Ý kiến của Daniel Kliman – Cố vấn cấp cao đồng thời là chuyên gia về châu Á của Chương trình châu Á tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ: 

Ở một nơi nằm cách Ukraine khoảng 5.000 dặm, ngoài khơi bờ biển Việt Nam, Trung Quốc đang áp dụng một trang trong cuốn sách của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Việc Bắc Kinh gần đây hạ đặt một giàn khoan dầu khổng lồ ở vùng biển tranh chấp tại Biển Đông đang thúc đẩy một loạt chiến thuật tương tự. Ở Ukraine, Nga đã nhằm vào một quốc gia yếu kém, không phải là đồng minh của Mỹ, nằm ở biên giới với họ, sử dụng các lực lượng bán quân sự để ngụy trang cho một cuộc xâm lược chừng nào còn có thể. Trong khi đó, tại Biển Đông, Bắc Kinh đang cố gắng tìm cách đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của họ nhằm vào Việt Nam, một nước láng giềng yếu kém hơn về quân sự, không có được sự ủng hộ của một liên minh với Mỹ. Bắc Kinh, giống như Moskva, cũng đã triển khai lực lượng một cách mờ ám, phủ nhận thực tế rằng một đội tàu 80 chiếc đi theo bảo vệ giàn khoan dầu đó không có bất kỳ tàu quân sự nào. 

Tại Crimea, kiểu xâm lược đầy kinh nghiệm này đã thành công, nhưng ở Biển Đông, nó có thể không thành công. Phần thắng trong ván cược của Trung Quốc là đáng kể, bắt đầu với việc kiểm soát các nguồn tài nguyên năng lượng và kết thúc với một mục tiêu xa hơn nhưng hấp dẫn – đó là việc tạo ra một trật tự mới ở châu Á. Tuy nhiên, phần thắng trong ván cược trong ngắn hạn lại cao hơn cho phía Việt Nam: chủ quyền và lòng tự tôn. Và Trung Quốc đang cố gắng áp dụng cuốn sách của Tổng thống Putin với một mục tiêu khó khăn hơn. Việt Nam, trái ngược với Ukraine, không bị quấy nhiễu bởi những sự chia rẽ nội bộ, và Chính phủ Việt Nam gần đây đã đầu tư vào những hoạt động nâng cấp quân sự.

Việt Nam đã không né tránh sự leo thang yêu sách (của Trung Quốc) trong quá khứ, đồng thời, cam kết của họ về việc “thực hiện tất cả các biện pháp phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình” sẽ được thực hiện nghiêm túc. Có nhiều khả năng là đầu tiên Việt Nam sẽ thúc đẩy vụ việc của họ thông qua luật pháp quốc tế và thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tổ chức mà họ là một thành viên trong đó. Tuy nhiên, nếu như những bước đi đó thất bại và Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy việc khoan dầu, thì một cuộc đối đầu quân sự không phải là không có khả năng xảy ra. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong một cuộc xung đột vũ trang, nhưng đó có thể là một thắng lợi vô nghĩa, thúc đẩy các nước láng giềng đầy lo sợ của Bắc Kinh tăng cường xây dựng các quân đội của họ và thậm chí là theo đuổi các mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ. 

Ý kiến của Ely Ratner – Chuyên gia nghiên cứu cấp cao, đồng thời là Phó Giám đốc Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Trung tâm Vì một Nền An ninh Mỹ mới (CNAS): 

Mặc dù nghiêm trọng và kịch tính đến mức không thể bác bỏ được, nhưng cuộc đối đầu hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam có lẽ ít nguy hiểm hơn so với một cuộc khủng hoảng tương tự sẽ xảy ra ở đâu đó tại châu Á. Trước hết, hai chính phủ này có các mối quan hệ gần gũi và tương đối tích cực, một sự khác xa so với tình trạng thù địch và ít tiếp xúc vốn trở thành đặc điểm trong các mối quan hệ của Bắc Kinh với Manila và Tokyo. 

Ngoài ra, Việt Nam không phải là một đồng minh hiệp ước phòng thủ của Mỹ, điều loại trừ những nhân tố về chủ nghĩa phiêu lưu mạo hiểm, sự tính toán sai lầm và sự leo thang – những nhân tố phủ bóng đen báo trước điềm gở lên những cuộc tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Philippines. Bản thân Việt Nam, và tiếp theo là ASEAN trong vai trò một tổ chức, chắc chắn đóng những vai chính nổi bật nhất ngay trước khi Mỹ đóng một vai trò tích cực và tất yếu. Mặc dù vậy, vụ việc này nêu bật hai đặc trưng nổi bật về cách hành xử trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, điều đang gây lo ngại sâu sắc. 

Đầu tiên, đảng Cộng sản Trung Quốc có vẻ như đang ngày càng không thể điều hòa những mục tiêu kinh tế và chính trị của về nhiệm vụ đảm bảo những mục đích chủ quyền của họ trong khi duy trì một môi trường an ninh hòa bình. Đã có sự trông đợi đáng kể (ngay cả dựa nhiều vào tham vọng hơn là phân tích) rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy việc thực hiện những chính sách phân biệt rõ lằn ranh giữa các mục tiêu mâu thuẫn này. Những hy vọng này đã được củng cố bởi bài phát biểu giờ đây đã trở nên nổi tiếng của ông ta về “ngoại giao ngoại biên” vào tháng 10/2013, một bài phát biểu có vẻ như là báo trước về sự quay lại chính sách gây cảm tình của Trung Quốc, chính sách đã xác định cách tiếp cận của họ đối với khu vực Đông Nam Á từ giữa những năm 2000. 

Tuy nhiên, điều đó đã không diễn ra, và thay vào đó chúng ta đã thấy Trung Quốc tham gia các hành động lỗ mãng và vụng về, những hành động đã làm gia tăng những quan ngại không chỉ ở Tokyo và Manila, mà còn ở cả Kuala Lumpur, Jakarta và giờ đây là Hà Nội. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, có thể thấy điều này có nghĩa là những mệnh lệnh quan liêu và mang tích chính trị trong nước đang vượt qua lô gích chiến lược ở Bắc Kinh, một diễn biến nguy hiểm đối với những người ngoài cuộc đang hi vọng rằng những cái giá phải trả và những lợi ích tương đối (không phải hoạt động chính trị và chủ nghĩa dân tộc) sẽ định hình việc đưa ra quyết sách của Trung Quốc về những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải của họ. 

Thứ hai, vụ việc giàn khoa Hải Dương-981 có nghĩa là chúng ta cuối cùng có thể ngừng nói về sự quyết liệt của Trung Quốc như là một phản ứng, điều phù hợp hơn cách đây hai năm khi xảy ra vụ “quốc hữu hóa” quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) của Nhật Bản và việc Philippines sử dụng một tàu hải quân tại bãi cạn Scarborough đã thúc đẩy Trung Quốc hành động. Vào thời điểm đó, các quan chức Trung Quốc đã nhanh chóng chỉ ra rằng những quốc gia khác đã hành động trước. Và sự chỉ trích Trung Quốc khi đó cũng chỉ tập trung vào việc nước này có những hành động không phù hợp và mang tính chất leo thang, mà không cho rằng đó là những hành động khiêu khích. 

Lý do đó không đúng trong trường hợp lần này. Mặc dù bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định rằng Trung Quốc chỉ hoàn toàn phản ứng trước những sự khiêu khích của các nước khác, nhưng điều này giờ đây là một sự ngụy biện đầy kinh nghiệm sau vụ Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông vào tháng 11 năm ngoái, và giờ đây là sự khẳng định về chủ quyền chống Việt Nam. Thậm chí, thay vì chờ đợi những cái cớ để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình, Trung Quốc giờ đây đang thực hiện những nước cờ đầu tiên khi mà không có sự khiêu khích trước. 

Hai yếu tố rắc rối này vẽ nên bức tranh về một đất nước mà chính sách đối ngoại của họ được cởi trói khỏi lô gích chiến lược và đang ngày càng can dự vào chủ nghĩa xét lại phòng ngừa. Đây không phải là những tin tức tốt đẹp đối với hòa bình và ổn định trên biển ở châu Á. 

Ý kiến của Orville Schell – Giám đốc chương trình Arthur Ross thuộc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại Viện Xã hội châu Á ở New York: 

Những điều rắc rối nhất về các cuộc xung đột xuất hiện gần đây do những tranh chấp lãnh hải ở biển Hoa Đông và Biển Đông (giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và giờ đây thậm chí cả Indonesia) là chúng liên quan đến vấn đề chủ quyền. Đây là một vấn đề nghiêm trọng bởi vì, ít nhất đối với Trung Quốc, vấn đề “toàn vẹn lãnh thổ” không cho phép thỏa hiệp, điều có nghĩa là có không gian rất hạn chế cho các nhà ngoại giao của họ thương lượng, chứ chưa nói đến chuyện thỏa hiệp. Sự cứng nhắc này, điều đã có nguồn gốc lịch sử sâu xa, được nuôi dưỡng bởi sự nhạy cảm cực đoan của Trung Quốc đối với các vấn đề mà họ coi là liên quan đến bất kỳ sự xâm lấn lãnh thổ đáng xấu hổ nào. 

Một trong những nhân tố khá khác biệt về chính sách đối ngoại mới của Tổng bí thư Tập Cận Bình là một cách nhìn bắt nguồn từ những gì có thể được gọi là quan điểm “không bao giờ lặp lại” của Trung Quốc, quan điểm nảy sinh và là một phần quan trọng của “giấc mộng Trung Hoa.” Cụ thể là sau hơn một thế kỷ chịu đựng sự xâm lược, gần như bị thuộc địa hóa, chịu sự chiếm đóng của nước ngoài, “những hiệp ước bất bình đẳng” và những hình thức xâu xé khác của những cường quốc mạnh hơn, giờ đây Trung Quốc đã vững mạnh, họ sẽ không bao giờ cho phép bản thân mình thỏa hiệp lại lần nữa (đặc biệt là dưới sức ép từ “các nước lớn”) về những vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của họ. 

Tuy nhiên, như những người khác trong cuộc thảo luận này đã nhấn mạnh, để làm cho các vấn đề thậm chí trở nên cứng rắn hơn, tư thế “cơ bắp” mới của Trung Quốc trong việc đối đầu với các nước láng giềng của họ dường như là điều được khuyến khích, ít nhất là ở mức gián tiếp, bởi thái độ rất hung hăng thậm chí là rất hiếu chiến của Putin đối với việc giành lại những gì ông ta coi là lãnh thổ hợp pháp của Nga ở Ukraine. Trung Quốc và Nga vẫn chưa ký kết với nhau bất kỳ hiệp ước chính thức nào. Và ban lãnh đạo Trung Quốc rất “nước đôi” về sự xâm lược đơn phương của bất kỳ quốc gia nào đối với một nước khác (vì sợ rằng việc đó gửi lời mời một số cường quốc bên ngoài xâm phạm vào các Khu Tự trị Tây Tạng và Tân Cương, hoặc thậm chí là nơi phức tạp như Đài Loan). Mặc dù vậy, hầu như không có nghi ngờ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm nhận được sự thúc giục của Putin trong việc cùng đứng lên chống lại phương Tây ngạo mạn và Nhật Bản bất kỳ khi nào có thể. 

Bởi vì đầu tiên là những thái độ tỏ ra cao đạo và tùy tiện của phương Tây đối với các nước thuộc “khối Cộng sản” và tiếp theo là những thái độ hạ mình của chúng ta đối với những phong trào hậu cải cách và “hậu Perestroika” (perestroika – sự cải tổ chế độ kinh tế, chính trị của Liên Xô trước đây) - những phong trào đã phát triển cùng các hệ thống chính trị theo chủ nghĩa Lênin ngày nay ở cả Bắc Kinh và Moskva – nên có những nguồn tích trữ đáng kể sự oán giận mang tính lịch sử đối với các quốc gia thuộc về những gì đã được biết đến một cách kỳ lạ là “thế giới tự do” trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga có một sự cảnh giác đối với nhau ngay từ những ngày đầu tiên của Mặt trận Thống nhất của Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) với Quốc tế Cộng sản III và sự phụ thuộc miễn cưỡng sau đó của Mao Trạch Đông vào Liên Xô như là “người anh lớn xã hội chủ nghĩa” của Trung Quốc, nhưng giờ đây họ đã tiến đến việc cùng có chung những gì mà chúng ta có thể mô tả là tình anh em của một “văn hóa nạn nhân”. Các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia này coi bản thân họ là những bên bị quấy nhiễu mạnh mẽ bởi cả “phương Tây” và Nhật Bản, và do đó có một khuynh hướng tự nhiên là chứng tỏ với thế giới, bất cứ khi nào họ có thể, rằng họ sẽ không những không cho phép bản thân họ bị bắt nạt, ăn hiếp, gây sức ép hay xô đẩy nữa, mà họ còn không bị ngăn cản việc củng cố những gì họ coi là quyền lịch sử của mình để tái thống nhất và giành lại những vùng lãnh thổ đã mất. 

Thật vậy, đây có thể là ranh giới sai lầm, trong đó một kiểu chiến tranh lạnh mới hậu Chiến tranh Lạnh bắt đầu xuất hiện. Một liên minh như vậy có thể khá nguy hiểm, không phải bởi vì Moskva và Bắc Kinh cùng có quá nhiều lợi ích chung cụ thể trên thực tế (mặc dù họ có đường biên giới chung dài khoảng 4.000 dặm), mà là bởi vì họ cùng có một nguồn tình cảm dân tộc “buồn phiền” chung và rất sâu sắc. Và đôi khi, đó là một tình cảm lộn xộn đến mức tỏ ra mạnh mẽ và phá phách trong các vấn đề thế giới nhiều hơn cả những tính toán không khoan nhượng thực sự nằm trong lợi ích quốc gia của họ. 

Ý kiến của bà Susan Shirk – Chủ tịch Chương trình Trung Quốc Thế kỷ 21 thuộc Trường Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu Thái Bình Dương ở Sandiego: 

Chúng ta cần xem xét những hành động của Trung Quốc bằng đôi mắt rõ ràng. Orville Schell, tôi nghĩ sẽ là một sai lầm khi bóp méo những sự nhận thức của chúng ta bằng việc rút ra những sự liên hệ giữa việc Trung Quốc hành xử như thế nào ở châu Á với việc Nga hành xử như thế nào ở châu Âu. Khu vực xung quanh ở châu Á đủ phức tạp để không cần phải bổ sung thêm những nhân tố không liên quan tới vấn đề đang được đề cập, mà chỉ nên nằm trong những suy nghĩ riêng của chúng ta. 

Điều quan trọng hơn cả là quan điểm mà Ely Ratner đưa ra về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam như thế nào, giống như việc tuyên bố thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông, cho thấy rằng Trung Quốc trước tiên đang thực hiện các hành động hống hách để khẳng định những tuyên bố chủ quyền lãnh hải của họ, chứ không chỉ là hành động phản ứng. Trung Quốc đang bảo vệ những hành động của họ bằng cách nói rằng việc đưa giàn khoan dầu của họ tới bắt đầu khoan thăm dò chỉ là một bước tiến bình thường từ các cuộc khảo sát địa chấn 2D và 3D mà họ đã tiến hành ở khu vực này. Đó rõ ràng là những gì doanh nghiệp dầu mỏ Trung Quốc, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), nói với những nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, do bản chất tranh chấp của vị trí này – nằm cách quần đảo Paracel (Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc gọi là Tây Sa - PV) 15 dặm về phía Nam, nơi Trung Quốc chiếm từ tay Việt Nam bằng vũ lực vào năm 1974, và nằm cách bờ biển chính của Việt Nam 120 hải lý – và đội tàu công vụ 80 chiếc đi cùng giàn khoan khổng lồ này – nên chắc chắn đó không phải là một hoạt động bình thường. 

Các nhà ngoại giao ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đặc biệt là Ngoại trưởng Vương Nghị, người đã thực hiện chiến lược rất thành công của Trung Quốc nhằm tái đảm bảo với các quốc gia châu Á về những ý định thân thiện của Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 1996-2009 và đang cố gắng để khôi phục chiến lược này dưới thời Tập Cận Bình, hẳn phải biết rõ rằng những đòi hỏi chủ quyền quá đáng như vậy sẽ khiêu khích một sự phản ứng dữ dội trong số các nước láng giềng của Trung Quốc. Tuy nhiên, tiếng nói của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không còn chi phối quá trình hoạch định chính sách ngoại giao của nước này nữa. 

Những gì mà các hành động của Trung Quốc phản ánh, như Ely Ratner nói, là khả năng rất nguy hiểm rằng chính sách an ninh của Trung Quốc đã phát triển thành giai đoạn “được cởi trói khỏi sự lôgích chiến lược”. Nói cách khác, các nhóm lợi ích quan liêu và ý kiến công chúng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa trong nước Trung Quốc đang hướng tới sự bành trướng quá đáng về những tuyên bố chủ quyền theo một cách có thể thực sự làm tổn hại những lợi ích an ninh quốc gia tổng thể của nước này. 

Ý kiến của Giáo sư Carlyle A. Thayer - chuyên gia về quốc phòng châu Á tại Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Australia: 

Có 3 cách diễn giải khả dĩ đối với quyết định của Trung Quốc triển khai giàn khoan khổng lồ Hải Dương-981 tới Lô 143 bên trong Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những cách diễn giải này không nhất thiết phải loại trừ cả hai bên. 

Cách diễn giải đầu tiên thừa nhận rằng CNOOC đã quyết định tiến hành các hoạt động thăm dò thương mại ở các lô mà họ đã đưa ra mời thầu nhằm phản ứng việc Việt Nam thông qua Luật Biển vào giữa năm 2012. Đúng như Susan Shirk nhấn mạnh, CNOOC đã tiến hành các cuộc khảo sát địa chấn và nhiều khả năng đang theo đuổi việc này. Cách diễn giải này có vấn đề do quy mô và thành phần của đội tàu 80 chiếc và những con tàu đi cùng giàn khoan Hải Dương-981. Như Susan Shirk quan sát, việc này “chắc chắn không phải hoạt động bình thường”. Thật vậy, các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh cung cấp thông tin rằng các quan chức CNOOC đã được lệnh triển khai giàn khoan này bất chấp những lo ngại về chi phí đắt đỏ phải trả hàng ngày và sự đánh giá thấp về khả năng Lô 143 là một nguồn trữ lượng dầu mỏ và khí đốt. 

Cách diễn giải thứ hai lập luận rằng các hành động của CNOOC là nhằm phản ứng các hoạt động của “gã khổng lồ” dầu mỏ Mỹ ExxonMobile ở các lô gần đó. Cách diễn giải này dường như không vững chắc. ExxonMobile đã hoạt động ở Lô 119 kể từ năm 2011 bất chấp những sự phản đối ban đầu của Trung Quốc. Hiện không rõ những hoạt động tại một giàn khoan dầu của Trung Quốc ở Lô 143 sẽ ngăn cản ExxonMobile hoạt động ở những nơi khác như thế nào. 

Cách diễn giải thứ ba nhấn mạnh các động cơ địa chính trị đằng sau các hành động của Trung Quốc. Việc triển khai giàn khoan khổng lồ của CNOOC là một phản ứng đã được lên kế hoạch sẵn đối với chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới khu vực Đông Á. Trung Quốc đã bị chọc giận bởi sự ủng hộ của Tổng thống Obama đối với cả Nhật Bản và Philippines ở các vùng lãnh thổ, lãnh hải tranh chấp giữa họ với Bắc Kinh. Do đó Trung Quốc đã tạo ra cuộc khủng hoảng giàn khoan khổng lồ Hải Dương-981 để thể hiện với các quốc gia khu vực rằng Mỹ là một “con hổ giấy” và có một khoảng trống giữa những tuyên bố khoa trương với khả năng hành động của Tổng thống Obama. 

Cách diễn giải thứ ba có vẻ đáng tin cậy. Trung Quốc có thể giải thích cặn kẽ quan điểm của mình và sau đó rút giàn khoan này ngay khi nó hoàn thành nhiệm vụ vào giữa tháng 8 tới. Tuy nhiên, cách diễn giải này không đề cập đúng vào vấn đề đang tranh cãi là tại sao Việt Nam lại là tâm điểm của cuộc khủng hoảng này, và tại sao Trung Quốc lại hành động đúng dịp diễn ra cuộc họp cấp cao của những người đứng đầu chính phủ và nhà nước của các nước thành viên ASEAN.

Theo China File

Văn Cường (gt)