Chỉ dấu cho chính sách Biển Đông của Chính quyền Ferdinand Marcos Jr. từ Tuyên bố kỷ niệm 6 năm Phán quyết Tòa Trọng tài

Ngày 12/7/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo ra Tuyên bố kỷ niệm 6 năm Phán quyết Tòa Trọng tài về Vụ kiện Trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc (Phán quyết)[1]. Đây là lần thứ ba Bộ trưởng Ngoại giao Philippines ra Tuyên bố kỷ niệm Phán quyết. Tuyên bố lần thứ nhất và lần thứ hai lần lượt được công bố vào năm 2020[2] và năm 2021[3].

Tuyên bố năm 2022 đề cao giá trị Phán quyết, UNCLOS 1982

So sánh ba Tuyên bố này cho thấy chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đề cao hơn giá trị của Phán quyết, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Tuyên bố năm 2022 của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines khẳng định mạnh mẽ hơn ý nghĩa và giá trị của Phán quyết. Tuyên bố năm 2022 khẳng định rõ rằng, ngày ra Phán quyết không chỉ là một “cột mốc lịch sử” mà còn chứng tỏ “luật pháp chiếm ưu thế” và “hoà bình, ổn định và tiến bộ chỉ đạt được khi chúng được xây dựng trên cơ sở của trật tự pháp lý trên biển dựa trên luật lệ”. Trong khi đó, Tuyên bố các năm trước nêu khá chung chung, chỉ cho rằng việc kỷ niệm ngày ra Phán quyết để tôn vinh luật pháp như một phương tiện giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và công bằng (Tuyên bố năm 2020) và hướng về tương lai hợp tác vì lợi ích chung (Tuyên bố năm 2021).

Tuyên bố năm 2022 kết hợp và mở rộng quan điểm của Philippines về kết quả Phán quyết. Tuyên bố năm 2022 khẳng định kết quả Phán quyết là “không thể phủ nhận, chối bỏ” (Tuyên bố năm 2020) và Phán quyết là “chung thẩm”, “Philippines phản đối các nỗ lực làm giảm giá trị hay xóa bỏ Phán quyết”, “hoan nghênh các nước tham gia ủng hộ Phán quyết” (Tuyên bố năm 2021). Đồng thời, Tuyên bố năm 2022 mở rộng phạm vi ứng dụng Phán quyết cho các quốc gia khác khi cho rằng, Phán quyết là “nguồn cảm hứng đối với các quốc gia đối mặt với thách thức tương tự về cách xử lý vấn đề lý trí và đúng đắn” (trong khi Tuyên bố năm 2021 chỉ cho rằng, Phán quyết là “chỉ dẫn” cho các quốc gia ven biển xác định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình). Nói cách khác, Tuyên bố năm 2022 cho thấy Philippines khuyến khích các quốc gia khác áp dụng biện pháp kiện lên Toà Trọng tài hoặc biện pháp pháp lý khác phù hợp.

Nội dung phản bác “đường chín đoạn” của Trung Quốc trong Tuyên bố năm 2022 bám sát Phán quyết hơn. Tuyên bố năm 2022 tập hợp cả hai cụm từ phản bác “đường chín đoạn”, khẳng định “đường chín đoạn” “không có cơ sở pháp lý” (Tuyên bố năm 2020) và “không có hiệu lực pháp lý” (Tuyên bố năm 2021). Việc nêu cả hai cụm từ này phản ánh đúng với nội dung trong Phán quyết rằng: tuyên bố về quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc ở vùng biển trong phạm vi yêu sách “đường chín đoạn” là trái với UNCLOS 1982. Tuyên bố này không có hiệu lực về pháp luật, do đó Trung Quốc không thể vượt quá giới hạn về địa lý và nội dung về quyền lợi trên biển của Trung Quốc theo quy định của UNCLOS 1982[4]. Bên cạnh đó, Thông cáo báo chí của Tòa Trọng tài về Phán quyết cũng chỉ ra rằng, không có bằng chứng nào cho thấy trong lịch sử, Trung Quốc đã từng kiểm soát độc quyền đối với tài nguyên của vùng biển này (Biển Đông). Tòa kết luận các quyền lịch sử của Trung Quốc đã bị hủy bỏ vì không phù hợp với UNCLOS 1982[5].

Bên cạnh đó, Tuyên bố năm 2022 của Philippines hàm ý các hoạt động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines là vi phạm quyền chủ quyền của Philippines như Phán quyết đã nêu: “cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn, khai thác quy mô lớn các loài sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng và các hành động được thực hiện kể từ khi bắt đầu phân xử đã làm trầm trọng thêm các tranh chấp.”

Tuyên bố năm 2022 nhấn mạnh UNCLOS 1982 và bày tỏ thông điệp rõ ràng hơn về tác dụng của Phán quyết đối với trật tự dựa trên luật lệ. Tuyên bố năm 2022 đề cập đến UNCLOS 1982 sáu lần, tương đương với Tuyên bố năm 2020 và nhiều hơn Tuyên bố năm 2021 bốn lần. Tuyên bố năm 2022 còn nhấn mạnh việc kỷ niệm 40 năm UNCLOS 1982 rằng, UNCLOS 1982 đặt ra khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển; mọi quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ toàn bộ UNCLOS 1982 và đó là chìa khoá để đảm bảo hoà bình thế giới và khu vực, sử dụng biển công bằng và bền vững. Như nêu ở trên, Tuyên bố năm 2022 còn khẳng định, hoà bình, ổn định và tiến bộ “chỉ” đạt được khi chúng được xây dựng “trên cơ sở” của “trật tự pháp lý trên biển dựa trên luật lệ.”

Tuyên bố năm 2022 cho thấy Philippines nâng tầm Phán quyết trong chính sách Biển Đông của Philippines khi cho rằng, Phán quyết và UNCLOS 1982 là “mỏ neo kép” cho chính sách và hành động của Philippines ở Biển Đông. Trong Tuyên bố các năm trước, Philippines chỉ nhìn nhận Phán quyết có tác dụng trong việc hiện thực hoá UNCLOS 1982, cho rằng Phán quyết ra đời trong khuôn khổ của UNCLOS 1982 (Tuyên bố năm 2020) và góp phần “khẳng định UNCLOS 1982” (Tuyên bố năm 2021) mà không đề cập đến tác động của Phán quyết đối với chính sách của Philippines.

Bên cạnh đó, Tuyên bố năm 2022 cũng lần đầu tiên khẳng định, Phán quyết đề cao quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines ở vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Hướng đi hợp lý của chính quyền Ferdinand Marcos Jr.

Tuyên bố kỷ niệm 6 năm Phán quyết của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines là sự tiếp nối tuyên bố khẳng định giá trị của Phán quyết của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử của Philippines vào tháng 5/2022. Ông Marcos Jr. khẳng định rằng, Phán quyết là “rất quan trọng” và Philippines tiếp tục dùng Phán quyết để “khẳng định các quyền lãnh thổ” [6] và không để “một tấc” vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines trên Biển Đông bị chà đạp[7].

Đây là hướng đi hợp lý của chính quyền Ferdinand Marcos Jr. bởi lẽ: Thứ nhất, luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 là cơ sở cho mọi hoạt động trên biển và giải quyết hoà bình các khác biệt và tranh chấp trên biển. Thứ hai, Phán quyết nói riêng và các văn bản luật pháp quốc tế là công cụ giải quyết và quản lý tranh chấp hòa bình, công bằng và được quốc tế công nhận. Chiến thắng của Philippines trong vụ kiện góp phần khẳng định sức mạnh của luật pháp quốc tế và quyền tự quyết của các quốc gia vừa và nhỏ. Chiến thắng không chỉ là cơ sở tham khảo cho việc sử dụng các biện pháp pháp lý trong tranh chấp, mà còn giúp quốc tế hóa vấn đề, xây dựng dư luận quốc tế tích cực dựa trên cơ sở pháp luật. Đây chính là chất xúc tác để tạo ra một trật tự dựa trên luật lệ. Thứ ba, đề cao giá trị Phán quyết cũng là một lần nhắc lại rằng yêu sách “đường chín đoạn” dựa trên “quyền lịch sử” của Trung Quốc đã bị luật pháp quốc tế bác bỏ, trong khi yêu sách này chồng lấn với lãnh thổ và quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nhiều quốc gia ven biển, không chỉ riêng Philippines. Do đó, có thể coi Phán quyết không chỉ có giá trị song phương mà có giá trị đối với cả khu vực.

Mặc dù vậy, chính quyền Tổng thống Marcos Jr. dường như thể hiện “khéo léo” trong ứng xử của Philippines với Trung Quốc - kỷ niệm Phán quyết song tránh gây phản ứng mạnh không cần thiết từ Trung Quốc. Tuyên bố năm 2022 (giống như năm 2021) không chỉ đích danh Trung Quốc mặc dù Phán quyết liên quan trực tiếp đến hai nước. Trong khi đó, Tuyên bố năm 2020 đề cập đến “Trung Quốc” bốn lần.

Tóm lại, Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines kỷ niệm 6 năm Phán quyết và những động thái ban đầu của Chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho thấy Philippines đề cao Phán quyết, UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế trong việc xử lý vấn đề Biển Đông. Đây là hướng đi hợp lý của Philippines và cần tiếp tục để củng cố mặt trận chung của cộng đồng quốc tế trong việc thượng tôn trật tự ở biển dựa trên luật lệ, UNCLOS 1982, bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển của các nước ven biển, giải quyết các khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực, đe doạ sử dụng vũ lực và chèn ép ./.

* Nguyễn Huy Hà Anh là Trợ lý nghiên cứu, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

 

[1] Department of Foreign Affairs of Republic of the Philippines, Statement of Foreign Affairs Secretary Enrique A. Manalo on the 6th Anniversary of the Award on the South China Sea Arbitration, 12 July 2022, https://dfa.gov.ph/dfa-news/statements-and-advisoriesupdate/30865-statement-of-foreign-affairs-secretary-enrique-a-manalo-on-the-6th-anniversary-of-the-award-on-the-south-china-sea-arbitration

[2] Department of Foreign Affairs of Republic of the Philippines, Statement of TEODORO L. LOCSIN, JR. Secretary of Foreign Affairs On the 4th Anniversary of the Issuance of the Award in the South China Sea Arbitration, 12 July 2020, https://dfa.gov.ph/dfa-news/statements-and-advisoriesupdate/27140-statement-of-secretary-of-foreign-affairs-teodoro-l-locsin-jr-on-the-4th-anniversary-of-the-issuance-of-the-award-in-the-south-china-sea-arbitration

[3] Department of Foreign Affairs of Republic of the Philippines, Statement of H.E. MR. TEODORO L. LOCSIN, JR. Secretary of Foreign Affairs On the 5th Anniversary of the Issuance of the Award on the South China Sea Arbitration, 12 July 2021, https://dfa.gov.ph/dfa-news/statements-and-advisoriesupdate/29134-statement-of-foreign-affairs-secretary-teodoro-l-locsin-jr-on-the-5th-anniversary-of-the-issuance-of-the-award-on-the-south-china-sea-arbitration-2

[4] The Permanent Court of Arbitration, An Arbitral Tribunal constituted under annex VII to the 1982 United Nations Convention on the Law of the Sea between The Republic of the Philippines and The People’s Republic of China, 12 July 2016, https://docs.pca-cpa.org/2016/07/ph-cn-20160712-award.pdf

[5] The Permanent Court of Arbitration, Press Release the South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v. The People’s Republic of China, The Hague, 12 July 2016, https://docs.pca-cpa.org/2016/07/PH-CN-20160712-Press-Release-No-11-English.pdf

[6] Reuters, Philippines' Marcos vows to thwart interference from outside powers, 26 May 2022, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/philippines-marcos-vows-thwart-interference-outside-powers-2022-05-26/

[7] Rappler, In turnaround, Marcos pledges to uphold Hague ruling, 26 May 2022,

 https://www.rappler.com/nation/marcos-jr-pledges-uphold-hague-ruling-west-philippine-sea/