thediplomat_2014-07-14_12-29-44-386x257.jpg

Sự tái cân bằng của Mỹ sang châu Á vẫn chưa đem lại được kết quả như mong muốn đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Biển Đông: Kiểm soát các bước tiến của Bắc Kinh trong những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Thay vào đó, bất chấp một vài hành động thành công, phần lớn các chiến lược mà Philippines và Việt Nam áp dụng đã phản tác dụng. Trung Quốc đã nắm mọi cơ hội để đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền của mình nhằm phản ứng với những hành vi khiêu khích được nhận thấy và sự bất lực trong tác chiến của các nước láng giềng. Hãy xem xét một số ví dụ về cách các bên cạnh tranh ở Biển Đông hành động, phản ứng và tương tác trong khi theo đuổi một cách chiến lược những lợi ích của riêng họ.

Thứ nhất, chiến dịch vụng về của Philippines ở bãi cạn Scarborough trong năm 2012 đã đem lại cho Bắc Kinh một cơ hội để kiểm soát bãi ngầm chiến lược ở Đông Bắc Biển Đông này. Manila đã triển khai tàu hải quân lớn nhất của mình, một tàu tuần tra đã ngừng hoạt động từ những năm 1960 của Mỹ để buộc các ngư dân Trung Quốc phải chạy vào trong phá, đuổi theo họ vì cho rằng họ đã xâm phạm lãnh thổ. Nhưng lối vào có vẻ quá nhỏ và nước quá nông cho chiếc tàu chiến. Thay vào đó, một nhóm nhỏ lên bờ đã tiến vào con phá để thực hiện vụ bắt giữ. Điều này đã đem lại thời gian và không gian cho các tàu thực thi pháp luật Trung Quốc can thiệp. Ngoài ra, Manila đã thất bại trên mặt trận tuyên truyền. Việc sử dụng một tàu hải quân mang đến ấn tượng rằng Philippines đã quân sự hóa cuộc tranh chấp. Điều này đã cho phép Bắc Kinh ghi điểm bằng cách cáo buộc rằng một hải quân Philippines hiếu chiến, thích bắt nạt đã chĩa súng vào các ngư dân Trung Quốc không may mắn, những người đơn thuần tìm kiếm nơi trú bão bên trong bãi cạn. Hơn nữa, Trung Quốc đã có thể sử dụng sức ép kinh tế trả đũa – từ du lịch đến buôn bán chuối – để khiến Manila phải chịu thiệt hại to lớn. Cuối cùng, để bảo vệ quan hệ song phương, Philippines đã tái bổ nhiệm một nhà ngoại giao về hưu làm đại sứ mới ở Bắc Kinh. Nói cách khác, cuộc đấu phe phái nội bộ đã khiến quốc gia Thái Bình Dương này không có đại sứ ở Trung Quốc trong hơn 1 năm. Cuộc đối đầu kéo dài diễn ra nhiều tháng sau đó đã đem đến cho Bắc Kinh một chiến thắng toàn diện trước Manila.

Tương tự, Việt Nam trong năm 2012 bằng cách ban hành một luật biển chính thức hóa các yêu sách của mình trên Biển Đông. Hành động này đã làm Bắc Kinh tức giận, Trung Quốc đã ngay lập tức phản ứng bằng cách công bố – vào cùng ngày hôm đó – các kế hoạch về một thành phố Tam Sa mới để quản lý 2 triệu km2 “lãnh thổ xanh” tranh chấp. Sự trả đũa của Bắc Kinh cũng gồm cả đơn vị đồn trú quân sự trên đảo Phú Lâm (Woody Island) của quần đảo Hoàng Sa, thủ phủ của Tam Sa được đề xuất, cùng với cơ sở hạ tầng đã cải thiện tại đó. Cần lưu ý là những tính toán về thành phố khổng lồ này đã tồn tại từ 15 năm trước khi nó được công bố vào năm 2007; tuy nhiên, những sự phản đối của Việt Nam năm đó đã buộc Bắc Kinh phải xếp xó kế hoạch này. Giờ đây, luật mới của Hà Nội đã vô tình đem lại vỏ bọc cho Bắc Kinh để thông qua dự án gây bất đồng này, bất chấp thực tế rằng nó rõ ràng vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 mà Trung Quốc đã ký kết với các nước Đông Nam Á.

Trung Quốc do đó đã đánh bại Việt Nam trong việc củng cố yêu sách biển với tuyên bố thành phố Tam Sa mới, và đánh bại Philippines trong việc mở rộng sự tiếp cận bãi cạn Scarborough. Trên thực tế, đánh mất quyền kiểm soát bãi cạn này, Manila quyết định thách thức Bắc Kinh trên mặt trận pháp lý quốc tế. Manila đã kiện Bắc Kinh lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển xung quanh tính hợp pháp đường 9 đoạn của Trung Quốc. Bắc Kinh coi vụ kiện đơn phương của Manila là hành vi khiêu khích của một thế lực quân sự và kinh tế yếu hơn, một nước nỗ lực đưa Trung Quốc vào một diễn đàn pháp lý đi ngược lại ý muốn của nước này. Trung Quốc đã phản ứng bằng việc xây dựng đảo nhân tạo tại các bãi đá thuộc quyền kiểm soát của mình, đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng trước khi phán quyết cuối cùng có thể được đưa ra. Một chuyên gia hàng hải Philippines thừa nhận: “Việc cải tạo đất rõ ràng là một phản ứng trước vụ kiện. Nếu Trung Quốc từng có kế hoạch thực sự để làm vậy trước đây, rõ ràng vụ kiện đã đẩy nhanh những kế hoạch đó”.

Các hình ảnh vệ tinh vào cuối năm 2014 đã chứng minh quy mô và vận tốc đáng kinh ngạc của sáng kiến xây đảo rộng lớn này. Trước tháng 1/2014, sự hiện diện của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa chỉ bao gồm các tiền đồn dựng bằng các lô cốt bê tông đặt trên 7 đảo san hô. Theo một báo cáo mới của Lầu năm góc, hiện nay quy mô của những công trình đặt trên bãi đá này đã tăng từ diện tích tổng cộng 5 hecta lên khoảng 2.000 hecta, tăng gấp 400 lần về diện tích. Tàu nạo vét Thiên Tân được sử dụng để xây dựng các đảo do Trung Quốc và Đức cùng thiết kế. Nó đã được đóng trong năm 2008, và chuyển giao năm 2010. Rõ ràng, Bắc Kinh đã có nhiều cách để hành động hơn. Điều này một lần nữa chứng minh trò chơi dài hơi mà giới ra quyết định của Bắc Kinh đã tiến hành trong cuộc đấu đa tầng nấc này.

Phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng, Bắc Kinh đã bao biện cho những hành động của mình bằng cách dẫn ra không chỉ vụ kiện đơn phương của Manila mà còn dẫn ra các tiền lệ cải tạo đất liên quan đến những hoạt động xây dựng của Philippines và Việt Nam trên các đảo thuộc quyền kiểm soát của họ. Thú vị là Sáng kiến Minh bạch Biển Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã công bố đoạn băng ủng hộ các cáo buộc của Trung Quốc về những nỗ lực cải tạo đất của Việt Nam. Các hình ảnh vệ tinh của AMTI đã xác nhận những nỗ lực cải tạo đất đáng kể trên hai khu vực do Hà Nội chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa từ năm 2010 đến tháng 2/2015, với tổng cộng 86.000 m2 (20 hecta) đất đã được cải tạo. Ở cả hai nơi, “các cơ sở quân sự” đã được phát triển, một trong số đó chỉ cách đảo Ba Bình do Đài Loan kiểm soát có 11 dặm. Rõ ràng, và bất chấp những phàn nàn đối với các hành động của Bắc Kinh, chương trình cải tạo đất của chính Việt Nam ít nhất đi trước nỗ lực của Trung Quốc hai năm.

Mặc dù Manila và Hà Nội mỗi bên đã đạt được lợi ích của mình trong cuộc tranh giành, lợi ích tương đối của Bắc Kinh ấn tượng hơn nhiều. Trung Quốc trên thực tế đã thiết lập quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough, và tạo ra hơn 2.000 hecta đất mới, lớn hơn tất cả các lãnh thổ của các bên tuyên bố chủ quyền khác gộp lại. Cần lưu ý là độ tin cậy của những cuộc cải tạo đất này và những cấu trúc bên trên chúng vẫn chưa được thử thách bởi bão hay động đất. Bên cạnh việc khoe khoang quyền xây dựng, đến lượt nó gợi lên sự thèm muốn bãi đá trong các nước láng giềng, điều gì thôi thúc Bắc Kinh trong những dự án cần nhiều vốn này?

Những sự bất công

Trung Quốc dường như có động lực bành trướng vì những bất công có thể thấy liên quan đến cách dàn xếp của quốc tế về lãnh thổ nước này. Bắc Kinh nhắc lại cách Trung Quốc đã bị làm nhục ở hai hội nghị hòa bình vào cuối hai cuộc chiến tranh thế giới. Cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất, lãnh thổ Trung Quốc do Đức nắm giữ ở bán đảo Sơn Đông được chuyển giao cho Nhật Bản tại hội nghị hòa bình Paris năm 1919, các cuộc phản kháng chống lại điều này đã dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc cấp tiến hai năm sau. 30 năm sau, tại hội nghị hòa bình San Francisco năm 1951, Trung Quốc thậm chí không có một ghế, bất chấp họ chiến đấu chống Nhật Bản lâu hơn bất kỳ nước nào, và phải chịu thương vong và tàn phá lớn nhất ở châu Á. Trên thực tế, cả hai chính phủ Trung Quốc hai bên bờ eo biển Đài Loan đã không được mời. Các cường quốc phương Tây đã thiết lập trật tự Đông Á mà không có sự hiện diện của Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tuyên bố trong một bài phát biểu chính ở Washington: “Sẽ là hoàn toàn bất công nếu đề nghị Trung Quốc từ bỏ các quyền chính đáng của mình và chịu thua trước những đòi hỏi vô lý của các bên nhất định. Đừng ảo tưởng rằng bất kỳ ai cũng có thể áp đặt một ‘nguyên trạng’ đơn phương lên Trung Quốc. Và đừng ảo tưởng rằng bất kỳ ai có thể nhiều lần vi phạm chủ quyền của Trung Quốc mà không phải chịu hậu quả”. Nói tóm lại, nỗ lực xây dựng đảo phản ánh ý chí, quyết tâm và khả năng quốc gia của Bắc Kinh.

Chưa vùng đất cải tạo nào của Bắc Kinh được thử thách bằng những yếu tố thiên nhiên như bão định kỳ và mực nước biển dâng của khu vực này; tuy nhiên, không giống như thiên nhiên, Mỹ đã chọn cách không đứng yên. Điều này phản ánh ưu thế và sự hiện diện truyền thống của nước này ở Biển Đông. Washington, Tokyo và Manila gần đây đã kết thúc các cuộc tập trận gần bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát. Do nhiều điểm gây xung đột đang tồn tại, một cuộc chiến tranh với một Trung Quốc đang nổi lên ở khu vực phụ cận sẽ dễ dàng nổ ra, nhưng khó có thể kết thúc.

Phản ứng của Washington với sự điên cuồng xây dựng này – truyền thống của họ là đổ lỗi cho Trung Quốc – cũng không thể làm cuộc đối đầu lắng xuống. Một quan chức Lầu năm góc phát biểu: “Chúng tôi không ủng hộ các nỗ lực cải tạo đất trên Biển Đông của bất kỳ bên nào. Tuy nhiên, tốc độ và quy mô cải tạo đất của Trung Quốc trong những năm gần đây lớn hơn của các bên tuyên bố chủ quyền khác”. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã chỉ trích Trung Quốc vì “sử dụng hoàn toàn quy mô và sức mạnh của mình để buộc các nước vào thế phụ thuộc”. Những chỉ trích này để lại ấn tượng rằng Washington phản đối quy mô và sức mạnh của Trung Quốc vì những lý do chiến lược thay vì chính bản thân hành động cải tạo đất. Được coi là bất công, những sự chỉ trích này không thể khiến Trung Quốc bằng lòng với các chuẩn mực quốc tế khi các bên tuyên bố chủ quyền khác dường như hành động mà không bị trừng phạt. Những bài học cho các hành động, phản ứng và tương tác này là gì?

Để hiểu nguồn gốc của vấn đề này, Mỹ nên nhận thức rõ trách nhiệm của chính mình trong việc tạo ra mớ rắc rối này. Cuộc tranh giành Biển Đông hiện tại có thể bắt nguồn từ Hiệp ước hòa bình San Francisco (SFPT) năm 1951. Khi đó, người “thiết kế” hiệp ước này, John Foster Dulles, đã cố ý để các lãnh thổ biên giới của châu Á không có nước làm chủ. Như Kimie Hara, tác giả cuốn Những biên giới Chiến tranh Lạnh ở châu Á-Thái Bình Dương, chỉ ra, hiệp ước này đã tạo ra phần lớn mớ hỗn độn lãnh thổ của châu Á. Cần nhớ rằng không Chính phủ Trung Quốc nào được phép tham gia các cuộc đàm phán này. Các tranh chấp Biển Đông chỉ là hai trong danh sách dài những cơn bùng nổ từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á, trong đó có quần đảo Kuril/Lãnh thổ phương Bắc, Bắc-Nam Triều Tiên chia cắt và quần đảo Dokdo/Takeshima, cũng như quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, bản thân Đài Loan, quần đảo Hoàng Sa/Tây Sa và Trường Sa/Nam Sa.

Tuy nhiên, ngoài cuộc khẩu chiến và những “máy ủi đất” dưới mặt biển, thách thức thực sự là đặt ra một chiến lược hiệu quả, đa phương để thay đổi hành vi của tất cả bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Dường như không có chính sách nào tốt hơn lập trường chính thức từ lâu của Bắc Kinh về gác lại tranh chấp và cùng phát triển tài nguyên, được cho là một cách tiếp cận khả thi và hướng tới tương lai hơn so với phản ứng quân sự. Được Đặng Tiểu Bình đưa ra vào năm 1978 đối với tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cách tiếp cận này được Chính phủ Trung Quốc áp dụng cho quần đảo Trường Sa trong những năm 1980. Nếu được áp dụng, nó có thể đóng băng nguyên trạng, giúp giải quyết các xung đột chính trị và đạt được những lợi ích kinh tế cho tất cả. Lợi ích của cùng tồn tại hòa bình là gì? Sự thôi thúc bành trướng của Bắc Kinh sẽ bị ngăn chặn; quyền tự do hàng hải do Mỹ cho phép sẽ được bảo đảm tốt hơn.

Tại sao Washington nên ủng hộ việc này?

Thứ nhất, với quyết tâm và khả năng của Bắc Kinh, các đồng minh và đối tác của Washington không thể chiến thắng trong một cuộc đối đầu trực diện trên Biển Đông. Việc gác lại tranh chấp sẽ giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn của quá khứ: khiêu khích vì bị khiêu khích về tranh chấp chủ quyền.

Thứ hai, tất cả các bên tuyên bố chủ quyền khác trong tranh chấp Biển Đông đang theo đuổi một chiến lược mơ hồ là dựa vào Washington về an ninh và vào Bắc Kinh về kinh tế. Họ đã tham gia hoặc bày tỏ sự nhiệt tình tham gia Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc tài trợ, thể hiện sự sẵn sàng can dự với Trung Quốc khi các lợi ích hội tụ. Việc cùng phát triển tài nguyên Biển Đông sẽ củng cố sự hội tụ này.

Thứ ba, có những vấn đề toàn cầu quan trọng giữa Washington và Bắc Kinh để hợp tác, trong đó có biến đổi khí hậu và sự phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Thứ tư, vì Trung Quốc tài trợ cho chính sách này, nước này sẽ có động cơ để hành động theo sáng kiến của riêng mình.

Thứ năm, Trung Quốc hứa hẹn rằng các hoạt động xây dựng của mình không nhằm đối đầu với Mỹ; thay vào đó, chúng sẽ được sử dụng để “mang lại công ích cho tất cả mọi người”. Trên thực tế, chỉ huy Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi, đã hoan nghênh Hải quân Mỹ sử dụng các cơ sở này cho mục đích nhân đạo và chống cướp biển.

Thứ sáu, chúng ta đang trong dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Á. Sự ủng hộ của Mỹ đối với sáng kiến của Trung Quốc đem lại cơ hội cho Washington cải thiện các rắc rối họ đã tạo ra năm 1951.

Cuối cùng, hai cuộc chiến tranh vũ trang ở Đông Á là quá nhiều. Đã đến lúc tất cả các bên tuyên bố chủ quyền cân nhắc nghiêm túc quay trở lại cách tiếp cận cùng phát triển này. Mỹ nên đóng vai trò là một trung gian trung thực để đưa các bên đến bàn đàm phán. Nếu cách tiếp cận như vậy có thể trở thành hiện thực, chiến lược đáng gờm của Bắc Kinh là mở rộng đất đai của mình – với những phản ứng thực chất cứng rắn hơn trước các hành vi khiêu khích được nhận thấy – sẽ không còn là một vấn đề nữa.

Theo “The Diplomat” (ngày 21/5)

Anh Thư (gt)