Trung Quốc đã chiếm bãi Vành Khăn (Mischief Reef) từ Philippines năm 1995; thiết lập thành phố Tam Sa (Sansha) trên đảo Phú Lâm (Woody Island); cắt cáp của tàu thăm do dầu khí Việt Nam; chiếm bãi cạn Scarborough Shoal; và hiện đang xây dựng một đường băng trên đảo Gạc Ma (Johnson South Reef). Việc hạ đặt giàn khoan là hành động tiếp theo của Trung Quốc trong khu vực. Tiếp theo việc hạ đặt giàn khoan, ngày 8/6, Trung Quốc đã ra tuyên bố chính thức với tiêu đề “Hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981: Sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc”, tái khẳng định lập trường của họ. Bắc Kinh còn đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc (LHQ). Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Vương Dân đã gửi “tuyên cáo về lập trường” của nước này lên Tổng thư ký Ban Ki-moon và đề nghị cho lưu hành tới 193 thành viên Đại hội đồng LHQ.

Hành động này trái ngược hẳn với những biểu hiện trước đây của Trung Quốc. Trong cuộc Đối thoại Shangri La, Thiếu tướng Vương Quán Trung của quân đội Trung Quốc đã tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết song phương giữa các bên tranh chấp, với khẳng định rõ ràng rằng Mỹ phải đứng ngoài cuộc. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn kiên trì giải pháp giải quyết tranh chấp song phương và phản đối bất kỳ trọng tài nào. Song với việc ra tuyên bố trên và gửi “tuyên cáo về lập trường” tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, tự Trung Quốc đã quốc tế hóa vấn đề tranh chấp. Những diễn biến này đã làm tăng căng thẳng tại Biển Đông và làm cho tình hình phức tạp hơn.

Vấn đề khó hiểu ở chỗ tại sao Trung Quốc ra “tuyên bố về lập trường” này. Mục đích cuối cùng của Trung Quốc trong khu vực là gì? 

Giàn khoan Hải Dương 981 được hạ đặt giữa khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracels) mà Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực từ năm 1974. Theo Việt Nam, giàn khoan Trung Quốc đang hoạt động trong phạm vi Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam, nhưng Trung Quốc lại nói nó đang hoạt động trong khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc và Việt Nam đã ký hiệp định phân định ranh giới tại vịnh Bắc Bộ (Gulf of Tonkin); và hiệp định hợp tác đánh bắt cá trong khu vực năm 2000. 

Có hai nguyên nhân để Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, đó là vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc và những mối lo ngại chiến lược trong khu vực. Từ năm 1993, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu ròng dầu mỏ và phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng nhiên liệu từ nước ngoài. Để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài, Trung Quốc đang tìm cách thăm dò ở nhiều nơi và Biển Đông là nơi có trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt. Về chiến lược, vai trò của các thế lực bên ngoài đang ngày càng tăng trong khu vực. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới hành động hạ đặt giàn khoan là sự phản ứng của Bắc Kinh với môi trường chiến lược đang thay đổi tại Biển Đông. Trung Quốc nhận thấy Biển Đông là yếu tố quan trọng để củng cố ảnh hưởng của họ tại Đông Nam Á, cũng như những khát vọng trong khu vực của Bắc Kinh. Trung Quốc có tham vọng đóng một vai trò quan trọng trong khu vực với việc giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ và do đó đã quay sang giải pháp đa phương để xử lý tranh cấp. 

Có lẽ Trung Quốc đã nhận thấy nếu tiếp tục coi thường luật pháp quốc tế và Liên Hợp Quốc  thì họ sẽ tạo thêm khoảng không cho Mỹ can thiệp vào khu vực. Có một lý do khác khiến Trung Quốc gửi “tuyên cáo về lập trường” lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là nhằm chặn cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Bằng cách đưa ra “tuyên cáo về lập trường”, Bắc Kinh đang tìm cách nêu rõ lập trường của họ và đổ lỗi lên Việt Nam. 

Theo “Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột” (ngày 16/6)

Viết Tuấn (gt)