Tình hình Biển Đông hiện nay có 5 đặc điểm nổi bật: (i) Biển Đông đang chuyển từ khu vực ít xảy ra tranh chấp thành khu vực dễ xảy ra tranh chấp, liên tục xảy ra tranh chấp và tranh chấp trở nên thường xuyên. (ii) Cục diện Biển Đông từ tình hình có thể kiểm soát về tổng thể diễn biến sang tình hình có thể kiểm soát được ở mức độ có giới hạn. Đặc điểm là cùng với nhân tố Mỹ và ASEAN ngày càng nổi bật trên vấn đề Biển Đông, biến số của tình hình Biển Đông cũng tăng lên, bắt đầu xuất hiện cục diện chuyển từ có trật tự sang không có trật tự. (iii) Các nước tranh chấp ở Biển Đông đều có lập trường khác nhau, xu hướng lấy “ý chí của riêng mình” thay cho “ý chí chung” đang dần nổi lên, phương thức kiểm soát khủng hoảng ở Biển Đông bắt đầu phát triển theo hướng đơn phương không lành mạnh. (iv) Cạnh tranh địa chính trị và chạy đua vũ trang ở Biển Đông đang trở nên gay gắt, cuộc đấu chiến lược nước lớn và cuộc đấu chiến thuật nước nhỏ đan xen và ảnh hưởng lẫn nhau. (v) Luận chiến về chính trị, ngoại giao, pháp lý về vấn đề Biển Đông trở nên thường xuyên. Không gian và dư địa để Trung Quốc xử lý thỏa đáng vấn đề tranh chấp Biển Đông bị thu nhỏ, tính phức tạp và độ khó khăn ngày càng tăng.

Do ảnh hưởng của nhiều nhân tố như Mỹ tăng cường chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương và sự tương tác giữa các nước tranh chấp và không có tranh chấp ở trong và ngoài khu vực, vấn đề Biển Đông trong tương lai sẽ phát triển và diễn biến theo 5 xu hướng:

(i) Hình thức biểu hiện của tranh chấp Biển Đông từ tranh chấp chủ trương diễn biến dần thành tranh chấp kiểm soát trên thực địa. Đặc biệt là một số nước tranh chấp thông qua nhiều phương thức như “sử dụng vũ lực để chiếm biển, quân đội chiếm đóng và đưa dân đi cùng” để tăng cường kiểm soát thực tế đối với các đảo, đá đã chiếm được và vùng biển phụ cận; đẩy mạnh khai thác tài nguyên, làm cho các sự vụ xung đột trong quản lý ở Biển Đông liên tục xảy ra.

(ii) Xu hướng đa phương hóa, quốc tế hóa và phức tạp hóa vấn đề Biển Đông ngày càng nổi bật. Sức ép trong việc sử dụng cơ chế đa phương giải quyết vấn đề Biển Đông đang ngày càng lớn đối với Trung Quốc. Việc các nước lớn ngoài khu vực do Mỹ cầm đầu can thiệp vào vấn đề Biển Đông và nhiều công ty dầu khí xuyên quốc gia tiến hành các hoạt động khai thác tài nguyên dầu khí ở khu vực Biển Đông trở thành nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

(iii) Vấn đề Biển Đông sẽ trở thành điểm nóng mới trong cuộc đấu tranh ngoại giao, pháp lý đa phương của Trung Quốc. Tình trạng bị động của Trung Quốc trong dư luận quốc tế về vấn đề Biển Đông khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn. Các hội nghị quốc tế hiện nay cơ bản đã hình thành công thức “bàn về Châu Á - Thái Bình Dương phải lôi Trung Quốc ra, bàn về an ninh phải đề cập đến Biển Đông”. Khi nói đến vấn đề Biển Đông, dư luận quốc tế thường “thiên vị”, Trung Quốc thường xuyên trở thành đối tượng bị công kích và chỉ trích.

(iv) Cùng với việc Mỹ tăng cường bố trí quân sự ở khu vực Biển Đông và chạy đua vũ trang ở khu vực Biển Đông ngày càng gay gắt, mục tiêu mong muốn thông qua sự kiềm chế để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông của Trung Quốc ngày càng trở nên lực bất tòng tâm.

(v) Địa vị của vấn đề Biển Đông trong tổng thể ngoại giao của Trung Quốc ngày càng tăng lên, sẽ là vấn đề ngoại giao lớn mà Trung Quốc buộc phải ứng phó trong thời gian dài từ nay về sau.

Nhằm duy trì thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng cho Trung Quốc phát triển, duy trì khu vực xung quanh ổn định và bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc ở Biển Đông ở mức độ lớn nhất, 10 năm tới sẽ là thời kỳ quan trọng mà Trung Quốc cần tích cực hành động ở Biển Đông, đồng thời cần xử lý tốt 4 cặp mâu thuẫn sau:

(i) Mâu thuẫn giữa việc Mỹ thực hiện chiến lược “tái cân bằng” ở Châu Á - Thái Bình Dương và việc Trung Quốc mở rộng quyền lợi biển xuống phía Nam. Bản chất của cuộc chiến Trung - Mỹ ở Biển Đông là “cuộc chiến về quyền lợi biển” và quyền lợi biển tiềm tàng đang chuyển hóa thành quyền lợi biển hiện thực, tức là quyền kiểm soát đối với tuyến đường thông thương trên biển. Đây sẽ là chiến trường chính trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ trong tương lai.

(ii) Mâu thuẫn giữa việc xử lý quan hệ nước lớn và quan hệ với các nước xung quanh trên vấn đề Biển Đông. Điều này sẽ tạo ra sự chồng chéo chiến lược, dư địa sẽ nhỏ đi, không gian bị thu hẹp. Đặc biệt, cục diện cạnh tranh giữa sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc với chiến lược của các nước lớn ngoài khu vực sẽ nổi bật hơn. Tranh chấp Biển Đông chuyển từ vấn đề giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN thành “cuộc đấu tam giác” giữa Trung Quốc, Mỹ và ASEAN. Việc làm thế nào để điều hòa, xử lý thỏa đáng mối quan hệ với các nước xung quanh và mối quan hệ với nước lớn đã trở thành mâu thuẫn hết sức cấp bách và hóc búa.

(iii) Mâu thuẫn giữa việc bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc ở Biển Đông và việc duy trì ổn định quan hệ song phương giữa Trung Quốc với các nước tranh chấp liên quan. Tầm quan trọng của Biển Đông đối với Trung Quốc là rất rõ ràng. Ý thức bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay ngày càng được tăng cường, biện pháp ngày càng được sáng tạo, năng lực không ngừng được nâng cao. Việc bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc ở Biển Đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương với các nước tranh chấp. Việc làm thế nào để xử lý thỏa đáng mâu thuẫn này sẽ ảnh hưởng đến ổn định và hòa bình lâu dài ở Biển Đông.

(iv) Mâu thuẫn giữa khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đang ngày càng nổi lên ở Trung Quốc và việc tiếp tục thực hiện phương châm chiến lược “giấu mình chờ thời”. Do ảnh hưởng của các nhân tố như sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng và tranh chấp lãnh thổ biển ngày càng gay gắt, khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc ngày càng nổi lên. Không gian và dư địa để Chính phủ Trung Quốc ra quyết sách bị nhỏ đi. Đồng thời, Trung Quốc đang ở trong thời kỳ phát triển đặc biệt “sẽ mạnh nhưng chưa mạnh”, sự lo ngại của các nước trong và ngoài khu vực đối với chiến lược của Trung Quốc ngày càng tăng lên. Việc giữ kiềm chế cần thiết và có lý tính trên vấn đề biên giới lãnh thổ phù hợp với nhu cầu lợi ích chiến lược của Trung Quốc.

Bài viết của Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn.

Theo Tân Hoa xã (ngày 21/12)

Lê Sơn (gt)