Châu Phi: đã có tín hiệu lạc quan? 

Một làn gió lạc quan đang thổi trên lục địa châu Phi. Mặc dù điều kiện cơ sở hạ tầng và quản lý còn khó khăn, châu Phi bắt đầu thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư Mỹ, châu Âu và đặc biệt là Trung Quốc: Kenya , Nigeria , Nam Phi, Maroc. Hiện nay, một nửa trong số 30 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới nằm ở lục địa vốn từ lâu bị cho là không có hy vọng này. Đúng là nhiều nước đi lên từ xuất phát điểm rất thấp và sự thịnh vượng không được chia một cách đồng đều cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, số liệu thống kê và những xác nhận của các doanh nhân làm việc tại Dakar, Conakry, Nairobi cho đến Lagos cho thấy một tầng lớp trung lưu mở rộng mạnh mẽ với khoảng 150 triệu người hiện nay sẽ tăng lên 300 triệu người trong 10 năm tới, nếu không xảy ra những biến động lịch sử lớn. Sự phát triển vượt bậc này cung cấp một thế hệ các nhà doanh nghiệp mới, đồng thời đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải có uy tín. Lạm phát trên châu lục hầu hết nằm trong giới hạn kiểm soát hay ít nhất, thấp hơn nhiều so với mức độ ghi nhận cách đây chừng 10 năm. Tất cả 54 nước châu Phi đã xây dựng được Hiến pháp riêng và ngày càng có xu hướng theo chế độ đa đảng. Không thể phủ nhận sự thật là Al-Qaeda đang hoành hành với các vụ bắt cóc con tin và khủng bố ở nhiều nước, trong khi Libya, Tuynidi, Ai Cập vẫn còn vướng vào các cuộc khủng hoảng chính trị, nhưng hai cuộc xung đột lớn ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Somalia dường như đã sắp kết thúc. Chỉ còn hai điểm nóng đáng quan tâm là Mali và Cộng hòa Trung Phi, đã khiến 2000 người chết. Dù vậy, số cuộc xung đột ít hơn 50 lần so với cách đây hơn chục năm. 

Mỹ sẽ rút khỏi Trung Đông? 

Trung Đông không ngừng ám ảnh chính sách đối ngoại Mỹ. Trong khi Chính quyền Obama cố gắng thúc đẩy chiến lược xoay trục sang châu Á, thì Mùa Xuân Arập đã khiến cho họ bất ngờ. Vụ giết hại đại sứ Mỹ tại Benghazi, lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi tại Ai Cập, sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là những biến cố quan trọng buộc Mỹ phải tập trung trở lại khu vực. Tại hội nghị thượng đỉnh Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây, Tổng thống Mỹ đã đưa ra hàng loạt ưu tiên cần giải quyết: thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine, thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran và một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Syria. Barack Obama đã đưa ra quyết định lựa chọn các cuộc chiến đấu. Như đã cho thấy trong việc giải quyết hồ sơ Syria, Mỹ không ủng hộ biện pháp quân sự ngoại trừ sử dụng máy bay không người lái để tấn công mạng lưới Al-Qaeda. Ông Obama đã được bầu lên để đưa nước Mỹ ra khỏi các cuộc xung đột quân sự và dư luận Mỹ không muốn có thêm các cuộc can thiệp quân sự trên bộ. Nhờ vào nguồn tài nguyên năng lượng mới, ban đầu là thăm dò và ít lâu nữa sẽ bước vào khai thác dầu lửa và khí đốt từ đá phiến, Mỹ đã trở nên độc lập hơn với vùng Vịnh. Tình hình đó khiến cho các đồng minh truyền thống của họ trong khu vực, nhất là Israel và Saudi Arabia, lo ngại Washington sẽ rút khỏi khu vực. Hai nước này đã công khai thể hiện thái độ phản đối. Theo đánh giá của Justin Vaïsse, giám đốc Trung tâm phân tích, dự báo và chiến lược của Bộ Ngoại giao Pháp, đúng là phương thức và ưu tiên đã được điều chỉnh, nhưng các liên minh vẫn còn đó và Mỹ vẫn là người đảm bảo trật tự thế giới”. 

Trung Quốc đối diện nguy cơ bùng nổ? 

Vụ tấn công khủng bố trên quảng trường Thiên An Môn tháng 10 vừa qua, tức là vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nhắc nhở rằng những người chủ trương độc lập cho người Duy Ngô Nhĩ muốn tiếng nói của họ được lắng nghe. Sau đó ít lâu, một vụ đánh bom khác trước trụ sở Đảng ủy tỉnh Sơn Tây tại thành phố Thái Nguyên đã thu hút các ống kính hướng về những người bị bỏ qua trong tăng trưởng kinh tế, tác giả của những hành động tuyệt vọng. Kể từ khi có cải tổ kinh tế, chế độ Bắc Kinh đã cố gắng gìn giữ “xã hội hài hòa”, nhưng đến nay họ vẫn phải đối mặt với hai nguy cơ lớn nói trên: các phong trào ly khai và những người thất vọng với cải cách. Tuy vậy, chính quyền đã hành động một cách cứng rắn. Tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong quá khứ đã làm sống dậy những căng thẳng xã hội và cùng với nó là những rạn nứt bên trong xã hội. Mục tiêu của Trung Quốc là không làm mất tinh thần thêm tầng lớp nghèo khổ, chủ yếu là nông dân, đồng thời không để hé cánh cửa cho những động lực thúc đẩy ly khai. Mặc dù cho đến nay đã chứng tỏ có thể kiểm soát toàn bộ, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn nhớ như in những ký ức về thời kỳ Pháp Luân Công. Phong trào mang hơi hướng Phật giáo này, xuất hiện và phát triển đầu những năm 2000, đã làm chao đảo chế độ với việc thiết lập một vòng vây với hàng nghìn thành viên bao vây Trung Nam Hải. Tưởng chừng không có gì, nhưng những nhà hoạt động phi bạo lực đã chỉ cho toàn thế giới điểm dễ bị tổn thương của chế độ. Chính quyền đã thiết lập thêm nhiều biện pháp siết chặt sự kiểm soát, khóa Internet ngay sau khi phát hiện ra một nguy cơ. Thế nhưng cái phải trả giá cho hòa bình bề ngoài không thể giúp cho Trung Quốc tránh khỏi những mối đe dọa tức nước vỡ bờ mới. 

Liên minh châu Âu vẫn bị đe dọa? 

Hoặc là thành công huy hoàng, hoặc là đổ vỡ. Sau khi phải thắt lưng buộc bụng trong 4 năm, mất sức mua hàng hóa, thậm chí cả công việc, phải gồng mình lên chờ đợi các chính phủ tiền hậu bất nhất thực hiện các cải cách đau đớn, dư luận đã không còn kiên nhẫn được nữa. Người dân chờ đợi một đợt phục hồi kinh tế mới, đã xuất hiện nhưng còn yếu ớt. Khu vực đồng tiền chung euro gần như không thể chịu đựng nổi tình trạng thất nghiệp lên đến 12% dân số lao động và gần 25% giới trẻ dưới 25 tuổi. Nếu tăng trưởng kinh tế không quay lại, không biết những người dân thất vọng và nghèo đi sẽ còn tin tưởng vào chính phủ của họ cũng như vào Liên minh châu Âu, thường xuyên bị chỉ trích là bất lực, trong bao lâu nữa? Đã xuất hiện một vết rạn nứt giữa Đức, luôn muốn đưa ra các bài học và có xu hướng thu mình, và các nước phía Nam cắn răng chịu đựng các chính sách khắc khổ, chưa thấy tia hy vọng. Cuộc bầu cử nghị viện châu Âu sắp tới sẽ là cơ hội để người dân trút nỗi bực dọc. Theo đánh giá của các chuyên gia Quỹ nghiên cứu châu Âu của chúng ta (Notre Europe), các đảng phản đối sự hội nhập châu Âu có thể giành tới 25% số phiếu. Cho tới nay làn sóng dân túy đã bị đẩy lùi tại nhiều nước, nhưng ở Hy Lạp, Italy , Phần Lan, Anh, Hà Lan hay Pháp, khuynh hướng này lại có bước tiến đáng kể. Khủng hoảng kinh tế đã làm suy yếu các nền dân chủ. Chỉ cần một cuộc nổi dậy của người dân hoặc thành tích bùng nổ của một đảng dân túy cũng đủ gây mất ổn định cho một quốc gia và phát động một cơn sóng thần làm cả Khu vực đồng tiền chung euro chấn động. 

Nga vẫn là một mối đe dọa? 

“Một sức mạnh gây hại ở láng giềng và dai dẳng” , đó là nhận xét của cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine nói về nước Nga, phản ánh quan điểm của nhiều nhà quan sát phương Tây. Nga là nước sản xuất dầu khí lớn – đòn bẩy quan trọng trong các vấn đề quốc tế, đồng thời sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ hai thế giới. Moskva cũng thường xuyên phong tỏa các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhờ quyền phủ quyết. Nhưng Nga không có “sức mạnh mềm”, không có đồng minh thực sự ngoại trừ Armenia và Belarus, và có vẻ như thiếu khả năng triển khai xa lực lượng quân sự. Chiến dịch viễn chinh duy nhất của Nga sau thất bại tại Afghanistan là cuộc tấn công Grudia năm 2008, quốc gia bé hơn Nga đến 30 lần. Nếu như Nga từng ngăn cản xây dựng một giải pháp chính trị cho Syria từ năm 2011, thì nước này lại bất ngờ có một cử chỉ tạo ra lối thoát cho Barack Obama vào tháng 9, đồng thời có thái độ hợp tác trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Nga lo ngại cả những nước “láng giềng gần”, tức các nước thành viên khác của Liên bang Xôviết trước đây. Moskva đã phong tỏa hàng hóa nhập khẩu của Litva để tỏ ý đe dọa thái độ kiên quyết của nước này khi đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu. Nga cũng đe dọa Ucraine khi họ có xu hướng nghiêng về châu Âu, buộc Chính quyền Kiev phải chùn bước. Tuy vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy Vladimir Putin muốn mở rộng lợi ích chiến lược vượt ra ngoài phạm vi này. 

Sẽ có cơ chế quốc tế quản lý việc theo dõi trên không gian mạng? 

Những tiết lộ của Edward Snowden về quy mô của chương trình giám sát không gian mạng máy tính của Mỹ đã gây ra một nỗi lo ngại chung. Brazil, nước mà ngay cả Tổng thống Dilma Rousseff cũng bị nghe trộm điện thoại, đã triệu tập một hội nghị quốc tế vào tháng 4 vừa qua để thảo luận về vấn đề này. Trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, bà Dilma Rousseff nhấn mạnh: “Không tôn trọng đời sống riêng tư, sẽ không thể có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, đồng thời sẽ không có nền dân chủ. Không tôn trọng chủ quyền của một quốc gia, sẽ không thể có nền tảng cho quan hệ chừng mực giữa các nước”. Gần 500 nhà văn nổi tiếng, trong đó có 5 người đoạt giải Nobel, đã phát động một thỉnh nguyện thư yêu cầu Liên hợp quốc ban hành một văn bản bảo vệ quyền tự do kỹ thuật số của công dân. Hoạt động nghe trộm hiện nay khá phổ biến. Theo Justin Vaïsse, giám đốc Trung tâm phân tích, dự báo và chiến lược Bộ Ngoại giao Pháp, phương thức này sẽ “bổ sung cho hình thức chiến tranh truyền thống”. Ông cũng cho rằng sớm hay muộn cộng đồng thế giới sẽ phải thể chế hóa nó, tương tự như các quy tắc giải trừ vũ khí hạt nhân. “Ban đầu, các nước xây dựng lực lượng tấn công, sau đó người ta nhận ra rằng nước khác cũng hành động tương tự và họ nhận thấy cần phải đặt ra các chuẩn mực để bảo đảm có các quy tắc ứng xử phù hợp”. Liệu các quốc gia có thể xây dựng được mô hình quản lý hoạt động gián điệp mạng hay không? Xác định chuẩn mực như thế nào khi khái niệm tự do được mỗi nước giải thích theo một cách khác nhau? Và nếu có một chế độ kiểm soát, có nên trao quyền cho một cơ quan độc lập hay không? Một điều chắc chắn là, cuộc chiến chống khủng bố không phải là lý do đủ để biện minh cho việc nghe trộm một cách tùy tiện tất cả dư luận. 

Mỹ và Iran có thể hòa giải? 

Iran có sáu tháng để chứng tỏ nỗ lực của mình, hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc châu Âu và Mỹ nới lỏng từng bước các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại trừ cấm vận dầu mỏ. Tuy nhiên, thỏa thuận tạm thời đạt được tại Geneve ngày 24/11 giữa Tehran và nhóm P5+1 (5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) mới chỉ là giai đoạn khởi động. Một nhà ngoại giao tham gia đàm phán nhận xét thỏa thuận mới “cho phép ngăn chặn một cuộc khủng hoảng phổ biến vũ khí hạt nhân đe dọa khu vực và rộng hơn nữa”, nhưng việc giải quyết cuộng khủng hoảng Iran vẫn là vấn đề lớn đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo đánh giá của cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran giảm bớt sau gần 35 năm quan hệ song phương rơi vào trạng thái xung đột đã mở cánh cửa cho sự hòa giải giữa “quỷ Satan” và “nước Cộng hòa của các giáo sỹ” cũng như sự trở lại của Iran vào hệ thống quốc tế. Nhưng vẫn còn nhiều trở ngại ở phía trước. Tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ phải duy trì sức ép để thỏa thuận tạm thời mở đường cho việc phá hủy các cơ sở hạt nhân, nhất là nhà máy Arak . Ông cũng sẽ phải đối đầu với lực lượng Vệ binh Cách mạng vốn ít có xu hướng chấp nhận nhượng bộ, đồng thời tranh thủ thái độ trung lập của Giáo chủ Ali Khamenei. Bên cạnh đó, Barack Obama phải thuyết phục Quốc hội bãi bỏ lệnh trừng phạt mà không làm ảnh hưởng tới quan hệ với Israel . Cuộc chơi vẫn chưa kết thúc. 

Tương lai của Hồi giáo chính trị bị đe dọa? 

Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi bị quân đội phế truất, đảng Ennahda gặp khó khăn tại Tuynidi, Thủ tướng Erdogan và đảng Công lý và phát triển (AKP) bị thách thức tại Thổ Nhĩ Kỳ: năm 2013 là một năm xấu đối với cánh Hồi giáo chính trị. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là các phong trào Hồi giáo sẽ biến khỏi đời sống chính trị. Tại Ai Cập, bất chấp sự đàn áp dã man, hàng nghìn người chết hay bị bắt giữ, nhất là thất bại trong việc điều hành quốc gia Arập đông dân nhất, Anh em Hồi giáo với cánh chính trị là đảng Tự do và Công lý từng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử 2012 nay vẫn nhận được sự ủng hộ khá rộng rãi của người dân. Tại Tuynidi, đảng Ennahda, nổi lên thành tổ chức chính trị lớn nhất sau sự sụp đổ của nhà độc tài Ben Ali, đã cho thấy hạn chế của họ trong quá trình nắm quyền, nhưng bù lại đã chứng tỏ được sự mềm dẻo khi đạt được một thỏa thuận với phe đối lập. Người sáng lập của Ennahda, Rached Ghannouchi, một mặt công bố quyết định tổ chức một cuộc đối thoại dân tộc, mặt khác tuyên bố đảng này sẽ “không từ bỏ quyền lực mà chỉ từ bỏ chính phủ”. Tương tự, AKP không còn được coi là “nguồn cảm hứng” cho cánh Hồi giáo chính trị trong thế giới Arập, nhưng Recep Tayyip Erdogan vẫn là người có thế lực lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là chưa kể Iran, với việc Hassan Rouhani lên nắm quyền, đã chứng tỏ khả năng thích nghi để cố gắng bảo đảm sự tồn tại của chế độ các giáo sỹ. Cuộc đấu tranh truyền kỳ giữa thế tục và chủ nghĩa Hồi giáo để giành chính quyền sẽ không thể kết thúc vào năm 2014. 

Đinh Anh (gt)