0_21_042309_china_navy.jpg

Một cơn bão đang hình thành ở Biển Đông và có vẻ như sẽ không tránh khỏi một cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Mỹ trên tuyến giao thương biển quan trọng này. Nhưng cuộc xung đột không chỉ là về quyền lực mà còn về tư tưởng hai cường quốc này coi là mấu chốt trong trọng tâm hệ thống quốc tế mà họ muốn bảo vệ.

Trung Quốc thường đưa ra phép thử với các tổng thống mới lên nắm quyền ở Mỹ về khả năng họ rút khỏi vùng biển quan trọng này. Tổng thống Donald Trump có thể sẽ là người cuối cùng nhận sự đối xử như vậy. Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục xây dựng các tiền đồn quân sự trên những đảo thuộc vùng biển quốc tế này, và không rõ liệu Mỹ có hành động để ngăn chặn các động thái leo thang của Trung Quốc hay không. Cách hành xử quyết đoán của Trung Quốc không chỉ nhằm thể hiện hình ảnh một quốc gia đang nổi lên muốn củng cố sức mạnh mà nó còn là thách thức mở đối với ý tưởng của Mỹ về các tuyến đường thương mại tự do và mở rộng.

Để hiểu tại sao cuộc xung đột này lại là một phép thử vô cùng quan trọng đối với Mỹ, người Mỹ cần lưu ý tới một trong những cuộc xung đột lớn, hầu như đã hoàn toàn bị lãng quên, đó là cuộc xung đột ở thế kỷ XVII. Trong khi sự thống trị của Anh trên biển và đại dương trong các thế kỷ XVIII và XIX được biết đến nhiều hơn, ngày nay rất ít người nhớ rằng khi đó người Hà Lan chứ không phải người Anh mới giữ vị thế cường quốc biển lớn nhất thế giới.

Là một quốc gia nhỏ bé thuộc lục địa châu Âu, Hà Lan đã trở thành bá chủ toàn cầu vào thế kỷ XVII nhờ năng lực khai thác chủ nghĩa tư bản tài chính và thương mại tự do trước các đối thủ cạnh tranh. Chính sách của đế quốc Hà Lan được dẫn dắt bởi các học thuyết trong cuốn sách có tựa đề Mare Liberum (Vùng biển Tự do) của Hugo Grotius. Trong cuốn sách đó, triết gia nổi tiếng người Hà Lan lập luận rằng biển và đại dương là lãnh thổ quốc tế và phải được mở cửa cho tất cả. Grotius viết: “Đại dương là tài sản chung của toàn thể nhân loại, và không một quốc gia nào có quyền ‘chiếm đoạt’ biển để độc quyền sử dụng”.

Trong khi mạng lưới giao thương buôn bán rộng lớn này đem lại sự thịnh vượng cho Hà Lan và các quốc gia khác, không phải ai cũng hài lòng với vị trí của mình trên biển cả. Người Anh, vốn ghen tị với người anh em Hà Lan và tụt hậu so với quốc gia láng giềng ít dân này về cả mức độ giàu có và chất lượng cuộc sống, đã tìm cách thay đổi trật tự thế giới và qua mặt đối thủ của mình. Song những thành quả của thương mại toàn cầu dường như quay lưng lại với đế chế Anh suy yếu và luôn tụt lại sau Hà Lan một hoặc hai bước. Người Anh đã mệt mỏi vì sống trong “Thế kỷ Hà Lan”.

Vì vậy, luật gia người Anh John Selden đã đưa ra một học thuyết đối nghịch để làm đảo lộn khái niệm về vùng biển tự do. Ông đặt tựa đề cho cuốn sách của mình là Mare Clausum, có nghĩa là “Biển đóng”. Học thuyết này lập luận rằng quyền chủ quyền có thể mở rộng lãnh thổ tới các đại dương, và chỉ trích các khái niệm về các vùng biển tự do là trừu tượng, vô lý. Chủ quyền có thể mở rộng tới bất kỳ nơi nào một quốc gia đưa tàu tới được hoặc có sự hiện diện sức mạnh tại đó, không cần tính đến vấn đề pháp lý.

Và người Anh quyết định lật đổ sự thống trị thương mại của Hà Lan và bắt tay vào xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh. Sau đó, người Anh tiến hành xóa bỏ một loạt “Các đạo luật hàng hải” theo chủ nghĩa trọng thương nhằm hạn chế thương mại, và ngăn các đối thủ ra vào vùng biển thuộc chủ quyền của Anh. Sự cạnh tranh bắt đầu lên đến đỉnh điểm khi một con tàu của Hà Lan đi qua vùng biển thuộc “chủ quyền” của Anh được yêu cầu hạ cờ để thể hiện sự tôn trọng với người Anh. Thuyền trưởng Hà Lan đã từ chối, dẫn đến một cuộc đụng độ hải quân nghiêm trọng và chiến thắng cuối cùng thuộc về người Anh.

Đế chế Hà Lan hùng mạnh đã nhanh chóng suy tàn, nhường các vùng biển cho các lãnh chúa mới của Anh. Nhưng khi người Anh chính thức thống trị trên biển, họ bắt đầu áp dụng các học thuyết thương mại tự do kiểu Hà Lan, vì dường như không có lực lượng hải quân nào có thể cạnh tranh với họ. Đây là hệ thống mà Mỹ được thừa hưởng từ người Anh vào thời điểm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai cho đến tận ngày nay.

Trung Quốc, giống như nước Anh ở thế kỷ XVII, không có ý định phụ thuộc vào Mỹ theo mô hình “Pax Americana”, tức nền hòa bình thế giới dưới sự bá chủ của Mỹ. Thay vào đó, Bắc Kinh viện dẫn các lý luận của Selden về vùng “biển đóng”, bao quanh Biển Đông và biến nó thành vùng lãnh thổ có chủ quyền. Steven Groves và Dean Cheng thuộc Tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation đã viết: “400 năm sau khi xuất bản cuốn Mare Liberum, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố quyền chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông”.

Trung Quốc muốn các tàu vận tải và tàu chiến của Mỹ và của các nước láng giềng hạ cờ của họ để tôn trọng sức mạnh trên biển của Trung Quốc giống như người Anh từng muốn Hà Lan làm điều đó. Thách thức đối với Mỹ là nhận thức được mối đe dọa và ngăn chặn Trung Quốc thắt chặt các tuyến đường thương mại chủ chốt, có thể ảnh hưởng đến vai trò thống trị kinh tế và hải quân của Mỹ.

Tác giả Jarrett Stepman là biên tập viên của tờ “The Daily Signal”. Bài viết đăng trên tờ “National interest”.

Anh Thư (gt)