142895-chinese-military.jpg

Đúng như trông đợi, Tòa Trọng tài quốc tế tại La Hay đã ra phán quyết bác bỏ những yêu sách chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc tại Biển Đông. Philippines vô cùng hoan hỉ trong khi Bắc Kinh bác bỏ phán quyết này. Trung Quốc phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn: chấp nhận một hệ thống quốc tế được cho là chống lại những lợi ích của Trung Quốc, hoặc là khẳng định các yêu sách của họ một cách kiên quyết hơn, mạo hiểm xung đột với các nước láng giềng.

Mỹ và các nước đồng minh cũng phải đối mặt với một quyết định gây bối rối. Họ sẽ củng cố sức mạnh của phán quyết với sự không khoan nhượng về ngoại giao và tăng cường về quân sự, hay sẽ điều chỉnh hệ thống để giải quyết các yêu sách của Trung Quốc.

Tranh chấp lãnh thổ luôn  là một vấn đề quốc tế. Không có một quá trình nào nhìn chung được chấp nhận để phân định rõ chủ quyền và không có một thẩm quyền chung nào để quyết định ai sở hữu cái gì. Tất cả các quốc gia đều theo đuổi lợi ích của họ trong khẳng định các yêu sách chủ quyền. Các nước lớn đều từ chối tuân thủ các quyết định của các bên khác khi họ cho rằng những lợi ích quan trọng có thể gặp nguy hiểm.

Các quan ngại về chủ quyền buộc Mỹ phải phủ nhận thẩm quyền của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đối với vụ Chính quyền Ronald Reagan đặt mìn phong tỏa các cảng biển của Nicaragua, cũng như việc Mỹ từ chối tham gia Tòa Hình sự quốc tế (ICC) hay không phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hiện tại, Mỹ cũng không muốn giao quyền quyết định liên quan đến lãnh thổ của Mỹ cho một cơ chế quốc tế nào.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng có những thách thức cụ thể. Vùng biển Đông Á đầy rẫy những tranh chấp lãnh thổ, bao gồm tranh chấp tại bãi cạn Scarborough, đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với tất cả những đảo này và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với nhiều trong số này. Những quốc gia có xung đột với Trung Quốc tại những đảo này là Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Cho đến gần đây, giá trị kinh tế của các đảo, đá, bãi san hô và các thực thể còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, UNCLOS gắn quyền sở hữu về tài nguyên với chủ quyền lãnh thổ. Bởi vậy các chính trị gia tại nhiều quốc gia mới bắt đầu tưởng tượng những nguồn lợi không thể tính nổi từ cá và dầu mỏ. Hơn nữa, việc Trung Quốc nổi lên là một cường quốc dẫn đến thay đổi về nguyên trạng khu vực. Trật tự lãnh thổ và pháp lý đang tồn tại đã được hình thành từ khi mà Trung Quốc đang bị cô lập và yếu. Lúc đó Trung Quốc không thể khẳng định các yêu sách của họ. Bởi vậy giờ đây Bắc Kinh không hài lòng với thể chế hiện nay và thật không may cho các nước láng giềng, Trung Quốc có vẻ không muốn chấp nhận nguyên trạng đó.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thực sự nếu không muốn nói là chính thức từ bỏ chính sách "trỗi dậy hòa bình". Họ đã trực tiếp thách thức chủ quyền của Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, củng cố lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát, tăng cường thêm các phương tiện quân sự bao gồm sân bay để củng cố vị thế, chèn ép các nước ASEAN. Những nỗ lực này rõ ràng nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh và như một số nhà phân tích phương Tây lo ngại, cuối cùng Trung Quốc có thể đẩy thương mại tại khu vực Đông Á vào một cuộc xung đột.

Philippines thiếu một quân đội hùng mạnh và họ cần Mỹ đóng vai trò người bảo vệ. Manila đưa vụ kiện ra Tòa Trọng tài nhằm cung cấp cơ sở pháp lý cho quan điểm của Philippines. Bắc Kinh không công nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài. Vụ kiện này còn lâu mới nữa giải quyết được vấn đề nhưng có thể mở ra một giai đoạn mới cho những tranh cãi đang tiếp diễn.

Không ngạc nhiên khi Bắc Kinh phủ nhận phán quyết và tuyên bố "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích biển". Trung Quốc đang phải chiến đấu trên nhiều mặt trận: họ phải đối mặt với những vấn đề kinh tế nghiêm trọng, đang tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng và đàn áp tự do ngôn luận, nhân quyền trong nước.

Phán quyết cũng tái khẳng định lập trường của Philippines và các nước lân cận, khuyến khích các nước này có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Mặc dù thiếu năng lực quân sự nhưng Philippines cần sẵn sàng hơn các nước còn lại trong việc thách thức Trung Quốc.

Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền, Mỹ cũng khẳng định rằng Mỹ không đưa ra quan điểm về tranh chấp. Tuy vậy, Washington đã xung đột với Bắc Kinh về quyền thu thập thông tin tình báo trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc. Hai nước có thể bước vào giai đoạn xung đột căng thẳng nếu xảy ra một vụ va chạm trên biển hay trên không.

Nếu chiến tranh nổ ra trong khu vực này, mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản và cam kết với Manila có thể lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến với một nước Trung Quốc có trang bị vũ khí hạt nhân. Thực sự là Tổng thống Barack Obama tuyên bố rằng Hiệp ước An ninh chung với Tokyo có hiệu lực đối với cả những khu vực tranh chấp dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản. Còn với Philippines, mặc dù thiếu một mối liên hệ chính thức nhưng Mỹ có thể sẽ can dự bởi Mỹ tự coi mình là quốc gia có quyền giải quyết bất cứ xung đột nào.

Tất cả các bên đều có trách nhiệm giảm thiểu căng thẳng. Họ nên bắt đầu bằng việc nhận thức rõ không có tranh chấp nào đáng gây ra chiến tranh cả. Hầu hết các thực thể có rất ít giá trị thực chất. Các vùng nước xung quanh thực thể có thể có giàu tài nguyên nhưng vẫn là quá nhỏ nếu so sánh với cái giá của xung đột. Cùng khai thác sẽ đem lại những thành quả thương mại mà không gây ra chiến tranh.

Kiểm soát lãnh thổ có thể tác động đến quyền lợi biển nhưng không có tính quyết định. Trong thời bình, các hoạt động trên biển vẫn tiếp tục mà không bị ngăn cản; trong thời chiến thì hoạt động trên biển phụ thuộc nhiều vào năng lực của hải quân. Những căn cứ đồn trú quân đội của Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc nhưng căn cứ này càng gần các quốc gia đồng minh của Mỹ thì càng dễ bị tấn công.

Có lẽ điều quan trọng nhất là thể diện quốc gia. Đó là lý do tại sao vấn đề này không bị lung lay hay bị ảnh hưởng cho dù các cuộc thảo luận về lịch sử khu vực, kiểm soát quốc gia, luật pháp quốc tế và các hiệp ước song phương có phức tạp thế nào. Yêu sách của Trung Quốc là quá lớn và Trung Quốc khăng khăng cho rằng họ không thể từ bỏ những yêu sách này cho dù 5 vị thẩm phán của Tòa Trọng tài quốc tế có nói gì đi nữa. Vận mệnh của Trung Quốc phụ thuộc vào việc bảo vệ bờ biển và vùng nước lân cận. Do đó, Trung Quốc có thể sẽ phản ứng nếu bị khiêu kích như tăng cường ngân sách quân sự, tăng cường xây dựng hải quân, đẩy mạnh hợp tác với các nước thù địch với Mỹ và thách thức lợi ích của Mỹ ở bất cứ đâu. Trong phạm vi khu vực, những tranh chấp lãnh thổ rất khó giải quyết nhưng nếu chuyển tranh chấp này thành sự đối đầu với Mỹ thì lại càng gia tăng nguy cơ và khiến mâu thuẫn thậm chí còn trở nên khó giải quyết hơn.

Trong cuộc chơi này, Mỹ có một số bất lợi. Thứ nhất, ủng hộ Nhật Bản và Philippines sẽ chuyển cái giá phải trả cho việc xung đột với Trung Quốc sang cho Mỹ. Có được sự ủng hộ của Mỹ thì họ sẽ ít có xu hưởng thỏa hiệp hay đàm phán. Nếu một nước đồng minh nổ súng thì có nghĩa là Mỹ nổ súng. Thứ hai, mặc dù Mỹ vẫn giàu mạnh hơn Trung Quốc trong nhiều năm tới thì Mỹ cũng không thể đủ sức duy trì các lực lượng quân sự để đánh bại Trung Quốc trong vùng biển sân nhà của họ được. Đến khi những chi phí này vượt quá ngân sách quốc gia thì Mỹ khó mà yêu cầu thu thuế cao hơn để duy trì lá cờ Philippines ở bãi cạn Scarborough hay duy trì quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trái lại, những công dân Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sẵn sàng chi trả và mạo hiểm bất cứ thứ gì để đảm bảo khu vực tranh chấp là của họ.

Mỹ nên khẳng định tự do hàng hải như luôn làm nhưng cũng nên giảm bớt những cam kết an ninh. Nhật Bản từ lâu đã đủ khả năng tự bảo vệ họ và họ nên làm vậy trong tương lai. Mỹ nên giảm bớt các điều kiện đảm bảo trong hiệp ước song phương vì sự độc lập của Nhật Bản. Với Philippines cũng vậy, Mỹ nên giảm bớt những cam kết với nước này. Kết quả tốt nhất đối với Mỹ là hãy để các sự kiện diễn ra thuận theo tự nhiên, đó là các nước láng giềng của Trung Quốc phải hiện đại hóa vũ khí và phối hợp với nhau để chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc. Sự tham gia của Nhật Bản và Ấn Độ khiến cho một liên minh khu vực hoàn toàn có thể thành lập. Những nước này sẽ làm nhiều hơn nếu nhận thức rõ rằng họ phải khẳng định và bảo vệ các yêu sách của mình.

Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế là một chiến thắng đối với các đồng minh của Mỹ, khiến cho việc các bên phải xoa dịu hay giải quyết mâu thuẫn trở nên quan trọng hơn. Giải pháp hòa bình là điều có thể nếu các bên đều tránh biến vấn đề này thành một trò chơi chủ nghĩa dân tộc người được người mất. Chỉ có giải pháp được các bên cùng đồng ý mới có thể dàn xếp những xung đột lãnh thổ trong khu vực.

Mỹ nên khuyến khích các giải pháp sáng tạo, bao gồm các diễn đàn song phương và đa phương, có sự tham gia của truyền thông, các nhóm học giả quốc tế, đồng thời kêu gọi chấm dứt các hoạt động không tôn trọng chủ quyền để tránh gây xung đột. Mỹ và các nước đồng mimh nên chứng minh rằng lợi ích của Trung Quốc sẽ được tôn trọng nếu họ chấp nhận thay đổi tình hình./.

Tác giả Doug Bandow chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Cato của Mỹ và là cựu cố vấn đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan. Bài viết đăng trên Tạp chí "National Interest" (ngày 18/7).

Anh Thư (gt)