Đường chín đoạn [ND: Đường lưỡi bò] được nối liền bởi các nhà khoa học dựa một phần trên bản đồ năm 1951 có thể xác định rõ hơn vùng biển của Trung Quốc

Theo lời một nhà khoa học cao cấp liên quan đến một dự án do chính phủ Trung Quốc tài trợ, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang đề xuất một đường biên giới mới trên Biển Đông mà họ cho rằng có thể hỗ trợ cho việc nghiên cứu khoa học tự nhiên đồng thời có khả năng tăng giá trị cho các yêu sách của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp,

Đường biên giới mới sẽ giúp xác định rõ ràng hơn các yêu sách của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp, tuy nhiên nhà khoa học này cho biết chưa rõ liệu Bắc Kinh có chính thức thông qua đường biên giới mới này hay không.

Một đường biên giới chính xác và liên tục sẽ chia Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam, chạy về phía nam tới vùng biển được yêu sách bởi Malaysia, tạo ra một đường vòng chữ U tới phía Bắc dọc theo bờ biển phía Tây của Philippines và kết thúc tại phía Đông Nam của Đài Loan.

Nhiều thế kỷ qua, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông vẫn chưa được thể hiện rõ ràng, một phần bởi từ việc sử dụng đường biên giới phân đoạn, mơ hồ, được biết đến với tên gọi “Đường chín đoạn”.

Tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc vào tháng 7 năm 2016 đã phán quyết rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu sách khu vực nằm trong phạm vi đường chín đoạn. Một lý do Trung Quốc bị thua trong vụ kiện kể trên là quốc gia này không thể xác định vùng lãnh thổ đó một cách chính xác.

Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng không có khả năng Bắc Kinh sẽ sớm thay đổi chính thức đường chín đoạn bất chấp các phản đối quốc tế.

Tiến sĩ Ian J.Storey, nghiên cứu viên cao cấp về an ninh hàng hải tại Châu Á-Thái Bình Dương và quan hệ Đông Nam Á-Trung Quốc,Viện Yuso Isak –Singapore cảnh báo việc thay đổi đường chín đoạn có thể làm nguy hại tới ổn định khu vực.

Ông Sorey nhận định: “Nếu như Trung Quốc chỉ rõ các yêu sách của mình tại Biển Đông bằng một đường liên tục nối liền 9 đoạn đứt khúc, thì điều này là sự bác bỏ hoàn toàn đối với phán quyết của Toà trọng tài 7/2016.

Ông Sorey cũng nhận xét thêm rằng động thái này có thể “gây ra những quan ngại sâu sắc cho các quốc gia của Đông Nam Á và bên ngoài khu vực.”

Bộ Ngoại giao Trung quốc không trả lời các đề nghị bình luận về vấn đề này.

Một vùng biển rộng lớn được xác định bởi đường biên giới mới này, có hình dáng giống như tất Giáng sinh ở phía Nam của Trung Quốc, trùm lên các đoạn và lấp đầy các khoảng trống. Vùng này bao gồm tất cả các vùng biển tranh chấp,  như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Bãi cạn James và Bãi cạn Scarbrough

Theo nhà nghiên cứu trên, đường biên giới mới này sẽ lần đầu tiên xác định chính xác khu vực mà Trung Quốc có yêu sách về các quyền lịch sử trên Biển Đông.

Mục đích của dự án một phần là để nghiên cứu khoa học tự nhiên và một phần được thúc đẩy bởi động cơ chính trị nhằm “củng  cố các yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển để chuẩn bị cho các khả năng thay đổi trong chính sách Biển Đông của nước này trong tương lai”, nhà nghiên cứu này cho hay.

Trong phạm vi đường biên giới này, Trung Quốc sẽ yêu sách các quyền đối với các hoạt động từ đánh bắt cá, thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng đến việc xây dựng các căn cứ quân sự cùng với các bến cảng nước sâu và sân bay.

Tuy nhiên, việc các quốc gia khác có được tiếp cận với các quyền này hay không sẽ được để ngỏ cho thảo luận, giống như trường hợp tại Bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc kiểm soát nhưng cho phép các tàu cá Philippines được quyền tiếp cận.

Nhà nghiên cứu này cho biết, trong khi Bắc Kinh coi các khu vực nằm trong đường biên giới lãnh thổ quốc gia mình, thì các quốc gia khác vẫn có thể được hưởng tự do hàng hải qua khu vực.

Nhóm dự án đã xác định địa điểm đầu tiên của đường biên giới bằng việc sử dụng định vị vệ tinh toàn cầu.

 “Việc thiết lập các dữ liệu GPS đã sẵn sàng”, nhà nghiên cứu -người yêu cầu không bị nêu tên vì mức độ nhạy cảm của nghiên cứu cho biết. “Có thể có một vài lựa chọn về độ phân giải khác nhau, từ một ki-lô-mét đến vài cen-ti-mét [xét về độ rộng của đường này], tùy thuộc vào nhu cầu trên thực tế.”

Theo nhà nghiên cứu này, vẽ đường biên giới mới chỉ là bước đi đầu tiên. Việc tính toán tổng số sinh khối, trữ lượng dầu, khí, khoáng sản và các tài nguyên khác trong khu vực Trung Quốc yêu sách cũng đang được tiến hành, với tài trợ từ chính quyền Trung ương Trung Quốc và chính quyền tỉnh Quảng Đông

Mặc dù các yêu sách của Trung Quốc dựa trên tài liệu lịch sử, thì một phần của nghiên cứu sẽ quyết định giá trị các tài sản của Trung Quốc trong phạm vi đường biên giới mới.

“Chúng tôi sẽ sớm có được một ý tưởng rõ ràng về những gì thuộc về chúng tôi và không thuộc về chúng tôi ở Biển Đông”, nhà nghiên cứu này cho biết. “ Điều đó sẽ cho phép chúng tôi đưa ra kế hoạch và phối hợp các nỗ lực để bảo vệ lới ích của quốc gia mình trong khu vực đồng thời giảm thiểu nguy cơ xung đột với các quốc gia khác do thiếu đi một đường biên giới trên toàn bộ vùng biển này.” chấp nhận bản vẽ đường đứt đoạn [Đường lưỡi bò]  năm 1947, sau khi các quan chức thực hiện thanh sát ở Biển Đông trên một tàu hải quân Mỹ đã vẽ các đoạn này khi họ trở về.

Bản vẽ các nét đứt đoạn này - gồm các đoạn cong ngắn nằm trên Biển Đông - bao bọc các vùng biển chưa được định nghĩa rõ ràng - đã tạo ra hình ảnh chung nhưng chưa chính xác về chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông trong khi vẫn thừa nhận tự do hàng hải của các tàu thuyền đến từ các quốc gia khác.

Ban đầu bản vẽ gồm 11 đoạn nhưng đến những năm 1950, chính phủ Trung Quốc đã bỏ đi 2 đoạn ở Vịnh Bắc Bộ để làm hài lòng các lãnh đạo Việt Nam. Năm 2013, Bắc Kinh đã thêm 1 đoạn ở phía Đông Nam Đài Loan, khiến cho bản vẽ có tổng cộng 10 đoạn.

Trung Quốc là một bên ký kết Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), một thỏa thuận quốc tế quy định các quyến và trách nhiệm của các quốc gia trong việc sử dụng đại dương trên thế giới, và đã thiết lập các hướng dẫn cho các hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường và quản lý các tài nguyên trên biển.

Nhưng Trung Quốc chưa bao giờ xác định ý nghĩa pháp lý của đường chín đoạn hoặc nhưng quyền nằm trong phạm vi của đường này. Sự mập mờ đã khiến cho nhiều người Trung Quốc tin rằng đường chín đoạn thể hiện đường biên giới biển của Trung Quốc, nhưng, một lần nữa, Bắc Kinh chưa bao giờ làm rõ vấn đề này.

Một số người khác thì cho rằng đường chín đoạn khoanh vùng khu vực mà Trung Quốc đòi các quyền kinh tế. Một số giải thích khác lại cho rằng đường này quy thuộc các đảo và các bãi cạn mà Trung Quốc muốn kiểm soát hơn là đòi hỏi đối với các vùng biển phía bên trong. Bắc Kinh vẫn từ lâu ủng hộ một chiến lược mơ hồ, không công khai chống lại luật quốc tế nhưng muốn tạo không gian cho các yêu sách mập mờ của mình.

Một vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch lớn nhằm mở rộng và tăng cường kiểm soát tại Biển Đông, bằng việc sử dụng các tàu nạo vét khổng lồ để biến các đảo nhỏ thành các đảo nhân tạo với căn cứ ra-đa quân sự và đường bay, triển khai các dàn khoan dầu tại các vùng biển tranh chấp, tập trận hải quân thường kỳ trên diện rộng với các tàu sân bay, các tàu chiến tân tiến và tàu ngầm hạt nhân.

Một số nhà khoa học tin rằng tổng số các cảm biến theo dõi đáy biển được Trung Quốc triển khai ở Biển Đông đã vượt qua Mỹ, một dấu hiệu cho việc chuyển dịch tương quan lực lượng tại khu vực.

Nhà nghiên cứu trong dự án vẽ đường biên giới này cho biết: “Ngày càng thường xuyên hơn, khi chúng ta điều các tàu thuyền đến khu vực biển này hoặc quan sát một khu vực thông qua vệ tinh, chúng ta không chắc chắn rằng liệu đó có phải là vùng biển của mình hay không.”

 “Đường chín đoạn sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng đối với các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông.”

Giáo sư Zou Jingui, Phó Khoa Đo dạc và Địa chất học của Đại học Vũ Hán cho biết: “Sẽ không có cách nào có thể tính toán được độ rộng của một khu vực bằng cách vẽ đường đứt đoạn”. “Bạn phải cung cấp cho máy tính một đường biên giới khép kín. Việc thay thế đường chín đoạn bằng một đường ranh giới chính xác và liên tục sẽ làm cho công việc trong lĩnh vực này trở nên dễ dàng hơn.”

Đường biên giới liên tục này được tạo ra không chỉ bằng các thuật toán mở rộng đường cong và nối liền các đoạn trên máy tính. Theo nhóm dự án, công việc này còn được thực hiện dựa trên các bằng chứng lịch sử vững chắc.

Năm 1951, một bản đồ chính thức được thông qua bởi chính quyền trung ương Trung Quốc đã đánh dấu khu vực Trung Quốc yêu sách trên Biển Đông bằng một cặp đường nối liền liên tục. Đường màu đen phía trong chỉ đường biên giới chủ quyền và đường màu đỏ bên ngoài là đại diện cho nơi Trung Quốc có thể thực hiến quyền quản trị.


“Chúng tôi đã rất vui mừng khi phát hiện được tấm bản đồ này, nhà nghiên cứu này cho biết.” “Đây là thứ mà chúng tôi có thể cho cả thế giới thấy.”

Miêu tả chi tiết về tấm bản đồ này đã được nhóm dự án trình bày trong một bài báo xuất bản trên Bản tin khoa học Trung Quốc -một tạp chí học thuật nội địa vào tháng Ba năm nay.

Các tác giả của bài báo này đề nghị sử dụng đường biên giới hình chữ U liên tục này thay thế cho đường chín đoạn.

Họ viết: “Đường biên giới chữ U là đương biên giới trên biển ở Biển Đông của Trung Quốc, và chủ quyền của nó thuộc về Trung Quốc.” “

“Đường biên giới này có thể thể hiện rõ ràng về tính toàn vẹn, liên tục và đường biên giới cho các vùng biển của Trung Quốc tại Biển Đông, và đường biên giới này " sinh động, chính xác, hoàn thiện và khoa học hơn.”

Giáo sư Yu Minyou, giám đốc Viện Trung Quốc Nghiên cứu Biên giới và Đại Dương tại Đại học Vũ Hán nói rằng nếu như tấm bản đồ cổ này đã được xuất bản với sự chấp thuận của chính phủ, điều thường xuyên diễn ra tại Trung Quốc, thì “chắc chắn tấm bản đồ sẽ tăng thêm giá trị pháp lý cho những yêu sách của Trung Quốc” trong khu vực.

Xác định cơ sở khoa học cho việc tính toán các nguồn tài nguyên thiên nhiên là quan trọng đối với Trung Quốc. Nếu không Trung Quốc sẽ không có bất cứ thứ gì cụ thể và chính xác để đặt lên bàn đàm phán với các quốc gia láng giềng. .

Tuy nhiên ông Yu khẳng định các quốc gia khác cũng cần phải nhớ rằng đường này sẽ không thể hiện lập trường của chính phủ Trung Quốc khi mà đường chín đoạn vẫn còn trên các bản đồ chính thức, và cũng bổ sung thêm rằng chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Đông là “mở và rõ ràng.”

Ông khẳng định “Trung Quốc muốn đạt được hòa bình, ổn định, hài hoà và thịnh vượng ở khu vực.”

Điều chúc ta đang làm bây giờ là tạo ra môi trường phù hợp để đưa ra được giải pháp cuối cùng cho vấn đề này”


Một chuyên gia của chính phủ tại Viện Quốc gia về Nghiên cứu Biển Đông tại Hải Khẩu, Hải Nam cho biết đường biên giới liên tục sẽ được sử dụng như một công cụ hữu hiệu cho các nghiên cứu về khoa học tự nhiên.

Theo một chuyên gia-người yêu cầu giấu tên bởi vì ông không được phép chia sẻ với truyền thông nước ngoài về những vấn đề nhạy cảm, không có khả năng là đường này sẽ được in trên bản đồ chính thức, .

“Theo hiểu biết của tôi, chính phủ Trung Quốc hiện tại không có kế hoạch thay đổi đường chín đoạn”, “hầu hết các nhà ngoại giao và chuyên gia về luật biển sẽ phản đối việc nối các đoạn đứt khúc,” ông phát biểu.

Căng thẳng trên Biển Đông đã hòa dịu rõ ràng trong thời gian gần đây, với việc các quốc gia láng giềng như Philippines và Việt Nam không gây ra các đối đầu trực tiếp với Trung Quốc tại khu vực tranh chấp.

“Mọi thứ đang đi đúng hướng”, chuyên gia này cho biết. “Đây không phải là thời điểm tốt nhất để xác định rõ ràng một đường biên giới”

Stephen Chen nguyên là sinh viên trường đại học Sán Đầu, Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hồng Công và theo học khóa học tại chương trình Biển nơi Stephen theo học bổng toàn phần từ Quỹ Seawise. Hiện Stephen đang sinh sống cùng gia đình tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Bài viết được đăng trên Tờ Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post), Hồng Công, Trung Quốc.

Ngọc Anh (dịch)

Thanh Hải (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.