Sau một khoảng thời gian, Mỹ đã chính thức áp dụng một cách tiếp cận mới với châu Á: Chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Được nhắc đến lần đầu tiên trong một bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cuối năm 2017, song chiến lược này vẫn chỉ là một ý tưởng trong gần 18 tháng. FOIP chính thức được khuếch trương thông qua một bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ được công bố ngày 1/6 cũng như qua các hành động của Mỹ tại khu vực.

Thoạt nhìn, chiến lược này như một phiên bản cứng rắn hơn đôi chút của những gì nước Mỹ đã làm trong nhiều thập kỷ qua. Washington muốn duy trì vị thế vượt trội của mình tại khu vực và nhìn chung sẽ áp dụng các cách thức tương tự như trước đây. Đó là thông qua việc theo đuổi vị thế quân sự vượt trội song song với việc xây dựng một loạt quan hệ đồng minh và quan hệ đối tác chiến lược có quan hệ chặt chẽ hơn. Chiến lược này cũng sẽ không quá khác biệt so với những gì bà Hillary Clinton hay ông Jeb Bush sẽ làm nếu như họ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Đáng chú ý nhất, chiến lược FOIP đã lý giải cho cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc. Các chính sách liên quan tới Trung Quốc của Washington lâu nay được mô tả là "vừa can dự vừa kiềm chế" - một sự kết hợp khó hiểu trong tư duy chiến lược. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ hiện nay chỉ đơn thuần coi Trung Quốc như một mối nguy hại cần phải loại bỏ.

Trong bối cảnh Tổng thống Trump lâu nay luôn chỉ trích Nhật Bản và Hàn Quốc "được lợi miễn phí", nhiều người băn khoăn rằng ông sẽ làm gì với chính sách của Mỹ đối với châu Á. Chiến lược FOIP cho thấy, ít nhất là trên phương diện địa chính trị, Mỹ đang chọn tiếp tục duy trì vị thế vượt trội dài hạn của mình. Tuy nhiên, chiến lược địa chính trị này đánh dấu sự cắt đứt với quá khứ, bởi nó tách rời khỏi chính sách kinh tế. Trật tự khu vực ổn định và thịnh vượng trước đây, xoay quanh địa vị đứng đầu của nước Mỹ, có được là nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa các lợi ích kinh tế và chính trị. Mỹ đóng vai trò trung tâm, không chỉ là chủ thể giúp gìn giữ hòa bình mà còn là một thị trường xuất khẩu then chốt, và là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho khu vực.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã sắp xếp lại những lợi ích chiến lược và kinh tế ở châu Á. Hầu hết các quốc gia trong khu vực đều có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc hơn là với Mỹ, dù cho Mỹ vẫn là một nguồn vốn đầu tư rất quan trọng. Điều đó không có nghĩa là những nước này sẽ chuyển lòng trung thành từ Washington sang Bắc Kinh. Nhưng nếu như Washington muốn tiếp tục giữ vai trò chi phối ở châu Á và đẩy lùi được Trung Quốc, Washington cần nhận ra rằng các đối tác và đồng minh của Mỹ không còn có những lợi ích như trước đây.

Việc này đã khiến cho chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đưa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở thành trọng tâm của kế hoạch tái cân bằng châu Á. Đó là những biện pháp để Washington nỗ lực tái liên kết vấn đề chính trị và kinh tế trong một thế giới mà Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thương mại hàng đầu của châu Á.

Một trong những hành động đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump là rút Mỹ khỏi TPP. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở việc chiến lược FOIP thiếu khía cạnh kinh tế. Chủ nghĩa trọng thương thô bạo của Washington trong cách tiếp cận thương mại ở khu vực đi ngược lại quan điểm về một trật tự khu vực “tự do và rộng mở”.

Chính quyền của Tổng thống Trump đang vướng vào một cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang với Trung Quốc. Mỹ cũng đã áp đặt những khoản thuế quan đáng kể với Nhật Bản, tái đàm phán thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc và đánh thuế với Việt Nam - một quốc gia đang tích cực dịch chuyển vào "quỹ đạo" của Washington. Thậm chí, Washington còn công khai tính tới việc áp đặt thuế lên hàng hóa của Úc.

Dưới sự lãnh đạo của chính quyền Mỹ hiện nay, chính sách chiến lược và thương mại được triển khai theo những hướng khác hẳn nhau. Cách tiếp cận này không phù hợp với những quan điểm về một trật tự khu vực “tự do và rộng mở”, và đã hiểu sai bản chất liên kết chặt chẽ của những lợi ích quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa.

Châu Á giờ đây phải đối mặt với bộ đôi cường quốc theo chủ nghĩa xét lại. Trung Quốc muốn tái thiết lập trật tự chiến lược lấy Trung Quốc làm trung tâm. Còn Mỹ lại đang từ bỏ cách tiếp cận ai cũng được lợi trong 7 thập kỉ qua, và thay vào đó sử dụng sức mạnh kinh tế để giành được những mặc cả ngắn hạn có lợi cho mình.

Các nước lớn trong khu vực đang cố gắng tìm ra cách để đối phó với hai cường quốc theo chủ nghĩa xét lại này. Trước mắt, các nước này đang tìm cách né tránh và cố xác định xem căng thẳng trong chính sách của Mỹ giữa những lực lượng ủng hộ tính liên tục của chính sách Mỹ trong dài hạn và bản chất hám lợi ngắn hạn của ông Trump sẽ kéo dài bao lâu. Việc các nước lớn trong khu vực "hồi sinh" TPP cho thấy sự chủ động của các nước này trong gian đoạn phức tạp. Tuy nhiên, những nước nhỏ hơn vẫn bị phụ thuộc, chịu ảnh hưởng của sự ganh đua giữa các nước lớn.

Như đường lối hiện nay, FOIP là bước đầu trong cuộc chiến địa chính trị với Trung Quốc. Về lý thuyết, chiến lược này có bao hàm khía cạnh kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay, chiến lược đã tạo ra chủ nghĩa trọng thượng gây tổn hại tới những triển vọng của Washington về lâu dài. Đồng thời, FOIP cũng đang làm đảo lộn những liên minh, đối tác và góp phần chính trị hóa những mối quan hệ kinh tế trong khu vực.

Cho đến khi Mỹ phát triển được một cách tiếp cận kinh tế đối với khu vực, có thể liên kết những mục tiêu với các biện pháp chính sách, Washington sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đạt được mục tiêu “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở"./.

Nick Bisley là Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học La Trobe. Bài viết đăng trên  “East Asia Forum”.

 Hương Trà (gt)