Mối lo ngại từ tuyên bố chính thức của Trung Quốc

 

Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản hôm 3/7 cho hay, chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên đã bày tỏ lập trường chính thức với các quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ khi nói rằng: "Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

 

Cách gọi này đã đặt Biển Đông ngang hàng với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan và Tây Tạng. Nhà nghiên cứu kỳ cựu về Trung Quốc Willy Lam gọi đó là một phần trong "ngoại giao ranh giới đỏ" của Trung Quốc.

 

Trong một cuộc nói chuyện gần đây ở Đài Bắc, Willy Lam nói: "Các đường ranh giới đỏ này xác định lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang gia tăng các lợi ích cốt lõi. Diễn biến mới nhất là việc Trung Quốc cũng coi Biển Đông là 'lợi ích cốt lõi' - nước này đang đòi hỏi Mỹ và các quốc gia khác không can thiệp vào 'các lợi ích cốt lõi' của mình ở Biển Đông. Trung Quốc đang vạch ra các đường ranh giới đỏ xung quanh toàn bộ vùng biển." 

 

Wendell Minnick, trưởng đại diện tại châu Á của tờ Tin tức Quốc phòng cho rằng: "Rõ ràng quyết định của Trung Quốc coi Biển Đông là 'lợi ích cốt lõi' là một điều gây lo ngại". 


Mỹ lên tiếng

 

Những tuyên bố của Trung Quốc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc khiến cho các quốc gia trong khu vực và Mỹ hết sức lo ngại về những gì mà nước này sẽ làm trong tương lai.

 

Mỹ đang ngày càng chú ý hơn đến Biển Ðông. Sau hàng loạt các sự kiện khiêu khích từ phía Bắc Kinh : vụ  tàu Impecable hồi năm ngoái; sự đe dọa sẽ trả đũa công ty năng lượng ExxonMobil của Mỹ nếu công ty này tiếp tục khai thác dầu ngoài khơi Việt Nam tại các vùng biển mà Trung Quốc cho là của họ đã khiến cho người Mỹ không thể đứng ngoài cuộc chơi!


Mỹ chính thức đáp trả tại hội nghị Shangri – La được tổ chức tại Singapo vào đầu tháng này. Tại hội nghị, ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates có bài phát biểu được coi là ở cấp cao nhất của Mỹ cho đến nay trước công luận về vấn đề này: "Chúng tôi phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm đe dọa các công ty của Mỹ hoặc của bất cứ quốc gia nào thực hiện các hoạt động kinh tế hợp pháp". Theo ông Robert Gates, mục tiêu của Mỹ rất rõ ràng. Đó là duy trì một vùng biển ổn định, tự do lưu thông, phát triển kinh tế tự do và không bị cản trở.

 

Để đảm bảo “lợi ích cốt lõi” tại Biển Đông, Trung Quốc không ngừng đầu tư hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hải quân. Quy mô tăng trưởng ngân sách quốc phòng cũng như sự thiếu minh bạch trong chi tiêu quốc phòng ở nước này khiến cho Mỹ, Nhật Bản lo ngại về chính sách hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông . Các quốc gia nói trên đều cho rằng Trung Quốc tăng ngân sách quân sự không chỉ nhằm mục tiêu tự vệ. 

 

Đô đốc Robert F. Willard, Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương cũng nhận xét: “Điều đặc biệt gây lo ngại là các yếu tố trong quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc dường như được đưa ra nhằm thách thức quyền tự do hành động của chúng ta ở khu vực”. 

 

Ông Willard cũng cho rằng việc Trung Quốc cải tổ nhanh chóng lực lượng vũ trang đang “ảnh hưởng tới cân bằng quân sự khu vực và gây ra nhiều hậu quả vượt xa khỏi ranh giới châu Á-Thái Bình Dương”. 


Theo Quỹ Heritage, Trung Quốc tuyên bố vùng lãnh hải của nước này rộng 200 hải lý từ đường cơ sở, và tuyên bố chủ quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc cũng nói rằng bất cứ tàu thuyền nào đi lại trên vùng biển này trước hết phải được sự cho phép của Trung Quốc. Nước này lâu nay tỏ ra bất bình về việc thu thập thông tin tình báo của Mỹ bằng các máy bay và tàu do thám hoạt động ngoài bờ biển Trung Quốc. 

 

Các nhà phân tích cho rằng các động thái của Trung Quốc dường như đã khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực. Học giả Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Xinhgapo viết: "Một số nước Đông Nam Á đang củng cố lực lượng vũ trang của mình nhằm tự vệ trước sự mạnh bạo ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Ðông." 

 

Châu Á  - Thái Bình Dương nổi sóng

 

Ngày 29/6, trên tờ China Daily của Trung Quốc bất ngờ đưa tin về việc Trung Quốc sẽ có cuộc tập trận bắn đạn thật trong 6 ngày từ 30-6 đến 5-7 trên biển Hoa Đông (East China Sea). Các nhà bình luận cho rằng, động thái này là hành động đáp trả của Bắc Kinh về kế hoạch tập trận chung Mỹ - Hàn trên biển Hoàng Hải. Tờ báo này cũng nhấn mạnh rằng: “Mọi tàu bè đều bị cấm vào khu vực tập trận từ ngày 30-6 đến 5-7, và phải tuân lệnh hải quân Trung Quốc để đảm bảo an toàn”. Điều này nghĩa là Trung Quốc đang yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc hủy bỏ cuộc tập trận để “đảm bảo an toàn”!

 

Ngày 4/7 trên tờ South China Morning Post xuất bản tại Hồng Kông đưa tin về việc ba tàu ngầm thuộc loại lớn nhất trong Hạm đội 7 của Mỹ tới các cảng ở châu Á  - Thái Bình Dương vào 28/6, tức là ngay trước thời gian kế hoạch tập trận của Trung Quốc bắt đầu vào ngày 30/6, và tờ báo cũng cho rằng đây là điều “chưa từng thấy kể từ cuối Chiến tranh lạnh”. Với hành động lộ liễu như vậy, rõ ràng cho thấy Mỹ đã thực sự “quay trở lại châu Á”,quyết tâm duy trì vị thế thống lĩnh quân sự ở châu Á, và tất nhiên là một thông điệp rất rõ ràng cho Bắc Kinh rằng: nếu Trung Quốc đi quá xa thì Mỹ bắt buộc phải có hành động.

 

Ngày 7/7 trên tờ The Dong – A Ilbo của Hàn Quốc lại đăng lời phát biểu của thiếu tướng Lou Yuan, nhà nghiên cứu của Học viện khoa học quốc phòng Trung Quốc. Ông này đã  tuyên bố một cách hùng hồn tại đài truyền hình Hồng Kông hôm thứ 2 ( 5/7/2010) rằng " Nếu tàu sân bay Mỹ đi vào biển Hoàng Hải thì nó sẽ nằm trong mục tiêu [của Trung Quốc]"

 

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, đã có đến 2 kế hoạch tập trận tại khu vực; Trung Quốc chính thức tuyên bố với Mỹ coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc; sự xuất hiện của 3 chiếc tàu ngầm của Hạm đội 7 của Mỹ cập cảng  tại châu Á – Thái Bình Dương cho thấy một viễn cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung tại đây.

 

Văn Cường (tổng hợp)