Ngày 9/3, tàu tuần tra biển của Trung Quốc đã chặn hai tàu Philippines chở hàng tiếp tế cho nhóm lính đồn trú tại bãi Thomas 2 từ năm 1999, bởi cho rằng Manila đang tìm cách xây dựng cơ sở hạ tầng tại bãi cạn này nhằm mục đích củng cố tuyên bố chủ quyền của họ. Cách đây 15 năm, Philippines đã đồn trú một nhóm lính thủy quân lục chiến trên bãi cạn nói trên thuộc khu vực quần đảo tranh chấp Trường Sa. Hành động của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Manila. 

Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố “bãi Ayungin là một phần trong thềm lục địa của Philippines và vì thế, Philippines được phép thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán tại khu vực này mà không cần sự cho phép của các nước khác”. Ngoài ra, tuyên bố khẳng định các tàu dân sự được Hải quân Philippines thuê chỉ với mục đích luân chuyển nhóm lính đồn trú và chuyển hàng tiếp tế. Tuyên bố cũng cho rằng vấn đề này là một “mối đe dọa cấp bách với các quyền và lợi ích của Philippines theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”. 

Giải thích hành động của mình, Bắc Kinh cho hay theo cảnh sát biển Trung Quốc, tàu của họ trên đường tuần tra định kỳ ở vùng biển ngoài Bãi Cỏ Mây hôm 9/3 đã phát hiện hai tàu cắm cờ Philippines tiếp cận Bãi Cỏ Mây, và “chở đầy vật liệu xây dựng". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cáo buộc tàu Philippines đã “mắc cạn” bất hợp pháp tại Bãi Cỏ Mây vào năm 1999 với cái cớ gặp "sự cố". Không chỉ từ chối kéo chiếc tàu này đi, theo ông Tần Cương, Philippines hiện còn tìm cách xây dựng các công trình trên Bãi Cỏ Mây, "ngang nhiên vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) đã được ký kết bởi Trung Quốc và các nước ASEAN".

Trước đó, hôm 27/1, Philippines cáo buộc Trung Quốc phun vòi rồng vào ngư dân nước này để ngăn họ đi vào vùng biển tranh chấp xung quanh bãi cạn Scarborough. Năm 2012, Manila và Bắc Kinh đã rơi vào thế đối đầu nảy lửa tại đây. Sự kiện này đã thu hút nhiều quan tâm của dư luận quốc tế đối với tranh chấp trong khu vực, với bài phát biểu sau đó của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Leon Panetta tại Singapore về chiến lược tái cân bằng của Mỹ với khu vực. Trong khi Manila rút quân khỏi bãi cạn, Trung Quốc tiếp tục duy trì các tàu vũ trang trong khu vực, coi đây là lãnh thổ của mình. Cách hành xử khiêu khích của Bắc Kinh dường như là một phần trong chiến lược lớn hơn ở Biển Đông, nơi Trung Quốc không dùng vũ lực gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng đủ để bắt các nước tranh chấp nhỏ hơn phải khuất phục. Chiến lược "cắt lát salami" mà nhà báo Robert Haddick đã sử dụng để mô tả là "có các hành động nhỏ, không đủ để khơi mào cho một cuộc chiến, mà nhằm kéo dài thời gian cho một sự thay đổi chiến lược lớn".

Trung Quốc đang dần giành quyền kiểm soát các bãi cạn và đảo nhỏ trên Biển Đông, tăng cường sự hiện diện và củng cố tuyên bố chủ quyền của mình tại đây. Bắc Kinh từ chối tuân thủ UNCLOS và phủi tay trước nỗ lực của Manila nhằm giải quyết vấn đề này tại tòa án quốc tế. Thậm chí, dù Washington ngày càng tỏ ra quan ngại, song thực tế họ không thể làm được gì nhiều trước việc Bắc Kinh từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế, bởi chính Mỹ cũng chưa ký kết UNCLOS và thường phá vỡ quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế mỗi khi động chạm đến lợi ích quốc gia. 

Vì vậy, nếu chưa xảy ra xung đột quân sự thực sự giữa Trung Quốc với một trong những đồng minh của Washington thì không ai có thể ngăn chặn được việc Bắc Kinh dần thôn tính các bãi cạn và đảo nhỏ trên Biển Đông. Thực tế cho thấy Trung Quốc đang bắt đầu hành xử như một cường quốc. Do cảnh sát biển Trung Quốc phong tỏa việc thả hàng tiếp tế từ trên không của Philippines, Manila sẽ phải cử tàu biển tiếp tế cho nhóm lính đóng trên bãi Cỏ Mây. Trong một tuyên bố với hãng tin Reuters, một sĩ quan hải quân Philippines nói rằng "chúng tôi không có kế hoạch mở rộng hoặc xây dựng các công trình dài hạn tại bãi cạn... Từ năm 2013, chúng tôi đã tiếp tế cho binh lính của mình bằng tàu dân sự để tránh đối đầu". Washington đã phản ứng mạnh mẽ với hành động của Trung Quốc, gọi đây là một "động thái khiêu khích làm gia tăng căng thẳng" và kêu gọi tất cả các bên duy trì nguyên trạng.

Dù hầu hết các bên tranh chấp đều tỏ ra thận trọng với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, song nội bộ ASEAN lại bị chia rẽ về quan điểm đối với tranh chấp này do mối quan hệ kinh tế giữa các nước thành viên với Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đang tìm cách hàn gắn quan hệ với các nước như Việt Nam và Malaysia, song loại bỏ các đồng minh của Mỹ là Philippines và Nhật Bản ra ngoài cuộc "tấn công quyến rũ" của mình. Trong bối cảnh việc thực hiện chiến lược "cắt lát salami" của Bắc Kinh đang được tăng tốc, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với ASEAN lúc này là phải thể hiện sự đoàn kết và đứng lên trước người láng giềng lớn là Trung Quốc. Do tranh chấp này nhiều khả năng sẽ không được giải quyết trong tương lai gần, nên tất cả các nước giờ đây cần thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông để tránh đối đầu quân sự trong khu vực. 

Darshana M. Baruah là nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Observer Research Foundation (ORF),  New  Delhi, đồng thời là phó tổng biên tập tạp chí South China Sea Monitor của ORF. Bài viết được đăng trên trang RSIS (ngày 21/3).

Vũ Hiền (gt)