Giới thiệu

Trong bối cảnh nước Mỹ sẽ tiến hành bầu cử tổng thống mới vào tháng 11/2016, chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng”, được chính thức đưa ra hồi năm 2011 và hướng trực tiếp đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cần phải được xem là một dấu ấn trong di sản chính sách đối ngoại nói chung của Chính quyền Obama. Cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Sunnylands ở California hồi giữa tháng Hai là một đỉnh cao đáng hoan nghênh và mang tính biểu tượng cho những nỗ lực của ông Obama để gắn cho tổ chức này một quy chế đặc biệt trong lộ trình duy trì và tăng cường ảnh hưởng khu vực của Mỹ tại Đông Nam Á và khu vực rộng lớn hơn. Như Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russell đã thừa nhận ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Sunnylands, đây là cơ hội được Washington xem như một “cột mốc quan trọng trong sự can dự chiến lược với châu Á, và bằng chứng tích cực cho thấy chiến lược tái cân bằng đã đạt được tầm cao”.

Dù ngợi ca như vậy, song vẫn khó có thể đạt được sự đồng thuận chính sách ở Mỹ về việc làm thế nào để Đông Nam Á phù hợp với khuôn khổ tái cân bằng mơ hồ, thậm chí ngay cả khi Washington chuẩn bị cho quá trình chuyển tiếp sang chính phủ mới vào đầu năm 2017. Nêu bật sự mơ hồ chính sách này, một báo cáo gần đây của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) gửi Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định đang có “có sự nhầm lẫn kéo dài về chiến lược tái cân bằng” và “vẫn không có tài liệu từ chính phủ trung ương Mỹ mô tả cụ thể chiến lược tái cân bằng và các yếu tố liên quan”.

Tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh Sunnylands cũng không làm sáng tỏ sự mơ hồ đó. Dù ủng hộ nguyên tắc giải quyết xung đột thông qua đàm phán và đảm bảo tự do hàng hải, tuyên bố không hề đề cập cụ thể đến Trung Quốc và hoạt động của họ trên Biển Đông, bất chấp tin tức công bố cùng ngày cho hay Bắc Kinh đã triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm (Woody Island), hay việc các quốc gia Đông Nam Á nhìn nhận sức mạnh Mỹ như yếu tố trung tâm nhằm đảm bảo ổn định trong khu vực như thế nào. Không hề có sự chứng thực cụ thể về chiến lược tái cân bằng của Mỹ hay đề cập rõ ràng đến mục đích hay lợi ích của nó xuất hiện trong tuyên bố.

Dù nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không là một nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tuyên bố chung không hề đề cập cụ thể đến sự ủng hộ của ASEAN đối với hoạt động đảm bảo tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ ở khu vực bãi đá Xu Bi (Subi) hồi tháng 10/2015 và đảo Tri Tôn (Triton) thuộc quần đảo Hoàng Sa vào cuối tháng 1/2016 vốn trực tiếp thách thức tuyên bố của Trung Quốc rằng họ có quyền từ chối cho các nước khác tiếp cận những rạn san hô mà Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo trên Biển Đông. Do nguy cơ leo thang xung đột nước lớn liên quan đến vấn đề này, những người chỉ trích hội nghị thượng đỉnh Sunnylands cho rằng hội nghị đã thất bại trong việc giải quyết cái có thể là cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á đang nổi lên những năm gần đây.

Việc tương đối thiếu sự quan tâm đến định hình chiến lược tái cân bằng mà những người kế nhiệm đầy tham vọng của ông Obama đã thể hiện đến nay trong bối cảnh chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng có lẽ là điều không mấy ngạc nhiên. Các kết quả thăm dò dư luận gần đây về quan điểm chính sách đối ngoại của các ứng viên tổng thống tiềm tàng đã nêu bật vấn đề này. Những hồi tưởng của cựu Ngoại trưởng và là ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, về sự cần thiết phải đảm bảo với các đồng minh của Mỹ ở châu Á rằng Washington không bỏ rơi họ để giải quyết với những vấn đề ở Trung Đông và Trung Á đang cho thấy chiến lược tái cân bằng này giống như một hành động đảm bảo chiến lược thay vì một nỗ lực để định hình chiến lược mới.

Trong khi đó, các ứng viên của đảng Cộng hòa lại đề cập đến chiến lược tái cân bằng bằng những từ ngữ chung chung nhất, hoặc chính sách được mất ngang nhau hay cách thức để các đồng minh chia sẻ gánh nặng trong việc trung hòa sức mạnh gia tăng của Bắc Kinh.

Không ứng viên nào thực sự đưa ra những phân tích sâu sắc về sự hiệu quả chiến lược hiện nay của chính sách tái cân bằng. Không ai hồi đáp những tín hiệu phát đi từ đồng minh, đối tác và các bên liên quan khác trong khu vực của Mỹ về việc lợi ích kinh tế, ngoại giao và an ninh của họ có thể trùng khớp hoặc trái ngược với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương như thế nào. Theo đó, những quan ngại ở khu vực Đông Nam Á về sự bền vững của chính sách tái cân bằng của Chính quyền Obama nhiều khả năng sẽ trở nên trầm trọng hơn thay vì được xoa dịu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Việc Chính quyền Obama sẵn sàng tiến hành FONOP đang củng cố sự sẵn sàng của Mỹ nhằm duy trì hiện trạng trên Biển Đông. Tuy nhiên, vẫn cần phải chờ xem người kế nhiệm ông Obama sẽ lựa chọn ưu tiên nào giữa FONOP và các hoạt động trên Biển Đông sau khi lên nắm quyền vào tháng 1/2017.

Đại sứ Mỹ tại ASEAN đã tìm cách đưa ra đảm bảo tốt nhất cho vấn đề này, khi cho rằng trọng tâm của Mỹ với Đông Nam Á, vốn đạt được lực đẩy trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama, sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên, do không có bằng chứng cụ thể nào khác ngoài những gì tồn tại hiện nay, giới quan sát Đông Nam Á vẫn quan ngại một cách hợp lí rằng Washington có thể trở lại mô hình trước đây khi những đột phá ngoại giao và hội nghị cấp cao với các đối tác Đông Nam Á bị bỏ qua, vốn được thể hiện rất rõ trong nhiệm kì Tổng thống George W. Bush, thậm chí trong cả nhiệm kỳ đầu của ông Obama khi Trung Đông chiếm quá nhiều trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ suốt thời gian đó. Để đánh giá vấn đề này một cách toàn diện hơn, sẽ có thể là hữu ích khi xem xét "cuộc tranh luận tái cân bằng" đang tiếp diễn trong bối cảnh vai trò của ASEAN và khả năng hai đồng minh biển chủ chốt của Mỹ ở khu vực, Nhật Bản và Úc, có thể can dự vào một phương trình chính sách như thế.

Tranh luận về tái cân bằng và ASEAN

Rõ ràng môi trường và tiến trình bầu cử định hình các cuộc bầu cử chính trị ở Mỹ thường không đem lại những phân tích sắc sảo về chính sách và chiến lược đối ngoại của nước này. Tuy nhiên, khả năng các bên liên quan giúp chiến lược tái cân bằng tạo ra một ngoại lệ trong năm nay là lớn. Theo điều khoản của Luật ủy quyền quốc phòng tài khóa 2016, chính quyền mới đắc cử ở Mỹ sẽ phải đưa ra một chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" đệ trình Quốc hội trước tháng 3/2017. Điều này đòi hỏi cả Chính quyền Obama, trong thời gian tại nhiệm còn lại, và người kế nhiệm đưa ra những lựa chọn khó khăn về cách thức tốt nhất nhằm hợp nhất lợi ích chiến lược của Mỹ với việc triển khai và thể hiện năng lực của Mỹ trong khu vực ở một thời điểm đang có sự thay đổi cấu trúc nhanh chóng và sâu rộng.

Làm thế nào để việc triển khai sức mạnh của chiến lược tái cân bằng sẽ thực sự có thể chấp nhận được, trong bối cảnh khó khăn kinh tế kéo dài ở Mỹ? Ít nhất một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã thẳng thừng tuyên bố hồi đầu năm 2014 rằng "do những hạn chế về ngân sách hiện tại, chiến lược ‘xoay trục’ đang được xem xét lại, bởi thẳng thắn mà nói, nó sẽ không thể diễn ra".

Sự kết hợp đúng đắn giữa can dự với đồng minh và đối tác khu vực nhằm đảm bảo một vai trò có thể nhận thấy của Mỹ trong việc thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của khu vực mà không đồng thời làm trầm trọng hơn nữa cạnh tranh Trung-Mỹ đến mức độ khiến các mục tiêu tái cân bằng trở nên không thể thực hiện được là gì? Do những điểm nóng khu vực ngày một khó kiểm soát hoặc tồi tệ hơn trên bán đảo Triều Tiên, hay ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, một nhóm các nhà phân tích độc lập Úc và Mỹ đã lập luận rằng trật tự và an ninh khu vực chỉ có thể được thiết lập khi Mỹ tuyên bố từ bỏ cách tiếp cận tái cân bằng để tiến hành thương lượng với Trung Quốc bằng cách hợp thức hóa không gian ảnh hưởng trong khu vực tương ứng của Trung Quốc và Mỹ.

Những người ủng hộ tái cân bằng đã phản bác rằng bất kỳ động thái nào như thế sẽ chỉ làm xói mòn sự ổn định ở châu Á, khi tạo điều kiện cho chủ nghĩa dân tộc ngày càng thái quá của Trung Quốc gia tăng, thúc đẩy chạy đua vũ trang đáng kể trong khu vực và vứt bỏ những lợi ích được minh chứng lâu nay về việc tôn trọng “vai trò trung tâm của ASEAN” trong ngoại giao khu vực và xây dựng thể chế. Mỹ cũng không thể, như họ khẳng định, chấp nhận để mất động lực mà họ gần đây có được khi theo đuổi những lợi ích ngoại giao, kinh tế và quân sự từ chiến lược tái cân bằng. Ông Daniel Russel đã ủng hộ lập luận này, khi gần đây coi thỏa thuận đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN ký kết hồi tháng 11/2015 và cách tiếp cận “dựa trên quy tắc” ở châu Á như một phần của sự “bình thường mới” trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tuy nhiên, vẫn đang tồn tại sự khác biệt về những gì định hình sự điều phối trong quan hệ giữa Washington và ASEAN đối với những vấn đề khu vực như tranh chấp lãnh thổ, chủ nghĩa đa phương và nhân quyền. Chẳng hạn, Mỹ vẫn ít quyết đoán hơn so với ASEAN về một "bộ quy tắc ứng xử" trong xử lý quan hệ giữa các bên tranh chấp ở Biển Đông, thay vào đó tập trung bảo đảm tự do hàng hải trong khi các bên tranh chấp đàm phán về những thỏa thuận dài hạn để giải quyết tranh chấp lãnh thổ này. Washington cũng xem chính trị liên minh và chủ nghĩa đa phương về an ninh tập thể là phương tiện tốt nhất để đưa ra phản ứng nếu xảy ra khủng hoảng ở châu Á, do đó mặc nhiên làm loãng “vai trò trung tâm của ASEAN”.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Mỹ với 11 quốc gia Thái Bình Dương ký kết ở Auckland hồi đầu tháng 2/2016 đã báo hiệu sự quan tâm mạnh mẽ của Washington nhằm thúc đẩy một "chủ nghĩa khu vực mở" thông qua phát triển quan hệ thương mại tự do và tăng cường quan hệ đầu tư thực chất đáng kể (chẳng hạn như doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Đông Nam Á còn lớn hơn tổng đầu tư từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại ở khu vực này). Tuy nhiên, những người hoài nghi lại cho rằng vẫn có khả năng Quốc hội Mỹ không phê chuẩn TPP và việc đòi hỏi từng nước thành viên phải đàm phán tham gia TPP với Quốc hội Mỹ càng làm suy yếu hơn nữa khả năng tồn tại của thỏa thuận thương mại này. Ngoài ra, những ứng viên tổng thống hàng đầu như Donald Trump, Hillary Clinton và Bernie Sanders đều đang phản đối TPP dưới hình thức hiện tại của nó.

Những người chỉ trích TPP đang nhắc đến cái có thể được xem là sự tiến bộ hơn của Trung Quốc khi thiết lập một mạng lưới kinh tế-ngoại giao trong khu vực thông qua Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ít mang tính chính thức và linh hoạt hơn, với các nước Đông Nam Á, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc (không có Mỹ). Họ cũng trích dẫn việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) gần đây có thể tạo ra thách thức đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) do phương Tây chi phối về vị trí hàng đầu trong quản trị kinh tế toàn cầu.

Nếu TPP bị tắc nghẽn bởi cả chính trường nội bộ của Mỹ hoặc bị chính trị “trọng tâm khu vực” và cạnh tranh thương mại thì đánh giá khắc nghiệt của tờ The Economist về yếu tố kinh tế của chính sách tái cân bằng sẽ là chính xác: “Nếu TPP sụp đổ, toàn bộ những gì ông Obama nói về ‘xoay trục’ ở châu Á sẽ chỉ là trống rỗng”.

Về mặt quân sự, Mỹ đang nỗ lực củng cố hơn nữa các quan hệ an ninh song phương truyền thống và triển khai nhiều hơn nữa khí tài hải quân và không quân đến khu vực. Washington thực hiện những biện pháp này với hi vọng đồng minh và đối tác trong khu vực sẽ đóng một vai trò hợp nhất hơn trong việc duy trì một sự cân bằng quân sự khu vực có thể chấp nhận được. Mong muốn “xây dựng năng lực” cho đồng minh/đối tác như vậy của Mỹ đã được Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel nêu bật trong phát biểu quan trọng tại Đối thoại Shangri-La 2014 ở Singapore. Cam kết rằng Mỹ sẽ hỗ trợ đồng minh và đối tác trong khu vực phát triển năng lực quân sự mới và hiện đại, ông Hagel khẳng định Washington quyết tâm củng cố năng lực cho những nước này để họ tự đảm bảo an ninh cho mình.

Đặc biệt, ông cũng kêu gọi các nước Đông Nam Á thúc đẩy những sáng kiến phòng vệ riêng và đầu tư vào những lĩnh vực như điều phối lực lượng (bao gồm việc sử dụng căn cứ hải quân Changi của Singapore như một trung tâm chỉ huy và kiểm soát), giám sát trên biển và chia sẻ tin tức tình báo. Ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải lên kế hoạch chung về lý thuyết hiệu quả hơn nữa thông qua những thể chế như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM).

Dù Washington đã cam kết tiếp tục tăng cường ủng hộ vật chất đối với nỗ lực chia sẻ gánh nặng của ASEAN, những người chỉ trích chiến lược tái cân bằng khẳng định rằng việc phô trương sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc ở khu vực lân cận, cùng với sự bao vây tiếp diễn của Mỹ, đang khiến nhiều nhà hoạch định chính sách ở Đông Nam Á không chắc chắn về những biện pháp tái đảm bảo của Mỹ có thể hiệu quả đến đâu. Một nhà quan sát gần đây đã đánh giá tình hình hiện nay là một tình huống mà Bắc Kinh có thể phản ứng trước những hoạt động củng cố quân sự mà có thể được coi là nhằm trực tiếp vào họ trong bối cảnh Mỹ lại đang tiếp tục cắt giảm ngân sách quốc phòng. Trong hoàn cảnh như vậy, “tái cân bằng mềm” trước sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ hầu như không hiệu quả để đảm bảo sự răn đe khu vực và thay vào đó gây nghi ngờ đối với cả lợi ích của đồng minh/đối tác và uy tín chiến lược của Mỹ.

Dẫn chứng cụ thể về sự cần thiết phải dung hòa các yếu tố phản cân bằng trong những tính toán của giới làm chính sách ở Đông Nam Á gần đây đã xuất hiện. Bất chấp tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh, tòa án tối cao Philippines - vốn nhạy cảm với phe chính trị đối lập cánh tả trên cơ sở hiến pháp - đã mất hơn một năm (từ khi được ký vào tháng 4/2014) để thông qua việc phê chuẩn Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường ký kết với Mỹ. Thỏa thuận này cho phép lực lượng Mỹ có quyền tiếp cận lớn hơn đối với các căn cứ và cơ sở quân sự của Philippines.

Trong khi vẫn duy trì vị thế là đồng minh chính thức của Mỹ, Thái Lan rõ ràng đang tiến gần hơn đến Trung Quốc trong quan hệ an ninh sau khi quân đội Thái Lan dùng vũ lực lật đổ chính quyền hồi tháng 5/2014 và Mỹ đã lên án mạnh mẽ sự kiện đó. Sự can dự suy giảm của Mỹ trong cuộc tập trận chung thường niên Hổ mang Vàng (giảm từ 6.000-8.000 lính Mỹ ở thời điểm trước đảo chính xuống còn khoảng 3.300 trong cuộc tập trận năm 2016) sẽ vẫn được duy trì cho đến khi Washington tin tưởng rằng một chính phủ Thái dân chủ hơn sẽ lên nắm quyền. Khả năng Thái Lan mua ba tàu ngầm Trung Quốc, việc hai bên bắt đầu tập trận chung và Bangkok tham gia sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc với việc Trung Quốc đầu tư xây dựng đường sắt ở Thái Lan đều cho thấy người Thái đang làm phức tạp hơn chiến lược tái cân bằng của Mỹ.

Đánh giá tổng quan, hầu hết quân đội ASEAN (nhỏ gọn và có thể dễ dàng quản lý như ở Singapore và Brunei là hai ngoại lệ) phần lớn là lạc hậu và không thể đáp ứng đầy đủ những yêu cầu hoạt động mà giới chỉ huy Mỹ cảm thấy cần đến, thậm chí cả ở trên biển. Bên cạnh đó, kho vũ khí lỗi thời của các nước Đông Nam Á cũng là một sự yếu kém rõ ràng và có thể đẩy các nước trong khu vực vào một thế yếu khi đàm phán với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, các nước buộc sẽ phải bổ sung những hệ thống hiện đại hơn cũng như hỗ trợ huấn luyện hiệu quả mới từ Mỹ mới có thể cải thiện đáng kể triển vọng xây dựng năng lực tập thể cho ASEAN.

Xu hướng ở Nhật Bản và Úc

Là hai đồng minh biển quan trọng nhất của Washington ở châu Á-Thái Bình Dương, Nhật Bản và Úc đang chia sẻ một lợi ích địa chính trị chung trong việc duy trì ổn định các giao điểm và cửa biển ở khu vực. Hai nước này cũng theo đuổi quan hệ an ninh song phương ngày càng gần gũi hơn trong thập kỷ qua, khi cả hai đều nằm trong khuôn khổ đồng minh của Mỹ (thông qua Đối thoại Chiến lược Ba bên – TSD) và thông qua hợp tác an ninh song phương được củng cố như Tuyên bố chung về hợp tác an ninh Nhật Bản-Úc năm 2007. Cả hai đều quan ngại về sự mở rộng sức mạnh xa bờ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông (bao gồm cả cách tiếp cận ngày càng hung hăng trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư). Theo thời gian, những liên kết an ninh chặt chẽ hơn giữa hai nước với Ấn Độ và một số quốc gia duyên hải Đông Nam Á nhất định (như Indonesia và Việt Nam) có thể cấu thành yếu tố bổ sung cho sự hợp tác chiến lược của họ.

Hiện cả Tokyo và Canberra đều đang củng cố quan hệ an ninh của mình lần lượt với các nước ASEAN nhất định, phù hợp với lôgích an ninh tập thể và những kỳ vọng xây dựng năng lực lớn hơn nhằm tạo thuận lợi cho chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng Nhật Bản và Úc là hai nước, cùng với Singapore và Philippines, đã đóng góp phần lớn trong sự ủng hộ của đồng minh và đối tác an ninh đối với chiến lược tái cân bằng của Mỹ cho đến nay.

Cả hai đã không được phép nghi ngờ về tính lâu dài của chiến lược tái cân bằng nhằm hợp lý hóa việc áp dụng chính sách rủi ro hoặc mơ hồ, thay vào đó xác định cách tốt nhất để giảm thiểu sự nghi ngờ về tính khả thi của chính sách tái cân bằng là ủng hộ ngay từ đầu chính sách này. Đây là cách tiếp cận khác biệt rõ rệt so với lập trường kín tiếng hơn đang được nhiều quốc gia Đông Nam Á thể hiện.

Thủ tướng Shinzo Abe đã dẫn dắt Nhật Bản chấp nhận một vị thế “người chủ động góp phần đảm bảo hòa bình”, gồm đưa ra sự hiện diện có chọn lọc nhưng nâng cấp của hải quân Nhật Bản ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương và củng cố hơn nữa các chương trình hỗ trợ xây dựng năng lực cho nhiều quốc gia thành viên ASEAN. Chuyến thăm gần đây của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) tới Campuchia, quyết định quá cảnh máy bay tuần tra P-3C đến các cảng Philippines và Việt Nam trong hành trình đến và đi từ Somalia, bổ sung tàu của MSDF trong cuộc tập trận hải quân do Mỹ đứng đầu và tập trung vào các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải và chủ trì một cuộc gặp "2+2" giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nhật Bản với những người đồng cấp Indonesia chính là những biểu hiện cho quan điểm này.

Việc chuyển giao và bán tàu tuần tra cho Philippines và Việt Nam thông qua các chương trình viện trợ phát triển nước ngoài (ODA) của Nhật Bản đang tiêu biểu cho xu hướng hiện nay. Việc Nhật Bản ký kết một thỏa thuận (vào cuối tháng 2/2016) với Philippines để cung cấp cho nước này thiết bị giám sát trên không và nhiều khí tài quốc phòng khác cũng như thông báo của Tokyo rằng họ sẽ đẩy mạnh tuần tra ở khu vực Biển Đông gần Philippines và Việt Nam, cũng có ý nghĩa tương tự.

Thậm chí còn có ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh chiến lược này là quyết tâm của Nhật Bản trong hợp tác với Úc để phát triển thế hệ lực lượng tàu ngầm tiếp theo của Canberra - một động thái phù hợp với những kỳ vọng về xây dựng năng lực của chiến lược tái cân bằng song cũng là động thái từng bị Ngoại trưởng Trung Quốc chính thức lên tiếng chỉ trích trong cuộc tham vấn gần đây với người đồng cấp Úc.

Nhìn chung, sự can dự chiến lược lớn hơn của Nhật Bản ở Đông Nam Á sẽ tạo thuận lợi cho các mục tiêu của chiến lược tái cân bằng nhằm củng cố hệ thống đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và sẽ “mặc định” điều hòa bất kì xu hướng nào tiến gần hơn đến một Trung Quốc trỗi dậy của các nước ASEAN, nếu sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực bị suy yếu do những sự kiện ở Trung Đông hay châu Âu, hoặc nếu sự hiện diện chiến lược và năng lực phòng vệ của Mỹ dần giảm sút. Song, những thách thức kinh tế riêng của Nhật Bản, di sản chế độ quân phiệt mang tính lịch sử chưa thể giải quyết của Nhật Bản trên toàn khu vực, và sự tập trung lớn hơn mang tính tự nhiên trước các mối đe dọa và tình huống phát sinh ở Đông Bắc Á đang đặt ra những giới hạn về việc Tokyo có thể thực sự làm được bao nhiêu nhằm ủng hộ những mục tiêu chiến lược của Washington ở Đông Nam Á.

Trong hơn một thập kỷ qua, Úc đã nỗ lực đạt sự cân bằng trong chính sách theo đuổi chính trị liên minh truyền thống với Washington và quan hệ đối tác chiến lược với Tokyo, song song với việc phát triển kim ngạch thương mại khổng lồ, và tăng trưởng quan hệ đầu tư ổn định, với Trung Quốc. Chẳng hạn, bất chấp phản đối của Mỹ và Nhật Bản, Úc gần đây đã tham gia AIIB. Tuy nhiên, chiến lược cân bằng được tính toán cẩn thận của Úc có thể bị hủy bỏ nếu sự trỗi dậy của Trung Quốc dẫn đến việc đe dọa các nước láng giềng khu vực của Úc ở Đông Nam Á với những giao điểm địa chính trị quan trọng giữa Úc và châu Á-Thái Bình Dương. Chiến lược này cũng có thể bị thử thách lớn hơn nếu Mỹ kỳ vọng Úc sẽ chọn phe trong bối cảnh tranh chấp Trung-Mỹ gia tăng liên quan đến hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển châu Á tranh chấp. 

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đặt căn cứ tại Nhật Bản đã kêu gọi Úc tiến hành hoạt động đảm bảo tự do hàng hải gần với vùng lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Dù thừa nhận việc tiến hành những hoạt động như vậy là do Úc quyết định, song một chỉ huy hải quân cấp cao của Mỹ sẽ không đưa ra quan điểm công khai như thế nếu ít nhất không được sự chấp thuận ngầm từ giới chức quốc phòng cấp cao nhất trong Chính quyền Obama.

“Yếu tố Trung Quốc”, đặc biệt khi liên quan đến an ninh biển, cấu thành một trong ba yếu tố chiến lược chính mà thông qua đó, giới hoạch định chính sách Úc gắn kết môi trường an ninh tập thể ở Đông Nam Á với lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi của họ. An ninh xuyên biên giới (và, cụ thể hơn, viễn cảnh của các phong trào khủng bố quốc tế đang bắt đầu lan tỏa tại nhiều nơi ở Đông Nam Á) và xây dựng cấu trúc an ninh khu vực là hai yếu tố còn lại.

Do khoảng cách gần với vùng biển Đông Nam Á và lịch sử hợp tác quốc phòng với Malaysia, Singapore, và gần đây hơn là Indonesia, Úc là một đối tác có uy tín cao của ASEAN trong cơ cấu các sáng kiến và mối liên kết chống khủng bố. Là “cường quốc bậc trung” tự nhận, Úc duy trì lòng tin lâu nay về sức mạnh ngoại giao và đàm phán nhằm định hình trật tự khu vực và tránh xung đột. Những thể chế như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+8 (ADMM+8) được Canberra xem là những diễn đàn mang tính xây dựng để can dự với cả Mỹ và Trung Quốc và để quản lý chính trị nước lớn theo những cách mà các nước nhỏ và trung bình có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, Úc đang mạo hiểm trước những hệ quả tồi tệ và leo thang khủng hoảng khi duy trì là đồng minh của Mỹ. Canberra ủng hộ chiến lược tái cân bằng của Mỹ bằng cách chấp nhận để lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú luân phiên ở Darwin, ủng hộ mạnh mẽ TPP và cực lực phản đối Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông. Giống Nhật Bản, Úc gần đây đã củng cố quan hệ quốc phòng với Philippines cũng như đồng ý huấn luyện cho quân nhân Việt Nam. Canberra cũng duy trì Thỏa thuận quốc phòng 5 nước (FPDA) trong đó có Malaysia và Singapore. Họ cũng có quan hệ quốc phòng mở rộng với Indonesia thông qua Hiệp ước Lombok năm 2006 và cơ chế đối thoại “2+2” giữa các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng. 

Tuy nhiên, quan hệ Indonesia-Úc lại đang trồi sụt trong những năm qua do những khác biệt văn hóa và xu hướng tác động đến quan hệ song phương từ những vấn đề chính trị nội bộ ở cả hai nước. Hiện có động lực lớn để duy trì sự cân bằng quyền lực khu vực có thể chấp nhận được trước những thay đổi cấu trúc lớn, đang diễn ra trong khu vực, song cũng trói buộc tư duy chiến lược của cả Úc và Indonesia. Cả hai nước đều xem sự hiện diện chiến lược, trong khu vực và chiến lược tái cân bằng được triển khai của Mỹ là động lực cho an ninh quốc gia của chính họ ở thời điểm mà sức mạnh và chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc được nhìn nhận ngày càng chi phối địa chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương.

Kết luận

Bất chấp sự mơ hồ tiếp diễn liên quan đến mục đích và việc thực thi cụ thể, tuổi thọ của chiến lược tái cân bằng đang kéo dài hơn so với sự trông đợi của những người chỉ trích. Có thể nguyên nhân là từ những diễn biến bên ngoài hơn là việc hoạch định chính sách của Chính quyền Obama. Sự quyết đoán gia tăng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông đang khiến Đông Nam Á ủng hộ hơn các mục tiêu an ninh khu vực của Mỹ thay vì trường hợp nếu Bắc Kinh duy trì chính sách “ngoại giao gây cảm tình” kín đáo trước đây trong khu vực. Cách tiếp cận này đã bị thay thế bằng quan điểm cứng rắn hơn của Trung Quốc sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 làm suy yếu kinh tế Mỹ, và việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền, quyết tâm thúc đẩy lập trường dân tộc chủ nghĩa trong các vấn đề lãnh thổ và chiến lược. 

Những thách thức an ninh xuyên quốc gia như khủng bố quốc tế đang lan rộng ở châu Á-Thái Bình Dương càng khiến giới hoạch định chính sách khu vực tin rằng việc duy trì sự hiện diện sức mạnh Mỹ trong khu vực là có giá trị, thậm chí dù điều đó có nghĩa họ phải đương đầu với những bất định nảy sinh từ sự thiếu chính xác về mục đích mà chiến lược tái cân bằng có thể tạo ra.

Những diễn biến gần đây trên Biển Đông, sự quan tâm rõ ràng của Chính quyền Obama trong việc thúc đẩy quan hệ Mỹ-ASEAN, và nỗ lực từ những đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Úc đang thống nhất chiến lược an ninh quốc gia của riêng họ với công thức xây dựng năng lực kết hợp với việc triển khai chiến lược tái cân bằng đang cho thấy chiến lược “xoay trục” của Mỹ, bất chấp sự mơ hồ của nó, sẽ vẫn là một yếu tố trung tâm trong địa chính trị của Washington hướng đến châu Á-Thái Bình Dương thời gian tới. Tuy nhiên, việc có được sự rõ ràng và nhất quán chính sách trong giai đoạn chuyển giao quyền lực tổng thống ở Mỹ tới đây, sẽ có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa kết quả này. Một nỗ lực khiêm tốn từ các ứng viên tổng thống được đề cử từ lưỡng đảng ở Mỹ nhằm giải đáp cụ thể và toàn diện cho chiến lược tái cân bằng và những vấn đề an ninh châu Á nói chung sẽ là bước đi đầu tiên đáng được hoan nghênh.

William T. Tow là nhà nghiên cứu cấp cao cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak. Bài viết được đăng trên ISEAS.

Trần Quang (gt)