Sức mạnh quân sự và các hoạt động trên biển phát triển ngày càng thể hiện rõ xu hướng quân sự lấy biển để kiềm chế lục địa. Trong bối cảnh này, Ấn Độ Dương với tư cách là đại dương lớn thứ ba trên thế giới có vị trí địa lý ưu việt, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tuyến giao thông trên biển quan trọng đang dần dần trở thành trung tâm địa-chính trị thế giới mới và cũng là một khu vực quan trọng trong việc cạnh tranh giữa các nước lớn chủ yếu. Để bảo đảm chắc chắn lợi ích chiến lược ở Ấn Độ Dương, những nước lớn này liên tiếp soạn ra hoặc điều chỉnh chính sách Ấn Độ Dương. Điều này bao gồm Mỹ - siêu cường duy nhất.
I- Việc nâng cao vị thế chiến lược của Ấn Độ Dương
Ấn Độ Dương nằm giữa châu Á, châu Đại Dương, châu Phi và Nam Cực, vừa là cầu nối thông suốt 4 châu lục này, vừa là kênh giao thông quan trọng nối liền Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, là đại dương có khoảng cách gần nhất với các thềm lục địa trong 4 đại dương.
Ấn Độ Dương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Nguồn tài nguyên khoáng sản với dầu mỏ và khí đốt tự nhiên là chính, chủ yếu phân bổ ở khu vực Vịnh Pécxích, trữ lượng dầu mỏ chiếm 62% tổng trữ lượng dầu mỏ thế giới, trữ lượng khí đốt tự nhiên chiếm 35% tổng trữ lượng khí đốt tự nhiên thế giới. Ngoài ra, thềm lục địa gần Ôxtrâylia, Vịnh Bengan, biển Hồng Hải, biển Arập, vùng biển phía Đông châu Phi cũng như vùng lân cận đảo Mađagátxca cũng đều phát hiện có dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Về kim loại, trữ lượng măngan, vanađi, crôm, urani của Ấn Độ Dương lần lượt chiếm 85%, 60%, 86%, và hơn 50% trên toàn thế giới, trữ lượng sắt đứng đầu thế giới, hơn nữa chất lượng tương đối tốt.
Ấn Độ Dương là khu vực tập trung nhiều nhất các kênh giao thông đường thủy quan trọng trên thế giới, có eo biển, kênh giao thông quan trọng so với bất cứ đại dương nào. Ấn Độ Dương chiếm 1/9 hải cảng thế giới, 1/5 lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, các côngtennơ vận chuyển qua Ấn Độ Dương hàng năm chiếm 50% số côngtennơ vận chuyển trên toàn thế giới. Dầu thô vận chuyển hàng năm qua Ấn Độ Dương chiếm 46,5% lượng vận chuyển dầu thô bằng đường biển hàng năm trên thế giới, lượng vận chuyển các sản phẩm dầu thô chiếm 70% lượng vận chuyển trên toàn thế giới. Theo thống kê khác, hàng năm có đến hơn 100.000 tàu thuyền qua Ấn Độ Dương, trong đó bao gồm 2/3 tàu chở dầu, 1/3 tàu chở hàng cỡ lớn và 1/2 tàu chở côngtennơ trên thế giới. Hàng năm thương mại quốc tế hai chiều qua Ấn Độ Dương đạt gần 1000 tỷ USD. Trong các đường giao thông quan trọng ở Ấn Độ Dương, vị thế eo biển Malắcca và eo biển Hormuz là nổi bật. Cơ quan thông tin năng lượng của Mỹ đã miêu tả eo biển Malắcca là “yết hầu dầu mỏ thế giới”, mỗi ngày có khoảng 1.500.000 thùng dầu thô vận chuyển qua đây. Điều này có nghĩa là nắm được quyền khống chế Ấn Độ Dương không chỉ có thể lợi dụng một cách đầy đủ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của nó, mà còn có thể lợi dụng việc vận chuyển qua con đường này để kiềm chế các nước khác.
Chính vì vậy, bất cứ một nước lớn nào cũng đều rất coi trọng Ấn Độ Dương, mong muốn có thể chiếm vị thế chủ đạo ở Ấn Độ Dương, hoặc tối thiểu không bị các nước khác kiềm chế. Tuy trong việc tranh giành quyền khống chế biển, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương luôn là chiến trường chính của cuộc đọ sức giữa các nước lớn, nhưng thông qua việc khảo sát lịch sử thay đổi bá quyền thế giới 300 năm qua từ cuộc chiến tranh Napoleon đến nay có thể thấy Ấn Độ Dương là khu vực cạnh tranh lẫn nhau giữa các nước lớn.
Cùng với việc dịch chuyển trung tâm chiến lược, kinh tế và chính trị quốc tế sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trọng điểm quan tâm của các nước lớn về biển trong thế kỷ 21 cũng theo đó chuyển từ khu vực Đại Tây Dương-Thái Bình Dương sang khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương. Ấn Độ Dương dựa vào giá trị địa-chiến lược, nguồn tài nguyên khó có thể thay thế của mình, ngày càng trở thành một chiến trường lớn chủ yếu trong cuộc đọ sức giữa các nước lớn. Học giả nổi tiếng Kaplan của Mỹ nêu rõ: “Quan điểm nào đó cho rằng Ấn Độ Dương vẫn nằm ở vùng rìa chính trị thế giới là một sai lầm. Cướp biển hoạt động điên cuồng ở Xômali, Bombay bị khủng bố tấn công năm 2008 (các phần tử khủng bố từ biển đổ bộ vào) đã chứng minh đầy đủ Ấn Độ Dương đã trở thành vũ đài trung tâm của thế kỷ 21”. Hơn 100 năm trước, Mahan, “cha đẻ của thuyết quyền lực biển”, đã cho biết “ai khống chế được Ấn Độ Dương, người đó khống chế được châu Á. Ấn Độ Dương là điểm nút thông ra 7 biển và đại dương, vận mệnh của thế kỷ 21 sẽ được quyết định bởi Ấn Độ Dương”.
Nhận thấy Ấn Độ Dương ngày càng quan trọng, Mỹ cũng bắt đầu điều chỉnh chính sách Ấn Độ Dương. Trong một loạt văn kiện chính thức công bố, Mỹ đều tỏ ra cần phải tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương. Trong “Chiến lược biển” năm 2007, Mỹ đã tiến hành xác định lại khu vực tập trung nhiệm vụ của lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến, điều chỉnh từ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương truyền thống sang Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ngoài ra, chiến lược này còn nhấn mạnh sẽ bố trí sức mạnh quân sự đầy đủ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương để đe dọa hoặc tấn công bất kỳ nước thù địch nào. “Báo cáo đánh giá quốc phòng 4 năm một lần” công bố năm 2010, “Chiến lược an ninh quốc gia” cũng như “Kế hoạch của Bộ Tư lệnh liên quân mới” đều nâng Ấn Độ Dương lên vị thế ưu tiên trong kế hoạch chiến lược của Mỹ. Trong “Báo cáo đánh giá quốc phòng 4 năm một lần”, Mỹ tỏ ra sẽ ưu tiên việc bảo đảm chắc chắn sự ổn định ở Đại Trung Đông và khu vực Nam Á cũng như lợi ích của Mỹ ở hai khu vực này, và hai khu vực này đều là láng giềng sát vách của Ấn Độ Dương. Báo cáo nêu rõ: “Toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương được duy trì ổn định, Mỹ có lợi ích to lớn, còn khu vực Ấn Độ Dương sẽ phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Ấn Độ Dương đem lại con đường giao thông trên biển không thể thiếu cho sự ổn định khu vực và an ninh năng lượng thế giới, sự phồn thịnh trong thương mại toàn cầu v.v...”. Trong “Duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ: nhiệm vụ ưu tiên quốc phòng thế kỷ 21”, Mỹ lại một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ Dương: “Lợi ích an ninh và kinh tế của Mỹ gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của Tây Thái Bình Dương và Đông Á đến Ấn Độ Dương cũng như khu vực Nam Á. Điều này đưa đến những thách thức ngày càng nghiêm trọng cũng như cơ hội lớn cho Mỹ”.
II- Lợi ích chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương
Tuy chính phủ và các học giả Mỹ cho rằng lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ Dương là đa phương diện, liên quan đến chính trị, kinh tế, an ninh, môi trường, tài nguyên v.v... , nhưng thông qua việc tổng kết lại có thể thấy lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương kỳ thực chủ yếu ở 4 mặt sau:
Thứ nhất, bảo đảm chắc chắn Ấn Độ Dương là tuyến thương mại quốc tế an toàn và thông suốt. Một nhà chiến lược Mỹ từng thể hiện rõ: “Với tư cách là nước thương mại và nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, nếu như tàu thuyền treo cờ Mỹ chịu sự phiền phức và hạn chế trong việc tự do đi lại ở những vùng biển quốc tế, kinh tế Mỹ không thể phồn vinh hoặc sôi động như vậy”.
Chính phủ Mỹ cũng cho rằng toàn cầu an ninh và phồn vinh là dựa vào việc vận chuyển tự do hàng hóa bằng đường biển và đường không bởi vì 90% hàng hóa trên thế giới đều phải thông qua việc vận chuyển bằng đường biển, trong đó đa phần đều phải vận chuyển qua Ấn Độ Dương. Vì vậy, đối với Mỹ việc bảo đảm chắc chắn vận chuyển qua Ấn Độ Dương có thể duy trì liên tục, tự do, an ninh là có ý nghĩa mang tính áp đảo. Mỹ không chỉ nhập khẩu 22% dầu thô qua Ấn Độ Dương, mà còn để phát triển kinh tế, nước này cũng phải vận chuyển qua nơi đây 50 loại tài nguyên khoáng sản. Tuy đối với Mỹ, sự phụ thuộc vào Ấn Độ Dương không phải là quá nghiêm trọng, nhưng đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philíppin, Ấn Độ, Xinhgapo lại rất muốn dựa vào Ấn Độ Dương để vận chuyển nguồn năng lượng. Do 75% dầu lửa ở khu vực Đông Á đều muốn vận chuyển qua Ấn Độ Dương, thị trường dầu lửa lại mang tính toàn cầu, một khi con đường vận chuyển này bị gián đoạn, điều này sẽ có thể ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế toàn cầu cũng như an ninh của Đông Á, từ đó ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ. Về điểm này, “Báo cáo hợp tác về quyền lợi biển thế kỷ 21” nêu rõ: “Lực lượng tác chiến có khả năng dựa vào của chúng ta sẽ có thể tiếp tục hiện diện ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương để bảo đảm lợi ích quan trọng của chúng ta. Lực lượng này tuân thủ những cam kết đưa ra trong việc giữ vững an ninh khu vực đối với các nước đồng minh và đối tác của chúng ta; ngăn chặn kẻ thù tiềm tàng và các nước cạnh tranh v.v... cho phép lực lượng trên biển của chúng ta tự do hành động, cũng như không cho phép kẻ thù có ý đồ thông qua việc bao vây tin tức quan trọng và tuyến đường thương mại trên biển để cản trở việc cung ứng trên toàn cầu”.
Thứ hai, khống chế dầu mỏ của khu vực Trung Đông. Đối với kinh tế Mỹ, dầu mỏ là nguồn tài nguyên quan trọng vì dầu mỏ đã đáp ứng đầy đủ 40% nhu cầu nguồn năng lượng của Mỹ. Do sự khiếm khuyết giữa sản lượng với nhu cầu quá lớn, an ninh năng lượng vẫn luôn là vấn đề tính toán hàng đầu của các khóa Chính phủ Mỹ. Vịnh Pécxích là khu vực có nguồn dầu mỏ phong phú nhất trên thế giới, là nơi cung ứng nguồn năng lượng quan trọng nhất trên toàn cầu. Khống chế nguồn dầu mỏ ở khu vực này có thể giảm bớt một cách hiệu quả nguồn năng lượng của Mỹ. Mấy năm gần đây, dầu mỏ của Mỹ nhập khẩu từ Vịnh Pécxích chiếm 16% tổng nhập khẩu dầu mỏ của nước này. Arập Xêút là nước cung ứng dầu mỏ lớn thứ ba của Mỹ. Tuy lượng cung ứng ít hơn so với Canađa và Mêhicô, nhưng gián đoạn sự cung ứng dầu mỏ từ Arập Xêút sẽ có thể phá vỡ 3% GDP của Mỹ. Chính vì thế, việc cung ứng dầu mỏ của Arập Xêút cần phải cao hơn Canađa và Mêhicô. Do đó, rất nhiều tổ chức, tập đoàn và chuyên gia Mỹ cảnh báo tuy Mỹ trực tiếp nhập khẩu dầu mỏ từ vịnh Pécxích không phải là nhiều, nhưng bất kỳ việc cung ứng dầu mỏ của nước công nghiệp nào bị gián đoạn đều sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Do toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc cũng như các nước không ngừng dựa vào nhau tồn tại, việc cung ứng dầu mỏ từ Vịnh Pécxích bị gián đoạn sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Không chỉ như vậy, một nhà chiến lược Mỹ còn cho rằng việc khống chế dầu mỏ của Vịnh Pécxích càng có ý nghĩa quan trọng đó là: nó có thể khiến cho Mỹ chiếm vị trí chủ đạo trong tình hình năng lượng toàn cầu, có thể gây ảnh hưởng đối với những nước nhập khẩu dầu mỏ quan trọng, truyền bá tư tưởng của Mỹ cho những nước này để các nước này không dễ nảy sinh xung đột với Mỹ, từ đó duy trì sự bá quyền của Mỹ. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng vì sao năm 2003, Mỹ đã kiên quyết phát động cuộc chiến tranh Irắc. Tuy Mỹ giương cao ngọn cờ chống khủng bố, chỉ trích và tố cáo Chính quyền Saddam Hussein trao đổi qua lại với tổ chức khủng bố và có ý đồ phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng đa số các nhà phân tích cho rằng ý đồ thực sự của Mỹ là cần phải khống chế nguồn năng lượng của Vịnh Pécxích, từ đó khống chế tình hình năng lượng toàn cầu.
Thứ ba, ngăn chặn các nước không hữu nghị với Mỹ giữ vai trò chủ đạo Ấn Độ Dương, đặc biệt là con đường yết hầu của Ấn Độ Dương. Trong mắt người Mỹ, có hai con đường yết hầu của Ấn Độ Dương: một là phía Đông eo biển Malắcca và kéo dài đến Biển Đông, chủ yếu ngăn chặn đối tượng là Trung Quốc đang ngày càng trỗi dậy; hai là, eo biển Hormuz, ngăn chặn đối tượng là Iran. Mỹ luôn cảm thấy lo ngại trước thực lực của Trung Quốc không ngừng tăng lên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc tất nhiên sẽ thách thức lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực này: “Về lâu dài cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là cường quyền khu vực sẽ có thể ảnh hưởng đến lợi ích an ninh, kinh tế của Mỹ v.v.... Sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc không minh bạch, ý đồ chiến lược cũng không rõ ràng có thể sẽ khiến cho hai nước va chạm ở khu vực này”.
Một bộ phận học giả Mỹ cho rằng từ Đông Nam Á đến bờ biển phía Đông châu Phi, Trung Quốc không chỉ đã giành được sự cung ứng về năng lượng, mà còn đã nâng cao sức ảnh hưởng ở khu vực này. Có thể dự đoán cùng với sự tăng cường ảnh hưởng kinh tế đối với các chính phủ nơi đó, quyền lực của Trung Quốc giành được thông qua các kênh phi chính thức sẽ có thể nâng cao khả năng phát động cuộc tấn công hải quân của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương. “Bắt đầu từ năm 2008, Trung Quốc tiếp tục cử tàu chiến đến vịnh Aden. Điều này không chỉ thể hiện rõ Trung Quốc có khả năng tấn công trên biển ở cự ly rất xa, mà còn cho thấy quân đội Trung Quốc đã thành thục trong hoạt động đánh chặn trên biển ở những vùng biển Ấn Độ Dương và các nước khác, khiến cho Bắc Kinh vừa nâng cao được năng lực, vừa giành được uy tín.” Căn cứ vào những phán đoán này, một số chuyên gia Mỹ chủ trương muốn ngăn chặn Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo Ấn Độ Dương. “Chiến công oanh liệt của Trịnh Hòa khi đến đại dương phía Tây đã nâng cao thực lực mềm của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương khi đó, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, và hiện nay Mỹ không thể để cảnh tượng này tái hiện, không thể khiến cho Trung Quốc chiếm vị thế chủ đạo ở khu vực Ấn Độ Dương. Đối với ý đồ và hành động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, Mỹ cần phải quan tâm chú ý”.
Ở Tây Ấn Độ Dương, Mỹ chủ yếu ngăn chặn Iran . Từ năm 1979, khi Iran xảy ra cuộc cách mạng Hồi giáo đến nay, quan hệ Mỹ-Iran luôn trong tình trạng căng thẳng. Tuy sức mạnh tổng hợp của Mỹ vượt xa Iran, nhưng Iran chốt giữ eo biển Hormuz. Eo biển này là con đường yết hầu quan trọng nhất trên thế giới, liên quan đến an ninh khu vực Vùng Vịnh và vận chuyển toàn bộ nguồn năng lượng trên thế giới. Hơn nữa, Iran có khả năng bố trí ngư lôi, tên lửa chống hạm, tàu ngầm tấn công. Điều này tạo thành mối đe dọa rất lớn đối với quân Mỹ đóng tại Vùng Vịnh, đồng minh của Mỹ cũng như việc vận chuyển giao thông trên biển. Cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ William Fallon từng nói: “ Iran có khả năng cản trở toàn bộ việc vận chuyển của vịnh Pécxích v.v.... Xét thấy trong thời gian ngắn, hải quân của Iran có thể sử dụng ngư lôi và lực lượng cảnh vệ bờ biển để đóng cửa eo biển Hormuz.
Tháng 12/2011, để chống lại sự trừng phạt của Mỹ, Iran đã rêu rao rằng cần phải phong tỏa eo biển Hormuz. Điều này đã làm cho Mỹ thêm phần lo lắng.
Đối với Mỹ, để tránh nguy hại đến lợi ích chiến lược của Mỹ và các nước đồng minh của mình, bất luận thế nào đều không thể khiến cho Iran chiếm vị trí chủ đạo ở Ấn Độ Dương, nhất là Vịnh Pécxích.
Thứ tư, đối phó với mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Ấn Độ Dương là khu vực xảy ra nhiều sự kiện an ninh phi truyền thống. Khu vực này kéo dài từ Đông Nam Á, Nam Á, đến Trung Đông và bờ biển phía Đông châu Phi, bao gồm rất nhiều “nước bất bình thường". Những nước này thường ở tình trạng rối ren, từ đó đã sinh ra mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Theo tạp chí “Chính sách ngoại giao” của Mỹ năm 2010, thế giới có 25 “nước bất bình thường”, khu vực Ấn Độ Dương đã chiếm đến 9 nước, trong đó Xômali đứng đầu trong số đó. Theo thống kê khác, 19% nước ở khu vực Ấn Độ Dương đều tồn tại xung đột vũ trang ở những mức độ khác nhau, 31% gặp phải mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, 33% gặp phải mối đe dọa của cướp biển, 39% tồn tại những nguy cơ chính trị ở mức độ khác nhau, 53% lâu nay có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng, 56% phải chịu sự phiền nhiễu của nạn buôn lậu súng ống, ma túy v.v... Ngoài ra, Ấn Độ Dương cũng là khu vực liên tiếp xảy ra các thảm họa thiên tai, 70% các thảm họa trên thế giới đều xảy ra ở nơi đây. Điều quan trọng hơn, Ấn Độ Dương vẫn là nơi hội tụ của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông và Đông Nam Á.
Một nhà bình luận từng căn cứ vào đó để cho rằng Ấn Độ Dương là “chiếc hồ của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo”. Những năm gần đây, nạn cướp biển ở Ấn Độ Dương không ngừng tăng lên. Theo báo cáo của Cục các công việc biển quốc tế, từ năm 2003 đến năm 2008, 66,34% các vụ cướp biển đều xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương, năm 2009, con số này là 73%, năm 2010 là 64%, năm 2011 là 65,6%. Từ năm 2008 đến năm 2010, số tiền chuộc các chủ tàu phải trả cho bọn cướp biển ở Xômali đã vượt qua 178 triệu USD, tăng bình quân 36 lần. Trong khoảng thời gian tương tự, các cuộc tấn công của cướp biển Xômali vào tàu buôn của Mỹ và các nước đồng minh đã nâng lên 309%.
Tháng 4/2009, một chiếc tàu buôn của Mỹ đã bị uy hiếp, đây là lần đầu tiên trong 200 năm qua, Mỹ đã gặp phải sự uy hiếp của cướp biển. Tháng 2/2011, một chiếc tàu du lịch của Mỹ cũng gặp phải sự uy hiếp của cướp biển, 4 người Mỹ bị hại. Tháng 4/2011, một chiếc tàu chở dầu của Hy Lạp đến Mỹ cũng gặp phải cướp biển, và sau khi nộp 11 triệu USD mới được thả. Mỹ rất coi trọng vấn đề cướp biển. Ngay từ “Chiến lược an ninh biển quốc gia” được công bố năm 2005, Mỹ tuyên bố: “An ninh và nền kinh tế an toàn của Mỹ dựa vào an ninh biển thế giới, còn những tội phạm và cướp biển có tổ chức và có vũ trang đang tạo thành mối đe dọa an ninh biển quốc tế”. Để đối phó với mối đe dọa đó, Chính quyền Bush đã công bố “chính sách tấn công cướp biển và các tội phạm khác trên biển”.
III- Chính sách Ấn Độ Dương của Mỹ
Để thực hiện những mục tiêu trên, bảo đảm chắc chắn lợi ích của nước mình và các nước đồng minh không phải chịu thiệt hại, Mỹ đã áp dụng một loạt biện pháp. Những biện pháp này đã tạo thành chính sách Ấn Độ Dương của Mỹ.
Thứ nhất, tích cực xây dựng vai trò lãnh đạo mang tính toàn cầu và khu vực của Ấn Độ. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ Mỹ-Ấn Độ về tổng thể tương đối lạnh nhạt. Tổng thống Ấn Độ, Indira Gandhi, từng công khai phản đối việc xây dựng bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài ở khu vực Ấn Độ Dương, và cho rằng Ấn Độ Dương cần phải là khu vực hòa bình. Ông còn giữ thái độ phê phán gay gắt đối với sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Diego Garcia, chỉ trích đó là sự thể hiện tập trung của Mỹ trong việc thúc đẩy chính sách chủ nghĩa thực dân mới và chủ nghĩa đế quốc, đe dọa đến hòa bình của khu vực Ấn Độ Dương. Nhưng cùng với Chiến tranh Lạnh kết thúc và việc điều chỉnh chính sách ngoại giao của Ấn Độ, quan hệ Mỹ-Ấn đã được cải thiện rất lớn. Đặc biệt là chuyến thăm lịch sử của Bill Clinton năm 2000 đến Ấn Độ đã khiến cho quan hệ hai nước có những “bước nhảy vượt bậc”. Chính quyền Bush tỏ rõ “sẽ giúp Ấn Độ trở thành nước lớn chủ yếu trên thế giới trong thế kỷ 21”.
Tổng thống Obama không chỉ đã kế thừa cách làm của Bush, mà còn khiến cho quan hệ hai nước xích lại gần nhau hơn. Trong bài diễn thuyết đầu tiên, Obama đã nói: “Mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta phát triển nhanh chóng và sâu sắc sẽ có thể đem lại điều tốt đẹp cho toàn thế giới. Dân chúng Ấn Độ cần phải biết rằng họ không có người bạn và đối tác nào tốt hơn dân chúng Mỹ”. Cụ thể là khu vực Ấn Độ Dương, thái độ của Ấn Độ đối với căn cứ quân sự của Mỹ ở Diego Garcia đã có phần thay đổi. Các nhà chiến lược Ấn Độ đã ý thức được rằng trong mấy chục năm tới, Mỹ vẫn sẽ là cường quốc quân sự và kinh tế trên thế giới, là sức mạnh chủ yếu của trật tự quốc tế, và sự ổn định này đang rất cần cho Ấn Độ phát triển kinh tế nhanh chóng, nâng cao sức mạnh tổng hợp. Vì thế, giai đoạn hiện nay, Ấn Độ coi các hoạt động quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương là nhân tố quan trọng ổn định tình hình Ấn Độ Dương, và đã chấp nhận thực tế sự tồn tại căn cứ quân sự ở Diego Garcia , cho rằng đây là trung tâm quan trọng trong việc phát huy vai trò của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương. Không chỉ như vậy, năm 2001 và 2004, Ấn Độ và Mỹ đã tập trận chung ở Diego Garcia . Còn Mỹ cũng thừa nhận vị thế quan trọng của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương, coi Ấn Độ là sức mạnh chủ yếu để giữ vững hòa bình và an ninh Ấn Độ Dương và khu vực xung quanh. Có học giả Mỹ nêu rõ: “Mấy năm gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ có những tiến triển rất lớn, Mỹ cần phải tiếp tục đề cao mối quan hệ với Ấn Độ. Điều này có thể khiến cho Mỹ có nước đồng minh lớn mạnh, mang tính chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương, có lợi cho việc duy trì lợi ích của Mỹ ở khu vực này”. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Gates cũng coi Ấn Độ là đối tác chiến lược có thể tin cậy dựa vào.
Thứ hai, dốc sức phát triển mối quan hệ hữu nghị với các nước quan trọng Trung Đông và ASEAN. Trong các nước ASEAN, Mỹ coi trọng việc phát triển và đề cao mối quan hệ với Inđônêxia. Chính quyền Obama coi Inđônêxia là một cơ hội quan trọng để Mỹ nâng cao an ninh ở châu Á bởi vì Inđônêxia là nhà nước lớn nhất trong khối ASEAN, dân số lớn thứ 4 trên thế giới, là thành viên G-20, đồng thời còn là nhà nước dân chủ. Về các mặt như đối phó với các công việc toàn cầu và khu vực như chống khủng bố, tấn công cướp biển, hoạt động gìn giữ hòa bình và cứu nạn, Inđônêxia sẽ trở thành đối tác ngày càng quan trọng của Mỹ. Không chỉ như vậy, vị thế chiến lược của Inđônêxia rất quan trọng, tiếp giáp với Ấn Độ Dương, hơn nữa còn chốt giữ eo biển Malắcca. Eo biển này là con đường giao thông quan trọng trong việc nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc. Điều này khiến cho quần đảo Inđônêxia ở vị trí chiến lược có thể ảnh hưởng đến an ninh vận chuyển đường biển của Trung Quốc. Mỹ cho rằng phát triển quan hệ với Inđônêxia có lợi cho việc chặn đánh Trung Quốc. Với tầm quan trọng của Inđônêxia, học giả Huntington nêu rõ: “Inđônêxia với tư cách là nền văn minh đế quốc biển cũng như Việt Nam trải qua 5000 năm chống lại ách đô hộ của Trung Quốc, điều này có nghĩa hai nước có thể cùng với Ấn Độ cân bằng sức mạnh của Trung Quốc trong việc giữ vai trò chủ đạo châu Á trong tương lai. Sức mạnh này thậm chí đã vượt qua vai trò của Nhật Bản”. Trên thực tế, quan hệ giữa Mỹ và Inđônêxia mấy năm gần đây đã có những thay đổi rất lớn. Inđônêxia là điểm đến đầu tiên sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary nhậm chức. Điều này cho thấy Mỹ đã thừa nhận Inđônêxia là nhà nước quan trọng trong sự trỗi dậy của châu Á. Trong “Báo cáo đánh giá quốc phòng 4 năm một lần” năm 2010, Mỹ thể hiện rõ muốn cùng Inđônêxia xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược vững chắc, dốc sức vào đối phó với chủ nghĩa khủng bố khu vực này, buôn bán ma túy và viện trợ nhân đạo. Trong lần đến thăm Inđônêxia tháng 11/2010, Tổng thống Obama một lần nữa nhắc lại cần phải tăng cường quan hệ với Inđônêxia, giữ vững hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ở khu vực Vùng Vịnh, Mỹ tương đối coi trọng Arập Xêút. Hai nước cùng hưởng lợi ích chung trong việc kiềm chế Iran, đối phó với các mối đe dọa của tổ chức Al Qaeda ở Yêmen, tấn công cướp biển Xômali, bảo đảm chắc chắn sự ổn định khu vực Vùng Vịnh cũng như xuất khẩu dầu mỏ khu vực Vùng Vịnh. Arập Xêút là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ hiện nay ở khu vực Vùng Vịnh. Nếu tình hình của Irắc không ổn định cũng như mối quan hệ giữa Irắc và Iran không rõ ràng, Arập Xêút vẫn là nước đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực này. Tháng 12/2011, Mỹ và Arập Xêút đã ký hiệp định bán vũ khí trị giá 29,4 tỷ USD. Hiệp định này vẫn chỉ là một phần trong kế hoạch bán vũ khí trị giá 60 tỷ USD cho Arập Xêút trong 10 năm của Mỹ. Hiệp định này đã được ký sau khi Iran đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormuz. Từ đó Mỹ chứng tỏ với Iran cũng như các nước Vùng Vịnh khác rằng: Mỹ sẽ thực hiện cam kết duy trì an ninh và ổn định Vùng Vịnh và Đại Trung Đông. Một quan chức cấp cao Arập Xêút nói: “Nhìn quy mô bán vũ khí thì biết hai nước có mối quan hệ ra sao. Quan hệ Mỹ-Arập Xêút rất vững chắc, bất kỳ sự bất đồng nào đều sẽ ảnh hưởng đến nội dung trọng tâm của mối quan hệ hai nước”.
Ngoài ra, Mỹ còn tích cực phát triển quan hệ với các nước tương đối quan trọng bên bờ Ấn Độ Dương như Xinhgapo và Baranh. Xét thấy thực lực của Ôxtrâylia tương đối mạnh cũng như mối quan hệ hữu nghị truyền thống với mình, Mỹ tương đối coi trọng Ôxtrâylia ở khu vực Nam Ấn Độ Dương.
Thứ ba, củng cố và đẩy mạnh vai trò căn cứ quân sự ở Diego Garcia. Vị trí chiến lược của căn cứ quân sự Diego Garcia rất quan trọng, nằm ở miền Trung Ấn Độ Dương, là một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất trên thế giới của Mỹ. Không chỉ như vậy, Diego Garcia còn sát gần với các tuyến vận chuyển chủ yếu của Ấn Độ Dương, kiểm soát tuyến giao thông trên biển ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, các eo biển và những vùng biển rộng lớn, có thể phát động cuộc tấn công từ hai phía Đông và Tây để hỗ trợ hành động quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông.
Trong thời gian diễn ra chiến tranh Vùng Vịnh, Ápganixtan và Irắc, căn cứ này đều đã phát huy vai trò quan trọng trong việc giành thắng lợi của quân Mỹ. Chính vì vậy, Diego Garcia được cho là “tàu sân bay không chìm” của Mỹ ở Ấn Độ Dương, là căn cứ quân sự quan trọng nhất bảo đảm hậu cần và các hành động trên biển, trên không của Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đối với vai trò đặc biệt này, Thượng tướng hải quân Mỹ McCain nói: “Tầm quan trọng của Diego Garcia đối với Ấn Độ Dương giống như tầm quan trọng của Malta đối với Địa Trung Hải”. Nhà phân tích an ninh Mỹ, John Peck, cũng nói: “Diego Garcia là căn cứ quân sự quan trọng nhất của Mỹ bởi vì nó có thể khiến cho Mỹ khống chế 1/2 châu Phi, phía Nam châu Á và miền Nam của Đại lục Âu-Á, giúp Mỹ có những phản ứng nhanh trước tình hình Vùng Vịnh. Nếu không có Diego Garcia, Mỹ cũng sẽ nghĩ cách xây dựng một căn cứ khác”. Còn có một số nhà phân tích Mỹ đã giải thích tầm quan trọng của căn cứ này từ góc độ kiềm chế Trung Quốc: “Gạt căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc ra một bên, chỉ có Diego Garcia và đảo Guam có thể tính là căn cứ quân sự phương Tây thuần túy. Căn cứ này nằm gần nhất tuyến vận chuyển nhập khẩu dầu mỏ gần nhất của Trung Quốc từ Trung Đông và châu Phi thông qua Ấn Độ Dương, eo biển Malắcca, Biển Đông, và có thể dùng căn cứ này để kiềm chế Trung Quốc”. Để khiến cho căn cứ này phát huy vai trò lớn hơn, Mỹ đã khởi động công tác cải tạo căn cứ chia thành 4 giai đoạn, và muốn xây dựng thành căn cứ hải quân cao cấp, toàn diện và là trung tâm hậu cần hoàn thiện. Vì thế, kế hoạch đầu tư của Mỹ là 232 triệu USD, đến năm 2013 sẽ hoàn thành công việc cải tạo.
Thứ tư, lãnh đạo hoặc tham gia các hành động song phương hoặc đa phương để đối phó với mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Để đối phó với mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở Ấn Độ Dương, Mỹ thường xuyên tổ chức tập trận quân sự song phương hoặc đa phương với Inđônêxia, Xinhgapo, Ấn Độ, Pakixtan, Arập Xêút. Nội dung đề cập đến chống khủng bố, tấn công cướp biển, viện trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình, chống buôn bán ma túy v.v... Về mặt chống khủng bố, Mỹ là nước lãnh đạo ở khu vực Ấn Độ Dương. Điều này thể hiện rõ ở việc Mỹ lãnh đạo và phát động cuộc chiến tranh Ápganixtan và Irắc. Về mặt chống cướp biển, tháng 1/2009, Mỹ đã công bố: “Kế hoạch hành động và quan hệ đối tác: cuộc chiến chống cướp biển ở vùng Sừng châu Phi”, kêu gọi các ban ngành của Mỹ cần phải tích cực ủng hộ chính sách chống cướp biển của nhà nước. Mỹ cũng tỏ ra ủng hộ một loạt nghị quyết tấn công cướp biển ở Xômali được Quốc hội thông qua. Trong hành động thực tế, Mỹ không chỉ đã tham gia “hành động lá chắn đại dương” do NATO lãnh đạo, mà còn lãnh đạo việc xây dựng Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp số 151 (CTF 151), nhiệm vụ hàng đầu là triển khai hành động chống cướp biển ở Vịnh Aden và Xômali của vùng biển Ấn Độ Dương. Lực lượng này do 24 chính phủ và 5 tổ chức quốc tế và khu vực tạo nên, Mỹ chịu trách nhiệm điều hành. Hơn nữa, CTF 151 là do CTF 150 tạo thành, CFT 150 chủ yếu là do hải quân 9 nước như Mỹ, Anh, Pháp tạo ra, trụ sở chính đặt tại Baranh, hải quân các nước sẽ lần lượt thay nhau nắm quyền chỉ huy. Hiện nay, CTF 151 là một trong những hạm đội bảo vệ chủ yếu ở vùng biển Xômali.
IV- Ảnh hưởng đối với Trung Quốc
Từ những phân tích trên có thể thấy chính sách Ấn Độ Dương của Mỹ đã mang màu sắc kiềm chế Trung Quốc rõ rệt. Bản chất của nó là giành vị thế chủ đạo Ấn Độ Dương, luôn chi phối khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này không còn nghi ngờ sẽ đem lại một số ảnh hưởng tiêu cực cho Trung Quốc.
Thứ nhất, đã tạo thành thách thức đối với việc vận chuyển an toàn trên biển của Trung Quốc. Ấn Độ Dương vô cùng quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hải của Trung Quốc. Đa số dầu mỏ và khí đốt Trung Quốc đặt mua đều từ Trung Đông và châu Phi, nguồn khoáng sản đặt mua từ nước ngoài đa phần là ở các nước Tây Phi và những vùng phía Đông Nam Mỹ, Ôxtrâylia. Từ bán đảo Arập đến tuyến vận chuyển trên biển phía Tây Thái Bình Dương được cho là con đường tơ lụa mới trên biển. Ấn Độ Dương bao trùm đại bộ phận con đường tơ lụa trên biển này, là kênh giao thông trên biển quan trọng trong việc nhập khẩu nguồn tài nguyên chiến lược và thương mại đối ngoại của Trung Quốc. Trong đó, dầu mỏ nhập khẩu bằng tuyến đường vận chuyển từ Vịnh Pécxích qua Bắc Ấn Độ Dương xuyên qua eo biển Malắcca ước tính chiếm 50% tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc; dầu mỏ nhập khẩu bằng tuyến vận chuyển từ Tây Phi, Đông Nam Phi qua Nam Ấn Độ Dương xuyên qua eo biển Malắcca chiếm khoảng 30% tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ dự tính đến năm 2035, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 70-80% dầu thô từ Trung Đông. Không chỉ như vậy, việc nhập khẩu những nguồn tài nguyên chiến lược khác của Trung Quốc như quặng sắt, quặng măngan, crôm cũng như kim loại màu cũng chủ yếu vận chuyển qua Ấn Độ Dương. Về tổng thể, 40% thương mại xuất nhập khẩu của Trung Quốc đều qua Ấn Độ Dương. Điều này có nghĩa một khi con đường vận chuyển qua Ấn Độ Dương bị gián đoạn, an ninh và kinh tế của Trung Quốc sẽ có thể bị chịu ảnh hưởng lớn. Tuy Mỹ nhiều lần nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu của mình ở Ấn Độ Dương là bảo đảm chắc chắn tuyến vận chuyển đường biển lưu thông, nhưng do luôn có tâm lý phòng ngừa tương đối mạnh đối với Trung Quốc, rất khó bảo đảm việc Mỹ sẽ không lợi dụng tuyến vận chuyển qua Ấn Độ Dương để chèn ép Trung Quốc trong bất cứ tình huống nào.
Thứ hai, không có lợi cho Trung Quốc trong việc cải thiện mối quan hệ với các nước Ấn Độ Dương, nhất là quan hệ với Ấn Độ. Để kiềm chế Trung Quốc, Mỹ và các nước chủ yếu ở Ấn Độ Dương kết thành đồng minh hoặc duy trì mối quan hệ hữu nghị, cho rằng điều đó có 3 điểm tốt sau: một là, có lợi cho việc khuyên ngăn Trung Quốc hoặc các nước khác theo đuổi vị thế bình đẳng với Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương, bảo đảm chắc chắn tuyến giao thông đường biển được thông suốt; hai là, ngoài khu vực lợi ích trọng tâm nhạy cảm nhất của Bắc Kinh, Ấn Độ Dương đã tạo ra một khu vực có thể chứng minh rằng việc Bắc Kinh không ngừng mở rộng quyền lực sẽ dẫn đến sự phản đối của các nước trong khu vực đó; ba là, tạo ra một phương thức hợp tác an ninh, phương thức này có thể đề phòng những nước lớn chủ yếu như Trung Quốc hoặc các nước khác đơn phương đối phó với chủ nghĩa khủng bố của khu vực Ấn Độ Dương, cướp biển và những thách thức khác trên biển. Đối với một nước có thực lực mạnh nhất khu vực Ấn Độ Dương như Ấn Độ, Mỹ đặc biệt mong muốn có thể dựa vào. Một quan chức cấp cao của Mỹ từng tỏ rõ: “Trung Quốc chính là nhân tố trọng tâm khiến chúng ta khích lệ Ấn Độ trỗi dậy trở thành nước lớn trên thế giới”. Còn học giả Kaplan cũng nêu rõ: “Từ góc độ quân sự cho thấy sự trỗi dậy của Ấn Độ sẽ là sự lớn mạnh của hải quân, điều này khiến cho Ấn Độ có thể phát huy sức mạnh ở Ấn Độ Dương, trên phương diện cân bằng sức mạnh của Trung Quốc, Ấn Độ là một lực lượng quan trọng”. Tính đến nhân tố Trung Quốc, Chính quyền Obama đặc biệt mong muốn nâng cao một cách toàn diện mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ bởi vì Chính quyền Obama thực thi chiến lược bao vây đối với Trung Quốc chính là tạo điều kiện khiến cho Ấn Độ trở thành thành phần không thể tách rời Mỹ trong khâu quân sự ở châu Á. Nếu Trung Quốc trở nên không ổn định, Mỹ có thể cùng với Ấn Độ xây dựng một liên minh vững chắc để đề phòng sự mở rộng của Trung Quốc. Cách làm này của Mỹ hiển nhiên không có lợi cho Trung Quốc phát triển mối quan hệ với các nước Ấn Độ Dương, đặc biệt là quan hệ với Ấn Độ. Vì vậy, mối quan hệ Trung-Ấn tương đối phức tạp, Ấn Độ tương đối cảnh giác đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, phê bình khéo léo đối với việc giao lưu của Trung Quốc với các nước bên bờ Ấn Độ Dương. Ấn Độ cho rằng một khi thực lực của Trung Quốc vượt qua các nước khác ở châu Á, Trung Quốc sẽ có thể dùng sức mạnh này để kiềm chế sự trỗi dậy của Ấn Độ. Ấn Độ lo lắng ý đồ của Trung Quốc là mang tính bành trướng, có ý đồ theo đuổi quyền lực, không tuân thủ 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, làm thiệt hại đến lợi ích của Ấn Độ. Từ đó, các nhà lãnh đạo Ấn Độ suy đoán cùng với thực lực của Trung Quốc gia tăng, Trung Quốc sẽ có thể theo đuổi bá quyền ở Ấn Độ Dương. Chiến lược của Trung Quốc mang tính cơ hội, lợi dụng sự yếu kém của Ấn Độ trong việc uy hiếp và tấn công các thế lực bên ngoài để làm lớn mạnh bản thân. Một trung tướng hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu bày tỏ: “Trung Quốc theo đuổi việc trở thành một nước lớn chủ yếu của khu vực Ấn Độ Dương là không thể tránh khỏi. Các hoạt động xây dựng cảng của Trung Quốc ở các nước xung quanh Ấn Độ như cảng Gwadar của Pakixtan, Sittwe của Mianma, Hambantota của Xrilanca là những biểu hiện rất rõ ràng. Trung Quốc đã xây dựng trạm do thám trên đảo Coco của Mianma rất gần đảo Andaman của Ấn Độ. Đối với những hành động này của Trung Quốc, chúng ta cần giám sát chặt chẽ”. Cho dù theo phong cách và truyền thống ngoại giao của Ấn Độ, Ấn Độ không thể kết thành đồng minh với Mỹ, nhưng điều này không có nghĩa là Ấn Độ không thể dựa vào sức mạnh của Mỹ để cân bằng Trung Quốc, và khi đó Ấn Độ nâng cao con bài đàm phán, khiến cho Trung Quốc rơi vào thế bị động.
Thứ ba, khiến cho tình hình Biển Đông phức tạp hơn. Phía Tây Biển Đông thông với eo biển Malắcca của Ấn Độ Dương, phía Đông tiếp giáp với Tây Thái Bình Dương, là kênh giao thông quan trọng giữa hai đại dương. Mỹ tuyên bố có lợi ích quan trọng ở Biển Đông, chính sách Ấn Độ Dương mà Mỹ soạn ra cũng bao trùm cả Biển Đông. Mỹ cho rằng cùng với sức mạnh quân sự của Trung Quốc không ngừng nâng lên, quyền lực của Trung Quốc sẽ dần dần thách thức Mỹ ở Biển Đông. Nếu xu thế này theo đà phát triển sẽ có thể phá vỡ việc duy trì sự cân bằng ở khu vực này từ cuộc đại chiến Thế giới thứ Hai đến nay, từ đó tạo thành mối đe dọa đối với tuyến vận chuyển trên biển. Tuy khu vực này hiện vẫn triển khai mọi hoạt động bao gồm hoạt động thương mại và quân sự với mục đích hòa bình, nhưng Trung Quốc không chỉ có thể thông qua những quy định về biển vẫn còn tranh cãi, mà còn có thể thông qua việc nâng cao sức mạnh quân sự để răn đe các nước khác tiến vào thách thức việc triển khai này. Vì vậy, Biển Đông sẽ có thể trở thành một trọng điểm chiến lược quyết định vị thế lãnh đạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ trong tương lai. Căn cứ vào phán đoán này, để bảo đảm cái gọi là lợi ích của Mỹ và các nước đồng minh ở Biển Đông cũng như trật tự biển vẫn tồn tại lâu nay, đạt được mục đích kiềm chế Trung Quốc, Mỹ không chỉ ra sức nâng cao sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà còn tích cực phát triển quan hệ với các nước ASEAN, đặc biệt là quan hệ với các nước có tranh chấp quyền lợi biển với Trung Quốc, và hoan nghênh Ấn Độ mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông. Ngoại trưởng Hillary từng tuyên bố: “Mỹ và các nước ASEAN không thể lại một lần nữa chịu ức hiếp”. Điều này đã phát đi tín hiệu mạnh với các nước ASEAN rằng: Mỹ không chỉ sẽ đối xử chân thành với khu vực này, mà còn sẽ theo đuổi việc đề cao mối quan hệ với các nước ASEAN, và tích cực trao đổi qua lại với các quốc gia này. Mỹ nhúng tay vào các công việc Biển Đông tất sẽ khiến cho tình hình Biển Đông trở nên ngày càng phức tạp hơn.
Kết luận
Cùng với việc nâng cao vị thế chiến lược của Ấn Độ Dương, các nước lớn chủ yếu trên thế giới đều mong muốn có chỗ đứng vững chắc ở Ấn Độ Dương hoặc không phải chịu sự ức hiếp. Với tư cách là siêu cường duy nhất, Mỹ càng muốn chiếm vị thế quan trọng ở Ấn Độ Dương. Vì vậy, chính sách Ấn Độ Dương của Mỹ mang tính chủ đạo, bài xích và can thiệp rõ ràng. Mục đích của chính sách này là để giữ vai trò chủ đạo Ấn Độ Dương, trọng tâm là kiềm chế ảnh hưởng không ngừng mở rộng của Trung Quốc ở khu vực này, đề phòng điều đó tạo thành thách thức đối với Mỹ. Đây là một phần trong chiến lược bao vây Trung Quốc của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ý đồ và cách làm của Mỹ đã làm xấu đi môi trường quốc tế của việc Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, làm trầm trọng thêm việc truyền bá “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”, tăng thêm sức ép vận chuyển an toàn trên biển của Trung Quốc v.v... Tất cả những điều này khiến cho Trung Quốc đứng trước ngày càng nhiều khó khăn trong việc phát triển quan hệ với các nước ven bờ Ấn Độ Dương, gây rối loạn tình hình cân bằng ở Biển Đông, khiến cho tình hình Biển Đông càng trở nên phức tạp hơn. Đối với điều này, Trung Quốc cần lặng lẽ quan sát, phân tích khách quan, toàn diện đối với ý đồ và khả năng của Mỹ ở Ấn Độ Dương, soạn ra chính sách Ấn Độ Dương của riêng mình, lo trước tính sau để bảo vệ lợi ích của bản thân./.
Tạp chí “Nghiên cứu vấn đề quốc tế” - Số 4/2012 – Trung Quốc