“Chiến tranh công nghệ” Mỹ-Trung và tác động đối với an ninh toàn cầu

Công nghệ luôn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của mỗi quốc gia hiện đại. Dưới góc độ cạnh tranh quyền lực, khoa học - công nghệ cũng được xem là một yếu tố then chốt làm thay đổi tương quan sức mạnh giữa các cường quốc, và tạo ra các tác động đa chiều với xu hướng phát triển của công nghệ thế giới. Tương tự, việc Mỹ-Trung rơi vào vòng xoáy mâu thuẫn chiến lược, cạnh tranh công nghệ bị đẩy cao tiệm cận hình thái “chiến tranh” đang không chỉ tác động sâu sắc tới quan hệ giữa hai nước lớn, mà còn tạo ra nhiều thay đổi với phát triển của thế giới và khu vực.

Nét chính về cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung

Dưới thời của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Uỷ ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã có các báo cáo điều tra, cáo buộc một số tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, như Hoa Vi (Huawei) và Trung Hưng (ZTE) trở thành công cụ của chính phủ Trung Quốc trong việc đánh cắp sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ và có thể còn tiến hành do thám các công dân Mỹ[1]. Mặc dù vậy, hợp tác khoa học và công nghệ vẫn là một điểm sáng trong quan hệ Mỹ-Trung trong giai đoạn này. Chỉ tính từ năm 2015 tới năm 2019, số lượng nghiên cứu khoa học được xuất bản có sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc đã tăng hơn 10% mỗi năm[2]. Trong năm 2017, hàng hóa công nghệ chiếm 2/3 danh sách 10 mặt hàng chủ lực của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ.

Sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào năm 2017, căng thẳng Mỹ-Trung trong lĩnh vực thuế và thương mại do không được hai bên giải quyết rốt ráo đã dần leo thang sang cả lĩnh vực khoa học và công nghệ. Mỹ đã coi năng lực công nghệ và các biện pháp trợ giá thị trường của Trung Quốc là rủi ro cho sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ. Nhằm hạn chế, Mỹ đưa hơn 450 công ty công nghệ của Trung Quốc vào danh sách cấn vận vì lý do “đe dọa an ninh quốc gia”, xiết chặt kiểm soát việc mua bán và sáp nhập các công ty công nghệ, cấm bán các loại chip tiên tiến cho một số nhà sản xuất điện tử và viễn thông hàng đầu của Trung Quốc như Hoa Vi và Trung Hưng. Mỹ còn tích cực vận động đồng minh và đối tác ngăn chặn chuyển giao công nghệ và không sử dụng sản phẩm công nghệ 5G của Trung Quốc, và thuyết phục Canada bắt giữ Giám đốc tài chính của Hoa Vi, bà Mạnh Vãn Chu vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.  

Bước sang thời của Tổng thống Joe Biden, để thực hành chủ trương lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh công nghệ tiên tiến kết hợp sức mạnh quân sự, Mỹ đã thông qua Đạo luật Chíp bán dẫn và Khoa học, kết hợp với nhiều quy định kiểm soát xuất khẩu công nghệ mới nhằm loại Trung Quốc khỏi chuỗi sản xuất và cung ứng chip bán dẫn toàn cầu, hạn chế năng lực công nghệ của Trung Quốc[3]. Một số các biện pháp của Mỹ nhằm thực hiện chính sách này là tăng năng lực sản xuất nội địa, tái tổ chức chuỗi cung cầu công nghệ, thuyết phục đồng minh phối hợp ngăn chặn chuyển giao công nghệ bậc cao với Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực bộ vi xử lý và chất bán dẫn.    

Trong tháng 6/2021, Mỹ đã phối hợp với EU thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ nhằm xây dựng các quy tắc phát triển công nghệ trong thế kỷ XXI, phối hợp đối phó với các hành vi lợi dung thị trường và kinh tế của Trung Quốc. Tới tháng 3/2022, Mỹ kêu gọi Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan thành lập “Liên minh CHIP 4”, mục đích nhằm tạo ra một “chuỗi đảo phong tỏa công nghệ” để loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung chất bán dẫn toàn cầu. Trong tháng 08/2022, Tổng thống Mỹ Biden đã ký Đạo luật Chips và Khoa học, trợ cấp 52 tỷ USD cho ngành công nghiệp chip bán dẫn của Mỹ, và còn chi hơn 200 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này. Tới tháng 10/2022, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố quy định mới về kiểm soát xuất khẩu chip và thiết bị bán dẫn với Trung Quốc. Hai tháng sau, cơ quan này còn đưa thêm 36 công ty công nghệ, gồm cả một số nhà sản xuất chip máy tính hàng đầu của Trung Quốc vào danh sách cấm tiếp cận công nghệ của Mỹ.

Về phía Trung Quốc, Đại hội XVIII của Trung Quốc đã xác định, “trong sự nghiệp phát triển đất nước, đổi mới khoa học và công nghệ là điểm tựa chiến lược để phát triển lực lượng sản xuất, phát huy sức mạnh tổng thể quốc gia và cần được đặt lên hàng đầu”[4]. Do đó, Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách nhằm tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực tự chủ công nghệ, khả năng cạnh tranh khoa học và công nghệ toàn cầu, ứng phó tốt hơn trước sức ép bao vay và kiềm chế của Mỹ, tìm cách xác lập vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ thế giới.

Để triển khai, lần lượt từ năm 2015 tới 2020, Trung Quốc đã đưa ra ba đại chiến lược, gồm “Made in China 2025”, “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” và “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035”. Cùng với đó, chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Trung Quốc từ năm 2016 tới 2021 đã tăng trung bình 12,3%, như năm 2021 lên tới 2,79 nghìn tỷ nhân dân tệ (441 tỷ USD)[5]. Riêng mức chi cho các ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất chip bán dẫn, trong các năm từ 2014 tới 2020 đã tăng gấp 4 lần, đạt mức 140 tỷ NDT (2,03 tỷ USD). Trong năm 2021, Trung Quốc còn đặt yêu cầu, đưa mục tiêu “tự cường và tự cải thiện năng lực khoa học công nghệ thành trụ cột chiến lược phát triển quốc gia” vào bản “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”.

Trên một hướng khác, Trung Quốc cũng tích cực đấu tranh dư luận với sự chỉ trích, bao vây và kiềm chế công nghệ của Mỹ. Năm 2019, Trung Quốc đã ra “Sách trắng công nghệ”, khẳng định luôn nỗ lực tự phát triển, tôn trọng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, coi Mỹ là bên “bá chủ khoa học công nghệ”, luôn tìm cách “ngăn chặn sự phát triển của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển”[6]. Trong các tranh luận nội bộ, giới Học giả Trung Quốc cũng có những đánh giá cho rằng, chính quyền Mỹ dưới thời Biden đang chuyển từ chính sách “chia tách công nghệ” thời Donald Trump sang theo đuổi chiến lược liên minh và cạnh tranh toàn cầu, nhấn mạnh vai trò của ngoai giao và các cơ chế đa phương trong việc kiềm chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc[7].

Đánh giá tác động từ cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung

Nhằm nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, duy trì ưu thế vượt trội của siêu cường số một, Mỹ đã mở cuộc chiến thương mại và tiếp sau là cuộc chiến công nghệ nhắm vào Trung Quốc. Tương tự, để có thể phát triển vượt bậc, “soán ngôi” cường quốc số một của Mỹ, Trung Quốc cũng ngày càng chủ động coi công nghệ là một công cụ chiến lược để thực hiện các mục tiêu này. Do đó, dù cần tranh thủ nguồn lực tài chính, thị trường và công nghệ của Mỹ, nhưng Trung Quốc cũng ráo riết chuẩn bị ứng phó với cuộc chiến công nghệ và các bước phản đòn của Mỹ.

Các diễn biến nêu trên khiến quan hệ Mỹ-Trung trong lĩnh vực khoa học – công nghệ có hình thái vừa hợp tác, vừa cạnh tranh chiến lược[8]. Tuy nhiên, mặt mâu thuẫn và cạnh tranh chiến lược giữa hai bên đang ngày càng nổi trội, gắn chặt hơn với vấn đề an ninh quốc gia và mục tiêu giành vị trí bá chủ thay cho tìm kiếm lợi ích kinh tế đơn thuần.

Do có định hướng phương châm chiến lược kết hợp nỗ lực đầu tư bứt phá, không phủ nhận Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong lĩnh vực phát triển khoa học - công nghệ. Như năm 2016, Trung Quốc đã vượt Mỹ về số bài báo khoa học tự nhiên, năm 2019 vượt Mỹ về số bằng sáng chế và số lượng dự án khởi nghiệp (startup). Trung Quốc cũng nằm trong nhóm 3 nước đứng đầu thế giới về tốc độ phát triển trí tuệ nhân tạo AI, và còn là quốc gia hàng đầu về phát triển công nghệ 5G. Theo đó, Trung Quốc đã xây dựng được 1,85 triệu trạm thu phát sóng 5G, cung cấp dịch vụ cho 450 triệu thuê bao, chiếm 60% lượng người dùng toàn cầu.

Trong cuộc chiến công nghệ giữa hai nước lớn, Mỹ dù mất ưu thế tuyệt đối nhưng cơ bản vẫn vượt trước Trung Quốc khi sở hữu các trường đại học hàng đầu thế giới, nhiều tập đoàn công nghệ hùng mạnh, có chính sách và văn hóa cởi mở để thu hút nhân tài toàn cầu. Mỹ cũng có lợi thế hơn trong cuộc chơi cạnh tranh và kiềm chế với Trung Quốc khi có sự phối hợp chính sách và được hỗ trợ bởi các đồng minh, đối tác công nghệ lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Về mặt tác động ảnh hưởng, bên cạnh tiến triển quan hệ Trung-Nga, các diễn biến tại eo biển Đài Loan, Biển Đông và Hoa Đông, thời gian qua cuộc chiến cạnh tranh công nghệ nước lớn đã ngày càng gắn với vấn đề an ninh, khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng, cản trở cơ hội đối thoại và hợp tác giữa hai bên. Như việc Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Bắc trong tháng 08/2022. Ngoài chứng tỏ các cam kết chính trị và an ninh, chuyến thăm được cho là còn “vì chất bán dẫn” khi giúp Mỹ lôi kéo được Tập đoàn TSMC của Đài Loan đầu tư 40 tỷ USD để sản xuất Chip bán dẫn tại Mỹ, giúp Mỹ có thêm lợi thế trong kiềm chế công nghệ với Trung Quốc. Trước hành động của Mỹ, Trung Quốc đã có phản ứng quân sự mạnh, đẩy căng thẳng an ninh tại khu vực eo biển Đài Loan tới ngưỡng tiệm cận xung đột quân sự với nhiều rủi ro và hệ lụy.

Trước các mâu thuẫn lợi ích chiến lược vốn có, cuộc chiến công nghệ còn có thể đẩy Mỹ-Trung vào một cuộc chạy đua vũ trang dưới danh nghĩa “bảo vệ an ninh quốc gia”, gây tổn thất cho cả hai bên. Như Trung Quốc từng là khách hàng thương mại lớn nhất, chiếm tới 60% doanh thu của các công ty sản xuất chip của Mỹ như Qualcomm, Texas Instruments và Intel Corp. Tuy nhiên tỷ lệ này đã giảm mạnh sau khi Mỹ ra lệnh xiết chặt tiếp cận công nghệ, trong khi các hạn chế cũng khiến Trung Quốc mất tới 0.6% tăng trưởng GDP[9], buộc Trung Quốc phải kiện Mỹ ra WTO vì các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip bán dẫn.

Khi có thêm tác động từ cuộc chiến Ukraina, cuộc chiến cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung còn đang tạo ra các tổn thương và rủi ro đứt gãy cho chuỗi sản xuất, cung ứng công nghệ toàn cầu. Đồng thời, quá trình này cũng tác động sâu sắc tới sự tập hợp lực lượng trong quan hệ quốc tế, làm tăng áp lực chọn bên với các quốc gia thứ ba.   

Ngoài các tác động bất lợi kể trên, cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung cũng có những hiệu ứng tích cực nhất định, kéo theo sự bùng nổ toàn cầu về đầu tư cho đổi mới và phát triển công nghệ. Như việc các nước trên thế giới đã chi hơn 2,1 ngàn tỷ USD, chiếm 2,5% GDP toàn cầu trong năm 2020 cho nghiên cứu và phát triển.[10] Nhiều quốc gia cũng có sự chuyển dịch đột phá về phát triển kinh tế, xã hội từ việc đẩy nhanh áp dụng các công nghệ cao. Quá trình này đang tạo ra một sự sắp xếp hợp lý hơn cho chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu, mở ra các cơ hội cho nhiều quốc gia trong việc nỗ lực bứt phá, vươn lên tìm kiếm vị thế xứng đáng trên bản đồ phát triển công nghệ của thế giới.

Tương lai chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung

Hiện tại, cục diện cuộc chiến cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung trong lĩnh vực công nghệ đang chịu sự tác động, chi phối bởi nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, có xu hướng ngày càng quyết liệt, phức tạp và khó tạo đột phá hòa dịu.

Tại Đại hội XX, Trung Quốc đã khẳng định yêu cầu đẩy nhanh triển khai chiến lược thúc đẩy phát triển dựa trên sáng tạo khoa học công nghệ vào Báo cáo chính trị, xác định mục tiêu tới năm 2035 bước vào hàng ngũ các nền kinh tế đổi mới và sáng tạo hàng đầu thế giới.[11] Những mục tiêu này cho thấy Trung Quốc đang tăng cường năng lực tự chủ khoa học, tiến tới “đánh thắng cuộc chiến công nghệ” trước Mỹ và phương Tây, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu xây dựng cường quốc khoa học công nghệ.

Trong khi đó, chính sách bao vây, kiềm chế công nghệ của Mỹ với Trung Quốc vẫn chịu tác động bởi nhiều nhân tố an ninh và chính trị, khiến việc quản lý cạnh tranh giữa hai bên trở nên khó xác định. Hiện tại, Đảng Cộng Hòa đã nắm Hạ viện Mỹ sau cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2022, và “Lưỡng đảng” cũng thống nhất trong nghị quyết của Quốc hội Mỹ, lên án Trung Quốc “xâm phạm chủ quyền” sau vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc tháng 02/2023. Trong ngày 05/4 vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy đã đón tiếp, đối thoại và họp báo chung với người đứng đầu Chính phủ Đài Loan, bà Thái Anh Văn khi “quá cảnh” vào Mỹ trên hành trình thăm hai quốc gia trung Mỹ. Những diễn biến này cho thấy chiến lược uy hiếp an ninh và kiềm chế công nghệ của Mỹ với Trung Quốc hiện khó thay đổi.

Diễn biến của cuộc chiến cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung cũng chịu sự tác động từ quá trình điều chỉnh chiến lược phát triển khoa học - công nghệ của các quốc gia khác và xu hướng chia tách công nghệ do Mỹ thúc đẩy.

Trước rủi ro gián đoạn chuỗi cung cầu công nghệ, nhiều quốc gia thế giới đang tìm cách nâng cao năng lực tự chủ khoa học để tránh bị phụ thuộc vào cả Mỹ và Trung Quốc. Trong tháng 02/2022, EU đã công bố đạo luật Chip bán dẫn (Chips Act), chi 43 tỷ EU (49 tỷ USD) cho phát triển công nghệ chip bán dẫn. Tương tự, Hàn Quốc dự kiến trong năm 2023 sẽ đầu tư 4,12 nghìn tỷ won (2,9 tỷ USD) nhằm phát triển 12 công nghệ chiến lược, trong đó có chip bán dẫn. Nhật Bản cũng sẽ chi 350 tỷ Yên (2,38 tỷ USD) trong năm 2023 cho hợp tác phát triển chất bán dẫn với Mỹ, 450 tỷ Yên cho xây dựng các trung tâm sản xuất chip tại Nhật Bản, và 370 tỷ Yên khác cho đảm bảo nguồn cung nguyên liệu. Sau khi đầu tư 12 tỷ USD vào một dự án sản xuất chip tại bang Arizona của Mỹ, công ty TSMC của Đài Loan còn dự kiến chi tiếp 38 tỷ USD cho một dự án thứ hai trong năm 2023.

Nếu các đối tác thuộc nhóm CHIP4 và cả các đồng minh EU thực hiện các cam kết theo yêu cầu của Mỹ, thời gian tới Trung Quốc sẽ còn gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn cung và công nghệ sản xuất các loại chip tiên tiến. Ngoài ra, các diễn biến nêu trên cũng cho thấy, công nghệ vẫn sẽ là một trọng tâm trong cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc nhằm xác định bên chiến thắng trong cuộc chơi tìm kiếm vị trí bá chủ với các đặc trưng sau:

Trước hết, cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đang có xu hướng chuyển từ đối đầu trực tiếp sang gián tiếp qua các tập hợp lực lượng do Mỹ thúc đẩy. Vừa qua, do hối thúc của Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan đã hạn chế xuất khẩu công nghệ chip bán dẫn cho Trung Quốc, khiến cho xu hướng chia tách công nghệ càng rõ nét hơn. Điều này còn góp phần thúc đẩy việc hình thành các mô hình quản trị công nghệ và tiêu chuẩn công nghệ khác nhau do Mỹ và Trung Quốc chủ đạo[12]. Tuy nhiên, khi trao đổi thương mại Mỹ-Trung năm 2022 vẫn đạt hơn 690 tỷ USD, và 54% thương mại của châu Á là các giao dịch sản phẩm công nghệ và điện tử với Trung Quốc[13], Mỹ sẽ khó có thể “nội địa hóa” hoàn toàn chuỗi sản xuất chip điện tử, và cạnh tranh công nghệ cũng chưa đủ đề bùng phát thành một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Tiếp theo, khi chip bán dẫn vẫn được coi như “dầu mỏ” công nghệ thì lĩnh vực này sẽ vẫn là một chiến trường chính trong cuộc chiến cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung. Hai bên còn đang tiếp tục đua tranh vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển công nghệ 6G trên thế giới. Trong khi đó, với vị trí là nền kinh tế dẫn đầu về công nghiệp chất bán dẫn, Đài Loan sẽ bị Mỹ kiểm soát chặt chẽ hơn về phát triển an ninh và công nghệ để phục vụ chiến lược bao vây, kiềm chế phát triển của Trung Quốc. Điều này sẽ khiến quan hệ hai bờ và vấn đề an ninh tại eo biển Đài Loan ngày càng trở nên nhạy cảm, tạo ra các tác động đa chiều cho an ninh và ổn định tại Biển Đông.

Và hàm ý với các quốc gia khu vực

Bối cảnh của cuộc chiến cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung đang tiếp tục diễn biến phức tạp chưa có điểm đột phá hòa dịu, tạo ra cả cơ hội và thách thức cho sự phát triển của nhiều quốc gia khu vực.

Mặc dù phải giải quyết các khó khăn như năng lực tiếp nhận công nghệ, quy mô sản xuất, chất lượng lao động, mức độ hoàn thiện của hệ thống cung cầu so với Trung Quốc, nhưng Đông Nam Á vẫn có nhiều cơ hội thuận lợi để thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Hiện nay, Đông Nam Á vẫn là một trong các thị trường sử dụng thiết bị điện tử và viễn thông phát triển nhanh chóng nhất thế giới, cũng là nơi có nhiều nhà máy đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn thế giới. Trong quá trình Mỹ và nhóm CHIP 4 tái cơ cấu lại chuỗi sản xuất và cung ứng chất bán dẫn, khu vực Đông Nam Á sẽ vẫn nổi lên như một địa điểm tiếp nhận đầu tư sản xuất các sản phẩm bán dẫn và điện tử có sức cạnh tranh lớn ngoài Mỹ và Trung Quốc. 

Để khai thác các cơ hội và tiềm năng nhằm thay đổi mô hình tăng tưởng, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng công nghệ toàn cầu, các nước khu vực cần có chiến lược phát triển khoa học công nghệ phù hợp, có chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.

Dương Đăng-Hà Thu

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả

 

[1] Michael S.Schmidt, Keith Bradsher, “U.S. Panel Cites Risks in Chinese Equiment”,, The New York Times, 08 Oct, 2012.

[2] “China and the West are in a race to foster innovation”, The Economist, 13 Oct, 2022.

[3] Matt Sheehan, “Biden’s Unprecedented Semiconductor Bet”, Canegie Endownment for International Peace, 27 Oct, 2022.

[4] Hồ Cẩm Đào, “Kiên trì không rời tiến lên trên con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc nhằm đấu tranh xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện”, Mạng Quốc Vụ viện Trung Quốc, ngày 17/11/2012

[5] Holly Chik, “China makes big leap forward in basic research spending”, 31 Aug, 2022.

[6] Jeanne Whalen, “Expect more China – related tech crackdown, U.S. official says” , 27 Oct, 2022.

[7] Lý Tranh, “Sự điều chỉnh chính khoa học kỹ thuật của chính phủ Biden và tác động ảnh hưởng”, mạng “An ninh Nội tham” Trung Quốc, ngày 24/1/2022.

[8] Michael Spence, “Good US-China Strategic Competition”, Project Syndicate, 02 May, 2022.

[9] Che Pan, “Tech war: US chip restrictions could cost 0,6 percent of China’s GDP and Weigh on yuan, according to Barclays report ”, South China Morning post, 16 Nov, 2022.

[10] “China and the West are in a race to foster innovation”, The Economist, 13 Oct, 2022.

[11] Tập Cận Bình, “Giương cao ngọn cơ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc vĩ đại nhằm đoàn kết đấu tranh, xây dựng toàn diện quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa ”, Tân Hoa Xã, ngày 25/10/2022.

[12] TS. Nguyễn Việt Lâm, “Cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung Quốc và một vài đề xuất tham chiếu cho Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, ngày 30/3/2023.

[13] Aidan Yao, “Why an accelerated US-China tec decoupling is truly worrying”, South China Morning Post, 20 Oct, 2022.