- Ngày 9/6, lại xảy ra một sự cố tại Biển Đông. Các tàu Trung Quốc lại xâm nhập khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam và lại cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Viking 2. Anh nhận định thế nào về hành động gây hấn mới của Trung Quốc? 

+ Chỉ khoảng 2 tuần sau biến cố của tàu Bình Minh 2, Trung Quốc lại quấy phá, đe dọa, cắt cáp của tàu Viking 2. Điều này chứng tỏ Trung Quốc muốn cho Việt Nam biết rằng Trung Quốc làm những gì mà Trung Quốc đã đe dọa. Chúng ta biết rằng sau khi cắt cáp đe dọa tàu Bình Minh 2 thì Trung Quốc đã hơn 2 lần cảnh cáo Việt Nam là đừng có vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và đừng có gây ra tình trạng căng thẳng tại Biển Đông. Sau đó họ thực hiện những lời đã nói bằng việc ngày 9/6 họ cắt đứt dây cáp của tàu Viking 2. Chúng ta có thể tự đặt câu hỏi tại sao Việt Nam đã quyết tâm thực thi chủ quyền của mình tại Biển Đông, đặc biệt là tại thềm lục địa bằng cách đưa tàu Bình Minh 2 ra khơi trở lại với 8 tàu hộ tống thì phía Trung Quốc lại không tấn công tàu Bình Minh 2 mà lại tấn công tàu Viking 2. Theo tôi, một mặt Trung Quốc muốn xác định chủ quyền và họ thi hành những gì họ đe dọa, nhưng thứ 2, họ để một lối thoát cho Việt Nam có thể có một thái độ hoà dịu nào đó trong vấn đề xác nhận chủ quyền. Giải thích của 2 bên khác nhau. Việt Nam giải thích tàu Trung Quốc cắt dây cáp và đe dọa tàu Viking 2. Trong khi phía Trung Quốc nói rằng các tàu Việt Nam đuổi đánh bắt tàu đánh cá Trung Quốc gây nguy hại đến tính mạng ngư dân Trung Quốc. Điều này chứng tỏ Bắc Kinh đã nâng cao cuộc khẩu chiến bằng cách nêu thêm một yếu tố mới là Việt Nam đe dọa đời sống của ngư dân Trung Quốc. Từ trước tới giờ, ngư dân Việt Nam luôn luôn bị đe dọa bởi hải quân và tàu đánh cá của Trung Quốc, ít khi nào Trung Quốc nói rằng Việt Nam đe dọa đời sống của ngư dân Trung Quốc cả. Nói tóm lại, sự kiện tàu Viking 2 bị cắt dây cáp, theo lời cáo buộc của phía Việt Nam là một hành động mà Trung Quốc chứng tỏ rằng họ cũng dám làm, họ cũng có thể làm và họ đang làm để chứng tỏ lời nói của họ không phải là lời nói suông. 

- Anh nhận định thế nào về cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam . Việt Nam nói đó là vùng đặc quyền kinh tế của mình, còn Trung Quốc thì nói đó là chủ quyền của mình? 

+ Theo tôi nghĩ trong cuộc khẩu chiến này có nhiều lý do và cuộc khẩu chiến này sẽ còn tiếp tục, tại vì nó có thể truyền đạt nhiều thông điệp khác nhau. Phía Trung Quốc thì bảo vệ việc xác nhận chủ quyền bằng cách tố cáo Việt Nam xâm nhập vào chủ quyền của họ. Việt Nam lại bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình bằng những sinh hoạt kinh tế tại những khu mà Việt Nam coi là chủ quyền của mình. Đứng về phương diện này thì hai bên “ăn miếng trả miếng”. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là liệu Việt Nam có thể hành xử, có thể thực hiện được những gì mà Việt Nam nói hay không. Trong khi Trung Quốc rõ ràng có đủ khả năng thực thi những gì họ nói. 

- Ngay sau khi xảy ra sự cố tàu Viking 2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng tố cáo những hành vi của Trung Quốc. Phản ứng này của Việt Nam là rất nhanh so với vụ tàu Bình Minh 2 và nhân tuần lễ biển đảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lên tiếng khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như quyết tâm của Việt Nam bảo vệ chủ quyền. Anh nhận định thế nào trước hành động gây hấn của Trung Quốc? 

+ Tại sao gần 2 tuần lễ sau khi tàu Bình Minh 2 bị đàn áp mà nhà cầm quyền Việt Nam vẫn im lặng để cho Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga lên tiếng. Công luận trong và ngoài nước rất bất bình trước những động thái bất hợp pháp của Trung Quốc và bất bình trước sự im lặng của nhà cầm quyền Việt Nam. Cho nên, Chính phủ Việt Nam không thể im lặng được và do đó, tôi nghĩ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải lên tiếng ở Nha Trang, một mặt để thoả mãn phần nào sự phẫn nộ của đồng bào trong nước cũng như nước ngoài và mặt khác để xác nhận một lần nữa là Chính phủ Việt Nam nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam đối với Trung Quốc là một nước nhỏ. Việt Nam cần phải xác nhận chủ quyền và bênh vực những động thái xác nhận về chủ quyền một cách mạnh mẽ hơn ở cấp cao hơn cấp phát ngôn viên Bộ Ngoại giao. 

- Theo anh, tình hình này sẽ dẫn tới đâu, liệu có khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa hai nước không? 

+ Khi mà lực lựng vũ trang của hai nước ở cận kề bên nhau, không ai có thể hoàn toàn loại trừ khả năng một tai nạn, một cuộc chạm trán quân sự. Tuy nhiên trên nguyên tắc, tôi nghĩ rằng cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đang theo đuổi một cuộc chiến tranh cân não bằng lời để cố xác định chủ quyền của mình về phương diện công pháp quốc tế cũng như thực thi chủ quyền của mình, riêng đối với Việt Nam để thoả mãn phần nào sự phẫn nộ của đồng bào trong nước cũng như ngoài nước. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cả hai bên đều sẽ cố gắng giới hạn sự tranh chấp bằng lời nói trong thời gian trước mắt. Vì Việt Nam biết rằng họ không đủ khả năng về quân sự để có một cuộc hải chiến với Trung Quốc. Còn Trung Quốc không cần hay chưa cần một cuộc chạm trán về quân sự đối với hải quân Việt Nam để xác định chủ quyền. Vì Trung Quốc là một nước lớn và Trung Quốc đang được cả thế giới theo dõi, kể cả các thành viên của tổ chức ASEAN. Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ đã từng tuyên bố rằng Trung Quốc là một nước lớn, Trung Quốc là một cường quốc, nhưng Trung Quốc chưa có cung cách cư xử của một cường quốc và Mỹ nhìn vào Trung Quốc để chờ xem Trung Quốc có cư xử như là một cường quốc hay không. Bắc Kinh không muốn Oasinhtơn có thêm cớ để thuyết phục các thành viên tổ chức ASEAN và các nước nhỏ khác ở châu Á-Thái Bình Dương tỏ ra thân thiện hơn với Mỹ. 

NCBĐ (giới thiệu)