ngoan nếu nước này thúc đẩy các đàm phán song phương với Trung Quốc về việc tiếp cận vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây, bãi Cỏ Rong và có thể là hình thức thoả thuận sử dụng chung đối với Quần đảo Trường Sa. Về Quần đảo Trường Sa, một ý tưởng khai thác chung là điều mà cả hai phía đã tán thành và là một cách để thúc đẩy tiến trình này. Hiệp định Spitsbergen năm 1920 (Cho đảo Svalbard) là một hình mẫu tốt: Các quốc gia gác lại yêu sách chủ quyền và cùng nhau chia sẻ tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và nguồn cá trên cơ sở bình đẳng. Dưới đây là ý tưởng về một hiệp định hợp tác vùng phát triển đa phương giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Philippines đối với trung tâm quần đảo Trường Sa. Đường kính của khu vực này có thể được tăng lên để bao trùm lên nhiều hơn vùng lãnh thổ tranh chấp

• Một nước không yêu sách chủ quyền ở khu vực này có thể được chỉ định là người quản trị (hoặc được ủy quyền quản lý) đối với khu vực đó. Indonesia, với tầm vóc của nước này trong ASEAN, có thể phù hợp với công việc đó.

• Tất cả các bên đang chiếm giữ những thực thể nửa chìm nửa nổi có thể giữ phần đất đó, nhưng các bên này cần phải thay thế lực lượng quân sự bằng dân sự. Phải rút bỏ các trang thiết bị quân sự.

• Phải phá bỏ hoặc chuyển đổi tất cả các công trình đã được xây dựng trên các bãi đá chìm hoàn toàn hoặc nửa chìm nửa nổi để cho các nghiên cứu viên của ASEAN sử dụng cho mục đích nghiên cứu về đa dạng sinh học.

• Bốn bên cùng nhất trí không đòi chủ quyền lãnh thổ xung quanh các thực thể, ngoại trừ việc mỗi bên chiếm đóng có quyền thiết lập vùng an toàn 500 mét quanh mỗi đảo/thực thể để đảm bảo an toàn hàng hải.

• Nước được ủy quyền quản trị sẽ cho phép bốn bên đòi chủ quyền này đánh bắt cá ở bất kỳ đâu trong khu vực tranh chấp và là người cấp giấy phép duy nhất cho tất cả các hoạt động đánh bắt cá. Việc cấp phép sẽ dựa trên các tiêu chuẩn hiện tại của FAO để đảm bảo tính bền vững cho nguồn cá trong khu vực. Mỗi bên đòi chủ quyền sẽ được phép đánh bắt 25% số lượng.

• Khai thác mỏ trong khu vực này cũng sẽ tuân theo công thức 25%.

• Khai thác dầu mỏ và khí đốt sẽ được quốc gia điều hành cấp phép trên một cơ sở cạnh tranh chặt chẽ. Công thức 25% sẽ được áp dụng với mọi khoản phí thu được.

• Nước quản trị sẽ là quốc gia duy nhất được phép duy trì các căn cứ quân sự lâu dài ở khu vực này để đảm bảo các điều khoản trong bản hiệp định.

• Mỹ, EU và Nga sẽ đảm bảo an ninh cho Indonesia trong trường hợp các lực lượng vũ trang của nước này bị tấn công.

• Bản hiệp định này sẽ có hiệu lực khi có được sự đồng thuận của ba trong số bốn bên và phần của quốc gia nằm ngoài hiệp định sẽ được giữ lại dưới dạng ủy thác bởi quốc gia quản trị.

Để có thể tiếp tục hướng đi hiện tại như một cường quốc về kinh tế và chính trị tại châu Á, Trung Quốc phải nhận ra rằng quyền lực của nước này có liên quan chặt chẽ đến khả năng tiếp cận ngày càng lớn các đại dương ở gần cũng như ở xa để có được nguồn tài nguyên và tuyến đường đi, và UNCLOS bao hàm các quy định về khai thác không gian và các tài nguyên trong đó. Trung Quốc dường như đang tỏ vẻ hối hận vì đã không chủ động hơn khi UNCLOS được đàm phán vào những năm 1970 hoặc không đánh giá đúng mức các ảnh hưởng khi nước này tham gia UNCLOS vào năm 1996. Nếu Trung Quốc cảm thấy rằng UNCLOS không bảo vệ các lợi ích của mình, thì Trung Quốc sẽ cố gắng theo đuổi các lợi ích dài hạn của mình ở Liên Hợp Quốc để tìm cách điều chỉnh UNCLOS và đàm phán các thoả thuận cùng sử dụng trong ngắn hạn như đề xuất ở trên như một hành động đối phó.

Tuy nhiên, chủ ý tìm một cách thức đưa Trung Quốc ra khỏi khuôn khổ hoạt động của UNCLOS và đưa nước này vào vị thế “kẻ bắt nạt” của châu Á đều không đem lại lợi ích dài hạn về chính trị và kinh tế cho cả Trung Quốc lẫn ASEAN. Một chiến thắng rõ ràng của Philippines trong vụ kiện sẽ là tổn thất cho tất cả các bên, bởi việc biến Trung Quốc thành một đối thủ pháp lý cứng rắn sẽ chẳng đem lại lợi ích gì cho mục đích hợp tác và ngoại giao ở Biển Đông. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng các nhà lãnh đạo ở Manila, Bắc Kinh và các nước khác của ASEAN sẽ nhận ra điều này và thực hiện bước tiếp theo để tạm ngừng vụ kiện, để nhờ đó, các cuộc đàm phán thiện chí có thể được tiến hành, hoặc sử dụng các thành tựu hiện tại của vụ kiện làm cơ sở cho một thỏa thuận.

Tác giả Mark Rosen là Cố vấn Pháp lý tại CNA Corporation. Bài viết đăng trên “The Diplomat” ngày 21/6/2016.

Hương Trà (gt)