Những tháng đầu tiên nước Mỹ dưới quyền lãnh đạo của ông Donald Trump đã làm dấy lên câu hỏi về tương lai của chính sách đối ngoại Mỹ nói chung và cách tiếp cận của quốc gia này đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng.

Trước những điểm bất định trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump, tờ Các Vấn đề Biển (Maritime Issues) đã tiến hành phỏng vấn với bà Bonnie S.Glaser để có những góc nhìn sâu hơn về cách thức nước Mỹ dưới quyền Tổng thống Donald Trump nhận thức tầm quan trọng của Châu Á – Thái Bình Dương và quốc gia này sẽ có những động thái liên quan tới trật tự biển trong khu vực như thế nào. Bà Glaser là cố vấn cấp cao về châu Á kiêm Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS) nơi bà nghiên cứu về các vấn đề liên quan tới an ninh Châu Á – Thái Bình Dương.

HỎI: Trong hoàn cảnh Mỹ đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nội bộ, việc xây dựng nội các diễn ra chậm chạp, đặc biệt là ở Bộ Ngoại giao, chính sách của chính quyền Donald Trump về đối ngoại nói chung và chính sách Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

TRẢ LỜI: Chính quyền Trump thực sự là tương đối chậm chạp trong việc đề cử các vị trí quan trọng, bao gồm cả các  Đại sứ ở nước ngoài. Quá trình xác nhận các vị trí này cũng rất rườm rà, vì vậy mỗi khi được tin có quan chức được đề cử cho một vị trí, việc xác nhận cũng kéo dài tới vài tháng. Tại Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Tillerson rõ ràng là không gặp gỡ thường xuyên với các nhân viên của mình mà thay vào đó là chỉ dựa vào tham vấn đến từ một nhóm người cụ thể. Quá trình phối hợp liên ngành cũng không được thực hiện một cách hợp lý. Ví dụ, các uỷ ban đại biểu không thể hoạt động cho tới khi các đại biểu được chỉ định. Việc thiếu vắng các Thứ trưởng cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động phối hợp liên ngành. Dù vô tình hay hữu ý, Nhà Trắng hiện đang đóng vai trò lớn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Vai trò bất thường do gia đình ông Trump, đặc biệt là con rể của ông, Jared Kusher nắm giữ này là không bền vững và sẽ làm tăng khả năng xảy ra các kịch bản không phải là tốt nhất cho lợi ích của nước Mỹ.

HỎI: Đâu là các thách thức lớn mà Mỹ phải đối mặt ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương? Khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tác động như thế nào đối với sự chú ý của Mỹ vào Đông Nam Á? Việc Trump hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề bán đảo Triều Tiên ảnh hưởng như thế nào tới  tình hình Biển Đông?

TRẢ LỜI: Bắc Triều Tiên hiện là vấn đề quan trọng nhất đối với Mỹ. Với việc phát triển nhanh chóng các chương trình tên lửa và hạt nhân, trong vài năm tới, Bình Nhưỡng có thể sẽ sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn vươn tới lãnh thổ. Chính quyền Trump đã coi đây là một vấn đề ưu tiên hàng đầu cũng như phép thử đối với quan hệ Mỹ - Trung. Các vấn đề biển, bao gồm Biển Đông, có vai trò quan trọng nhất định, song ít cấp thiết hơn. Chính quyền Trump đã làm rõ rằng việc giữ gìn tự do hàng hải và hàng không là vấn đề thiết yếu. Ở cấp độ cá nhân, ông Trump cũng đã cảnh báo ông Tập Cận Bình về việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện nạo vét và xây dựng đảo tại Trường Sa. Tuy nhiên, tại cuộc họp thượng đỉnh Mar-a-Lago, việc thảo luận về vấn đề Triều Tiên chiếm nhiều thời gian hơn hẳn so với với vấn đề Biển Đông. Rất nhiều người tin rằng Bắc Kinh đang ở trong giai đoạn củng cố, không phải phát triển trên Biển Đông. Dường như Trung Quốc sẽ không có những hành động mang tính kích động trong năm nay vì nó có thể sẽ huỷ hoại mối quan hệ đang tốt lên với Philippines hay các viễn cảnh đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử mà không làm ảnh hưởng tới các lợi ích của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh quyết định triển khai các căn cứ quân sự của mình trên một hoặc nhiều hơn các tiền đồn quân sự của mình trên quần đảo Trường Sa, đây là kịch bản có thể xảy ra trong một vài năm tới, chính quyền Trump có thể sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn cách mà chính quyền Obama đã từng làm.

HỎI: Chính sách tái cân bằng với Châu Á của chính quyền Obama đã đạt được những thành tựu gì? Đâu là các nhân tố tái cân bằng sẽ tiếp diễn trong chính quyền Trump và nhân tố nào sẽ bị loại bỏ?

TRẢ LỜI: Chính quyền Obama đã làm sâu sắc thêm sự can dự của Mỹ vào các thể chế tại Châu Á – Thái Bình Dương đặc biệt là Cấp cao Đông Á (EAS). Các đồng minh đóng vai trò đá tảng trong chính sách của Mỹ và quan hệ đồng minh của Mỹ với Nhận Bản, Hàn Quốc, Úc và Philippines đã mạnh mẽ lên đáng kể. Tổng thống Obama đã đích thân dự EAS, và Mỹ đã nêu bật được các thách thức an ninh tại các hội nghị EAS. Mỹ cũng đã thắt chặt thêm quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN. Các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - ASEAN cũng đã được tổ chức và Mỹ đã mở rộng mối quan hệ của mình với hầu hết các quốc gia ASEAN. Việt Nam đã trở thành một đối tác quan trọng của Mỹ trong nhiệm kỳ Obama. Mỹ đã nỗ lực nâng cao năng lực trên biển cho một vài quốc gia Đông Nam Á quan trọng bao gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia. Biển Đông có thể được coi là một ưu tiên trong chính sách đối với châu Á của Tổng thống Obama với việc Mỹ ủng hộ luật pháp quốc tế cũng như thiết lập mạng lưới an ninh với những nguyên tắc cụ thể. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Biển Đông cũng tăng dưới thời Obama với hơn 700 ngày hoạt động ở Biển Đông chỉ trong năm 2016. Các chiến dịch FONOPs đã được thực hiện lại sau vài năm gián đoạn. Chính sách đối với châu Á của chính quyền Trump vẫn có sự tiếp nối. Đã có những minh chứng ban đầu về việc chính sách đồng minh vẫn là trọng tâm trong chiến lược của Mỹ đối với châu Á. Các mối quan hệ đối tác như với Việt Nam, Philippines và Indonesia cũng sẽ được củng cố. Thành tố quân sự trong chính sách của Mỹ dường như sẽ được tăng cường. Trump muốn tăng ngân sách quốc phòng và phát triển thêm nhiều tàu hải quân. Nhân tố kinh tế trong chính sách của Trump tương đối bất định. Sau khi rút khỏi TPP, Mỹ đã tuyên bố nước này muốn thực hiện các thoả thuận song phương, nhưng sẽ tương đối chậm chạp và có nhiều trở ngại cũng như không có tính chiến lược như TPP.

HỎI: Bà có đánh giá như thế nào đối với các chương trình FONOP mà Mỹ đã thực hiện? Liệu rằng các chiến dịch này có thành công trong việc thay đổi hành vi của Trung Quốc hoặc chí ít là gây trở ngại cho các hành động bành trướng của nước này hay không?

TRẢ LỜI: FONOPs chỉ là một phần trong bộ công cụ gây ảnh hưởng lên các hành vi của Trung Quốc. FONOPs có thể giúp ngăn cản Trung Quốc thực hiện các hành động vi phạm tự do hàng hải nhưng sẽ không thể ngăn chặn các hành động gây kích động khác của nước này như xây dựng đảo hay quân sự hoá các đảo mà Trung Quốc chiếm giữa trên Biển Đông. Chính quyền Obama đã thất bại trong việc phát triển một chiến lược áp đặt cái giá phải trả lên Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Mỹ đã rất chậm chạp trong việc thông qua các kế hoạch quân sự liên quan tới việc tiến hành FONOPs cũng như chấp nhận một cách tiếp cận pháp lý đối với các hoạt động này. Một phần của việc này xuất phát từ vụ kiện Philippines Trung Quốc- theo đó, Mỹ không muốn có các hành động có thể được coi là vi phạm luật pháp quốc tế. FONOPs được thực hiện dựa trên cơ sở đánh giá của Mỹ về bản chất nguồn gốc của các thực thể đất – nửa nổi nửa chìm (LTE) hoặc đá. Điều này khiến cho chính quyền bị phê phán bởi đã công nhận lãnh hải của Trung Quốc xung quanh các thực thể như Đá Chữ Thập hoặc đá Subi, là thực thể nửa nổi nửa chìm nhưng nằm trong phạm vi 12 hải lý của một đá được quyền có lãnh hải 12 hải lý. Chính quyền Obama đã không thực hiện FONOPs xung quanh Đá Vành Khăn thậm chí sau khi Toà trọng tài tuyên bố nó là một phần của đáy biển nằm trong thềm lục địa của Philippines. Có thể bản cất cẩn trọng trong các chiến dịch FONOPs của Mỹ (cùng với việc Mỹ nhấn mạnh vào các biện pháp xây dựng lòng tin để tăng cường an toàn giữa hai quân đội trên không và trên biển) đã khiến Trung Quốc diễn giải FONOPs như là bằng chứng của việc chính quyền Obama ưu tiên tránh đối đầu Mỹ - Trung hơn là thay đổi các hành vi của Trung Quốc.

HỎI: Bà đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác và xung đột trên biển Mỹ - Trung trong năm 2017? Liệu  va chạm có gia tăng? Liệu Mỹ có sẵn lòng dùng kinh tế làm đòn bẩy giống như đề xuất của Marco Rubio và Ben Cardin gần đây để ngăn chặn việc bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông?

TRẢ LỜI: Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành CUES cũng như các hiệp định song phương về an toàn trên không và trên biển. Hai quốc gia có thể tiếp tục đàm phán một hiệp định về việc tiến hành CUES giữa các lực lượng cảnh sát biển của mình, nhưng cũng có thể sẽ khó để đạt được các hiệp định này trong thời gian gần. Xung đột trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ không xảy ra trong năm 2017, mặc dù căng thẳng có thể tăng nếu Trung Quốc triển khai máy bay quân sự trên các đảo nhân tạo của mình tại quần đảo Trường Sa. Có thể Mỹ sẽ không sử dụng việc dùng các đòn bẩy kinh tế như là áp dụng cấm vận đối với các pháp nhân Trung Quốc, trừ khi Bắc Kinh tiến hành nạo vét tại Bãi cạn Scarborough hoặc các thực thể chưa chiếm đóng khác.

HỎI: Gần đây Trung Quốc và ASEAN đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc thảo ra khung cho COC trên Biển Đông. Bước tiến này có thể tác động như thế nào tới sự can dự của Trump đối với Trung Quốc và Đông Nam Á?

TRẢ LỜI: Theo tôi hiểu, Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý về khung của COC nhưng chưa đạt được đồng thuận về các nội dung chi tiết bên trong. Chúng ta vẫn cần phải xem liệu khuôn khổ có thể đựơc hoàn thiện trong năm nay có thể trở nên thực chất hay không. Tuy nhiên DOC, biên bản kêu gọi một COC đầy đủ, đã được ký từ 15 năm trước. Rất khó để hiểu tại sao điều này lại kéo dài lâu đến vận. Đây không phải là văn bản khó soạn thảo. Các tồn tại của DOC cần COC giải quyết sẽ trở nên rõ ràng với tất cả mọi người. Câu hỏi duy nhất là liệu ASEAN có thể khẳng định rằng COC có vai trò thực sự hay không. Để đảm bảo mang tính hiệu quả, COC phải mang tính ràng buộc về pháp lý và bao gồm một cơ chế giải quyết tranh chấp. Trước sự trì hoãn trong việc chỉ định các thành viên Bộ Ngoại giao, tôi nghi ngờ về việc Mỹ sẽ nỗ lực trong việc định hình COC. Điều này, cùng với việc quan hệ của Trung Quốc với Philippines được cải thiện, và Manila là chủ tịch ASEAN năm nay, có thể là lý do khiến Trung Quốc thúc đẩy việc hoàn thành COC trong năm nay. Một COC có tính ràng buộc và được tất cả các bên ký kết thực hiện có liên quan mật thiết tới lợi ích của Mỹ. Tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc hình thành sự động thuận trong ASEAN về cách tiếp cận đối với COC.

Thu Hà (dịch)

Trần Quang (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.