Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ: Màu sắc thuyết Tự do và cạnh tranh nước lớn

Cục diện thế giới mới

NSS lần đầu khẳng định trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc, trong đó cạnh tranh nước lớn và các vấn đề an ninh mang tính chất toàn cầu sẽ định hình trật tự mới. Cụ thể, Mỹ xác định thập kỷ tới sẽ là thập kỷ cạnh tranh giữa hai phe: dân chủ và phi dân chủ. Nga là “mối đe dọa tức thời” do chiến sự Ukraine nhưng Trung Quốc mới là “thách thức có hệ lụy nhất”. Cạnh tranh này sẽ khiến các hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề về khí hậu, dịch bệnh, năng lượng, thực phẩm hay khủng bố khó giải quyết.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nước đi đầu và có vị thế thuận lợi nhất để đương đầu với các thách thức. NSS khẳng định Mỹ có sức mạnh nổi trội về mọi mặt, có hệ thống đồng minh – đối tác rộng mở, được nhiều quốc gia tại “mọi châu lục” ủng hộ. Trong khi đó, sức mạnh của Trung Quốc và Nga còn nhiều giới hạn. Chiến sự Ukraine đã bộc lộ điểm yếu của Nga còn Trung Quốc sẽ bị các chính các nước xung quanh xa lánh.

Trong bối cảnh này, Mỹ cần đảm bảo ba lợi ích quốc gia: bảo vệ an ninh người dân Mỹ; mở rộng thịnh vượng; hiện thực hóa và bảo vệ dân chủ - các lợi ích tương đối “truyền thống” với Mỹ. Các lợi ích hướng tới mục tiêu chung là trật tự quốc tế tự do, rộng mở, thịnh vượng và bình ổn.

Tuy nhiên, để đạt được các lợi ích, NSS đề ra các nhóm hành động có phần khác biệt. Thứ nhất, Chính quyền Biden đầu tư vào nội lực để giữ lợi thế cạnh tranh, nhất là trong các lĩnh vực như công nghiệp - sáng tạo, nhân lực và dân chủ thay vì chỉ tập trung vào thương mại và thuế quan như thời Trump. Thứ hai, Chính quyền Biden dùng ngoại giao để xây dựng mạng lưới “mạnh nhất có thể” qua các tập hợp “cải tiến” như NATO, AUKUS và Quad và qua các sáng kiến bao trùm như IPEF hay PGII, thay vì đẩy mạnh “nước Mỹ trước tiên” như trước. Thứ ba, Mỹ sẽ thúc đẩy năng lực quân sự, chú trọng vào năng lực răn đe hạt nhân và răn đe “tích hợp”. Răn đe tích hợp này là khái niệm mới được Chính quyền Biden thúc đẩy từ tháng 6/2021.

Màu sắc thuyết Tự do rõ rệt hơn

Lý thuyết an ninh quốc tế có rất nhiều trường phái, nổi bật nhất là trường phái “cổ điển”, “mở rộng” (broad view) và “con người”. So với NSS thời Trump, văn bản mới thể hiện cách tiếp cận an ninh “con người” nhiều hơn, trong đó con người được coi là chủ thể chính thay vì nhà nước.

Thực ra, NSS 2017 đã có những chỉ dấu về xu hướng này: lần đầu coi an ninh kinh tế là an ninh quốc gia; nhấn mạnh an ninh phải bảo vệ lợi ích người dân Mỹ thay vì nước Mỹ. NSS mới phát triển hơn khi lặp lại 16 lần cụm “vì người dân Mỹ” (NSS Obama chỉ nhắc 4 lần[1]) dù đôi chỗ còn khiên cưỡng (Ví du, Mỹ củng cố dân chủ hay tham chiến tại nước ngoài cũng là “vì người dân Mỹ”). NSS mới cũng lần đầu nâng vấn đề toàn cầu lên hàng “chiến lược” và đề cao các nhóm ít quyền lợi hơn như nữ giới, người nhập cư, LGBTQI+, người lao động hay người nghèo. Ngoại giao nhân dân cũng được đề cập song song với ngoại giao nhà nước. Xu hướng này có thể là hệ quả của ảnh hưởng từ Nhóm Cấp tiến và Nhóm Dân túy trong chính trị nội bộ Mỹ.

Ngoài ra, nếu như NSS 2017 nhấn mạnh Mỹ đang theo đuổi thuyết “hiện thực có nguyên tắc”, đặt quan hệ quốc tế vào bàn cân thiệt – hơn, coi trọng hợp tác theo hướng thực dụng và có phần giao dịch, NSS 2022 lại mang màu sắc chủ nghĩa Tự do nhiều hơn. Ví dụ, NSS thời Trump không hề nhắc đến trật tự “dựa trên luật lệ” mà tập trung vào “quyền lực” nhưng NSS mới đã đem khái niệm này trở lại (nhắc đến 8 lần). Chủ nghĩa đa phương cũng được mô tả tích cực hơn thời Trump: NATO không còn bị gắn với “trách nhiệm” phải chia sẻ gánh nặng với Mỹ; Liên hiệp Quốc không còn bị Mỹ kêu gọi cải cách; các tổ chức quốc tế không còn bị cho là thiếu hiệu quả, không phục vụ lợi ích Mỹ như thời Trump nữa. Ngược lại, NSS khẳng định giá trị của đồng minh - đối tác, của các liên minh “rộng mở” và các nhóm – tổ chức – sáng kiến nhiều bên như ASEAN, Quad, AUKUS, PGII hay IPEF.

Cạnh tranh Mỹ - Trung ở tầm cao mới

Dù mang nặng màu sắc Tự do khi nói về các vấn đề toàn cầu, NSS lại thể hiện màu sắc Hiện thực hơn khi nói về Trung Quốc. Điểm nhấn xuyên suốt trong NSS mới chính là cạnh tranh Mỹ - Trung. NSS đã mở rộng mức độ cạnh tranh này, thể hiện qua cách xác định đối thủ, phạm vi và phương thức cạnh tranh với đối thủ.

Về đối thủ, NSS mới không đặt Nga và Trung Quốc ngang hàng như NSS 2017 mà khẳng định Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn. Trong bối cảnh chiến sự Ukraine, nhiều ý kiến quan ngại về khả năng Mỹ thay đổi trọng tâm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong chiến lược toàn cầu nhưng NSS đã bác bỏ quan ngại này khi khẳng định: Nga không có năng lực toàn diện như Trung Quốc, Trung Quốc là nước duy nhất vừa có ý định, vừa có năng lực định hình lại hệ thống quốc tế.  

Về phạm vi địa lý, NSS nâng cấp cạnh tranh Mỹ - Trung từ khu vực Thái Bình Dương lên toàn cầu. Bằng chứng là NSS đặt ưu tiên các khu vực Trung Quốc đang tìm cách tăng ảnh hưởng như các đảo quốc Thái Bình Dương hơn trước (Trung Quốc mới đây đạt được thỏa thuận an ninh riêng với Solomon, tìm cách ký thỏa thuận an ninh – kinh tế với các đảo quốc, thành công trong việc thuyết phục nhiều đảo quốc bỏ công nhận ngoại giao Đài Loan…). NSS cũng lần đầu có phần riêng về Bắc Cực và không gian biển – trên không - vũ trụ và định hướng phát triển các “luật lệ đi đường” mới tại đây, có thể vì đây là các không gian Trung Quốc đang thúc đẩy hiện diện trong khi hệ thống luật quốc tế chưa có quy định rõ ràng tại các không gian này.

Về phương thức, trong lĩnh vực kinh tế, thay vì tập trung vào cuộc chiến thương mại hay thuế quan như thời Trump, NSS mới mở rộng sang cạnh tranh công nghệ mới, nhất là về nguồn cung các chất bán dẫn (Mỹ mới đây đã tập hợp liên minh CHIP 4 về chất bán dẫn để hạn chế nguồn cung từ Trung Quốc và hạn chế nguồn hàng sang Trung Quốc). Trong lĩnh vực an ninh, Mỹ mở rộng năng lực răn đe của mình với khái niệm “răn đe tích hợp”, lần đầu khẳng định mục tiêu của khái niệm này là răn đe Trung Quốc trên mọi khu vực. Trước kia, khi quan chức Mỹ quảng bá về khái niệm, Mỹ không nói rõ đối tượng răn đe và chỉ giải thích khía cạnh “tích hợp” về năng lực, lĩnh vực và đối tác.

Riêng về Biển Đông, đây cũng là lần đầu Mỹ đề cập đến những gì Mỹ sẽ làm tại Biển Đông, cụ thể là “thúc đẩy tự do hàng hải và ủng hộ chung của khu vực đối với một Biển Đông rộng mở, nơi 2/3 thương mại biển toàn cầu đi qua”. Trước đó, NSS thời Bush (2002[2] và 2006[3]) và NSS đầu thời Obama (2010[4]) không hề nhắc đến Biển Đông. NSS thứ hai thời Obama (2015[5]) và thời Trump (2017[6]) có nhắc đến nhưng chỉ coi Biển Đông là một vấn đề khu vực khi phác họa bối cảnh quốc tế (Trung Quốc đang xây dựng các căn cứ tại Biển Đông, căng thẳng tại Biển Đông có thể leo thang hay Mỹ ủng hộ COC giữa Trung Quốc và ASEAN chung chung).

Tuy nhiên, cách triển khai cạnh tranh Mỹ - Trung vẫn còn chưa rõ. Nội bộ Mỹ vốn đồng thuận về mục tiêu cạnh tranh với Trung Quốc nhưng bất đồng về cách thức triển khai thực tế. Có ý kiến cho rằng việc NSS nâng vấn đề toàn cầu lên tầm chiến lược sẽ buộc Mỹ phải hợp tác với Trung Quốc nhiều hơn. Có ý kiến cho rằng tương quan lực lượng Mỹ - Trung ngày càng hẹp, Mỹ khó ứng phó với 2 thách thức hạt nhân cùng lúc[7] nên cạnh tranh sẽ khó thuận lợi. Đó là chưa kể, các sáng kiến tập hợp lực lượng của Mỹ còn nhiều hạn chế: IPEF không đem lại cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ cho các thành viên; CHIP 4 chưa được các doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc ủng hộ vì nhiều lý do; AUKUS còn bị khu vực dè chừng, bị coi là kích động chạy đua vũ trang và có tiềm năng vi phạm luật quốc tế…

Một điểm cần chú ý là, cạnh tranh không phải là tất cả trong chính sách mới. NSS vẫn phát một số “tín hiệu” tích cực về Trung Quốc: Mỹ đề cao vị thế mới của Trung Quốc trên trường quốc tế, tuyên bố có thể “cùng tồn tại hòa bình” và sẵn sàng hợp tác trong các vấn đề cùng lợi ích như biến đổi khí hậu. Có học giả còn cho rằng Mỹ lần đầu “ngầm thừa nhận” rằng Trung Quốc đã tạo được vùng ảnh hưởng xung quanh mình khi NSS nhắc đến cụm “vùng ảnh hưởng tăng cường” của Trung Quốc[8].

Nhìn chung, NSS mới đã phác họa cục diện quốc tế mới theo góc độ của Chính quyền Biden, nâng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn lên tầm cao mới nhưng vẫn chú trọng vào chủ nghĩa Tự do và các vấn đề an ninh phi quân sự mang tính toàn cầu. Dù không được nhắc đến trực tiếp, VN vẫn là bên có liên hệ gián tiếp tới những vấn đề này và do đó, quá trình triển khai NSS cần được theo dõi sát sao trong thời gian tới./.

Đỗ Hoàng & Việt Hà, Viện Biển Đông, Twitter: @hoangdo_m. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân.

 

[1]https://obamawhitehouse.archives.gov/sites/default/files/docs/2015_national_security_strategy_2.pdf

[2] https://georgewbush-whitehouse.archives.gov/nsc/nss/2002/

[3] https://georgewbush-whitehouse.archives.gov/nsc/nss/2006/

[4]https://obamawhitehouse.archives.gov/sites/default/files/rss_viewer/national_security_strategy.pdf

[5]https://obamawhitehouse.archives.gov/sites/default/files/docs/2015_national_security_strategy_2.pdf

[6]https://trumpwhitehouse.archives.gov/wp-content/uploads/2017/12/NSS-Final-12-18-2017-0905.pdf

[7]https://www.theguardian.com/world/2022/oct/12/nuclear-weapons-russia-china-us-national-security-strategy

[8] https://twitter.com/ashleytownshend/status/1580546192240693251