Jeffrey McGee, Khoa Luật và Viện nghiên cứu biển và Nam cực, Đại học Tasmania, Úc. Jeffrey.McGee@utas.edu.au

Brendan Gogarty, Khoa Luật, Đại học Tasmania, Úc. Brendan.Gogarty@utas.edu.au

Danielle Smith, Nghiên cứu sinh, Khoa Luật, Đại học Tasmania, Úc. Danielle.Smith@utas.edu.au

 

Tóm tắt

Những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông gần đây được coi là biểu hiện của việc căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Từ đó, nhiều nhà hiện thực lập luận rằng, trong khi luật pháp quốc tế chỉ đóng vai trò thứ yếu, cân bằng quyền lực mới là nhân tố quyết định kết quả của các tranh chấp này. Nghiên cứu luật pháp quốc tế chính thống không đủ mạnh để phản biện bình luận vì nó hầu như đã bỏ qua mối quan hệ giữa luật pháp và quyền lực. Tuy nhiên, một số học giả hàng đầu trong lịch sử ngành luật quốc tế và quan hệ quốc tế từ lâu đã lập luận rằng “cân bằng quyền lực liên kết” giữa các quốc gia là điều kiện tiền đề cho việc vận hành hiệu quả luật quốc tế. Bài viết cho rằng việc làm sống lại lập luận về “cân bằng quyền lực liên kết” sẽ đưa ra những ý tưởng mới giúp luật quốc tế có thể phát huy khả năng của mình trong tranh chấp Biển Đông. Từ đó, bài viết đề xuất chương trình nghiên cứu liên ngành giữa Luật quốc tế và Nghiên cứu chiến lược nhằm thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên biển Đông dựa trên các nguyên tắc pháp luật.

Từ khoá: Biển Đông-Công ước Luật biển (UNCLOS)-Luật quốc tế- Cân bằng quyền lực liên kết- Vụ Philippines kiện Trung Quốc.

I. Giới thiệu

Trong phán quyết mới đây của Toà Trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc[1] (gọi tắt là vụ kiện Biển Đông, vụ kiện được bắt đầu theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982[2]-UNCLOS), chúng ta có thể thấy nỗ lực sử dụng các quy định của Luật quốc tế để giải quyết tranh chấp tồn tại giữa hai quốc gia có các yêu sách khác nhau liên quan đến kiểm soát lãnh thổ và sử dụng các vùng biển tại Biển Đông. Vụ kiện Biển Đông được bình luận là một trong những phán quyết luật quốc tế đáng chú ý nhất trong thập kỷ qua. Lý do là vì Trung Quốc quyết định không chấp nhận thẩm quyền của toà và không tham gia vào thủ tục trọng tài. Phán quyết của Toà trọng tài thể hiện sự phản đối mạnh mẽ từ góc độ pháp lý đối với hầu hết các yêu sách của Trung Quốc về các quyền lãnh thổ đối với các thực thể trên biển Đông và những yêu sách rộng lớn hơn liên quan đến các quyền lịch sử tại khu vực được gọi là “đường chín đoạn[3]”.

Trung Quốc phản ứng đối với vụ kiện Biển Đông bằng việc lờ đi quá trình tố tụng và nội dung của phán quyết.[4] Trung Quốc đưa ra chất vấn về thiện chí (bona fides) của Toà Trọng tài và chỉ ra rằng Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Toà nhưng sẽ mở rộng hoạt động trên Biển Đông.[5] Trên thực tế, ngay sau khi Toà công bố Phán quyết, Trung Quốc đã tiến hành diễn tập hải quân tại khu vực với Nga.[6] Điều này vượt ra ngoài diễn biến thường thấy trong giải quyết tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia.

Sẽ có nhiều bài viết cũng như phân tích của các luật sư quốc tế, bao gồm cả những tác giả tham gia số đặc biệt này, về vụ kiện trọng tài Biển Đông, cũng như việc áp dụng các chi tiết kỹ thuật liên quan tới việc áp dụng các quy định của luật quốc tế vào vụ kiện. Hàm ý trong việc phân tích tranh chấp Biển Đông từ góc độ của luật quốc tế là nếu Toà PCA làm đúng chức trách về mặt pháp lý của mình, theo đó, các quốc gia được khuyến khích đưa ra những lập luận pháp lý chính xác, các tranh chấp lãnh thổ có thể được giải quyết một cách hoà bình.

Bài báo thách thức giả thiết kể trên khi đặt ra câu hỏi về việc liệu rằng kỳ vọng quá cao đối với khả năng luật quốc tế có thể kiến tạo hoà bình trong bối cảnh hiện nay, có thể dẫn tới nguy cơ bỏ qua các bài học quan trọng trong quá khứ hay không. Áp dụng lăng kính “hiện thực” cho luật quốc tế, như cách định nghĩa của các học giả luật pháp và quan hệ quốc tế, bài viết đề xuất rằng cần xem xét các vấn đề căn bản về quyền lực cần được xem xét trước khi kỳ vọng luật quốc tế có thể đóng vai trò quan trọng trong giải quyết hoà bình các tranh chấp kể trên.

Bài viết công nhận rằng “quyền lực” là một khái niệm gây tranh cãi trong khoa học xã hội và có nhiều cách hiểu khác nhau liên quan đến việc liệu rằng khái niệm này chỉ thuần tuý liên quan tới khía cạnh vật chất hay còn bao hàm cả các vấn đề thuộc về tư duy.[7] Trong nghiên cứu này, chúng tôi đưa ra quan điểm rằng sức mạnh vật chất và tư duy có mối tương quan chặt chẽ với nhau, do đó tư duy về quyền lực mà chúng tôi dựa vào bao gồm “quyền lực cứng” (hard power, như sức mạnh quân sự và kinh tế) và “quyền lực mềm” (soft power như khả năng định hình chương trình hành động và các ý tưởng).[8] Việc xem xét xét các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông cần được xem xét trong bối cảnh có sự gia tăng đáng kể sức mạnh tương đối của Trung Quốc tại khu vực. Nhân tố đầu tiên thúc đẩy quá trình gia tăng sức mạnh quân sự  của Trung Quốc là tốc độ tăng trưởng và công nghiệp hoá nhanh chóng của nền kinh tế nước này với mức tăng hàng năm lên tới 10% tổng sản phẩm quốc nội từ năm 1979 đến năm 2014.[9] Điều này có nghĩa rằng  cứ sau tám năm, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc lại tăng lên gấp đôi.[10] Mặc dù đã chậm lại trong thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng thực của Trung Quốc vẫn đạt tới là 6,9% vào năm 2015[11], 6,7% vào năm 2016[12] và dự kiến là 6,2% vào năm 2017.[13] Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, dự kiến nước này sẽ vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2026[14]. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, tính đến nay, Trung Quốc có mức chi tiêu quốc phòng quân sự hàng năm lớn thứ hai thế giới, chiếm 13% chi tiêu quân sự toàn cầu.[15] Sự tăng trưởng kinh tế đáng chú ý và mức tăng năng lực quân sự đã giúp Trung Quốc có ảnh hưởng ngày càng lớn về mặt địa chính trị tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thể hiện rất rõ qua việc nước này giữ vai trò lãnh đạo trong việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á[16], một lựa chọn có thể thay thế cho các thiết chế tài chính do Mỹ sáng lập[17] hay xây dựng các cơ sở quân và dân sự tại các thực thể tranh chấp trên Biển Đông.[18] Chúng tôi cho rằng việc áp dụng các nguyên tắc luật quốc tế trong UNCLOS buộc phải được xem xét trong bối cảnh rộng lớn với việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh tại Châu Á-Thái Bình Dương.

Trên thực tế, luật quốc tế không những không tách rời mà là một trong những dạng luật chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các yếu tố quốc gia, chính trị và kinh tế. Do đó, luật quốc tế không thể là nguồn kiến tạo hoà bình duy nhất trong lĩnh vực quốc tế, đặc biệt là những vấn đề như Biển Đông. Bài viết lập luận rằng cần phải xem xét các khả năng của luật quốc tế trong bối cảnh “cân bằng quyền lực liên kết” của cộng đồng quốc tế. Bài viết cũng cho rằng tình trạng cân bằng quyền lực liên kết sẽ cung cấp những điều kiện hình thành nên các quy định có thể đại diện một cách công bằng cho lợi ích của tất cả các quốc gia, hơn là phục vụ một quốc gia bá quyền. Từ đó, tạo ra các điều kiện tương hỗ giữa các quốc gia và tạo dựng nghĩa vụ pháp lý thúc đẩy các quốc gia tuân thủ các nguyên tắc pháp luật mặc dù có các tính toán về lợi ích riêng. Bài viết đề xuất rằng không nên quá kỳ vọng vào luật quốc tế như là một nhân tố giải quyết hoà bình các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông nếu như các vấn đề cơ bản hơn liên quan đến việc tái thiết cân bằng quyền lực liên kết tại Châu Á-Thái Bình Dương không được giải quyết. Một dự án liên ngành giữa luật quốc tế và nghiên cứu chiến lược như là một hướng mới trong việc phân tích và đưa ra những hàm ý chính sách là cần thiết trong trường hợp này.

Nghiên cứu gồm các phần như sau: Mục II và III cung cấp nền tảng lịch sử của tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và toàn cảnh về vụ kiện Biển Đông cùng với phản ứng của các quốc gia quan trọng trong khu vực đối với phán quyết của Toà Trọng tài. Phản ứng của các nước cho thấy sự không thống nhất trong khu vực sau phán quyết. Trong Mục IV, nghiên cứu sẽ trình bày một số hiểu biết về mối quan hệ giữa luật và quyền lực trong lĩnh vực pháp lý, đồng thời sẽ đánh giá cụ thể căn nguyên và cách hiểu xung quanh những nội dung của luật quốc tế cũng như khái niệm “cân bằng quyền lực.” Trong Mục V, nghiên cứu sẽ đánh giá tại sao việc phân tích cân bằng quyền lực có vai trò quan trọng để hiểu những khả năng của luật quốc tế có thể được áp dụng trong nhiều tranh chấp lãnh thổ phức tạp như ở Biển Đông. Nghiên cứu cho rằng “cân bằng quyền lực liên kết” tại Châu Á-Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nghĩa vụ giữa các quốc gia thành viên có tiếng nói trong việc tuân thủ các quy định của luật quốc tế. Trong mục VI, chúng tôi kết luận thông qua việc lý giải tại sao phân tích về cân bằng quyền lực liên kết có thể mở ra những cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách quan tâm tới vai trò của luật quốc tế tại Biển Đông.

II. Tình hình tranh chấp tại Biển Đông

1. Tình hình chung

Vị trí địa lý của Biển Đông và tầm quan trọng đối với vận tải khu vực và hàng hải đã được tác giả White viết trong tập san này.[19] Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, Biển Đông là biển chung giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Singapore và Indonesia (những quốc gia ven biển), đồng thời là một trong những khu vực đông dân và được quân sự hoá mạnh mẽ nhất thế giới.[20] Biển Đông cũng là một trong những khu vực biển có sự đa dạng sinh học nhất[21] và một nguồn thực phẩm giàu có cho các quốc gia ven biển kể trên.[22] Những nhân tố này đã tạo ra các căng thẳng địa chính trị cũng như tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông liên quan tới một nhóm thực thể đảo tại khu vực phía Nam được gọi tiếng Anh là Spratlys (Trường Sa). Trong phần lớn các trường hợp, các thực thể đều ở trên hoặc dưới mực nước biển.[23] Một vài quốc gia ven biển yêu sách đối với quần đảo Trường Sa và nhóm đảo khác trên biển. Những yêu sách đó trở nên thường xuyên trong thế kỷ thứ 20 sau chiến tranh thế giới thứ hai. (xem bình luận phần sau).

2. Yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc

Năm 1948, bản đồ chính thức đầu tiên của Trung Hoa Dân quốc (ROC), có sự xuất hiện của quần đảo Trường Sa, có tên là “Bản đồ chỉ vị trí các đảo trên Biển Đông” được xuất bản.[24] Bản đồ thể hiện đường đứt đoạn bao quanh quần đảo Trường Sa và những thực thể khác trên Biển Đông được mở rộng từ lãnh thổ đất liền của Trung Quốc. Tuy nhiên, không có sự liên tục nào trong quãng đường giữa các đường và các thực thể trên biển mà đường đó bao quanh. Theo Hình 1, trong phần lớn các trường hợp, các đường nối liền gần với đường biển của các nước ven biển[25] hơn là các thực thể đảo đá. Sau đó, nhiều phiên bản bản đồ được Trung Hoa Dân quốc (ROC) và sau đó là CHND Trung Hoa (PRC) lần lượt công bố, nhưng phần lớn bản đồ thể hiện chín đường quanh từng khu vực yêu sách[26] (mặc dù kích thước và vị trí của các khu vực này cũng thay đổi). Tiếp đó, điều này cũng liên tưởng tới yêu sách đường chín đoạn và xét theo vẻ ngoài là gắn hầu hết biển Đông với lãnh thổ yêu sách của Trung Quốc. Cả CHND Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc đều không làm rõ cơ sở pháp lý của các đường đứt đoạn này. Tuy nhiên, khu vực mà đường chín đoạn này bao quanh có diện tích gần 2 triệu km2.[27] Tuỳ theo cách tính toán, khu vực đó chiếm từ 60%-80% không gian biển Đông.[28]

Sau Cách mạng văn hoá Trung Quốc và sự kiện Pháp rút khỏi Việt Nam (nước ban đầu có yêu sách đối với khu vực như một phần thuộc chính quyền thực dân những năm 1950), tranh chấp đối với quần đảo Trường Sa ngày càng gia tăng. Quá trình sụp đổ, chia rẽ, thống nhất và hình thành các quốc gia ven biển giai đoạn hậu chiến và hậu thực dân đã khiến các yêu sách và phản yêu sách đối với chủ quyền ở Biển Đông trở nên ngày càng phức tạp. Tất cả các quốc gia đưa ra các yêu sách chồng lấn tại Biển Đông xuất phát từ việc sử dụng và yêu sách chủ quyền từ thế kỷ 19.[29] Mỗi quốc gia đều thể hiện các yêu sách của mình qua việc thực hiện hoặc nỗ lực thực hiện chiếm đóng một cách có chủ ý, từ đó thường dẫn đến xung đột giữa các quốc gia thành viên. Trong trường hợp của Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, những xung đột như vậy thường dẫn đến sự đối đầu và gây ra nhiều mất mát từ các vụ đụng độ trên và quanh các thực thể địa lý trên biển.[30]

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Bài viết được đăng trên Asia-Pacific Journal of Ocean Law and Policy.

Lan Hương (dịch)

Lê Hà (hiệu đính)

 



[1] Về vấn đề trọng tài trước Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Cộng hoà Philippines kiện CHND Trung Hoa), Toà trọng tài thuờng trực vụ số 2013-19, Phán quyết về Thẩm quyền và khả năng thụ lý, 29/10/2015 (‘Phán quyết về Thẩm quyền và khả năng thụ lý’); Về vấn đề trọng tài trước Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Cộng hoà Philippines kiện CHND Trung Hoa), Toà trọng tài thuờng trực vụ số  2013-19, Phán quyết, 12/7/2016 (Phán quyết).

[2] Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển, được thông qua ngày 10/12/1982, 1833 unts 3, có hiệu lực ngày 16/11/1994. (Gọi tắt là UNCLOS).

[3] Đường chín đoạn chỉ đường phân định được Chính phủ nước Cộng Hoà Trung Hoa và sau đó là nước Chính phủ CHND Trung Hoa sử dụng nhằm thể hiện yêu sách của họ đối với Biển Đông. Tham khảo Department of State Bureau of Oceans and International Environmental and Scientific Affairs, ‘Limits in the Seas’, No. 143, China: Maritime Claims in the scs, 5/12/2014, Office of Ocean and Polar Affairs Bureau of Oceans and International Environmental and Scientific Affairs, tr.2.

[4] Tham khảo Xinuatnet, Toàn văn Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về Phán quyết Vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng, 12/7/2016, trên trang http://news.xinhuanet.com/english/2016- 07/12/c_135507744.htm.

[5] Tham khảo Reuters, China vows to protect scs sovereignty, Manila upbeat, 14/7/2016, trên trang http://www.reuters.com/article/us-southchinasea-ruling-stakes-idUSKCN0ZS02U.

[6] Tham khảo Reuters, China, Russia naval drill in scs to begin Monday, 11/9/2016, trên trang http://www.reuters.com/article/us-southchinasea-china-russia-idUSKCN11H051.

[7] Stephen Lukes, Power: A Radical View, 2nd edition, (Palgrave McMillan, 2005), tr.14–59.

[8] Joseph S. Nye, Soft Power: The Means to Success in World Politics (PublicAffairs, 2006), tr.99–126.

[9] Wayne M. Morrison, ‘China’s Economic Rise: History, Trends, Challenges, and Implications for the United States’ (2015), Congressional Research Service Report, tr.5.

[10] Như trên.

[11] Tham khảo IMF World Economic Outlook tháng 10/2016, trên trang http://www.imf.org/ external/pubs/ft/weo/2016/02/.

[12] Tham khảo World gdp Ranking 2016, trên trang https://knoema.com/nwnfkne/world-gdp -ranking-2016-data-and-charts-forecast.

[13] Tham khảo 2017 Economic Statistics and Indicators, trên trang http://www.economywatch .com/economic-statistics/year/2017/.

[14] Tham khảo China and the us: Tale of Two Giant Economies, 12/5/2016, trên trang http://www .bloomberg.com/graphics/2016-us-vs-china-economy/.

[15] Tham khảo Military expenditure, trên trang https://www.sipri.org/research/armament-and- disarmament/arms-transfers-and-military-spending/military-expenditure. Từ năm 1990, Trung Quốc đã tăng tiêu dùng quân sự từ 6,1 tỷ USD lên 11,3 tỷ USD vào năm 2013, trên trang http://www.globalsecurity.org/military/world/china/budget- table.htm. Tháng 2/2016, Trung Quốc thông báo rằng Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm 7,6%, đây là mức tăng thấp nhất trong sáu năm qua. Ngân sách 146,7 tỷ USD sẽ được sử dụng nhằm bảo vệ các quyền lợi trên biển của Trung Quốc trên Biển Đông, trên trang http://www .globalsecurity.org/military/world/china/budget.htm. Mặc dù Trung Quốc tăng cường tiêu dùng quân sự thì vẫn đứng thứ hai sau Mỹ. Với ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới, năm 2015, Mỹ đã chi 597,5 tỷ USD trong khi Trung Quốc chỉ chi 145,8 tỷ USD, trên trang https://www.iiss.org/en/publications/military%20balance/issues/ the-military-balance-2016-d6c9.

[16] 57 quốc gia đã tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), với Trung Quốc, với tỷ lệ đồng ý là 28,9%. Tham khảo AIIB , tại https:// www.aiib.org/en/about-aiib/governance/members-of-bank/index.html.

[17] Tham khảo The Economist, Why China is creating a new “World Bank” for Asia, 11/11/2014, trên trang http://www.economist.com/blogs/economist-explains/2014/11/economist -explains-6.

[18] Tham khảo The Wall Street Journal, China to Build Military Facilities on scs Islets, 16/6/2015, trên trang http://www.wsj.com/articles/china-to-build-military-facilities-on-south-china-sea-islets-1434436700.

[19] Michael White, ‘South China Sea: Its Importance for Shipping, Trade, Energy and Fisheries’ (2017) 1(3) Asia-Pacific Journal of Ocean Law and Policy, (sắp xuất bản).

[20] International Hydrographic Organization (IHO), Limits of Oceans and Seas, 3rd edition (IHO, 1953).

[21] Chẳng hạn, hơn 2500 loài cá biển và 500 loài san hô tạo ra đá có mặt ở khu vực này. Tham khảo Jiang, Y and Xue, X. ‘Building a cross-strait coopera- tion mechanism for the conservation and management of fishery resources in the scs’ (2015) 116 Ocean & Coastal Management, 318–330, tr.318.

[22] Tham khảo National Geographic, One of the World’s Biggest Fisheries is on the Verge of Collapse, 29/8/2016, trên trang http://news.nationalgeographic.com/2016/08/ wildlife-south-china-sea-overfishing-threatens-collapse/.

[23] Bao gồm bãi cạn, đá san hô và bãi ngầm. 14 thực thể địa lý được coi là “đảo” hoặc “đảo nhỏ” tồn tại trong bãi san hô này, nhưng không có khả năng tự nhiên duy trì đời sống con người, và có khả năng bị ngập. Xét từ khía cạnh lịch sử, quần đảo Trường Sa được đánh dấu là khu vực nguy hiểm và các thuỷ thủ đi biển luôn tránh. Tham khảo National Geospatial-Intelligence Agency (ngia), Pub. 161: Sailing Directions (Enroute) scs and the Gulf of Thailand, Fifteenth Edition, (ngia, 2014), tr.4 và 19.

[24] Như trên, Phán quyết, tr. 71[181].

[25] Đặc biệt là Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan.

[26] Như trên, US Department of State Bureau of Oceans and International Environmental and Scientific Affairs, tr.2.

[27] Như trên, tr.4.

[28] Như trên.

[29] Do đó, Việt Nam yêu sách các quyền đối với Biển Đông và các đảo khác khi viện dẫn tới yêu sách của Thực dân Pháp. (CHND) Trung Quốc yêu sách phần Biển Đông nhượng lại cho Trung Quốc từ phía Nhật Bản sau Thế chiến II. Đài Loan cũng đưa ra yêu sách tương tự nhưng riêng rẽ với yêu sách của Trung Quốc dựa trên yêu sách chồng lấn với toàn Trung Quốc. Philippines liên hệ danh nghĩa với yêu sách đối với Trường Sa bởi một trong các công dân chiếm đóng hữu hiệu từ vẻ bề ngoài vào những năm 1950-trong thời gian Philippines cho rằng bất cứ yêu sách chủ quyền trước đây của các cường quốc châu Á và thực dân đã bị loại bỏ. Tham khảo, Hong Thao Nguyen ‘Vietnam’s Position on the Sovereignty over the Paracels & the Spratlys: Its Maritime Claims’ (2102) 1 Journal of East Asia International Law, 165–212; Ross Marlay ‘Chi- na, the Philippines, and the Spratly Islands’ (1997) 23:4 Asian Affairs: An American Review, 195–210, tr.204–205.

[30] Trung Quốc và Việt Nam, trên thực tế đã tiến hành hai cuộc đối đầu riêng rẽ trong thế kỷ trước, một lần ở quần đảo Trường Sa và một lần ở Hoàng Sa (nằm trong cái gọi là đường chín đoạn). Cả hai cuộc xung đột đều gây ra thương vong, Việt Nam chịu thương vong cao hơn. Tham khảo Marlay, ‘China, the Philippines, and the Spratly Islands’, tr.196–204.