02/12/2017
Trong thời gian từ giờ đến năm 2025, có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách hiện tại, tức là từng bước củng cố quyền kiểm soát đối với các biển Hoa Đông và Biển Đông đồng thời tuyên bố các ý định hòa bình của nước này và viện đến lịch sử như một lời biện minh cho các tuyên bố chủ quyền của nước này. Nước này sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện của các tàu cảnh sát biển và tàu đánh cá với khả năng phòng thủ có vũ trang.
Giới thiệu
Mọi sự đánh giá chính sách Trung Quốc đều phải bắt đầu từ một giả định cơ bản: Mục tiêu hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), điều mà mọi cân nhắc chính sách khác đều phụ thuộc vào, là việc duy trì quyền lực. Chính sách đối ngoại và các vấn đề về chủ quyền đều phục vụ cho đòi hỏi cấp thiết trong nước này.
Giả định cơ bản thứ hai là về việc tăng cường và củng cố tính hợp pháp của mình. Ngày nay, tính hợp pháp vững mạnh là thiết yếu để duy trì sự đồng tình của giới trung lưu có học thức và ngày càng giàu có. Chiến lược của chế độ trên khía cạnh này dựa trên 3 chủ đề chính:
•Sự thịnh vượng về kinh tế tiếp tục gia tăng và duy trì tỷ lệ việc làm cao;
•Thuyết phục người dân Trung Quốc rằng chỉ có ĐCSTQ mới có thể đạt được sự tái thống nhất đất nước bằng việc khôi phục các biên giới lịch sử của Trung Quốc;
•Sự tiến bộ hướng tới việc hoàn thành “Giấc mộng Trung Hoa” (có nghĩa là chấm dứt 175 năm bị nước ngoài chèn ép và đưa Trung Quốc trở lại “vị thế đích thực” của mình với tư cách một nước lớn trong trật tự quốc tế, có thể điều chỉnh lại sự quản trị và các giá trị toàn cầu hướng tới các lợi ích của chính nước này).
Các yếu tố này đồng nghĩa với việc chính sách khu vực (và toàn cầu) của Trung Quốc tập trung vào việc bảo đảm các nguồn lực, thị trường và hoạt động đầu tư để duy trì sự thịnh vượng và việc làm gia tăng; việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ; việc kiểm soát các vùng biển gần để đảm bảo an ninh của nước này; và việc đảm bảo chắc chắn rằng các giá trị và mô hình quản trị của nước này được chấp nhận tốt hơn, sao cho trong một thế giới toàn cầu hóa, nơi mà các công dân Trung Quốc ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các “giá trị phương Tây”, những gì lưu thông trở lại Trung Quốc bớt gây hại hơn cho các lợi ích của ĐCSTQ.
Tất cả những thành phần nêu trên đóng vai trò sống còn trong quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền và trong cách diễn giải của nước này về các hành xử của nước này đối với Hong Kong, Macau, Đài Loan và biển Hoa Đông và Biển Đông. Chúng giải thích lý do vì sao đôi khi các nhà hoạch định chính sách của ĐCSTQ hành động theo các cách gây hại cho những lợi ích rộng lớn hơn của Trung Quốc (nhưng không phải của ĐCSTQ).
Đáng chú ý là thuật ngữ được ĐCSTQ sử dụng một cách đặc trưng trong lĩnh vực đối ngoại (“cùng thắng”, “cộng đồng lợi ích” – từ ngữ trong “Vành đai và Con đường”) thường được sử dụng để đánh lạc hướng khỏi những xem xét mang tính sống còn này.
Quan điểm đang phát triển của Trung Quốc về chủ quyền
Nếu có khi nào các vị hoàng đế được yêu cầu định nghĩa về chủ quyền, họ sẽ cảm thấy bối rối. Những gì mà về mặt lịch sử thuộc về Trung Quốc chính là Trung Quốc, theo định nghĩa rộng nhất của nó. Khi những nhóm người bên ngoài (người Mông Cổ và người Mãn Châu) chinh phục Trung Quốc, những vùng lãnh thổ vốn là quê hương của họ đã trở thành một phần của Trung Quốc. Do các cuộc nổi loạn và sự yếu kém của chính quyền đế quốc trung ương, nhiều vùng của Trung Quốc đôi khi không thuộc quyền kiểm soát tối cao, nhưng theo quan điểm của triều đình đế quốc, chúng vẫn thuộc về thế giới văn minh, cũng có nghĩa là Trung Quốc.
Do đó, người Trung Quốc định nghĩa chủ quyền của họ thông qua lăng kính lịch sử, và hơn nữa là thông qua quan điểm mang màu sắc tối đa chủ nghĩa về nó. Đây không phải là quan điểm của phương Tây, vốn thiên về một định nghĩa được nhất trí, xác nhận và bảo vệ bởi luật pháp hoặc các hiệp ước quốc tế. Giống như nhân vật Humpty Dumpty (“Khi tôi dùng một từ, nó có nghĩa chính là điều tôi chọn làm ý nghĩa của nó – không hơn không kém”), đối với đảng, chủ quyền của Trung Quốc phần lớn là điều mà đảng chọn làm ý nghĩa của nó. Do đó, mặc dù các thủ đô phương Tây có thể có cái nhìn ngờ vực về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Arunachal Pradesh hoặc các phần đất trồi lên trên biển cách đảo Hải Nam hàng nghìn hải lý, nhưng đảng và đa số công dân Trung Quốc được giáo dục trong sự tuyên truyền liên tục của đảng thì không như vậy.
Nguyên tắc nền tảng cho rằng sự diễn giải của đảng về lịch sử là điều xác định chủ quyền vẫn chưa thay đổi. Dĩ nhiên, những thực tế về quyền lực xác định cách thức thực hiện nguyên tắc đó: Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong và Macau có thể lấy lại được; Ngoại Mông, Arunachal Pradesh (đối với Bắc Kinh là Nam Tây Tạng) và quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thì không thể; Đài Loan, các cấu trúc địa hình trên biển ở các biển Hoa Đông và Biển Đông bên trong “Đường 9 đoạn” nổi tiếng – chạy dài từ miền Nam Trung Quốc, chạm tới bờ biển các nước Philippines, Brunei, Malaysia, Indonesia và Việt Nam – vẫn là đối tượng của các nỗ lực tiếp diễn nhằm khẳng định chủ quyền.
Việc liệu khái niệm “Một quốc gia, hai chế độ” – ban đầu được đặt ra cho Đài Loan nhưng được điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho Hong Kong và Macau trở lại sự cai trị của Trung Quốc – có thể hiện một sự thay đổi bền vững về khái niệm chủ quyền của Trung Quốc hay không là điều không chắc chắn. Trong bối cảnh của năm 1997 và 1999, việc chuyển giao chủ quyền trở lại Trung Quốc cho phép có quyền tự chủ khu vực đáng kể, điều cần thiết để duy trì sự ổn định ở Hong Kong và Macau. Nhưng các sự kiện gần đây đã chứng kiến thái độ ngày càng sẵn sàng tước đi quyền tự chủ đó, và không ai biết điều gì sẽ xảy ra sau năm 2047 và 2049, khi thời hạn tối đa 50 năm “không đưa ra thay đổi”, vốn được nhất trí trong các tuyên bố chung với chính phủ Anh và Bồ Đào Nha, chấm dứt.
Sự quyết đoán mới
Có thể lần tìm về đầu những năm 1970 để thấy điểm khởi đầu của sự quyết đoán đang dâng cao của Trung Quốc. Trung Quốc hầu như không gán cho vấn đề chủ quyền hàng hải ý nghĩa gì quan trọng trước khi các cuộc đàm phán về Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) thu hút sự chú ý tới giá trị của các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), mà cấp các quyền khai thác khoáng sản, cá và các nguồn tài nguyên khác trong phạm vi lên tới 200 hải lý tính từ các vùng lãnh thổ được công nhận là thuộc quyền tài phán chủ quyền của một quốc gia nào đó. Tuy nhiên, trong thế kỷ 20, Trung Quốc không đủ vững mạnh để khẳng định chủ quyền – mặc dù vào năm 1974 nước này đã đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa từ miền Nam Việt Nam.
Sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là một nhân tố rõ ràng khác. Điều này đã dẫn tới lời kêu gọi về sự tôn trọng lớn hơn đối với các lợi ích của Trung Quốc. Có thể các tham vọng chính trị của chính Tập Cận Bình, và chắc chắn “Giấc mộng Trung Hoa” của ông đã tạo thêm đà.
Nhưng sự thúc đẩy mang tính cốt yếu là nỗi lo sợ về sự nghi ngờ gia tăng đối với tính hợp pháp của hệ thống nhà nước Trung Quốc, mà hy sinh lợi ích của quần chúng nhân dân để làm lợi cho một số đảng viên nào đó. Điều này liên quan đến 3 nguồn tính hợp pháp được vạch ra ở đầu chương này. Nạn tham nhũng, việc sử dụng quyền lực tùy tiện và sự bất bình đẳng sẽ được dung thứ chừng nào sự thịnh vượng tiếp tục gia tăng đối với đa số người dân và việc làm được duy trì. Đây là thỏa ước được hiểu ngầm giữa đảng và người dân từ năm 1989. Nhưng nền kinh tế nào cũng phải trải qua chu kỳ sa sút. Hơn nữa, các ban lãnh đạo trước đây và hiện nay đã tuyên bố rằng mô hình kinh tế và xã hội này là “không cân bằng, không được phối hợp tốt và không bền vững”; do đó cần có cải cách toàn diện. Việc chuyển dịch sang một mô hình mới, nếu thành công sẽ đồng nghĩa với sự rối loạn kinh tế tạm thời; nếu không thành công sẽ đồng nghĩa với sự suy thoái kinh tế kéo dài.
Ở khía cạnh này, sự cần thiết phải đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với các nguồn lực ở các biển Hoa Đông và Biển Đông đưa ra một lý do giải thích cho sự quyết đoán gia tăng. Một lý do khác là sự cần thiết phải đảm bảo phúc lợi kinh tế của khoảng 400.000 người làm việc trong ngành đánh bắt cá và việc bảo vệ nó ở miền Nam Trung Quốc: Nếu bị tước đi nguồn sinh kế, họ có thể trở thành mối đe dọa đối với sự ổn định. Cuối cùng, các ưu tiên của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) không thể bị phớt lờ. Quân đội vẫn là bên đảm bảo tối cao cho việc đảng sẽ tiếp tục nắm quyền, điều chính là trọng tâm của vấn đề.
Hai chân còn lại của chiếc kiềng ba chân của tính hợp pháp cũng phải được củng cố. Chỉ đảng mới có thể lấy lại các vùng lãnh thổ thuộc về Trung Quốc một cách chính đáng (theo quan điểm của họ về lịch sử) và đảm bảo sự tái thống nhất. Thứ hai, sự tiến bộ hướng tới việc thực hiện được Giấc mộng Trung Hoa có thể được đánh giá bằng việc không còn phải phục tùng Nhật Bản hay Mỹ trong vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông hay Đài Loan nữa. Vì Trung Quốc giờ đây đã gia nhập hàng ngũ các nước lớn, nên không thể để cho bất kỳ ai ra lệnh cho nước này, đặc biệt nếu hành vi ra lệnh phù hợp với các giá trị phương Tây gây ra mối đe dọa đối với đảng ở trong nước. Do đó, đảng thổi bùng hơn nữa ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc nhằm tăng cường tính hợp pháp của chính mình.
Những hệ quả khu vực
Điều đáng làm là xem xét ngắn gọn về tương lai xa hơn năm 2025 một chút, tới năm 2049, năm đánh dấu “mục tiêu 100 năm” thứ hai, đó là Trung Quốc trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, vì mục tiêu này có khả năng ảnh hưởng đến các chính sách và hành động của Trung Quốc trong 8 năm tới.
Hong Kong và Macau
Luật cơ bản của Hong Kong và Luật cơ bản của Macau (trên thực tế là hiến pháp của các khu vực này) được bảo đảm trong 50 năm. Sau năm 2047 và 2049 là những điều chưa được biết đến. Khái niệm “Một quốc gia, hai chế độ” không được bảo đảm để tồn tại qua mốc giữa thế kỷ, mặc dù ĐCSTQ có thể muốn làm vậy, với những sửa đổi. Nhưng để trấn an các công dân và các nhà đầu tư, một tầm nhìn về tương lai sẽ phải được làm rõ một thời gian dài trước năm 2047. Đảng chưa quyết định, nhưng các hành động và chính sách hiện tại cho thấy họ ngày càng nghiêng về “Một quốc gia, một chế độ”.
Không đáng ngạc nhiên khi các mục tiêu dài hạn được phản ánh trong các chính sách và hành động của đảng tới năm 2025, mà minh chứng cho quyết tâm của họ rằng không điều gì xảy ra có thể đe dọa sự ổn định của Đại lục, các giá trị/tư tưởng của đảng và sự tiếp tục nắm quyền của họ. Do đó, ĐCSTQ có khả năng tập trung:
•Kiểm soát tiến trình bầu cử ở Hong Kong đối với cả chức Trưởng đặc khu hành chính lẫn các ghế trong Hội đồng lập pháp (Legco) sao cho tỏ ý chấp thuận theo hướng phổ thông đầu phiếu nhưng trên thực tế bảo đảm cho các ứng cử viên ủng hộ Bắc Kinh;
•Bảo đảm rằng an ninh quốc gia trở thành lĩnh vực thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh, cùng với quốc phòng và đối ngoại;
•Can dự khi cần thiết vào các vấn đề tư pháp gây ảnh hưởng đến các lợi ích của ĐCSTQ;
•Ràng buộc các nền kinh tế một cách chặt chẽ hơn nữa với khu vực đồng bằng Châu Giang và làm cho Macau bớt phụ thuộc vào doanh thu từ cá cược và đánh bạc.
Vài năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi công bố Sách Trắng về việc thực hiện chính sách “Một quốc gia, hai chế độ” ở Hong Kong vào tháng 6/2014, đã chứng kiến những động thái hướng tới việc đạt được các mục tiêu này. Các ví dụ công khai là việc Sách Trắng không khẳng định sự độc lập của bộ máy tư pháp, mà đã phản ứng mãnh liệt; việc bắt cóc 5 người bán sách, trong đó có những vụ xảy ra ở Hong Kong, vì họ đã bán những cuốn sách có chứa những câu chuyện tầm phào về đời sống riêng tư của các lãnh đạo cấp cao của đảng; vụ bắt cóc tỷ phú Tiêu Kiến Hoa gần đây, cũng xảy ra ở Hong Kong; cách diễn giải của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc về Luật cơ bản dẫn tới việc đình chỉ 2 ủy viên Legco đắc cử vì đã không nói lời tuyên thệ một cách hợp thức.
Nói tóm lại, ĐCSTQ sẽ sẽ thông qua giọng điệu ngày càng gay gắt hơn đối với những người ngoài mà, theo cách diễn đạt trong phần kết luận của Sách Trắng, “sử dụng Hong Kong để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc” hoặc “hành động câu kết với các lực lượng bên ngoài”. Điều này tình cờ dựng nên bối cảnh cho sự bất đồng hơn nữa vì các công dân Hong Kong không coi chủ quyền là một khái niệm linh hoạt.
Tuy vậy, có những sự kiềm chế đối với việc nhấn mạnh quá mức khía cạnh “Một quốc gia” mà có hại cho khía cạnh “Hai chế độ”. Tước đi quá nhiều quyền tự do có thể dẫn tới sự thất thoát vốn, đầu tư và con người khỏi các vùng lãnh thổ. Sự can thiệp quá lớn vào pháp trị sẽ làm suy yếu gốc rễ của thành công kinh tế của Hong Kong (vụ bắt cóc một doanh nhân tỷ phú ở một khách sạn ở Hong Kong vào đầu năm nay là một diễn biến đáng lo ngại trên khía cạnh này). Ngoài ra, Hong Kong cũng vẫn là quan trọng với tư cách một cơ sở quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (mặc dù điều này có khả năng bị trì hoãn trong tương lai có thể thấy trước được). Tương lai được báo hiệu đầy giông bão của Hong Kong cũng sẽ làm suy yếu khả năng mở rộng cách tiếp cận “Một quốc gia, hai chế độ” sang Đài Loan.
Đài Loan
Đảng nhắm tới mục tiêu thiết lập chủ quyền đối với Đài Loan như một phần của chiến lược tái thống nhất của mình và tìm cách hợp nhất Đài Loan vào Trung Quốc với tư cách một Khu tự trị đặc biệt (lưu ý rằng nhiều người cả trong và ngoài Đài Loan sẽ đặt câu hỏi liệu hai từ “chủ quyền” và “tái thống nhất” có thích đáng hay không). Trong khi đó, Bắc Kinh đòi hỏi 2 điều: Đảng Dân tiến (DPP) và nhà lãnh đạo của đảng Thái Anh Văn không ủng hộ độc lập; và việc tuân thủ “Nhận thức chung 1992” được Bắc Kinh xác định là tôn trọng nguyên tắc cơ bản rằng chỉ có một Trung Quốc và do đó chỉ có một quốc gia chủ quyền mà phải được đại diện bởi một chính phủ. Nhìn chung, bất chấp giọng điệu này, Trung Quốc gần như không có lựa chọn nào ngoài việc tiếp tục các chính sách của thập kỷ vừa qua. Mặc dù tuyên bố của Tập Cận Bình vào tháng 9/2014 rằng Trung Quốc không thể kiên nhẫn mãi đã nhận được nhiều sự chú ý, nhưng trước đó hơn một thập kỷ, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã nói điều tương tự. Quan trọng hơn, khi xét đến tính cấp bách của việc cải cách mô hình kinh tế và xã hội “không bền vững” của Trung Quốc, Tập Cận Bình không thể để cho những căng thẳng, mà có thể dẫn tới tình trạng rối loạn lớn và thậm chí là chiến tranh, gây ảnh hưởng tới các mối quan hệ kinh tế và đầu tư giữa hai bờ eo biển. Tình trạng suy thoái và có khả năng là thất nghiệp gia tăng ở Phúc Kiến và Chiết Giang do kết quả của điều đó sẽ không xứng đáng với rủi ro mà điều này gây ra đối với sự ổn định, trừ phi tình hình kinh tế đã tồi tệ đến mức đảng cho rằng việc khuấy động lòng nhiệt tình mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa là cần thiết.
Vậy, Bắc Kinh phải tiếp tục hy vọng rằng các mối liên kết kinh tế và đầu tư chặt chẽ hơn, nhiều cuộc trao đổi giáo dục và văn hóa hơn, thêm vào đó là hoạt động của UFWD ở hậu trường cuối cùng sẽ thuyết phục người Đài Loan về giá trị của khái niệm “Một quốc gia, hai chế độ”. Trong khi đó, các sự kiện ở Hong Kong có thể ủng hộ lập luận ngược lại, và các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy số người Đài Loan tự nhận là người Đài Loan thay vì người Trung Quốc hay người Đài Loan/Trung Quốc ngày càng gia tăng (số liệu năm 2016 là 58% so với 3,4% và 34%).
Nhưng Tập Cận Bình cũng đang gia tăng áp lực bằng việc nhấn mạnh rằng DPP phải tán thành “Nhận thức chung 1992” chứ không phải chỉ không phủ nhận nó. Điều được hiểu là sự không phục tùng đường lối của Bắc Kinh đang gặp phải một phản ứng từng phần (cho phép nhiều hơn trong số 21 nước nhỏ vẫn đang duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan chuyển sang Bắc Kinh; giảm dòng khách du lịch từ Đại lục tới Đài Loan; giảm mua sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm khác; cắt giảm các chính sách đầu tư ưu tiên; tạm dừng các cuộc đàm phán thêm giữa Hội đồng các vấn đề Đại lục và Hiệp hội quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan; không để Đài Loan gia nhập WHO và các tổ chức kinh tế và tài chính, chẳng hạn như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)).
Vài năm tới có khả năng chứng kiến việc thắt chặt các biện pháp nói trên và một phản ứng dữ dội từ phía Trung Quốc đối với các bên tham gia bên ngoài được cho là đang giúp Đài Loan chống lại sức ép gia tăng. Một lần nữa, đằng sau tất cả những điều trên là thực tế rằng một Đài Loan độc lập, hoặc ít nhất không công nhận rằng chủ quyền ở trong tay Bắc Kinh, làm suy yếu câu chuyện về Giấc mộng Trung Hoa và, suy rộng ra, một trong 3 trụ cột của tính hợp pháp của đảng.
Chính sách “Một Trung Quốc” là cần thiết cho tính hợp pháp của đảng. Ban đầu, có vẻ như sự có mặt của Chính quyền Trump ở Nhà Trắng sẽ làm cho quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng, với việc Tổng thống mới sớm thông qua lập trường mang tính đối đầu với Trung Quốc và sự chỉ trích chính sách “Một Trung Quốc”. Từ đó đến nay, Tổng thống Trump đã tỏ ra muốn hòa giải hơn và khả năng là Bắc Kinh và Washington sẽ muốn tiếp tục phần lớn như trước: Đối với Tập Cận Bình, có nhiều vấn đề về việc củng cố quyền lực và cải cách quan trọng hơn cần xem xét; đối với Trump, các vấn đề thương mại và việc “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” sẽ bị căng thẳng hoặc những hành động thù địch làm cho suy yếu – điều mà cả người dân Mỹ lẫn các chính phủ ASEAN đều không có khả năng ủng hộ trừ phi bị Bắc Kinh khiêu khích một cách không thể phủ nhận được. Tuy vậy, Trump đã đưa ra yếu tố không chắc chắn, tạo không gian cho sự tính toán sai lầm và rủi ro. Hơn nữa, nếu ông vượt qua điều mà Bắc Kinh coi là các giới hạn đỏ không thể thương lượng được về “vấn đề cốt lõi” Đài Loan, ban lãnh đạo của Tập Cận Bình sẽ lựa chọn trong một loạt phương án mang tính trừng phạt, bao gồm các biện pháp chống lại các công ty lớn của Mỹ đang làm ăn với Trung Quốc, việc tạm dừng các mức độ hợp tác hiện tại trong vấn đề Triều Tiên, và gia tăng đáng kể sức ép chính trị, kinh tế và quân sự đối với chính Đài Loan.
Không có bất kỳ rủi ro hay hành động làm bất ổn nào do Washington sắp đặt, Tập Cận Bình hầu như không có lựa chọn nào ngoài việc trút giận lên Thái Anh Văn (đó là lý do giải thích tại sao bà có thể không hoan nghênh việc bị sử dụng như một quân tốt trong các cuộc chiến của Trump với Trung Quốc). Ngay cả như vậy, Tập Cận Bình cũng không thể thúc ép bà quá đáng, nếu ông muốn tránh các hậu quả kinh tế và đầu tư không dễ chịu giáng xuống Đại lục, chưa kể đến việc tạo ra sự xa lánh hơn nữa trong giới trẻ (và những người không còn trẻ) ở Đài Loan. Đảng có thể nhận thấy việc họ phương tiện hóa lịch sử, điều được sử dụng như một lời bào chữa cho các tuyên bố chủ quyền, có thể không đạt được hiệu quả ở bên kia eo biển như ở Đại lục.
Biển Hoa Đông và Biển Đông
Đài Loan còn quan trọng vì một lý do khác. Nó nằm ở vị trí chiến lược giữa biển Hoa Đông và Biển Đông. Chính tại đây các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên lịch sử (mà “cho thấy” người Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện ra, đặt tên, đánh cá, đi qua và đổ bộ lên các hòn đảo) gặp phải sự chống đối lớn nhất.
Thoạt nhìn qua, có vẻ kỳ lạ khi Trung Quốc lựa chọn đột ngột từ bỏ chính sách cũ gác chủ quyền sang một bên và lặng lẽ xúc tiến việc củng cố các lợi ích của nước này ở các biển Hoa Đông và Biển Đông. Bằng cách này, Trung Quốc đã tìm cách tránh căng thẳng với Nhật Bản, một đối tác thương mại và đầu tư then chốt, và tránh khiến cho các quốc gia ASEAN xa lánh, mà Trung Quốc muốn thiết lập sự lãnh đạo về kinh tế và cuối cùng là về chính trị đối với các quốc gia này. Việc cùng nhau khai thác tài nguyên cả trên lẫn dưới mặt biển chắc chắn sẽ có lợi cho các công ty Trung Quốc, đem lại các lợi ích mà không gây căng thẳng. Việc Bắc Kinh thẳng thừng bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện liên quan đến Biển Đông mà Philippines đã đệ trình chống lại Trung Quốc đã đánh dấu một tư thế mới, không thỏa hiệp. Điều này đã khiến Trung Quốc phải đối mặt với cáo buộc rằng nước này không tôn trọng luật pháp quốc tế và khuyến khích các quốc gia ASEAN và Nhật Bản chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.
Tuy nhiên, nhìn chung, các sự kiện trở nên rõ ràng hơn nếu được đặt vào bối cảnh của sự cần thiết phải tăng cường tính hợp pháp của đảng. Nhóm lợi ích biển lớn gồm các ngư dân và những người bảo vệ họ cần phải được tính đến. Tuy vậy, điều còn có uy lực lớn hơn là tiếng gọi của “Giấc mộng Trung Hoa” và của việc Trung Quốc lấy lại vị trí chính đáng của mình trên thế giới với tư cách một nước lớn, được tình cảm mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa tiếp thêm sức mạnh. Hơn nữa, nếu Trung Quốc cuối cùng trở thành một nước lớn, nước này trước hết phải bảo đảm sự kiểm soát quân sự đối với “sân sau” trên biển của mình. Tập Cận Bình cũng không phải là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên củng cố quân đội bằng việc tăng cường vai trò của nó trong việc thúc đẩy về phía trước các lợi ích của quốc gia. Quả thật, vì PLA là người bảo đảm tối thượng quyền lực của đảng và vì Tập Cận Bình đang vừa cải cách nó vừa khẳng định quyền kiểm soát của cá nhân ông, câu chuyện chính trị trong nước nhằm bảo vệ tính ưu việt của đảng là một lý do chủ yếu cho hành động đi ngược lại các lợi ích rộng hơn về sự ổn định của Trung Quốc.
Các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn hơn của ĐCSTQ ở biển Hoa Đông và Biển Đông
Lôgích của các tuyên bố chính thức của ĐCSQ cho thấy các mục tiêu dài hạn hơn của Trung Quốc là:
•Sự công nhận chủ quyền của nước này đối với các đảo và các cấu trúc địa hình trên biển;
•Sự thừa nhận rằng các cấu trúc địa hình này được quyền có Vùng đặc quyền kinh tế (200 hải lý);
•Sự kiểm soát quân sự đối với toàn bộ biển Hoa Đông và Biển Đông. Điều này sẽ đồng nghĩa với sự hạn chế các hoạt động cả quân sự lẫn thu thập thông tin tình báo trong các Vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và việc xây dựng các căn cứ không chỉ ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn ở bãi cạn Scarborough, tạo thành một tam giác mà từ đó có thể bao quát toàn bộ biển Hoa Đông và Biển Đông, qua đó bảo vệ căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam và ngăn chặn các mối đe dọa của Mỹ đối với Trung Quốc Đại lục (và Đài Loan được giành lại).
Trong ngắn hạn hơn, Bắc Kinh dường như đang nhắm mục tiêu tới việc:
•Làm suy yếu phán quyết tháng 7/2016 của Tòa trọng tài phủ nhận Vùng đặc quyền kinh tế đối với nhiều cấu trúc địa hình ở Biển Đông;
•Ngăn chặn các quốc gia ASEAN và Nhật Bản về cùng phe chống lại các lợi ích của nước này ở Biển Đông;
•Củng cố các căn cứ quân sự ở Biển Đông, mà công việc liên quan đến các căn cứ này đã bắt đầu được thực hiện;
•Giảm bớt ảnh hưởng và sự dính líu của Mỹ trong khu vực.
Theo truyền thống, ĐCSTQ đã sử dụng 3 phương pháp để thúc đẩy chính sách đối ngoại của mình:
•Sự nhấn mạnh vào các thỏa thuận song phương để giải quyết mâu thuẫn lợi ích;
•Việc đã rồi (chẳng hạn, xây dựng một đường băng sau đó đàm phán về nó);
•Chủ nghĩa đa phương nếu nó phù hợp với vị thế của Trung Quốc (tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tỏ ra là một phương tiện trên khía cạnh này).
Gần đây, một công cụ thứ tư đã phát triển một cách nổi bật, đó là sự hỗ trợ về tài chính và kinh tế. Ở các biển Hoa Đông và Biển Đông, chủ nghĩa song phương đặc biệt hấp dẫn vì nó giúp sử dụng “cây gậy và củ cà rốt sức mạnh kinh tế”. Những “việc đã rồi” được biện hộ dưới vỏ bọc rằng chủ quyền cho phép Trung Quốc làm những gì nước này muốn với các hòn đảo của nước này. Chủ nghĩa đa phương là một công cụ kém rõ ràng hơn ở Biển Đông, mặc dù ảnh hưởng được sử dụng đối với Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN tháng 7/2016, mà ở đó Trung Quốc đã đạt được việc thu hồi thông cáo cuối cùng mà chỉ trích lập trường của nước này ở Biển Đông, đã đưa ra ví dụ minh họa nào đó.
Kết luận: Những diễn biến có khả năng xảy ra ở Biển Đông đến năm 2025
Những diễn biến ở các biển Hoa Đông và Biển Đông phần lớn phụ thuộc vào các hành động của Mỹ. Điều này đưa ra một sự mơ hồ khá lớn. Liệu khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Mỹ có vượt lên trên khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” của ông vốn mang nhiều màu sắc biệt lập chủ nghĩa hơn hay không? Liệu ông có tìm cách cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc như một nước lớn hay không? Liệu ông có sử dụng sự hỗ trợ cho Nhật Bản, Đài Loan và các quốc gia ASEAN như đòn bẩy thúc đẩy các lợi ích thương mại với Trung Quốc hay không?
Vẫn còn phải xem liệu lập trường mang tính hòa giải cao hơn gần đây của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc có tiếp tục hay không. Trong dài hạn hơn, ông có thể tìm cách tránh tạo cảm giác rằng một nước Mỹ yếu ớt đang bị Trung Quốc chi phối. Do đó, căng thẳng gia tăng rất có thể là dấu ấn riêng của vài năm tới đây. Trung Quốc nhận thấy không gian cho 2 siêu cường, nhưng nếu các cố vấn của Trump không nhận thấy như vậy, thì nơi mà họ phải bắt đầu áp đặt tầm nhìn của mình là các biển Hoa Đông và Biển Đông - cụ thể là ngăn chặn khả năng Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở bãi cạn Scarborough. Cho đến nay, Trung Quốc đã cưỡng lại sự cám dỗ của việc thử thách quyết tâm của Mỹ bằng cách cố gắng tiến hành hoạt động xây dựng ở đây. Tuy vậy, Lôgích của các chiến thuật trước đây và hiện nay của Trung Quốc bao gồm các bước nhỏ tăng dần, không có bước nào mà một mình nó đủ lớn để biện hộ cho việc công khai kháng cự lại, cho thấy cuối cùng Trung Quốc sẽ cố gắng thiết lập một căn cứ. Điều này rất có thể dẫn tới một cuộc xung đột.
rong thời gian đó, nếu Mỹ tiến tới thông qua một sự hiện diện mạnh mẽ hơn của mình ở Biển Đông, thông qua các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên hơn nhưng khó đoán trước được hơn, điều này có thể dẫn tới những sự cố trong các cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên không và trên biển. Mặc dù các cuộc chạm trán này có thể leo thang vượt ra ngoài tầm kiểm soát, không có khả năng Tập Cận Bình muốn cho phép điều đó xảy ra hoặc các phần tử trong PLA chống lại chính sách của tổng tư lệnh của họ - trừ phi tình hình xuống cấp nghiêm trọng về kinh tế và chính trị trong nước đẩy ban lãnh đạo tới nước tiến hành đe dọa gây chiến trên Biển Đông nhằm đánh lạc hướng các công dân Trung Quốc khỏi những nỗi thống khổ cấp bách trong nước.
Biến số quan trọng khác là mức độ ủng hộ ở Đài Loan và các quốc gia khác dính líu đến các tranh chấp ở các biển Hoa Đông và Biển Đông đối với một tư thế mạnh mẽ hơn của Mỹ. Bằng chứng cho đến nay là việc ngoại trừ Nhật Bản, các quốc gia không sẵn sàng kháng cự Trung Quốc hoặc đánh mất các cơ hội thương mại và đầu tư. Sự mơ hồ và khuynh hướng lăng mạ các quốc gia khác của Tổng thống Trump cũng không giúp củng cố niềm tin rằng ông sẽ không bỏ rơi họ khi họ gặp hoạn nạn nếu thương mại của Mỹ hoặc các lợi ích quốc gia khác đòi hỏi như vậy.
Nói tóm lại, trong thời gian từ giờ đến năm 2025, chúng ta có khả năng chứng kiến Trung Quốc tiếp tục chính sách hiện tại, tức là từng bước củng cố quyền kiểm soát đối với các biển Hoa Đông và Biển Đông đồng thời tuyên bố các ý định hòa bình của nước này và viện đến lịch sử như một lời biện minh cho các tuyên bố chủ quyền của nước này. Nước này sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện của các tàu cảnh sát biển và tàu đánh cá với khả năng phòng thủ có vũ trang. Các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản, sẽ phản ứng theo cách tương tự, làm gia tăng khả năng xảy ra các cuộc xung đột và rủi ro. Trung Quốc sẽ tiếp tục ưu tiên việc tăng cường sức chiến đấu cho Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân. Lời đe dọa của Trump tăng cường hạm đội Hải quân Mỹ giả định rằng có sự ủng hộ cần thiết về ngân sách ở Quốc hội và được đưa ra một cách chậm trễ về thời gian. Nhưng đồng thời, câu hỏi được đặt ra liên quan đến ý chí của Trump nhiều hơn là hỏa lực của Trump (các lực lượng Mỹ trong và sau năm 2025 có khả năng vẫn mạnh hơn của Trung Quốc). Căng thẳng Trung-Mỹ dâng cao, và mức độ thành công trong việc xử lý nó, cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ cố gắng đến đâu trong việc chống lại các chiến thuật hung hăng của Trung Quốc.
Trong 37 năm sự ngoại ngoại giao của mình, Charles Parton đã công tác tại Trung Quốc, Hồng Công và Đài Loan tới 22 năm. Vị trí công tác gần đây nhất của ông là người thứ hai tại Phái đoàn EU tại Bắc Kinh với cương vị là Tham tán Đại sứ Thứ nhất. Trên cương vị đó, ông đã tập trung nghiên cứu về phát triển nội bộ và chính trị Trung Quốc, cố vấn cho EU và các quốc gia thành viên EU về tác động chính trị Trung Quốc đối với EU và các thành viên như thế nào. Bài viết được đăng trong báo cáo China Futures: Horizon 2025, No 35, 2017, tr. 43-52 của Viện nghiên cứu an ninh Liên minh châu Âu.
Trần Quang (gt)
Tiến trình xây dựng tại căn cứ hải quân Ream ở Campuchia được xúc tiến trong các tháng gần đây, đặc biệt là ở cuối phía Bắc căn cứ - khu vực Trung Quốc được cho là sẽ sử dụng. Một loạt tòa nhà mới đã mọc lên, đất đại được giải tỏa mặt bằng trên diện rộng và gần đây nhất, các bến tàu mới đã được khởi...
Văn bản Bổ sung về Thực tiễn các quốc gia (đi kèm với Báo cáo Các giới hạn trên Biển số 150) nhằm mục đích đánh giá lập trường pháp lý quốc tế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đối với các đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải và các quần đảo xa bờ.
Giống như màu sắc chủ đạo trong các bài viết trước đây, Ngô Sĩ Tồn tiếp tục tập trung vào việc chỉ trích, lên án sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông và không khó để nhận thấy sự can dự này của Mỹ đang kiềm chế phần nào sự bành trướng, bá quyền và tham vọng kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông của Trung...
Trong tiến trình thúc đẩy ngành du lịch tàu biển ở Biển Đông sẽ cần cân nhắc tới một số vấn đề như tác động tới môi trường sinh thái, vấn đề cướp biển, an ninh an toàn hàng hải…. và đặc biệt là tác động của đại dịch covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến sẽ mang lại những nhân tố bất ổn cho phát triển...
Ngày 12/1, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo “Giới hạn trên Biển” số 150, dài 44 trang. Báo cáo xem xét các diễn giải mới về yêu sách Biển Đông của Trung Quốc sau Phán quyết năm 2016 và kết luận yêu sách chủ quyền đối với các thực thể, đường cơ sở bao quanh Quần đảo Hoàng Sa, yêu sách vùng biển “dựa trên...
Ngày 8/9/2021, Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc có bài đăng tựa đề “Cảnh giác trước những hành động biến ổn định thành bất ổn của Mỹ ở Biển Đông” hướng sự chỉ trích vào Mỹ và các nước phương Tây. Lập luận chung của Trung Quốc cho rằng tình hình Biển Đông hiện nay tổng thể ổn...