160112_taiwan_one_china_policy_flag1.jpg

 

Bộ Ngoại giao Đài Loan ngày một ảm đạm trong những ngày gần đây. Cơ quan này đã buộc phải hạ quốc kỳ của các đồng minh ngoại giao gồm Burkina Faso, Sao Tome và Principe, Cộng hòa Dominica, Panama và El Salvador trong hai năm qua trong bối cảnh Trung Quốc và Đài Loan khởi động lại cuộc chiến dành sự công nhân ngoại giao trên toàn cầu. Hiện tại, Đài Loan chỉ còn lại 17 đối tác gồm chủ yếu các nước nhỏ nghèo khó ở Mỹ Latinh và Caribbean và châu Đại Dương.

Việc Bắc Kinh tăng cường “bóp nghẹt” Đài Loan trong lĩnh vực ngoại giao là một phần trong chiến lược lớn hơn, bao gồm việc tận dụng các sức ép về kinh tế, quân sự và chính trị để khiến Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phải đầu hàng. Bà Thái Anh Văn đã từ chối công nhận “Đồng thuận 1992”, theo đó thừa nhận “nguyên tắc một Trung Quốc”. Hành động này của bà đã chọc giận Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã khẳng định rằng việc thống nhất giữa hai bờ eo biển là kết quả duy nhất được chấp nhận. Nếu hai bên không khởi xướng được các cuộc đối thoại chính trị về các điều khoản của Bắc Kinh, chắc chắn chiến lược gây sức ép của Trung Quốc sẽ tiếp tục, điều đồng nghĩa rằng trong lĩnh vực ngoại giao, Bắc Kinh sẽ không ngừng theo đuổi các đồng minh của Đài Loan để thuyết phục họ ngả về mình.

Mặc dù hiện rất khó để xác định quốc gia nào tiếp theo sẽ quay lưng lại với Đài Loan, nhưng có rất nhiều dấu hiệu tiêu cực đang xuất hiện. Các đề xuất thương mại và đầu tư hấp dẫn trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc dưới mác Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) là sự hấp dẫn không thể chối từ. BRI đặc biệt rất hấp dẫn với các nước không có nhiều nguồn lực để tự vươn lên. BRI mang lại cho họ cơ hội vàng để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng cần thiết ở quốc gia họ. Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu đã nhiều lần lặp lại rằng Đài Bắc sẽ không trở lại thời kỳ “ngoại giao đồng USD” hồi những năm 1990 và 2000, khi Đài Loan chạy đua từng đồng USD với Trung Quốc để giành giật đồng minh trên toàn cầu. Cách tiếp cận này là hoàn toàn dễ hiểu bởi Đài Bắc đơn giản không có nguồn lực để cạnh tranh với Trung Quốc.

Một điều chắc chắn rằng Đài Bắc sẽ để mất thêm các đồng minh ngoại giao trừ phi hai bên đạt được thỏa thuận giữa hai bờ eo biển về Đồng thuận 1992. Tuy nhiên, cũng có thể chắc chắn rằng Đài Loan sẽ thuyết phục ít nhất một hay thêm nhiều quốc gia công nhận Đài Loan - mà không rơi vào cái bẫy ngoại giao đồng USD một lần nữa.

Diễn biến như vậy sẽ mang tính biểu tượng theo cách nó sẽ giúp chống lại quan điểm cho rằng chủ quyền Đài Loan đang bị đe dọa. Nó cũng giúp thúc đẩy “nhuệ khí” ở Đài Loan và sẽ thuyết phục các nước khác theo bước họ. Một kịch bản như vậy có thể khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc cân nhắc lại liệu tác động ngoại giao trong chiến dịch gây sức ép của họ có tạo ra kết quả mong muốn hay không, điều giúp Đài Loan tạm ngừng đối mặt với hành động “giành giật” đồng minh. Hy vọng lớn nhất của Đài Loan nhằm giành lại các đồng minh ngoại giao đó là nói với các nước có thể bị Trung Quốc giành lấy rằng nguồn viện trợ của Đài Loan - chứ không phải BRI của Trung Quốc - mới mang lại cho họ một con đường phát triển ổn định hơn.

Ví dụ như đảo quốc Thái Bình Dương Tonga đang nợ Trung Quốc khoảng 115 triệu USD, khoảng 1/3 GDP, và đang tạm hoãn chi trả khoản nợ này tới năm 2024. Tonga từng công nhận Đài Loan cho tới năm 1998 và khoản nợ lớn như vậy có thể thuyết phục Tonga rằng Đài Bắc một lần nữa là lựa chọn an toàn hơn trong dài hạn. Tại châu Phi, các quốc gia như Zambia, Djibouti và Conga dường như đang là các “con nợ” lớn nhất của Trung Quốc. Conga đã công nhận Đài Loan từ năm 1961 đến 1972. Mặc dù Zambia hay Djibouti chưa từng công nhận Đài Loan, nhưng Djibouti - nơi Bắc Kinh vừa thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài - đang có khoản nợ với Trung Quốc chiếm tới 77% nợ công của nước này. Trong cuộc bầu cử tại Zambia hồi năm 2006, một ứng cử viên đối lập đã nổi lên, người đe dọa sẽ chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Sự chuyển giao chính trị cũng mở ra cơ hội để Đài Loan thúc đẩy quan hệ với ban lãnh đạo tiềm năng mới. Ví dụ như hồi tháng 2/2019, Đài Loan đã cam kết khoản viện trợ nhân đạo trị giá 500,000 USD cho người tự xưng là Tổng thống lâm thời Venezuela Juan Guaido. Ông Guaido chắc chắn sẽ lựa chọn Đài Loan nếu ông trở thành nhà lãnh đạo của quốc gia này.

Cuối cùng, các khoản viện trợ kinh tế và đầu tư của Đài Loan dành cho các nước tiếp nhận nên nhằm vào lĩnh vực nông nghiệp, y tế và giáo dục. Như vậy, nếu một quốc gia quan tâm đến các lĩnh vực này hơn cả, thì khi đó Đài Bắc sẽ có lợi thế cạnh tranh chiến lược. Ví dụ như Quần đảo Marshall đã nói rằng hợp tác nông nghiệp là một lý do họ thay đổi thiết lập quan hệ với Trung Quốc sang Đài Loan năm 1998.

Cuối cùng, Đài Loan có thể nhận được sự khích lệ qua việc giành thêm hay giành lại các đồng minh ngoại giao trước đây. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ vẫn gạt bỏ Đài Loan khỏi các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) và Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế. Thay vào đó, mối quan hệ song phương Mỹ-Đài tốt đẹp sẽ là chìa khóa để giúp Đài Bắc cân bằng trước Trung Quốc. Thêm vào đó, quan hệ thương mại và đầu tư không chính thức của Đài Loan với các nước không chính thức công nhận Đài Loan như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác, sẽ tiếp tục cho phép Đài Bắc giảm sự phụ thuộc kinh tế vào đại lục.

Theo “National interest

Hương Trà (gt)