04/01/2024
Là một trong các nước có yêu sách biển chính ở trong khu vực Biển Đông, trong nhiều năm qua Philippines đã phải đối phó với nhiều hoạt động thực thi yêu sách chủ quyền "quá lớn" trong đường lưỡi bò của Trung Quốc đặc biệt là chiến lược "vùng xám" đối với các vùng biển và đảo mà Philippines có yêu sách.
Là một trong các nước có yêu sách biển chính ở trong khu vực Biển Đông, trong nhiều năm qua Philippines đã phải đối phó với nhiều hoạt động thực thi yêu sách chủ quyền "quá lớn" trong đường lưỡi bò của Trung Quốc đặc biệt là chiến lược "vùng xám" đối với các vùng biển và đảo mà Philippines có yêu sách. Bài nghiên cứu này sẽ tổng hợp và phân tích các hoạt động vùng xám trên biển của Trung Quốc đối với Philippines và cách thức Philippines ứng xử đối với các hoạt động này để rút ra bài học kinh nghiệm cho các nước trong khu vực.
Để tránh phải sử dụng vũ lực tới mức tạo ra xung đột trong khu vực Biển Đông gây ra phản kháng của các nước có yêu sách biển trong khu vực, sự thu hút thậm chí can thiệp của cộng đồng quốc tế nhất là Mỹ, quốc gia có hiệp định đồng minh với Philippines, Trung Quốc, trong nhiều năm qua, đã áp dụng các hoạt động mà truyền thông quốc tế gọi là "chiến lược vùng xám"[1] trong việc thực hiện yêu sách cũng như chiếm thêm các thực thể mới ở Biển Đông đạt hiệu quả. Các lực lượng Trung Quốc sử dụng để thực hiện "chiến lược vùng xám" là dân binh biển, tàu cá, tàu cảnh sát biển, tàu hải quân và máy bay tuần tra trên biển nhằm quấy rối, đe doạ hoạt động kinh tế của các nước ven biển và từng bước thực hiện yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. Các hoạt động trên biển của Trung Quốc mà Philippines thường phản đối gồm quấy nhiễu các tàu cá của Philippines, quấy nhiễu hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Philippines và thực hiện các hoạt động thăm dò, nghiên cứu khoa học trong vùng biển của Philippines yêu sách.
Philippines là một bên có yêu sách chính trong phần lớn khu vực Biển Đông và đặt tên Biển Tây Philippines[2]. Trong nhiều năm qua, Philippines đã chịu nhiều tổn thất các yêu sách trên biển của mình do chiến lược "vùng xám" của Trung Quốc gây ra. Các sự kiện lớn như: Trung Quốc chiếm và xây đảo nhân tạo tại bãi Vành Khăn Philippines yêu sách[3]; Trung Quốc chiếm và duy trì canh gác tại bãi Scarborough Philippines yêu sách từ 2012[4]; ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt cá trong vùng biển Philippines được phép đánh bắt[5]; ngăn cản Philippines khai thác dầu khí trong các vùng biển Philippines yêu sách[6]; đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines ngay tại bãi Cỏ Rong (6/2019)[7]; phát radio cảnh báo đe doạ máy bay PLP tuần tra biển[8]; nhắm radar vào tàu tuần tra biển của Philippines khi thực hiện tuần tra biển[9]; triển khai hàng trăm tàu cá neo đậu tại khu vực bãi Ba Đầu và các khu vực khác tại Biển Tây Philippines mà Philippines yêu sách (số lượng nhiều nhất từ năm 2021-nay)[10]; chiếu radar cường độ cao vào tàu Cảnh sát biển của Philippines khi thực hiện tuần tra biển[11]; tàu cảnh sát biển Philippines bị cắt ngang đầu gần va chạm [12]; liên tục bị ngăn cản tiếp tế cho quân lính đồn trú tại bãi Cỏ Mây[13]; đầu tháng 7/2023 có đến gần 10 tàu Trung Quốc bao vây và cản trở hoạt động tiếp tế của Philippines[14] và đầu tháng 8/2023 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Cảnh sát biển của Philippines tiếp tế cho bãi Cỏ Mây[15]; gần đây nhất vào đầu tháng 12/2023, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã bắn vòi rồng và va chạm với tàu tiếp tế của Philippines tại bãi Cỏ Mây[16].
(i). Về mặt ngoại giao, pháp lý.
Khẳng định giá trị của Phán quyết. Ngày 12/7/2020, lần đầu tiên sau 04 năm gác lại chiến thắng trong vụ kiện tranh chấp Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã ra tuyên bố kỷ niệm Ngày Toà Trọng tài ra Phán quyết về tranh chấp tại Biển Đông. Kể từ đó đến nay, Bộ Ngoại giao Philippines liên tục ra tuyên bố kỷ niệm ngày này. Tuyên bố của Ngoai trưởng Locsin ngày 12/7/2020 kỷ niệm 04 năm Toà ra Phán quyết nhấn mạnh Phán quyết là cột mốc lịch sử của luật pháp quốc tế, giúp giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình, duy trì trật tự dựa trên luật lệ, khẳng định các yêu sách biển quá lớn, không hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông đã bị bác bỏ[17]. Philippines đã có thời gian 04 năm không nhắc đến Phán quyết ở các cấp cao, chính thức (kể từ chiến thắng năm 2016) trong giai đoạn đầu của Chính quyền Tổng thống Duterte nhằm cải thiện quan hệ hai nước và tranh thủ hợp tác đầu tư hạ tầng, kinh tế thương mại ở mức cao nhất. Tuy nhiên, ở giai đoạn nửa sau nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte, Philippines đã có sự chuyển đổi về chính sách đối với Biển Đông. Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Locsin, ở cấp cao nhất, ngày 23/9/2020, phát biểu tại Phiên họp thứ 75 của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc Tổng thống Philippines Rodriogo Duterte đã chính thức phát biểu về Phán quyết trước cộng đồng quốc tế. Tổng thống Duterte nêu "Philippines cam kết tuân thủ UNCLOS và Phán quyết Toà trọng tài 2016"; và nhấn mạnh "Phán quyết Toà trọng tài là một phần của luật pháp quốc tế, không thể thoả hiệp, không một quốc gia nào có thể làm xói mòn, xoá bỏ hay từ bỏ Phán quyết; Philippines phản đối các hành động nhằm làm suy yếu giá trị của Phán quyết"[18]. Phát biểu của Tổng thống Duterte được Philippines coi là chính sách của Philippines đối với các vấn đề tranh chấp tại Biển Đông được các cơ quan liên quan của Philippines áp dụng thực hiện. Ngày 12/7/2021, nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày Toà trọng tài ra Phán quyết về tranh chấp tại Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tiếp tục ra tuyên bố lần thứ hai về Phán quyết khẳng định giá trị ràng buộc pháp lý và chung thẩm của Phán quyết đối với tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông, cam kết việc triển khai thực thi Phán quyết của Philippines cũng như phản đối các hành động nhằm làm suy yếu giá trị của Phán quyết[19]. Ngày 12/7/2022, nhân dịp kỷ niệm 6 năm ngày Toà Trọng tài ra Phán quyết, người kế nhiệm của Ngoại trưởng Locsin, Ngoại trưởng Enrique Manalo tiếp tục ra tuyên bố kỷ niệm Phán quyết trong đó nhấn mạnh UNCLOS và Phán quyết là "mỏ neo kép" cho chính sách và hành động của Chính phủ Philippines ở trên Biển Đông; nhấn mạnh Phán quyết đã nêu yêu sách lịch sử của Trung Quốc đối với tài nguyên ở trên Biển Đông nằm trong đường chín đoạn không có cơ sở pháp lý; Phán quyết là chung thẩm, Philippines phản đối các hành động nhằm làm suy yếu thậm chí xoá bỏ Phán quyết[20]. Ngày 12/7/2023, nhân dịp kỷ niệm 7 năm Toà trọng tài ra Phán quyết, Ngoại trưởng Philippines Manalo tiếp tục ra tuyên bố kỷ niệm trong đó nhấn mạnh việc Phán quyết đã bác yêu sách về quyền lịch sử và yêu sách biển vượt quá quy định đối với thực thể ở Biển Đông là không có hiệu lực; Phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế[21].
Phản đối bằng công hàm ngoại giao liên tục đối với các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực Biển Tây Phiippines (khu vực Biển Đông mà Philippines yêu sách). Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Philippines, tính từ năm 2016 đến năm 2021, dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đã có 262 công hàm ngoại giao phản đối các hành động của Trung Quốc ở trong khu vực Biển Đông[22]; năm 2022 Bộ Ngoại giao có 195 công hàm phản đối Trung Quốc[23].Thời điểm đỉnh cao có nhiều công hàm ngoại giao Philippines phản đối Trung Quốc nhất là vào năm 2021 khi Trung Quốc cho hơn 200 tàu chủ yếu là tàu cá và dân quân biển hiện diện và kết bè neo đậu tại các vùng biển thuộc bãi Ba Đầu và các vùng biển khác Philippines yêu sách. Cựu Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin thời điểm này đã tuyên bố Bộ Ngoại giao Philippines sẽ có công hàm phản đối hàng ngày cho đến khi các tàu của Trung Quốc rời khỏi các vùng biển của Philippines[24]. Từ đầu năm 2023 cho đến 8/2023, Bộ Ngoại giao Philippines thống kê có 34 công hàm phản đối liên quan đến các sự kiện trên biển giữa Philippines với Trung Quốc[25].
Triệu đại diện cán bộ Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đến phản đối trực tiếp. Ngoài phản đối thông qua công hàm ngoại giao, Chính phủ Philippines cũng thực hiện triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đến để phản đối. Trong giai đoạn căng thẳng khi có hàng trăm tàu cá, dân quân biển và cảnh sát biển của Trung Quốc hiện diện tại khu vực đá Ba Đầu vào tháng 3-4 năm 2021 (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), Bộ Ngoại giao Philippines đã nhiều lần triệu Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên đến để phản đối. Ngày 13/4/2021, Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Elizabeth Buensuceso đã gặp Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên tại trụ sở Bộ Ngoại giao Philipines phản đối các hoạt động của tàu Trung Quốc hiện diện trong khu vực, yêu cầu Trung Quốc rút các tàu ra khỏi "khu vực bãi Ba Đầu và các vùng biển khác thuộc Philippines" và cho rằng sự hiện diện của các tàu Trung Quốc là nguồn gốc gây căng thẳng trong khu vực[26]. Ngày 14/3/2022, Bộ Ngoại giao Philippines thông qua Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Elizabeth Buensuceso đã triệu Đại sứ Hoàng Khê Liên để phản đối hoạt động xâm nhập của tàu hải quân Trung Quốc xâm nhập vào các vùng biển Sulu của Philippines từ ngày 29/01-01/02 không xin phép và không chịu dời đi khi có yêu cầu[27]. Ngày 13/4/2022, Bộ Ngoại giao Philippines triệu cán bộ ngoại giao cao cấp của Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines để phản đối việc tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã quấy rối hoạt động nghiên cứu khoa học của Philippines trong vùng biển của Philippines[28]. Ở cấp cao nhất, Tổng thống Philippines Bong Bong Marcos cũng triệu Đại sứ Trung Quốc đến để phản đối. Ngày 06/2/2023, khi Trung Quốc chiếu đèn laze cường độ cao vào tàu Cảnh sát biển Philippines, ngay sau đó, ngày 14/02/2023, Tổng Thống Philippines Bong Bong Marcos đã trực tiếp triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên đến để phản đối hành động chiếu laze của Trung Quốc[29]. Ngày 5/8/2023, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào tàu Cảnh sát biển của Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế bãi Cỏ Mây của Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo đã gặp và trao công hàm phản đối cùng hình ảnh minh hoạ đến Đại sứ Trung Quốc tại Manila[30]. Ngày 11/12/2023, ngay sau sự kiện tàu Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines cho bãi Cỏ Mây, Bộ Ngoại giao Philippines thông tin cho báo chí biết đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Manila đến để trao công hàm phản đối[31].
Ra tuyên bố chung với đồng minh Mỹ. Để tăng sức ảnh hưởng đối ngoại, phản đối các hoạt động vùng xám của Trung Quốc gây cản trở các hoạt động khai thác tài nguyên thuỷ hải sản của ngư dân Philippines cũng như các hoạt động kinh tế khác của Philippines, Chính phủ Philippines cũng tranh thủ có các tuyên bố chung với đồng minh Mỹ trong các hoạt động đối ngoại song phương của mình. Ngày 20/3/2023, trong điện đàm giữa Thứ trưởng phụ trách Bộ Quốc phòng Philippines Carlito Galvez với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ LLoy Austin, hai bên đã cùng nêu phản đối mạnh mẽ các hoạt động "vùng xám" của Trung Quốc ở Biển Đông cản trở đời sống của người dân Philippines cũng như của các nước ven biển; nêu quan ngại việc Trung Quốc tập hợp hơn 40 tàu thuyền bên trong lãnh hải của đảo Thị Tứ[32].
Cách tiếp cận đấu tranh toàn quốc: trong tháng 4/2021, giai đoạn có nhiều tàu Trung Quốc tập trung tại khu vực đá Ba Đầu và các rải tại các khu vực Biển Đông, nhiều chính trị gia cũng như các hiệp hội kinh tế, tổ chức xã hội đã lên tiếng yêu cầu Chính phủ Philippines đấu tranh yêu cầu Trung Quốc phải rút tàu khỏi khu vực. Ngày 15/4/2021, nhóm 8 hiệp hội kinh tế lớn tại Philippines như Câu lạc bộ kinh tế thành phố Makati, Phòng thương mại và công nghiệp Philippines, Nhóm các CEO Philippines, Hiệp hội quản lý Philippines...cùng ra tuyên bố nêu việc Chính phủ cần phản đối và yêu cầu các tàu Trung Quốc rút khỏi bãi Ba Đầu[33]. Tiếp đó ngày 27/4/2021, 11 Thượng Nghị sỹ Philippines cùng ký đưa ra Nghị quyết phản đối các hành động xâm phạm vào vùng biển của Philippines[34].
(ii). Công khai các thông tin các hoạt động vùng xám trên báo chí. ngoài việc đấu tranh thông qua con đường ngoại giao như phản đối bằng công hàm, Philippines đã đấu tranh với vùng xám của Trung Quốc thông qua việc liên tục công khai thông tin trên báo chí có hình ảnh, video, đoạn ghi âm các hoạt động tàu Trung Quốc xâm nhập vào các khu vực bãi Ba Đầu và khu vực Biển Đông, các tàu thuyền, máy bay tuần tra trên Biển Đông, tàu tiếp tế cho bãi Cỏ Mây của Philippines bị Trung Quốc cản trở...nổi lên nhất từ giai đoạn 2021, khi có số lượng lớn tàu Trung Quốc kết bè neo đậu tại bãi Ba Đầu và vào các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa, các tờ báo lớn của Philippines như ABS-CBN, Inquirer, Philstar và báo nước ngoài AFP...đều tường thuật các sự kiện trên biển, phản ứng của Chính phủ và các tổ chức xã hội, người dân[35]. Hơn nữa Quân đội Philippines (AFP) cũng tổ chức tuyên dương các phóng viên báo ABS-CBN về các hoạt động đưa tin trên Biển Đông[36]. Sau sự kiện tàu Cảnh sát biển Philippines bị tàu Cảnh sát biển Trung Quốc chiếu tia lazer vào ngày 06/2/2023, Phát ngôn viên Cảnh sát biển Philippines Jay Tarriela đã tuyên bố Philippines thực hiện chiến lược công khai hoá các hình ảnh thông tin bị cưỡng ép trên biển tương tự của Trung Quốc nhằm đối phó với chiến lược vùng xám[37]. Trong sự kiện ngày 22/8/2023, Philippines tiếp tế lần 02 cho quân đồn trú tại bãi Cỏ Mây, tàu Cảnh sát biển Philippines hộ tống tàu tiếp tế đã cùng đưa phóng viên báo AFP của Pháp ra thực địa tại bãi Cỏ Mây để quay phim, chụp ảnh và đưa tin sự kiện[38].
(iii). Hoạt động trên thực địa
Thực hiện tuần tra biển liên tục. Trước các hoạt động xâm nhập trên vùng biển với số lượng lớn tàu thuyền của Trung Quốc trong khu vực biển Philippines yêu sách tại Biển Đông, từ năm 2021 Philippines đã tăng cường thực hiện hàng trăm đợt tuần tra trên biển và trên không tại Biển Tây Philippines. Trong giai đoạn năm 2021 khi có hơn 200 tàu Trung Quốc tập trung tại bãi Ba Đầu và các khu vực vùng biển khác Philippines yêu sách tại Biển Đông, Chính phủ Philippines đã liên tục điều các tàu thực hiện tuần tra trên biển và yêu cầu tàu Trung Quốc rút ra khỏi khu vực. Theo trang Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) quan sát được báo Philippines trích lại, trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5/2021, Chính phủ Philippines đã điều 13 tàu chấp pháp thực hiện 57 chuyến tuần tra biển tại các khu vùng biển thuộc Trường Sa đặc biệt tại Ba Đầu, Scarborough, Thị Tứ, Cỏ Mây, trong khi so với năm trước đó 2009, Philippines chỉ điều 03 tàu thực hiện 07 chuyến tuần tra trên biển...[39]. Các quan chức của Philippines cũng liên tục có các tuyên bố sẽ duy trì thực hiện tuần tra biển của cả hải quân và cảnh sát biển[40]. Trong thời gian ít có tàu Trung Quốc hiện diện trong khu vực Biển Đông, hoạt đầu tuần tra biển của Philipines cũng ít đi và khi các tàu Trung Quốc xuất hiện trở lại hoặc có các sự kiện căng thẳng trên biển Philippines lại tiếp tục thúc đẩy tuần tra biển. Gần đây nhất, vào tháng 2/2023 khi tàu Cảnh sát biển Trung Quốc chiếu tia laze vào tàu cảnh sát biển Philippines[41], Philippines sau đó đã tăng cường số lượng tàu tuần tra biển. Theo quan sát của Ray Powell, thuộc Dự án Biển Đông của Đại học Standford, Mỹ trong tháng 2/2023, cảnh sát biển và hải quân Philippines đã tăng số lượng tuần tra biển so với các tháng trước đó[42]. Đầu tháng 2/2023, khi trả lời báo chí, Tư lệnh Cảnh sát biển Philippines Artemio Abu cho biết Cảnh sát biển sẽ tăng cường tuần tra biển bao gồm cả tuần tra trên không tăng cường hiện diện tại Biển Đông, 26,000 cảnh sát biển và 25 tàu tuần tra của Philippines có thể được huy động để đi tuần tra bảo vệ chủ quyền trên biển[43]. Ngày 10/7/2023, Báo cáo hoạt động tuần tra biển của Quân đội Philippines được công khai cho báo chí đã nêu quân đội Philippines đã tăng gấp ba lần số lượng tuần tra biển tại Biển Đông, tăng 30% so với năm 2022 và 90% thời gian tàu tuần tra hiện diện tại Nhóm đảo Kalayaan[44].
Ngoài việc tăng số lượng tuần tra biển trên thực địa so với trước đây, Philippines cũng cử các tàu cảnh sát biển lớn nhất của mình để đi tuần tra biển được ở các khu vực xa hơn và với số ngày dài hơn như việc tàu Bonifacio là một trong các tàu tuần tra biển lớn nhất do Mỹ hỗ trợ đã thực hiện tuần tra biển tại quần đảo Kalayan vào tháng 7/2022[45].
Phối hợp sự hiện diện của Mỹ và đồng minh trên thực địa.
Trong nhiều hoạt động trên biển của Philippines đặc biệt là hoạt động tiếp tế cho bãi Cỏ Mây thành công thường xuyên thấy sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ và các đồng minh mặc dù Chính phủ Philippines không công khai về thông tin sự phối hợp của Philippines đối với các hoạt động này. Trong hoạt động triển khai tiếp tế thành công của hải quân Philippines tại bãi Cỏ Mây ngày 23/8/2023 sau khi bị cản trở bằng vòi rồng trước đó, thông tin báo chí cho biết đã có tàu sân bay Mỹ cùng các tàu chiến của Nhật Bản và Úc tham gia tập trận gần khu vực Philippines tiếp tế[46]. Đầu tháng 12, một tàu chiến USS Giffords của Mỹ thực hiện tuần tra trên biển gần khu vực bãi Cỏ Mây[47]. Trong nhiều năm không tham gia tuần tra chung trên biển, đầu tháng 9/2023, các tàu hải quân Philippines lần đầu tiên đã cùng tàu hải quân Mỹ bơi chung tại khu vực gần Palawan[48]. Hoạt động bơi chung với hải quân Mỹ của Philippines được đánh giá là hoạt động quan trọng đánh giá bước chuyển trong sự phối hợp trên thực địa của Philippines với đồng minh Mỹ mà trước đây chưa có.
Như vậy có thể thấy trong nhiều năm qua, đặc biệt từ giai đoạn 2021 Philippines đã có chính sách rõ ràng trong việc chống lại các hoạt động vùng xám của Trung Quốc ở trên Biển Đông. Philippines đã tập trung triển khai các hoạt nổi bật như chính trị, ngoại giao phản đối hoạt động vùng xám của Trung Quốc; thông tin tuyên truyền công khai các hoạt động vùng xám; và trên thực địa thúc đẩy tuần tra biển khẳng định yêu sách chủ quyền. Hoạt động chống vùng xám của Philippines đã cho thấy có nhiều kết quả làm giảm thời gian và số lượng tàu Trung Quốc xuất hiện tại các khu vực biển mà Philippines yêu sách. Theo như phát biểu của người phát ngôn Cảnh sát biển Philippines Jay Tarriela, khi Philippines thực hiện tăng cường các hoạt động tuần tra biển và yêu cầu rút tàu tại những nơi có nhiều tàu Trung Quốc xâm nhập thì ở đó số lượng tàu Trung Quốc sẽ giảm bớt, nếu không số lượng tàu Trung Quốc sẽ ngày càng tăng lên và thời gian các tàu ở lại sẽ lâu[49]. Hơn nữa, hoạt động đấu tranh ngoại giao, pháp lý thông qua công khai các hoạt động vùng xám của Trung Quốc trên Biển Đông của Philippines cũng đã giúp cộng đồng quốc tế đặc biệt là các nước trong khu vực Biển Đông nắm được tình hình và lên tiếng ủng hộ giá trị yêu sách biển của các nước trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.
Nội bộ Philippines cũng có nhiều tiếng nói ủng hộ các hoạt động cứng rắn của Philippines khẳng định chủ quyền trên khu vực Biển Tây Philippines. Cựu Thẩm phán Toà án tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng Chính quyền của Tổng thống Bong Bong Marcos đang đúng hướng khi thực thi các hoạt động mạnh mẽ yêu sách chủ quyền tại Biển Đông kể từ 6 năm Toà ra Phán quyết do vậy được cộng đồng quốc tế ủng hộ[50].
Trong giai đoạn hiện nay, chính quyền của Tổng thống Philippines Bong Bong Marcos đang trong giai đoạn đầu cầm quyền và có các điều chỉnh mạnh mẽ về chính sách Biển Đông nên chiều hướng cứng rắn trên biển của Philippines đối với các hoạt động vùng xám của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục trong một vài năm tới. Tổng thống Marcos bắt đầu nhiệm kỳ từ tháng 6/2022, do vậy thời gian cầm quyền 6 năm sẽ kéo dài đến 2028 để duy trì chính sách Biển Đông của mình. Philippines nếu có điều chỉnh chính sách trên biển, thường sẽ sau khi có bầu cử Tổng thống mới vào năm 2028./.
Thái Giang là Nghiên cứu viên, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm nghiên cứu riêng của tác giả và không đại diện cho cơ quan đang làm việc.
[1] Theo cách hiểu của Philippines và hầu hết nước về các hoạt động quấy phá thực hiện chủ quyền và quyền chủ quyền các nước ven biển của Trung Quốc trong khi Trung Quốc cho rằng mình đang thực hiện quyền yêu sách các vùng biển của mình ở Biển Đông.
[2] Yêu sách khu vực Biển Tây Philippines của Philippines chồng lấn vào phần lớn khu vực Biển Đông mà Việt Nam có yêu sách.
[3] Xem tại https://amti.csis.org/mischief-reef/
[4] Xem phân tích của CSIS về vụ Philippines mất Scarborough tại https://amti.csis.org/counter-co-scarborough-standoff/
[5] Xem tại https://www.rfa.org/english/news/china/philippines-southchinasea-04212022134327.html; https://www.rfa.org/english/news/china/philippines-southchinasea-10172022075443.html
[6] Xem tại https://www.rfa.org/english/news/china/philippines-southchinasea-04212022134327.html
[7] Xem tại https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/chinese-vessel-sinks-filipino-fishing-boat-in-contested-waters-manila-seeks-probe
[8] Xem tại https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3127818/south-china-sea-philippine-military-vows-continue-aerial-patrols
[9] Xem tại https://news.abs-cbn.com/news/04/23/20/chinese-ship-had-hostile-intent-in-pointing-radar-gun-at-ph-vessel-military
[10] Hàng trăm tàu Trung Quốc đã ở trong khu vực Bãi Ba Đầu và Biển Đông Philippines có yêu sách từ 2021-nay. https://www.rappler.com/newsbreak/iq/timeline-china-vessels-julian-felipe-reef-west-philippine-sea-2021/; https://news.abs-cbn.com/news/04/28/23/pcg-over-100-chinese-militia-ships-spotted-near-julian-felipe-reef
[11] Xem tại https://globalnation.inquirer.net/210947/chinas-harassment-of-pcg-using-laser-provocative-unsafe-us
[12] Xem tại https://www.rfa.org/english/news/southchinasea/chinese-vessels-04282023103446.html
[13] Xem tại https://www.voanews.com/a/us-calls-on-chinese-coast-guard-to-stop-harassing-philippine-vessels-/7071946.html
[14] Xem tại https://www.philstar.com/headlines/2023/07/03/2278249/2-pcg-ships-pursued-chinese-coast-guard
[15] Xem tại https://newsinfo.inquirer.net/1812866/pcg-condemns-chinese-coast-guards-alleged-use-of-water-cannons-vs-its-vessels#ixzz89a5KA2Yu.
[16] Xem tại https://finance.yahoo.com/news/south-china-sea-beijing-flexes-093000928.html
[17] Xem tại https://dfa.gov.ph/dfa-news/statements-and-advisoriesupdate/27140-statement-of-secretary-of-foreign-affairs-teodoro-l-locsin-jr-on-the-4th-anniversary-of-the-issuance-of-the-award-in-the-south-china-sea-arbitration
[18] Xem tại https://www.pna.gov.ph/articles/1116296
[19] Xem tại https://www.philembassy.org.au/latest/news/statement-of-foreign-affairs-secretary-teodoro-l-locsin-jr-on-the-5th-anniversary-of-the-issuance-of-the-award-on-the-south-china-sea-arbitration
[20] Xem tại https://tokyo.philembassy.net/02news/statement-of-foreign-affairs-secretary-enrique-a-manalo-on-the-6th-anniversary-of-the-award-on-the-south-china-sea-arbitration/; https://www.pna.gov.ph/articles/1178712
[21] Xem tại https://dfa.gov.ph/dfa-news/statements-and-advisoriesupdate/32926-statement-of-secretary-for-foreign-affairs-enrique-a-manalo-on-the-7th-anniversary-of-the-award-on-the-south-china-sea-arbitration
[22] Xem tại https://news.abs-cbn.com/news/11/24/21/dfa-231-diplomatic-protests-filed-vs-china-since-2016
[23] https://globalnation.inquirer.net/210063/ph-files-461-diplomatic-protests-vs-china-since-2016#ixzz7yBiw3yIz
[24] Xem tại https://www.cnnphilippines.com/news/2021/4/7/philippines-diplomatic-protest-chinese-vessels-.html
[25] Xem tại https://globalnation.inquirer.net/217362/fwd-ph-has-so-far-filed-34-diplomatic-protests-against-china-in-2023-dfa
[26] Xem tại https://www.pna.gov.ph/articles/1136613; và https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/783513/philippines-summons-chinese-envoy-over-presence-of-chinese-vessels-in-julian-felipe-reef/story/
[27] Xem tại https://globalnation.inquirer.net/202980/dfa-summons-chinese-envoy-after-china-navys-illegal-incursions-in-sulu-sea
[28] Xem tại https://www.cnnphilippines.com/news/2022/5/31/DFA-diplomatic-action-vs-Chinese-ships-interfere-PH-research-vessel.html
[29] Xem tại https://www.arabnews.com/node/2251126/world
[30] https://globalnation.inquirer.net/217366/marcos-says-another-note-verbale-was-sent-to-china-after-water-cannon-attack?utm_source=(direct)&utm_medium=gallery
[31] Xem tại https://cebudailynews.inquirer.net/544839/philippines-summons-chinese-envoy-over-sea-confrontations
[32] Xem tại https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3334283/readout-of-secretary-of-defense-lloyd-j-austin-iiis-call-with-philippine-senior/
[33] Xem tại https://www.onenews.ph/articles/business-groups-to-china-remove-ships-from-west-philippine-sea
[34] https://www.rfa.org/english/news/china/philippines-southchinasea-04272021182401.html
[35] Xem tường thuật báo ghi hình của trang báo ABS-CBN, Philippines về các hoạt động tàu Philippines trở nhà báo ghi hình bị tàu hải quân Trung Quốc rượt đuổi tại Biển Đông. https://www.youtube.com/watch?v=hpGEBGns6Q4
[36] Xem tại https://www.philstar.com/headlines/2021/04/15/2091334/afp-recognizes-abs-cbn-reporter-west-philippine-sea-coverage
[37] Xem tại https://www.voanews.com/a/philippines-launches-strategy-of-publicizing-chinese-actions/6995503.html
[38] Xem tại https://globalnation.inquirer.net/218241/ph-ayungin-trip-made-it-through-despite-china-blockade-try?utm_source=(direct)&utm_medium=gallery
[39] Xem tại https://globalnation.inquirer.net/196554/us-think-tank-sees-dramatic-rise-in-ph-patrols-in-west-philippine-sea
[40] Xem tại https://www.philstar.com/headlines/2021/02/09/2076472/navy-increase-visibility-wps-china-enacts-very-alarming-coast-guard-law-afp-chief
[41] Xem tại https://edition.cnn.com/2023/02/13/asia/philippines-china-coast-guard-laser-intl-hnk-ml/index.html https://edition.cnn.com/2023/02/13/asia/philippines-china-coast-guard-laser-intl-hnk-ml/index.html
[42] Xem tại https://www.rappler.com/nation/navy-coast-guard-step-up-patrols-west-philippine-sea-tensions-flare-february-2023/
[43] Xem tại https://www.rappler.com/nation/philippine-coast-guard-boosts-presence-in-south-china-sea/?cx_testId=2&cx_testVariant=cx_1&cx_artPos=0&cx_experienceId=EX4CPN0G1RJL#cxrecs_s
[44] Xem tại https://www.philstar.com/headlines/2023/07/12/2280429/afp-deploys-more-air-naval-assets-west-philippine-sea
[45] Xem tại https://globalnation.inquirer.net/205420/ph-navy-conducts-sovereignty-patrol-in-kalayaan-island-group
[46] Xem tại https://globalnation.inquirer.net/218190/fresh-supplies-sent-to-ayungin-amid-chinese-harassment?utm_source=(direct)&utm_medium=gallery
[47] Xem tại https://www.benarnews.org/english/news/philippine/us-ship-conducts-navigation-near-second-thomas-shoal-12042023042953.html
[48] Xem tại https://www.reuters.com/world/asia-pacific/philippines-us-navies-conduct-joint-sail-south-china-sea-2023-09-04/
[49] Xem tại https://www.philstar.com/headlines/2023/07/09/2279820/afp-coast-guard-increase-patrols-after-chinese-vessels-swarm-west-philippine-sea
[50] Xem tại https://globalnation.inquirer.net/216505/carpio-ph-has-regained-momentum-in-sea-row
Ngày 08/7/2024, tại cuộc họp 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng giữa Nhật Bản và Philippines tại Manila, hai nước đã ký Hiệp định Tiếp cận quân sự tương hỗ (RAA). Đây là thỏa thuận RAA đầu tiên Philippines ký với nước khác và là RAA đầu tiên Nhật Bản ký với một nước Đông Nam Á cũng là RAA thứ...
Ngày 17/6, lực lượng tác chiến đặc biệt và lực lượng cứu hộ dân sự Philippines đã sử dụng một tàu vận tải, 5 xuồng cao su tốc độ cao để tiếp tế cho binh lính đồn trú trên tàu Sierra Madre nằm cạn tại Bãi Cỏ Mây. Trước diễn biến này, Trung Quốc cũng dùng các tàu, xuồng của lực lượng hải cảnh để ngăn chặn,...
Việt Nam có thể xem xét tham gia các tuyến cáp quang biển kết nối đầu từ xây dựng tuyến cáp quang mới kết nối với Sydney và Chennai, xây dựng một tuyến dây cáp quang ven biển nội bộ, và xây dựng liên doanh giữa các doanh nghiệp cáp quang biển Việt Nam.
Dự báo trong thời gian tới, Campuchia sẽ thúc đẩy quan hệ với Mỹ, đồng thời tiếp tục duy trì và đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc. Song, Campuchia sẽ cần khéo léo trong đường lối đối ngoại để có thể vừa tối đa hóa lợi ích quốc gia, vừa cân bằng được quan hệ với Mỹ-Trung.
Lễ nhậm chức của nhà cầm quyền Đài Bắc Lại Thanh Đức diễn ra ngày 20/5/2024 vừa qua đang thu hút sự quan tâm của dư luận về triển vọng quan hai bờ, quan hệ Mỹ - Đài cũng như những điều chỉnh chính sách của Đài Bắc đối với khu vực.
Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức ngày 20/5, tân lãnh đạo Đài Bắc Lại Thanh Đức nhắc tới Trung Quốc tổng cộng 7 lần. Điểm đáng chú ý là ông Lại công khai chỉ trích hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc, cho rằng“các hành động quân sự và hành động vùng xám của Trung Quốc bị coi là các thách thức chiến...