Một diễn biến đáng lo ngại đang diễn ra ở khu vực Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng, đặc biệt giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Việt Nam và Philippines. Kể từ khi phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay được công bố, Trung Quốc bắt đầu thể hiện sự tức tối của mình với phán quyết và tỏ rõ ý định không chấp nhận nó. Các vụ tấn công mạng mới đây của Trung Quốc chống lại Philippines và Việt Nam là dấu hiệu báo trước một diễn biến đen tối. 

Các vụ tấn công này cần được xem xét trong một bối cảnh rộng hơn của một trò chơi mà Trung Quốc tiến hành nhằm củng cố những đòi hỏi chủ quyền của nước này đối với khu vực nằm trong “Đường 9 đoạn” và từ chối thực thi phán quyết bằng cách truyền đạt một thông điệp mạnh mẽ tới những ai đang thúc giục Trung Quốc thực thi phán quyết rằng nước này sẽ tiến hành chiến tranh nếu cần thiết để bảo vệ những yêu sách của mình. 

Các vụ tấn công mạng của Trung Quốc đối với Philippines và Việt Nam không phải là chuyện mới. Trước đây, các nước này đã là mục tiêu của các vụ tấn công mạng của Trung Quốc có liên quan tới các vụ việc như vụ tranh chấp Bãi cạn Scarborough hay vụ triển khai giàn khoan dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ và sự lựa chọn mục tiêu cho thấy đây là vụ tấn công lớn nhất đối với hai quốc gia này. Lần này, các tin tặc Trung Quốc tấn công trang chủ của hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại hai sân bay lớn nhất của Việt Nam là Sân bay Quốc tế Nội Bài ở Hà Nội và Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất ở thành phố Hồ Chí Minh, và sau khi kiểm soát được hệ thống phát thanh ở sân bay Hà Nội đã đưa ra tuyên bố phản đối quan điểm của Việt Nam và Philippines về vấn đề Biển Đông. Trước đó, 68 trang điện tử quốc gia và địa phương của Philippines cũng bị tấn công ngay sau khi phán quyết được công bố. Những điều này cho thấy một kế hoạch tấn công mạng có sự chỉ đạo tập trung. 

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã kêu gọi sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh nhân dân trên biển, đối phó với nguy cơ an ninh ngoài khơi và bảo vệ chủ quyền. Vị bộ trưởng này cũng gắn “mối đe dọa trên biển” với an ninh quốc gia, cho thấy Trung Quốc rất chú trọng tới Biển Đông và quyết tâm bảo vệ những đòi hỏi chủ quyền của mình dù phải tiến hành chiến tranh. Ông ta yêu cầu các lực lượng quân đội, cảnh sát và người dân sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Điều này cho thấy các vụ tin tặc tấn công là một phần trong chiến lược lớn của Trung Quốc. 

Học thuyết chiến lược chiến tranh mạng của Trung Quốc là nền tảng cho các hoạt động chống Việt Nam và Philippines gần đây. Trong khái niệm “ngăn chặn chiến lược tích hợp” của Trung Quốc, các hoạt động mạng đóng vai trò trung tâm, theo đó ngăn chặn bằng các hoạt động mạng có thể phục vụ một mục đích tương tự như ngăn chặn bằng hạt nhân trong môi trường quốc tế. Với Trung Quốc, tiến hành chiến tranh mạng là yếu tố quyết định trong chiến lược vươn lên trong hệ thống quyền lực quốc tế và là trọng tâm trong các xung đột quân sự. Do đó, Trung Quốc chủ tâm duy trì thái độ hung hăng trong chiến tranh mạng nhằm ngăn chặn các đối thủ của mình. Ngăn chặn bằng cách dùng tiềm lực thâm nhập vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của đối phương, dùng tình báo công nghệ quân sự để thu thập thông tin quân sự hoặc tình báo công nghiệp để giành lợi thế về kinh tế. Qua việc tấn công trang chủ hãng hàng không quốc gia và kiểm soát hệ thống phát thanh, Trung Quốc đã đưa lực lượng thâm nhập vào một trong nhưng hệ thống hạ tầng quan trọng và bảo mật cao nhất của các đối thủ. Thêm vào đó, Trung Quốc còn có thể thu được những thông tin dữ liệu nhạy cảm của hãng hàng không để sử dụng về sau. 

Khái niệm “Chiến tranh không tiếp xúc” của Trung Quốc cũng giúp để hiểu được các hoạt động mạng của Trung Quốc. Nguyên tắc chính là tiến hành chiến tranh không cần đối đầu với lực lượng của đối phương và giành chiến thắng mà không bị thương vong. Nó sử dụng tất cả mọi tiềm lực quốc gia theo cách tích hợp để tiến hành những hoạt động từ xa nhằm giành được một chiến thắng nhanh chóng và quyết định bằng cách phá hủy, ngăn chặn, tiêu diệt tiềm lực tiến hành chiến tranh cũng như hệ thống kiểm soát và chỉ huy của kẻ thù. Do đó, các vụ tấn công mạng không đơn thuần chỉ là ngăn chặn mà còn nhằm giành được chiến thắng nhanh chóng trong các cuộc xung đột. 

Ở Biển Đông, Trung Quốc đang tiến hành ba cuộc chiến tranh: Một là, chiến tranh tâm lý nhằm truyền đạt tới các bên tranh chấp khác rằng thách thức Trung Quốc là vô ích bởi nước này không chỉ có yêu sách mà còn có nguồn lực mạnh để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Hai là, chiến tranh truyền thông nhằm lôi kéo sự ủng hộ của quốc tế đối với Trung Quốc và “phơi bày” sự yếu thế trong các tuyên bố chủ quyền của đối phương. Ba là, chiến tranh pháp lý để củng cố các yêu sách của mình bằng các bằng chứng lịch sử. Trong cả ba cuộc chiến này, các hoạt động mạng đóng vai trò quan trọng. 

Trong bối cảnh nêu trên, mục tiêu và các hành động của Trung Quốc có thể tiên liệu được. Trước hết, dù thực tế là phán quyết đã vô hiệu hóa những yêu sách của Trung Quốc, song nước này sẽ tiếp tục chứng tỏ rằng phán quyết sai và rằng nước này có những tuyên bố chủ quyền trong lịch sử liên quan tới khu vực “Đường 9 đoạn”. Cuộc xâm lấn bằng bản đồ sẽ được tăng cường. Thứ hai, hệ thống truyền thông của Trung Quốc và các đồng minh sẽ được sử dụng để tạo dựng nên sự ủng hộ của quốc tế và chứng tỏ rằng những tuyên bố chủ quyền của các đối thủ không có cơ sở. Thứ ba, tác động quan trọng nhất sẽ là gây áp lực với các nước tranh chấp để buộc họ phải chấp nhận rằng không thể đối đầu với Trung Quốc, nước có nguồn lực khổng lồ và có thể gây tổn hại tới lợi ích của họ. Các hoạt động tấn công mạng sẽ được tăng cường để đạt mục đích này. Tất cả các hoạt động sẽ đi kèm với nghệ thuật ngoại giao tinh vi để khiến các đối thủ bị chia rẽ. Việc tuyên bố chung của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hồi tháng 7 vừa qua không đề cập tới phán quyết có thể càng khiến Trung Quốc thêm quyết tâm đạt được mục đích của mình bằng cách chia rẽ ASEAN. 

Do đó, các vụ tấn công mạng là nhằm đạt được các mục tiêu lớn hơn ở Biển Đông. Đáng lưu ý là Trung Quốc đã tăng cường năng lực tấn công mạng của mình qua việc thành lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược – một lực lượng quân sự ngang hàng với quân đội, hải quân, không quân và tên lửa của Trung Quốc. Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược bao gồm: Cục 3 Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) với nhân sự là những chuyên gia về tấn công mạng, công nghệ thông tin, phá mã, và ngoại ngữ; Cục 4 có trách nhiệm tiến hành chiến tranh điện tử và tình báo điện tử; và Cục 2 chuyên về tình báo quân sự. Ngoài ra, các cơ quan tình báo dân sự như Bộ An ninh Quốc gia (Tình báo Nước ngoài) và Bộ Công An (Tình báo Trong nước) cũng liên quan tới lực lượng này. Do đó, Trung Quốc hiện đã sẵn sàng tiến hành các chiến dịch tấn công mạng hơn trước. Các nước có tranh chấp cần chuẩn bị cho điều này và tăng cường an ninh cho các hệ thống hạ tầng của mình để sẵn sàng cho sự gia tăng các vụ tấn công trong thời gian tới. 

Các vụ tấn công mạng của Trung Quốc đối với Việt Nam và Philippines là những bài học quan trọng cho Ấn Độ. Trung Quốc đã yêu sách chủ quyền đối với các khu vực gần biên giới hai nước và gọi bang Arunachal Pradesh là Nam Tây Tạng. Nước này cũng đã chiếm một vùng rộng lớn ở bang Jammu và Kashmir bằng một thỏa thuận bất hợp pháp với Pakistan – nước luôn hữu hảo với Trung Quốc. Các lực lượng của Trung Quốc cũng đã có mặt ở khu vực Jammu và Kashmir do Pakistan kiểm soát, nơi họ phải đối mặt với sự phản đối của người dân địa phương. Xét theo tình hình hiện nay, khi Trung Quốc coi Ấn Độ là thù địch bởi ảnh hưởng ngày càng tăng của Ấn Độ ở Đông Nam Á và Ấn Độ ủng hộ quyền tự do hàng hải cũng như hàng không ở khu vực Biển Đông – một cách phản đối những yêu sách chủ quyền “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc, thì các vụ tấn công quy mô vào cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Ấn Độ là có khả năng xảy ra.

Theo The Times of India

Trần Quang (gt)