Phần I: Cảng biển

Trong hơn hai thập kỷ từ 1994 tới nay, Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Campuchia. Với 9 tỷ USD đầu tư vào các lĩnh vực khai khoáng, thủy điện, may mặc và đường bộ, FDI của Trung Quốc chiếm tới 44% tổng đầu tư FDI mà Campuchia nhận được trong giai đoạn 1994 – 2014.

Đáng chú ý, từ 2015, dòng vốn đầu tư của Trung Quốc đã chuyển hướng tập trung vào lĩnh vực cảng biển. Cụ thể là vào tháng 8/2015 và tháng 3/2016, Trung Quốc đã có hai khoản đầu tư có tính chiến lược vào cơ sơ hạ tầng (CSHT) du lịch kèm cảng biển tại Koh Kong (dự án Thành phố Thất Long) với trị giá 3,8 tỷ USD và tại Sihanoukville (Dự án Golden Silver Gulf) với trị giá 5,7 tỷ USD. Xu hướng này đáng chú ý không chỉ vì số vốn đầu tư lớn, mà còn vì tính tiên phong của nó khi mà trước 2015, Trung Quốc không triển khai bất kỳ dự án cảng biển nào tại Campuchia.[1]

Nhờ nguồn lực dồi dào, các dự án mới do Trung Quốc đầu tư sở hữu những cơ hội phát triển vượt trội, tiềm năng trở thành các đầu tàu phát triển của Campuchia. Với 9,5 tỷ USD vốn đầu tư và kiểm soát hơn ¼ diện tích bờ biển của Campuchia trong hai khu vực rộng hơn 33 ngàn hecta, hai cảng biển do Trung Quốc đầu tư tại Sihanoukville và Koh Kong sẽ là hai dự án Cảng nước sâu và Cảng quốc tế mới duy nhất của Campuchia trong giai đoạn sắp tới.

Dù đây là các cảng đầu tiên do Trung Quốc xây dựng tại Campuchia, nhưng lợi thế về nguồn vốn đã giúp hai dự án cảng của Trung Quốc sở hữu tiềm năng phát triển vượt trội so với hai cảng quốc tế hiện tại của Campuchia, cũng như các dự án cảng Campuchia dự kiến phát triển. Trong bài phân tích, ưu thế của hai cảng do Trung Quốc đầu tư được xem xét dựa trên hai khía cạnh: (i) quy mô phát triển và (ii) tầm quan trọng.

Quy mô và mức độ phát triển

Thứ nhất, về quy mô, hai dự án cảng tại Sihanoukville và Koh Kong có quy mô và mức độ phát triển vượt trội so với các cảng hiện có, cũng như các dự án phát triển cảng khác tại Campuchia.  Theo Hội đồng Phát triển Campuchia, kế hoạch phát triển cảng biển của Campuchia sẽ liên quan đến việc xây dựng ba cảng mới, một bến cảng mới và hai dự án mở rộng. Danh sách cụ thể bao gồm:

(i)            Cảng nước sâu tại Tỉnh Koh Kong (Dự án TP. Thất Long, 3,8 tỷ USD, Trung Quốc);

(ii)          Cảng quốc tế tại Tỉnh Preah Sihanouk (Dự án Golden Silver Gulf, 5,7 tỷ USD, Trung Quốc)

(iii)         Cảng du lịch tại Tỉnh Kep (chưa có thông tin triển khai)

(iv)         Bến cảng đa dụng tại Cảng Sihanoukville (Sihanoukville Autonomous Port, 80 triệu USD, Nhật Bản)

(v)          Dự án mở rộng cảng Kampot (xây dựng thêm bến phà chở khách, 18 triệu USD, Nhật Bản)

(vi)         Dự án mở rộng cảng hiện có tại Koh Kong để nhập khẩu đường (chưa có thông tin triển khai)

STT

Tên dự án

Các hạng mục phát triển

Vốn và Đơn vị đầu tư

Tình trạng

1

Cảng nước sâu (Dự án TP. Thất Long, Tỉnh Koh Kong)

Xây dựng Cảng mới, và khu phức hợp nghỉ dưỡng (bao gồm sân bay mới)

Diện tích: 3300 hecta trong Vườn Quốc gia Ream, trải dài 28km bờ biển

Thuê trong 99 năm.

3,8 tỷ USD

Tianjin Union Development Group (UDG - Trung Quốc)

Bắt đầu xây dựng vào tháng 8/2015.

Dự kiến hoàn thành trong 25 năm.

2

Cảng quốc tế (Dự án Golden Silver Gulf, Tỉnh Sihanoukville)

Xây dựng Cảng mới và khu phức hợp nghỉ dưỡng.

Diện tích: 120 dặm vuông (khoảng 300 km2) và trải dài 90km bờ biển.

Thuê trong 99 năm.

5,7 tỷ USD

Unite International Investment Group và Yeejia Tourism Development (Trung Quốc)

Tái khởi động vào tháng 3/2016

Dự kiến hoàn thành trong 20 năm.

3

Cảng du lịch (Tỉnh Kep)

Xây dựng Cảng mới

N/A

Chưa có thông tin triển khai

4

Mở rộng Cảng Sihanoukville Autonomous Port (Tỉnh Sihanoukville)

Xây dựng Bến cảng đa dụng mới dài 350m, sâu 13,5m, nâng công suất thêm 100.000 TEU/năm.

Khu vực cảng rộng 125 ha.

80 triệu USD.

(Vốn vay chính phủ Nhật Bản)

Triển khai vào cuối 2013

Dự kiến hoàn thành vào 2017

5

Mở rộng cảng Kampot (Tỉnh Kampot)

Xây dựng Bến phà chở khách mới

18 triệu USD.

(Vốn vay ADB)

Triển khai vào 2015

Dự kiến hoàn thành vào 2019

6

Mở rộng cảng Koh Kong (Tỉnh Koh Kong, cảng hiện có)

Xây dựng Bến tàu mới để nhập khẩu đường

N/A

Chưa có thông tin triển khai

 

Trong sáu dự án này chỉ có bốn dự án đang được thực hiện, bao gồm hai dự án xây dựng mới do Trung Quốc đầu tư, tại Tỉnh Koh Kong (i) và Tỉnh Preah Sihanouk (ii), và hai dự án do Nhật Bản đầu tư, gồm Bến cảng đa dụng tại Cảng Sihanoukville (iv) và dự án mở rộng tại Kampot (v).

Trong đó, hai dự án cảng do Nhật Bản đầu tư chỉ nhằm xây dựng (i) một bến cảng mới tại Sihanoukville Autonomous Port trị giá 80 triệu USD tại Cảng Sihanoukville với chiều dài 350m, sâu 13,5m và nâng công suất tiếp nhận thêm 100.000 TEU/năm (xấp xỉ ¼ công suất tiếp nhận container hiện tại của Cảng Sihanoukville) và (ii) một bến phà chở khách trị giá 18 triệu USD tại Tỉnh Kampot.

Còn hai cảng quốc tế hiện tại của Campuchia là Cảng Phnom Penh và Sihanoukville Autonomous Port có độ sâu không vượt qua 14m, vì một cảng nằm ở sông, một cảng được phát triển từ những năm 1960. Cảng Phnom Penh là cảng sông, nông và công suất hạn chế, lợi thế lớn nhất của cảng này hiện nay là có liên kết với Cảng Cái Mép của Việt Nam.

Cảng Phnom Penh gồm có hai bến cảng: bến cảng chính có một cầu tàu 184m, bến cảng mới có một cầu tàu 300m, chỉ tiếp nhận được tàu 2000 – 4000 tấn do độ sâu kênh dẫn lúc cao nhất chỉ có 7,5m. Năng lực của Cảng Phnom Penh được ước tính vào khoảng 150.000 tấn mỗi năm. Còn Sihanoukville Autonomous Port, dù là cảng nước sâu duy nhất của Campuchia hiện tại nhưng độ sâu tối đa chỉ có 11,5 m. Cụ thể là khu vực cảng rộng 125 ha, có 8 cầu cảng, tổng chiều dài 1330m, độ sâu 8,5 - 11,5m, có thể tiếp nhận các tàu trọng tải 20.000 tấn hoặc 1500 TEU. Tổng lượng hàng hóa qua cảng năm 2015 là 3,8 triệu tấn và 391.000 TEU.

Trong khi đó, dù chưa có thông tin kỹ thuật chính thức, nhưng với giá trị đầu tư 5,7 tỷ USD (Golden Silver Gulf) và 3,8 tỷ USD (TP. Thất Long) để xây dựng cảng nước sâu và cảng quốc tế mới, nhóm nghiên cứu cũng có thể ước lượng được một số tính chất về độ sâu và khả năng tiếp nhận hàng hóa của hai cảng Trung Quốc dự định đầu tư. Hiện tại, trong lĩnh vực cảng biển, có hai tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá cảng nước sâu.

·         Tiêu chuẩn 1 dựa trên trọng tải tàu tiếp nhận. Theo Cục hàng hải Việt Nam, cảng nước sâu phải tiếp nhận được tàu trọng tải trên 100.000 DWT, tàu container trên 9.000 TEU. Đủ năng lực để có thể kết hợp đảm nhận vai trò trung chuyển container quốc tế. Các cảng chuyên dùng quy mô lớn cho các khu liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện phải tiếp nhận được tàu trọng tải 100.000 đến 300.000 DWT hoặc lớn hơn.

·         Tiêu chuẩn 2 dựa trên độ sâu mớn nước (depth draft) của tàu tiếp nhận. Theo Marine Insight, các cảng nước sâu thế hệ mới phải có khả năng tiếp nhận tàu lớp Panamax: dài 950 feet (tương đương 285m), rộng 106 feet (tương đương 32m), độ sâu 39,5 feet (tương đương 12m). Để đáp ứng yêu cầu này, cảng nước sâu phải có độ sâu tối thiểu là 13,72 m.

Nếu tính dựa trên hai tiêu chuẩn kể trên, hai cảng nước sâu, quốc tế mới do Trung Quốc đầu tư sẽ có độ sâu trên 14m và đủ khả năng tiếp nhận được tàu trên 100.000 tấn. Nếu so với mức trọng tải tiếp nhận tối đa 20.000 tấn của Sihanoukville Autonomous Port và 4000 tấn của Phnom Penh Port thì con số này cho thấy mức độ phát triển của hai cảng do Trung Quốc đầu tư nằm ở một tầm vóc khác hẳn so với các cảng hiện có của Campuchia.

Ngoài ra, hai dự án cảng mới đều là các khu phức hợp cảng và có diện tích phát triển lớn hơn nhiều so với các cảng hiện có của Campuchia. Cảng quốc tế mới do Trung Quốc đầu tư tại Tỉnh Preah Sihanouk nằm trong khuôn khổ Dự án khu nghỉ dưỡng Golden Silver Gulf. Khu nghỉ dưỡng Golden Silver Gulf được giao một diện tích đất rộng 3300 hecta trong Vườn Quốc gia Ream trong 99 năm, bao phủ 28 km bờ biển của bán đảo Ream và nửa phía tây của đảo Koh Thmei - một trong những khu vực ven biển đẹp nhất Campuchia tại Tỉnh Preah Sihanouk. Dự án phát triển sẽ kéo dài trong 20 năm, dự kiến sẽ bao gồm các biệt thự, các khách sạn 5 sao, một trung tâm triển lãm, các cơ sở chăm sóc sức khỏe và mua sắm miễn thuế.

Dự án Cảng nước sâu tại tỉnh Koh Kong nằm trong dự án Thành phố Thất Long (seven dragon city), được cung cấp một diện tích đất rộng 120 dặm vuông (khoảng 300 km2, tương đương 30000 hecta) và trải dài 90km bờ biển, tương đương với hơn 20% tổng chiều dài bờ biển của Campuchia trong 99 năm. Thành phố mới sẽ bao gồm hàng loạt CSHT phát triển du lịch, gồm một Cảng nước sâu, một sân bay, các sòng bạc, khách sạn và sân golf. Các dự án được chia thành 5 giai đoạn, thực hiện trong 25 năm.

Như vậy, thông qua hai dự án này, Trung Quốc sẽ có khả năng kiểm soát hơn ¼ (khoảng 27%) diện tích bờ biển của Campuchia (118 km/440 km bờ biển Campuchia) cùng với 33300 hecta các khu vực đẹp nhất của nước này trong vòng 99 năm. Diện tích phát triển và khu vực giáp biển để phát triển cảng biển của hai dự án này, theo đó, sẽ lớn gấp hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần Sihanoukville Autonomous Port và Phnom Penh Port.[2]

Tầm quan trọng và tiềm năng phát triển

Thứ hai, về tầm quan trọng, hai cảng biển do Trung Quốc đầu tư là hai dự án Cảng nước sâu và Cảng quốc tế mới duy nhất mà Campuchia đã thông qua và dự kiến xây dựng, tính đến hết 2016. Hai cảng này sẽ giúp thúc đẩy liên kết giữa các cảng biển của Campuchia và liên kết vào hệ thống hàng hải khu vực.

Cụ thể là trong sáu dự án phát triển cảng biển của Campuchia, chỉ có hai dự án cảng do Trung Quốc đầu tư là xây dựng cảng biển nước sâu mới. Như đã đề cập ở trên, hai cảng nước sâu mới do Trung Quốc đầu tư sẽ có độ sâu trên 14m và đủ khả năng tiếp nhận được tàu trên 100.000 tấn, với diện tích phát triển tương đương 27% bờ biển Campuchia và bao phủ 33.000 hecta. Tiềm năng của hai cảng này theo đó sẽ giúp loại bỏ hạn chế năng lực hàng hải của Campuchia đến từ giới hạn độ sâu và công suất từ Cảng Sihanoukville và Cảng Phnom Penh. 

Nếu so sánh với hai dự án của Trung Quốc, hai dự án do Nhật Bản đầu tư tương đối nhỏ, chỉ có tác dụng bổ sung và hỗ trợ cho các cảng hiện nay đang bị quá tải (ở đây là Sihanoukville Autonomous Port và Kampot Port). Cảng Sihanoukville hiện đã đạt giới hạn công suất và khả năng tiếp nhận hàng hóa chỉ giới hạn ở mức tàu 20.000 tấn (hoặc 1500 TEU) do giới hạn độ sâu chỉ ở mức 11,5m.

Nếu nâng lên 13,5m (sau khi xây dựng bến cảng mới) thì cũng chỉ nâng công suất xử lý hàng hóa thêm 100.000 TEU/năm (tương đương 25% năng lực xử lý container hiện tại), nhưng vẫn không thể trở thành cảng nước sâu “thực sự” để tiếp nhận các tàu trọng tải lớn 100.000 tấn hoặc 9000 TEU. Trong khi đó, cảng Kampot chỉ là cảng sông và việc xây thêm một bến phà chở khách cũng không thể đóng vai trò đáng kể. Một yếu tố khác là chi phí đầu tư cho việc xây dựng bến cảng mới tại Sihanoukville Autonomous Port và mở rộng cảng Kampot chỉ có 80 triệu và 18 triệu USD. Con số này quá nhỏ so với 5,7 tỷ USD và 3,8 tỷ USD dành cho hai dự án Golden Silver Gulf và TP. Thất Long.

 


Bản đồ 1: Vị trí dự án Golden Silver Gulf (Tỉnh Sihanouville). Nguồn: Foreign Policy

Bản đồ 2: Vị trí Dự án Seven Dragon City (Tỉnh Koh Kong). Nguồn: Foreign Policy


Quan trọng hơn, việc phát triển hai Cảng quốc tế mới tại Sihanoukville và Koh Kong của Trung Quốc sẽ giúp tạo ra một tuyến đường liên kết thuận lợi dọc theo bờ biển giữa Sihanoukville và Koh Kong, từ đó thúc đẩy giao thương đường biển của Campuchia. Sihanoukville hiện là khu vực có nhiều đặc khu kinh tế (SEZ) nhất tại Campuchia với 7 SEZ: Sihanoukville SEZ, Sihanoukville 1 SEZ và SEZ tại Cảng Sihanoukville đang hoạt động; Oknha Mong SEZ, Stung Hao SEZ, SNC SEZ, Kampong Som SEZ đang trong quá trình phát triển. Còn Koh Kong cũng có 3 SEZ: Koh Kong SEZ đang hoạt động; Souy Cheng SEZ và Kiri Sakor SEZ đang phát triển.

Tuy nhiên, dù có tới 11 SEZ đang hoạt động và đang xây dựng (10 SEZ tại Sihanoukville và Koh Kong, 1 SEZ tại Kampot) tại khu vực giáp biển duy nhất của nước này, Campuchia chỉ có một Cảng biển quốc tế tại khu vực Vịnh Thái Lan. Do đó, hai cảng biển mới sẽ bổ trợ cho Cảng Sihanoukville hiện tại, tạo nên một chuỗi ba cảng biển quốc tế, giúp thay đổi bộ mặt giao thông đường thủy của Campuchia.  

Hai cảng nước sâu mới cũng có thể giúp tăng số lượng cảng hiện có của Campuchia trong Mạng lưới cảng biển ASEAN (APN) lên bốn cảng. Campuchia hiện có hai cảng biển trong APN là Cảng Sihanoukville và Cảng Phnom Penh. Với lợi thế phát triển về quy mô và nguồn vốn, cùng với khả năng liên kết với Sihanoukville SEZ (SEZ lớn nhất tại Campuchia) và Kampong Speu SEZ (đang xây dựng, kỷ lục vốn đầu tư ban đầu), lượng hàng hóa lưu thông qua hai cảng này dự kiến sẽ được đảm bảo, từ đó giúp nâng cao vị thế các cảng của Campuchia tại khu vực Vịnh Thái Lan.

Chính vì vậy, trong số các dự án phát triển cảng hiện tại của Campuchia thì hai dự án cảng mới do Trung Quốc đầu tư tại Tỉnh Koh Kong và Tỉnh Prea Sihanouk là hai dự án phát triển cảng biển có giá trị nhất trong giai đoạn sắp tới.

Kết luận

Ra đời vào tháng 10/2013, Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” đã trở thành một trọng tâm kinh tế đối ngoại của Trung Quốc. Với mục tiêu thúc đẩy phát triển CSHT cảng biển và giao thương hàng hải, Trung Quốc đã đầu tư vào cảng biển tại hàng chục quốc gia giáp biển trong khuôn khổ Con đường tơ lụa trên biển (MSR). Tại Đông Nam Á và Nam Á, Trung Quốc đã có 13 dự án cảng biển với tổng trị giá hơn 50 tỷ USD tại 7/9 quốc gia mà Con đường tơ lụa trên biển dự kiến đi qua.

Là đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á, Campuchia với khu vực bờ biển giáp Vịnh Thái Lan nắm trong các tính toán chiến lược của Trung Quốc. Từ 2015, từ tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng, dệt may và thủy điện, Trung Quốc dần chuyển trọng tâm đầu tư sang phát triển CSHT liên kết và công nghiệp tập trung xuất khẩu. Với 16,5 tỷ USD dành cho năm dự án CSHT cảng biển, SEZ và đường cao tốc, Trung Quốc có lợi thế tuyệt đối về nguồn vốn so với các đối thủ khác.

Trái ngược với các chỉ trích rằng đầu tư Trung Quốc chỉ có “lượng”, các dự án mới đầu tư vào cảng biển còn cho thấy những tiềm năng thay đổi về chất. Với 9,5 tỷ USD dành cho hai dự án cảng biển kèm khu phức hợp du lịch, các dự án cảng biển của Trung Quốc có triển vọng thay đổi năng lực vận tải và hậu cần hàng hải của Campuchia trong giai đoạn sắp tới. Về kỹ thuật, hai cảng biển mới tại Koh Kong và Sihanoukville nhiều khả năng sẽ có độ sâu trên 13,72m và đủ khả năng tiếp nhận các tàu lớp Panamax với trọng tải trên 100000 tấn, hoặc trên 9000 TEU.

Một mặt, các cảng mới sẽ giúp phá bỏ hạn chế về độ sâu tiếp nhận tàu và công suất hàng hóa mà hai cảng biển lớn nhất Campuchia hiện tại là Sihanoukville Autonomous Port và Phnom Penh Autonomous Port đang gặp phải. Mặt khác, với tổng diện tích phát triển hai cảng biển và khu phức hợp lên tới 33000 hecta và trải dài 118 km bờ biển, hai cảng biển mới có thể thúc đẩy liên kết biến Campuchia trở thành một trung tâm hậu cần, tiếp vận và vận tải biển quan trọng trong Mạng lưới hàng hải ASEAN.

Dưới góc nhìn này, Con đường tơ lụa trên biển có tiềm năng lớn trong việc thay đổi mạng lưới kết nối biển ở khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế của Campuchia. Trong giai đoạn sắp tới, việc thành bại của các dự án này sẽ là “một minh chứng sống” cho cam kết và hiệu quả của chiến lược phát triển CSHT của Trung Quốc. Tuy nhiên, rủi ro là rất lớn khi hạ tầng cứng là một vấn đề, hạ tầng “mềm”, trong đó dịch vụ, nhân lực và thể chế, cũng là thách thức không nhỏ.

(Còn nữa)

Vũ Thành Công là nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.

Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



[1] Dự án Golden Silver Gulf được chấp thuận vào cuối 2009 đã bị hủy vào tháng 5/2010, trước khi kịp triển khai.

[2] Cảng Phnom Penh gồm có hai bến cảng, tổng chiều dài 484m. Còn Sihanoukville Autonomous Port có tổng chiều dài cầu cảng là 1330m và khu vực cảng rộng 125 ha.